Biểu Hiện Thần Kinh - Tâm Thần Trong Các Bệnh Nội Khoa
Có thể bạn quan tâm
Biểu hiện thần kinh – tâm thần trong các bệnh nội khoa
Lê Đức Hinh
Hội Thần kinh học Việt Nam
TÓM TẮT
Lĩnh vực của Thần kinh học và Tâm thần học đều thuộc y học tổng thể liên quan đến nội khoa, ngoại khoa cũng như các chuyên khoa khác. Thực tế cho thấy mọi bệnh nhân đều có ít nhiều dấu hiệu hoặc triệu chứng thần kinh hoặc tâm thần. Bài viết này đề cập tới một số biểu hiện thần kinh – tâm thần trong các bệnh nội khoa thường gặp trong lâm sàng.
ĐẶT VẤN ĐỀ
Thần kinh học và Tâm thần học là hai chuyên khoa y học có liên quan mật thiết với nhau trên cơ sở giải phẫu là hệ thần kinh của con người. Tuy nhiên nếu Thần kinh học nghiên cứu sự hoạt động của cơ thể trong môi trường thiên nhiên thì Tâm thần học chú trọng tới sự đáp ứng của con người trong môi trường xã hội. Lĩnh vực của hai chuyên khoa đều thuộc y học tổng thể, liên quan đến nội khoa, ngoại khoa cũng như các chuyên khoa khác. Thực tế cho thấy khi cơ thể con người mắc bệnh tật đều có ít nhiều dấu hiệu, triệu chứng thần kinh hoặc tâm thần vì cơ thể là một khối thống nhất.
Báo cáo này tập trung vào một số biểu hiện thần kinh – tâm thần trong các bệnh nội khoa. Phạm vi bệnh học nội khoa rất rộng nên trọng tâm dưới đây đề cập chủ yếu đến một số bệnh lý phổ biến thường gặp trong lâm sàng.
NHẮC LẠI CƠ SỞ GIẢI PHẪU – SINH LÝ – SINH HOÁ THẦN KINH
Hệ thần kinh là cơ quan phụ trách mọi hoạt động của cơ thể nên có thể ví như một bộ máy thông tin với các đặc điểm sau:
– Bộ máy thần kinh nằm giữa thân người và trên đỉnh bao gồm: hệ thần kinh trung ương, hệ thần kinh ngoại vi và hệ thần kinh thực vật. Các thành phần quan trọng của hệ thần kinh trung ương là đại não, tiểu não, thân não và tuỷ sống. Hệ thần kinh ngoại vi gồm các dây thần kinh sọ, các dây thần kinh gai và thần kinh tự trị. Hệ thần kinh thực vật còn gọi là hệ thần kinh tự trị vì kiểm soát mọi hoạt động không ý thức của cơ thể, điều hoà huyết áp, nhịp tim, nhu động ruột, chế tiết của tuyến, ra mồ hôi, giãn và co mạch. Hệ thực vật được chia ra hệ giao cảm và hệ phó giao cảm.
– Đơn vị cơ bản là tế bào thần kinh có chức năng chuyển dẫn thông tin, dẫn truyền mọi xung thần kinh; ngoài ra còn có các tế bào thần kinh đệm. Liên hệ giữa các tế bào thần kinh là khớp thần kinh, nơi các chất dẫn truyền thần kinh được giải phóng từ màng trước khe khớp thần kinh sang màng sau khe khớp.
– Các chất dẫn truyền thần kinh đã được mô tả gồm: acetylcholin, dopamin, serotonin, acid gamma – amino – butyric ( GABA), no-epinephrin, glutamat và peptid. Actylcholin liên quan đến trí nhớ và GABA liên quan đến hoạt động động kinh. Dopamin liên quan đến việc kiểm soát các động tác và bệnh loạn thần. Serotonin liên quan đến kiểm soát xung động và khí sắc.
