BIỂU HIỆN VIÊM PHẾ QUẢN CẤP Ở NGƯỜI LỚN

Từ thanh quản trở xuống là khí quản, phế quản, tiểu phế quản và phế nang. Viêm phế quản phát triển khi có sưng và kích thích phế quản.

Hầu hết nguyên nhân gây viêm phế quản cấp là do virus, một số do vi khuẩn.

Viêm phế quản cấp là bệnh lý thường gặp nhất trong các nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính. Bệnh thường diễn tiến lành tính, không để lại di chứng.

Biểu hiện của bệnh viêm phế quản cấp:

Biểu hiện của viêm phế quản cấp thường dễ nhận biết, bệnh thường xuất hiện sau một đợt cúm (người bệnh có sốt, đau đầu, đau nhức mỏi người, đau rát họng, hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi). Sau đó bệnh nhân xuất hiện ho tăng dần, có thể ho đơn thuần không kèm khạc đàm, nhưng nhiều trường hợp có ho khạc đàm.

Một số rất ít trường hợp viêm phế quản cấp có khó thở, hoặc có sốt, thậm chí có đau ngực.

Hầu hết những người bị ho dai dẳng sau khi bị cảm lạnh không cần phải gặp bác sĩ. Bạn nên gặp bác sĩ nếu có bất kỳ điều gì sau đây:

● Ho không cải thiện sau 7 ngày hoặc kéo dài hơn 20 ngày

● Ho nặng hơn, kèm theo sốt mới, đàm đổi màu mới (có thể là dấu hiệu của viêm phổi đang phát triển)

● Đau ngực khi ho, khó thở hoặc ho ra máu.

● Ho kèm theo giảm cân không giải thích được

● Ho trên bệnh nền tim, phổi mạn tính.

● Ho dai dẳng ở người trên 75 tuổi.

● Sốt dai dẳng hoặc sốt mới.

Cần làm thêm các xét nghiệm nào để chẩn đoán bệnh viêm phế quản cấp

Hầu hết các trường hợp viêm phế quản cấp đều được chẩn đoán xác định nhờ việc thăm khám lâm sàng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp cần để phân biệt với một số bệnh khác như viêm phổi.. người bệnh cần được làm thêm một số xét nghiệm như

Chụp X quang phổi

Một số bệnh nhân được yêu cầu chụp X quang phổi khi có biểu hiện ho, khạc đàm và kèm thêm một trong các dấu hiệu sau: + Người bệnh có tuổi > 75. + Mạch > 100 lần/phút. + Thở > 24 lần/phút. + Nhiệt độ > 38 0C. + ran ẩm, nổ, hội chứng đông đặc khi thăm khám phổi.

Xét nghiệm tìm căn nguyên gây bệnh

Có rất ít bệnh nhân cần được làm xét nghiệm tìm căn nguyên gây viêm phế quản cấp, xét nghiệm tìm căn nguyên được chỉ định trong một số tình huống đặc biệt như:

- Thầy thuốc muốn xác định đặc điểm vi sinh gây bệnh viêm phế quản cấp ở địa phương đó, từ đó làm căn cứ để kê thuốc điều trị cho những trường hợp tiếp theo

- Những trường hợp chẩn đoán viêm phế quản cấp, được chỉ định điều trị kháng sinh, nhưng không thấy có hiệu quả. Trong trường hợp này, bệnh nhân cần được soi cấy đàm, để tìm vi khuẩn gây bệnh, từ đó xác định khả năng kháng thuốc, nhạy cảm thuốc kháng sinh của vi khuẩn , làm cơ sở kê đơn kháng sinh hợp lý.

Khoa Hô hấp- BV Đại học Y Dược TPHCMNguồn tin : http://www.hoihohaptphcm.org/index.php/benh-nhan/533-bieu-hien-viem-phe-quan-cap-o-nguoi-lon

Từ khóa » Chụp X Quang Viêm Phế Quản