Biểu Thuế Thu Nhập Cá Nhân Lũy Tiến Từng Phần 2022

Biểu thuế thu nhập cá nhân lũy tiến từng phần 2024 Thuế thu nhập cá nhân được khá nhiều người quan tâm, liên quan đến các vướng mắc như đối tượng nào phải nộp thuế, thu nhập bao nhiêu phải nộp thuế, trường hợp nào được miễn, giảm thuế... để giải đáp cho vấn đề này chúng ta cần nắm được quy định pháp luật về thuế và việc áp dụng biểu thuế thu nhập cá nhân lũy tiến từng phần. Qua bài viết này Luật Minh Gia tư vấn cụ thể như sau:

Mục lục bài viết

  • 1. Luật sư tư vấn biểu thuế thu nhập cá nhân
  • 2. Quy định về Biểu thuế thu nhập cá nhân lũy tiến từng phần
  • 3. Tư vấn tính mức thuế thu nhập cá nhân theo quy định pháp luật
    1. 3.1 - Đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân
    2. 3.2 - Căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân
  • 4. Dịch vụ Luật Minh Gia tư vấn trong lĩnh vực pháp luật Thuế

1. Luật sư tư vấn biểu thuế thu nhập cá nhân

Hiện nay, pháp luật thuế đã có các quy định khá cụ thể và chi tiết về các loại thuế, đối tượng nộp thuế, điều kiện nộp thuế. Tuy nhiên nếu bạn còn vướng mắc liên quan đến biểu thuế thu nhập cá nhân lũy tiến từng phần hoặc các quy định liên quan đến việc đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, ấn định thuế và các thủ tục liên quan đến hoàn thuế, miễn thuế, giảm thuế thì bạn có thể liên hệ với Luật sư của chúng tôi để được giải đáp.

Bên cạnh đó, bạn có thể tham khảo thêm về biểu thuế thu nhập cá nhân lũy tiến từng phần dưới đây.

2. Quy định về Biểu thuế thu nhập cá nhân lũy tiến từng phần

Thuế suất thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công được áp dụng theo Biểu thuế thu nhập cá nhân luỹ tiến từng phần quy định tại Điều 22 Luật Thuế thu nhập cá nhân, cụ thể như sau:

Các chỉ tiêu gồm:

Bậc thuế - Phần thu nhập tính thuế/năm - Phần thu nhập tính thuế/tháng (triệu đồng) - Thuế suất (%) tương ứng như sau:

Bậc 1 - Đến 60 (triệu đồng) - Đến 5 (triệu đồng) - 5%

Bậc 2 - Trên 60 - Trên 5 đến 10 - 10%

Bậc 3 - Trên 60 đến 120 - Trên 10 đến 18 - 15%

Bậc 4 - Trên 216 đến 384 - Trên 18 đến 32 - 20%

Bậc 5 - Trên 384 đến 624 - Trên 32 đến 52 - 25%

Bậc 6 - Trên 624 đến 960 - Trên 52 đến 80 - 30%

Bậc 7 - Trên 960 - Trên 80 - 35%

---

3. Tư vấn tính mức thuế thu nhập cá nhân theo quy định pháp luật

Câu hỏi:

Thưa luật sư - Công ty luật Minh Gia cho mình hỏi, mình đăng ký vốn kinh doanh hộ cá thể 100 triệu, nếu mình có thu nhập trên 100 triệu đồng 1 tháng thì ngoài các mức thuế khoán có phải đóng thuế thu nhập cá nhân không, và thuế thu nhập cá nhân sẽ được tính như thế nào?

Trả lời:

Cảm ơn anh đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của anh chúng tôi tư vấn như sau:

Theo quy định có rất nhiều loại thuế sẽ phát sinh tùy vào sản phẩm và phạm vi kinh doanh của doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Anh cần lưu ý thường xuyên theo dõi cập nhật thông tin, tới cơ quan thuế tại nơi có cơ sở kinh doanh để tìm hiểu thêm thông tin về cơ sở kinh doanh của mình.

- Đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân

Khoản 1 Điều 2 Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007 sửa đổi bổ sung năm 2012 quy định:

“Điều 2. Đối tượng nộp thuế

1. Đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân là cá nhân cư trú có thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 3 của Luật này phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam và cá nhân không cư trú có thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 3 của Luật này phát sinh trong lãnh thổ Việt Nam.….”