– Hệ viền liên quan đến trải nghiệm cảm xúc. Một số cấu trúc của hệ viền đáng chú ý là: thể hạnh nhân liên quan đến kiểm soát tính công kích, lo âu, trí nhớ cảm xúc và có thể cả loạn thần; hồi hải mã đóng vai trò quan trọng trong trí nhớ giai đoạn. Vùng dưới đồi có nhiều kết nối với các nhân nội tạng ở thân não. Hồi đai là một phần của vòng Papez (bao gồm hồi hải mã – củ nhũ hình – nhân đồi thị trước – hồi đai – hồi hải mã). Hồi đai liên quan đến một số hoạt động của động vật có vú cấp cao như hành vi người mẹ, chơi đùa, đau và chú ý.
– Các hạt nhân vùng đáy là nhân đuôi, nhân bèo và cầu nhợt. Thể vân bao gồm nhân đuôi và nhân bèo. Các hạt nhân này thuộc thành phần các đường vòng của não chi phối các quá trình nhận thức và vận động. Đường vòng đối với hành vi cảm xúc liên quan đến thể vân cũng có các đường kết nối với hệ viền. Chất đen thể vân – nhân đuôi liên quan đến bệnh Parkinson. Ảnh hưởng của hệ viền đến các nhân vùng đáy não có tầm quan trọng lớn trong bệnh lý thần kinh – tâm thần.
– Hệ lưới phát động lên điều hoà sự tỉnh thức, chu kỳ thức – ngủ và hoạt động có ý thức.
– Vỏ não được đánh số thứ tự theo sơ đồ Brodmann. Hai bán cầu não với bốn thuỳ trán, đỉnh, chẩm và thái dương, được liên kết với nhau qua thể chai. Vỏ não đóng vai trò quan trọng đối với các chức năng vận động, cảm giác, thính giác, thị giác và ngôn ngữ.
– Tiểu não nằm sau và trên thân não. Có một số đường liên kết trực tiếp giữa tiểu não và hệ viền.
MỘT SỐ TRIỆU CHỨNG VÀ HỘI CHỨNG THẦN KINH – TÂM THẦN
Thần kinh
Những căn nguyên gây bệnh đối với hệ thần kinh dù rất khác nhau nhưng đều có thể gây ra hai hội chứng lâm sàng là:
– Hội chứng viêm (tức là có phản ứng của hệ thần kinh);
– Hội chứng liệt (là tình trạng tế bào thần kinh bị hủy hoại).
Hai hội chứng đó có thể xẩy ra độc lập hoặc kết hợp với nhau cho nên các biểu hiện lâm sàng thường rất đa dạng như rối loạn cảm giác, rối loạn vận động, rối loạn giác quan, rối loạn thực vật, rối loạn tâm trí. Các triệu chứng rối loạn trên có thể kết hợp với nhau trong những bệnh cảnh phức tạp, ví dụ như trong tai biến mạch não, viêm não, u não, chấn thương thần kinh v.v…
Tâm thần
Có rất nhiều dấu hiệu và triệu chứng liên quan đến khí sắc, cảm xúc, tư duy, trí tuệ, nhân cách, tác phong, hành vi của bệnh nhân. Những biểu hiện lâm sàng có thể riêng lẻ hoặc kết hợp với nhau trong bối cảnh của một bệnh nội khoa.
Nhiều bệnh cảnh đã được mô tả như: lo âu, buồn chán, sợ hãi, hưng cảm, trầm cảm, rối loạn tư duy, rối loạn trí nhớ, khí sắc và cảm xúc không ổn định, lú lẫn, ảo giác, ảo tưởng, hoang tưởng, kích động, ám ảnh, biến đổi nhân cách… Đáng chú ý một số dấu hiệu và triệu chứng trên có thể là phản ứng thứ phát của một số thuốc lạm dụng hoặc sau điều trị. Nói chung một số rối loạn tâm thần có thể gặp trong các bệnh động kinh, tai biến mạch não, chấn thương sọ não, u não, viêm não, bệnh Alzheimer, hội chúng và bệnh Parkinson, một số bệnh nội khoa v.v…
BIỂU HIỆN LÂM SÀNG TRONG MỘT SỐ BỆNH
Bệnh mạch máu – thần kinh
– Khởi phát của tai biến mạch não có thể là các cơn thiếu máu não thoáng qua thường diễn ra trong vòng 1 giờ nhưng có thể kéo dài không quá 24 giờ. Các dấu hiệu và triệu chứng xảy ra đột ngột như: bại hoặc liệt một chi hay nửa thân người, liệt mặt, rối loạn ngôn ngữ. Cũng có thể bị nhức đầu dữ dội, mất thăng bằng, rối loạn ý thức.
Nếu không được điều trị, bệnh cảnh trên có thể tái phát trong thời gian ngắn với các triệu chứng nặng nề, điển hình của bệnh mạch máu – thần kinh như nhồi máu não hoặc chảy máu não. Sau giai đoạn cấp tính, phần lớn các bệnh nhân có thể mang ít nhiều di chứng thần kinh như liệt nửa người, rối loạn cảm giác, rối loạn ngôn ngữ và rối loạn tâm trí.
– Khoảng một phần tư trường hợp số bệnh nhân sau đột quỵ não mắc trầm cảm và hơn một nửa bị trầm cảm lúc 12 tháng. Các đặc điểm triệu chứng trầm cảm ở thời điểm mới được phát hiện gồm: rối loạn giấc ngủ (92,1 – 98,7%), giảm tập trung chú ý ( 68,4%), ăn mất ngon miệng (64,5%), giảm sút tự trọng và tự tin (57,9%), bi quan (55,3%), có ý tưởng mắc tội (25%), có ý tưởng tự sát (2,6%) và có hành vi tự sát (1,3%). Một số biểu hiện khác là các triệu chứng cơ thể (100%), buồn chán (94,7%), lo lắng bồn chồn (80,3%), suy giảm nhận thức (5,3%). Các yếu tố liên quan đến trầm cảm sau nhồi máu não bao gồm: phản ứng cảm xúc của bệnh nhân, thái độ và sự hiểu biết về bệnh của bản thân bệnh nhân, bán cầu não bị tổn thương và bệnh đồng diễn.
– Ngoài trầm cảm, sa sút trí tuệ là vấn đề quan trọng liên quan đến đột quỵ não. Theo y văn, tai biến mạch não làm gia tăng nguy cơ sa sút trí tuệ lên gấp 4 – 12 lần. Ba tháng sau đột quỵ não, tỷ lệ sa sút trí tuệ có thể dao động từ 6% đến 30%. Tuy vậy, cũng có khoảng 10% bệnh nhân đã bị sa sút trí tuệ trước khi mắc tai biến mạch não lần đầu và 10% bệnh xuất hiện rất sớm ngay sau lần đột quỵ não đầu tiên. Ngoài ra hơn 1/3 bệnh nhân mắc sa sút trí tuệ sau đột quỵ não tái diễn.
Trong lâm sàng, cần phân biệt sa sút trí tuệ sau đột quỵ não với sa sút trí tuệ do mạch máu (vascular dementia). Các tổn thương mạch máu dưới vỏ não thường là các ổ nhồi máu nhỏ, ở sâu, lan tỏa, có biến đổi chất trắng và thiếu máu não cục bộ. Sa sút trí tuệ do mạch máu thường do nhồi máu não vùng chiến lược, có tổn thương thiếu máu não nhỏ ở nhiều khu vực, tác động tới các chức năng cao cấp của vỏ não. Trong bệnh mạch máu lớn hay thấy các dấu hiệu và triệu chứng thần kinh khu trú, suy giảm trí nhớ, rối loạn chức năng thực hiện; ít gặp rối loạn khí sắc và nhân cách không biến đổi. Trong bệnh mạch máu nhỏ, tổn thương khu trú ở vùng chiến lược dưới vỏ (ví dụ, đồi thị), 40% trường hợp không có dấu hiệu khu trú hoặc rất nhẹ nếu có và thường khu trú ở chi trên. Bệnh nhân bị suy giảm trí nhớ rõ rệt kèm theo rối loạn chức năng thực hiện, rối loạn nhân cách, trầm cảm, lo âu, cảm xúc không ổn định.
Bệnh đái tháo đường
Trong quá trình diễn biến của bệnh đái tháo đường có thể thấy xảy ra một số rối loạn ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp tới hệ thần kinh trung ương và ngoại vi. Các hội chứng lâm sàng thường là hậu quả của tình trạng mất bù chuyển hóa cấp tính, bệnh mạch máu não, một số nhiễm khuẩn và có khi liên quan đến một số rối loạn di truyền.