Khoản 1 Điều 3 cũng quy định:

"Điều 3: Thu nhập chịu thuế

Thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân gồm các loại thu nhập sau đây, trừ thu nhập được miễn thuế quy định tại Điều 4 của Luật này:

1. Thu nhập từ kinh doanh, bao gồm:

a) Thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ;

b) Thu nhập từ hoạt động hành nghề độc lập của cá nhân có giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật …”

Do vậy, anh là đối tượng phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

- Căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân

Căn cứ tính thuế được văn bản pháp luật quy định chi tiết. Anh có thể tham khảo quy định tại Thông tư 111/2013/TT-BTC hướng dẫn thực hiện luật thuế thu nhập cá nhân và trường hợp minh họa tính thuế sau:

“Điều 7. Căn cứ tính thuế đối với thu nhập chịu thuế từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công

Căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ kinh doanh và thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập tính thuế và thuế suất, cụ thể như sau:

1. Thu nhập tính thuế được xác định bằng thu nhập chịu thuế theo hướng dẫn tại Điều 8 Thông tư này trừ (-) các khoản giảm trừ sau:

a) Các khoản giảm trừ gia cảnh theo hướng dẫn tại khoản 1, Điều 9 Thông tư này.

b) Các khoản đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện theo hướng dẫn tại khoản 2, Điều 9 Thông tư này.

c) Các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học theo hướng dẫn tại khoản 3, Điều 9 Thông tư này.

2. Thuế suất

''Xem quy định biểu thuế lũy tiến từng phần thu nhập cá nhân tại phần (2)''

3. Cách tính thuế

Thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công là tổng số thuế tính theo từng bậc thu nhập. Số thuế tính theo từng bậc thu nhập bằng thu nhập tính thuế của bậc thu nhập nhân (×) với thuế suất tương ứng của bậc thu nhập đó.”

Ví dụ : Bà C có thu nhập từ tiền lương, tiền công trong tháng là 40 triệu đồng và nộp các khoản bảo hiểm là: 7% bảo hiểm xã hội, 1,5% bảo hiểm y tế trên tiền lương. Bà C nuôi 2 con dưới 18 tuổi, trong tháng Bà C không đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học. Thuế thu nhập cá nhân tạm nộp trong tháng của Bà C được tính như sau:

- Thu nhập chịu thuế của Bà C là 40 triệu đồng.

- Bà C được giảm trừ các khoản sau:

+ Giảm trừ gia cảnh cho bản thân: 9 triệu đồng

+ Giảm trừ gia cảnh cho 02 người phụ thuộc (2 con):

3,6 triệu đồng × 2 = 7,2 triệu đồng

+ Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế:

40 triệu đồng × (7% + 1,5%) = 3,4 triệu đồng

Tổng cộng các khoản được giảm trừ:

9 triệu đồng + 7,2 triệu đồng + 3,4 triệu đồng = 19,6 triệu đồng

- Thu nhập tính thuế của Bà C là:

40 triệu đồng - 19,6 triệu đồng = 20,4 triệu đồng

- Số thuế phải nộp:

Cách 1: Số thuế phải nộp tính theo từng bậc của Biểu thuế lũy tiến từng phần:

+ Bậc 1: thu nhập tính thuế đến 5 triệu đồng, thuế suất 5%:

5 triệu đồng × 5% = 0,25 triệu đồng

+ Bậc 2: thu nhập tính thuế trên 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng, thuế suất 10%:

(10 triệu đồng - 5 triệu đồng) × 10% = 0,5 triệu đồng

+ Bậc 3: thu nhập tính thuế trên 10 triệu đồng đến 18 triệu đồng, thuế suất 15%:

(18 triệu đồng - 10 triệu đồng) × 15% = 1,2 triệu đồng

+ Bậc 4: thu nhập tính thuế trên 18 triệu đồng đến 32 triệu đồng, thuế suất 20%:

(20,4 triệu đồng - 18 triệu đồng) × 20% = 0,48 triệu đồng

- Tổng số thuế Bà C phải tạm nộp trong tháng là:

0,25 triệu đồng + 0,5 triệu đồng + 1,2 triệu đồng + 0,48 triệu đồng = 2,43 triệu đồng

Cách 2: Số thuế phải nộp tính theo phương pháp rút gọn:

Thu nhập tính thuế trong tháng 20,4 triệu đồng là thu nhập tính thuế thuộc bậc 4. Số thuế thu nhập cá nhân phải nộp như sau:

20,4 triệu đồng × 20% - 1,65 triệu đồng = 2,43 triệu đồng

---

4. Dịch vụ Luật Minh Gia tư vấn trong lĩnh vực pháp luật Thuế

- Luật sư tư vấn pháp luật liên quan đến Thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế Giá trị gia tăng, các loại thuế khoán, quy định pháp luật về quản lý thuế và các loại thuế, lệ phí khác theo quy định pháp luật;

- Tư vấn Quy định pháp luật liên quan đến Đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, ấn định thuế;

- Tư vấn quy định pháp luật Thuế liên quan đến Thủ tục hoàn thuế, miễn thuế, giảm thuế;

Từ khóa » Cách Tính Lũy Tiến Thuế Tncn