– Bệnh não tăng áp lực thẩm thấu không do nhiễm toan cêtôn dẫn đến hôn mê thường xảy ra ở người cao tuổi mắc đái tháo đường typ 2. Khi đường huyết tăng quá cao (40 – 80 mmol/1) kết hợp với tăng natri – huyết sẽ dẫn đến tăng áp lực thẩm thấu đáng kể. Bệnh nhân đôi khi kém tỉnh thức nhưng không bị sững sờ. Cơn co giật cục bộ hoặc toàn thể hóa có thể xảy ra nhưng hiếm khi có động tác loạn trương lực.
– Nhiễm toan cêtôn do đái tháo đường thường xảy ra trong đái tháo đường typ 1 là hậu quả trực tiếp của thiếu hụt insulin. Các yếu tố làm gia tăng tình trạng này là trạng thái mất nước và tăng quá mức các hormon gây tăng đường huyết (glucagon, adrenalin, corticoid). Trường hợp điển hình có thể phát hiện được một yếu tố làm bệnh nặng thêm như: nhiễm khuẩn, có thai, chấn thương, uống quá nhiều rượu, quên dùng các liều insulin, nhồi máu cơ tim, đột quỵ não, cường giáp, bệnh Cushing, sang chấn tâm lý, mắc một bệnh đồng diễn, hiếm gặp hơn là u tủy thượng thận. Đặc điểm lâm sàng là tăng đường huyết, mất nước, nhiễm toan, đau bụng, buồn nôn, rối loạn huyết động và rối loạn ý thức.
– Phù não là một biến chứng hiếm gặp nhưng có thể gây tử vong ở bệnh nhân nhiễm toan cêtôn do đái tháo đường trong khi đang điều trị. Phù não xảy ra trong vòng từ 8 đến 24 giờ sau khi được điều trị insulin với các dấu hiệu lâm sàng quá tăng áp lực trong sọ hoặc thoát vị não. Các yếu tố thúc đẩy có thể do điều chỉnh áp lực thẩm thấu quá nhanh hoặc do sử dụng muối nhược trương.
– Hạ đường huyết thường xảy ra ở bệnh nhân đang được điều trị insulin và ở một số trường hợp dùng quá liều sulphonylurea. Các triệu chứng hạ đường huyết xảy ra khi đường máu xuống dưới mức 3 mmol/1. Những dấu hiệu cảnh báo sớm là: run, đói, toát mồ hôi, trống ngực, ngứa râm ran môi và lưỡi, đôi khi nhức đầu. Nếu mức đường huyết giảm nhẹ, có thể thấy nói khó, nhìn một thành hai, rối loạn nhận thức nhẹ. Mức nặng hơn có thể biến đổi tác phong hành vi, kích thích, lú lẫn. Nếu mất ý thức sẽ bị co giật, liệt nửa người, tăng động, toát mồ hôi. Trên lâm sàng thường khởi phát với suy giảm nhận thức. Tổn thương giải phẫu bệnh hay thấy ở thùy thái dương và vỏ hải mã.
– Bệnh dây thần kinh do đái tháo đường được coi như biến chứng mạch máu nhỏ của đái tháo đường có thể biểu hiện nhiều hình thái khác nhau. Các hội chứng thường gặp trong cả hai typ 1 và 2. Các hội chứng đau xuất xứ thần kinh tự trị thường xảy ra ở bệnh nhân tuổi trung niên mắc typ 1 đã lâu còn các hội chứng bệnh một dây thần kinh hay gặp ở bệnh nhân cao tuổi mắc typ 2.
Trong bệnh (nhiều) dây thần kinh, tổn thương xâm phạm sợi trục cảm giác, đối xứng hai bên, gây đau bàn chân; cùng có khi triệu chứng nhẹ hoặc không rõ. Cần đề phòng loét bàn chân.
Bệnh dây thần kinh tự trị có thể gây hạ huyết áp tư thế, toát mồ hôi bất thường, liệt nhẹ dạ dày gây nôn nhiều, tiêu chảy ban đêm, liệt dương. (Cần cảnh giác khi gây mê vì có thể bị đột tử).
Bệnh rễ và dây thần kinh ở gốc chi và thân có thể xảy ra kết hợp với sụt cân ở bệnh nhân mắc đái tháo đường không phụ thuộc insulin. Nếu ở gốc chi sẽ gây yếu cơ tứ đầu và đau mặt trước đùi một bên; nếu ở vùng thân sẽ gây cảm giác đau từng đám. Được điều trị, bệnh thường khỏi sau vài tháng nhưng có thể tái phát ở 1/5 số bệnh nhân.
Bệnh viêm nhiều dây thần kinh mất myelin mạn tính xâm phạm các dây vận động và cảm giác có tính di truyền này có thể xảy ra phối hợp với bệnh dây thần kinh do đái tháo đường. Bệnh cảnh này thường gặp ở bệnh nhân mắc đái tháo đường với tỷ lệ cao hơn gấp mười lần so với người không mắc đái tháo đường.
Bệnh mạch máu não thường gặp là thể nhồi máu não, hậu quả của tình trạng nhồi máu não ổ khuyết trước đó. Nữ giới có nguy cơ mắc cao hơn nam giới và phần lớn ở độ tuổi 50 – 60. Nhồi máu não do thuyên tắc từ tim sau nhồi máu cơ tim thường có tỷ lệ cao trong đái tháo đường. Cần chú ý đặc biệt tới các cơn thiếu máu não thoáng qua.
Ngoài ra, một số rối loạn di truyền (các hội chứng Down, Klinefelter, Turner, Laurence – Moon – Bardet – Biedl, Prader – Willi, porphyrin – niệu, loạn dưỡng cơ tăng trương lực, v.v…) đôi khi kết hợp với đái tháo đường.
Bệnh hệ tiết niệu
– Bệnh não tăng urê – huyết xảy ra ở các bệnh nhân suy thận không điều trị hoặc điều trị bằng thẩm tách. Các triệu chứng sớm có thể kín đáo như mệt mỏi, vô cảm, kém tập trung. Quá trình tiến triển lâm sàng có đặc tính biến đổi hàng ngày hoặc thậm chí hàng giờ. Khi bệnh não nặng lên, cảm xúc bệnh nhân không ổn định, chóng quên, nhận thức sai, rối loạn giấc ngủ, suy yếu tư duy trừu tượng và biến đổi hành vi. Khám có thể thấy loạn trương lực cơ, có phản xạ nắm và phản xạ gan tay – cằm. Giai đoạn muộn có thể xuất hiện ảo thị, hoang tưởng, mất định hướng, kích động tiến triển sang sững sờ, hôn mê và co giật. Dấu hiệu gáy cứng có thể gặp ở 1/3 số bệnh nhân. Rung giật cơ nhiều vị trí và hiện tượng giật thõng (asterixis) cũng như run động trạng là đặc điểm của giai đoạn cuối của bệnh não tăng urê – huyết. Khi hôn mê, trương lực cơ thường tăng kèm tăng phản xạ, rung giật gót chân và có dấu hiệu duỗi ngón chân cái. 45% trường hợp có thể liệt nhẹ nửa người; liệt có khi luân lưu sang bên đối diện. Ngay ở bệnh nhân đã được lọc thận vẫn thường thấy suy giảm trí nhớ và rối loạn giấc ngủ. Nồng độ urê – huyết ít có liên quan với mức độ rối loạn thần kinh. Đôi khi xét nghiệm dịch não – tủy ở bệnh nhân tăng urê – huyết có thể phát hiện thấy viêm màng não vô khuẩn. Suy thận mạn tính có thể kết hợp với teo não.
– Bệnh dây thần kinh thường gặp ở 70% bệnh nhân được điều trị suy thận mạn tính. Biểu hiện ở ngọn chi, ưu thế sợi trục về vận động và cảm giác. Các dấu hiệu sớm là cảm giác nóng rát hoặc như bị bó ở bàn chân cũng như khó gấp bàn chân kèm mất phản xạ gót và giảm cảm giác rung. Về lâm sàng có thể gặp thể cảm giác hoặc vận động đơn thuần hoặc cả hai. Thể một dây như hội chứng ống cổ tay có khi do các hội chứng đoạt máu ở cánh tay. Tổn thương thần kinh tiền đình – ốc tai khá phổ biến với mức độ giảm thính lực khác nhau và đôi khi có thể bị điếc.
Bệnh gan
Biến chứng của suy gan cấp, bán cấp hoặc mạn tính là bệnh não do gan. Các dấu hiệu sớm nhất là biến đổi hành vi nhẹ, kín đáo. Các dấu hiệu thàn kinh biến đổi theo sự tiến triển của bệnh. Các đặc điểm là rối loạn chức năng ngoại tháo như ít biểu hiện nét mặt, cứng cơ, vận động chậm, nói chậm, run kiểu Parkinson và loạn động. Tăng trương lực cơ, tăng phản xạ, dấu hiệu Babinski có thể phát hiện được trước khi xuất hiện giảm trương lực cơ và phản xạ ở giai đoạn nặng. Cần chẩn đoán phân biệt bệnh não do gan với ngộ độc rượu và các hội chứng cai rượu, bệnh não Wernicke, hội chứng Korsakov, ngộ độc thuốc an thần, các bệnh não do rối loạn chuyển hóa, bệnh Wilson, máu tụ dưới màng cứng và các tổn thương não thực thể. Bệnh cảnh sảng rượu (delirium tremens) có thể xảy ra ở một bệnh nhân có bệnh gan do rượu tiềm ẩn.
Tác động của độc tố và thuốc
Một số trường hợp ngộ độc khí và kim loại nặng có biểu hiện thần kinh do rối loạn chức năng ty thể gây thiếu oxy tế bào hoặc do phát sinh các gốc tự do. Ngộ độc kim loại nặng sau khi bị phơi nhiễm từ vài tháng đến vài năm, hiếm khi là nguyên nhân gây bệnh não, hội chứng Parkinson, loạn trương lực. Ngộ độc mangan thể hiện là vô cảm, động tác chậm, các chi không yên tiến triển sang tăng phản xạ, căng cứng cơ, duỗi ngón chân cái, run tư thế, dáng bộ không ổn định; nặng hơn là loạn trương lực. Ngộ độc cyanua có thể dẫn đến triệu chứng Parkinson và loạn trương lực vì cyanua gây độc cho ty thể, gây thiếu oxy cho tế bào đặc biệt rất nhạy cảm đối với các nhân đáy não và trung tâm hô hấp ở thân não. Các trường hợp sống sót sau ngộ độc CO, sáu tháng sau vẫn có thể còn các biểu hiện ngoại tháp, loạn trương lực; tuy vậy khoảng 75% trường hợp có thể ổn định sau một năm.
Ngộ độc methanol có thể gây hội chứng Parkinson, loạn trương lực, mất thị lực và động tác chậm. Ngộ độc thủy ngân hữu cơ gây mất tế bào thần kinh dẫn đến mất thị lực, loạng choạng, dị cảm và rối loạn chức năng nhận thức; đôi khi thấy múa giật – múa vờn, hội chứng Parkinson, rối loạn tư thế. Ngộ độc thủy ngân vô cơ có thể gây bệnh não loạn thân và run. Sử dụng disulfiram và rượu quá liều cũng có thể gây loạn trương lực và bất động; sau khi thoát hôn mê có thể xuất hiện tâm lý – vận động chậm và hội chứng Parkinson; loạn trương lực chân, nói khó và co thắt mi mắt có khi kéo dài nhiều năm.
Một số thuốc gây loạn trương lực bao gồm: các thuốc kháng động kinh, thuốc chủ vận dopamin, thuốc an thần kinh, thuốc chống trầm cảm ba vòng, thuốc ức chế kênh canxi, diazepam, inderal, chloroxazon, cimetidin, bromazepam, sulpirid, domperidom, cocain, và amphetamin.
XỬ TRÍ LÂM SÀNG
Trong bối cảnh của một bệnh nội khoa đã hoặc chưa được xác định, ngoài thăm khám nội khoa cần kiểm tra lâm sàng thần kinh và tâm thần một cách hệ thống. Nếu cần, nên hội chẩn thêm với các chuyên khoa liên quan (tiêu hóa, cơ – xương – khớp, nội tiết…).
Về mặt cận lâm sàng, ngoài các xét nghiệm thường quy về huyết học, sinh hóa, vi sinh y học, X quang thường quy, còn phải tiến hành một số thăm dò chức năng như ghi điện tim, ghi điện não, ghi điện cơ. Các xét nghiệm hình ảnh học (chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ, siêu âm Doppler, v.v…) được tiến hành khi có chỉ định của chuyên khoa.
Trong quá trình điều trị, cùng với việc thực hiện các phương thức thiết yếu căn cứ vào bệnh cảnh lâm sàng, cần chú ý phục hồi chức năng theo bệnh trạng và không quên kết hợp liệu pháp tâm lý đối với bệnh nhân cũng như gia đình của bệnh nhân.
SUMMARY
NEURO – PSYCHIATRIC MANIFESTATIONS IN MEDICAL PATHOLOGY
LE DUC HINH
Vietnamese Association of Neurology
Neurology and Psychiatry are both related to medicine, surgery or other specialties. In fact, when someone is affected by a disease, he may present some neurologic or psychiatric signs or symptoms as the human body is an unified organism. This article will review some neuro – psychiatric manifestations observed in general medicine especially in some common disorders.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- ADA. Diabetes Care 2013, 38, suppl. 1.
- Cummings, JL, Trimble MR. Neuropsychiatry and behavioral Neurology, 2nd ed. Am Psych Publ Inc, 2003.
- Hankey GJ. Stroke. Churchill – Livingstone, 2002.
- Hughes Rac, Perkin GD (eds). Neurology and Medicine. BMJ 2002.
- IDF. Managing older people with type 2 diabetes. IDF 2013.
- Leys D, Henon H, et al. Post – stroke dementia. Lancet Neurol 2005, 4, 752 – 759
- Nguyễn Minh Tâm. Luận án Tiến sĩ Y học. Trường Đại học Y Hà Nội, 2015.
- Ropper AH, Samuels MA, Klein JP (eds).Adams and Victor’s Principles of Neurology, 10th ed. McGraw Hill edu, 2014.
- Sadock BJ, Sadock VA, Ruiz P (eds). Kaplan and Sadock’s Comprehensive. Textbook of Psychiatry ( 9th ed). Wolters Klower, Lippincott Williams and Wilkins.
Warlow C (ed). The Lancet Handbook of Treatment in Neurology Elsevier 2006.
Từ khóa » Các Bệnh Lý Thần Kinh Trung ương
-
Bệnh Thần Kinh Nguy Hiểm: Nguyên Nhân, Triệu Chứng
-
Hệ Thần Kinh Trung ương - Sanofi Việt Nam
-
Tổng Quan Về Bệnh Lý Hệ Thần Kinh Ngoại Vi - Cẩm Nang MSD
-
Bệnh Lý Thần Kinh Ngoại Biên Là Gì? | Vinmec
-
Các Nguyên Nhân Gây Nhiễm Trùng Hệ Thần Kinh Trung ương | Vinmec
-
Các Biến Chứng Hệ Thần Kinh Trung ương Và Các Dữ Liệu Về Chẩn ...
-
Thoái Hóa Hệ Thần Kinh Trung ương
-
Bệnh Do Virus Không điển Hình ở Hệ Thần Kinh Trung ương - Medlatec
-
Động Kinh | Não & Dây Thần Kinh (Chuyên Khoa Thần Kinh)
-
Một Số Bệnh Lý Thần Kinh Thường Gặp
-
8 Dạng Bệnh Tâm Lý Thần Kinh Thường Gặp Thời Hiện đại - Hello Bacsi
-
Nhiễm Khuẩn Hệ Thần Kinh Trung ương (chẩn đoán Và điều Trị)
-
Rối Loạn Thần Kinh Nhãn Khoa | Bệnh Viện Gleneagles, Singapore
-
Triệu Chứng Thần Kinh Của COVID Kéo Dài