Biểu Tượng Cá Koi Trong Văn Hoá "xứ Phù Tang" - Tour Nhật Bản

Trong văn hoá Nhật Bản, cá Koi tượng trưng cho khát vọng, tinh thần dũng cảm, và sức mạnh vượt qua mọi khó khăn gian khổ. Hình tượng cá chép còn mang nhiều tầng ý nghĩa khác từ văn hóa đến thẩm mĩ cũng như cả các lễ hội truyền thống hay ẩm thực,…

Cá Koi có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng khi được người Nhật lai giống thì tạo thành một giống cá hoàn toàn khác. Cá chép Koi được người Nhật lai tạo nhân giống đầu tiên tại đảo Niigata. Cá chép lai tạo có tên gọi là “Nishikigoi” (cá chép nhiều màu sắc).

Đầu thế kỷ 20, năm 1914, để tôn vinh Hoàng tử Hirohito, Nhật Bản đã cho triển lãm giống cá chép Koi đầu tiên tại Tokyo. Từ đó, đảo Niigata chính thức được mang tên Niigata Koi. Từ đây, những chú chép Koi với 2 màu chủ đạo “đỏ và trắng” được tôn vinh và mua bán rộng rãi. Từ “Koi” theo tiếng Nhật là “cá chép”, và người Nhật dùng Koi là tên gọi chung cho tất cả các loại cá chép lai tạo.

Mỗi chú cá Koi kể từ khi sinh ra có thể sống đến 100 tuổi. Cá Koi chỉ có 4 màu cơ bản là: trắng, đỏ, vàng, xám bạc và còn tùy theo cách phân bổ màu sắc trên mình mà người ta chia làm nhiều loại khác nhau như: Kohaku, San Showa, Ogon, Kin – Showa, Hi – Utsuri, Shusui…

Hiện nay, Ở Nhật Bản, cá Koi được nuôi rất nhiều để làm cảnh. Một khu vườn điển hình của người Nhật luôn phải có hồ nước để nuôi cá Koi. Cá chép Koi với đủ màu sắc sáng rực như trắng, vàng, cam và ngay cả màu như vải in hoa,… là yếu tố không thể thiếu để tạo nên cảnh quan kiến trúc vườn. Sự hiện diện của chúng làm cho quang cảnh hồ nước thêm sinh động. Trong hồ, người ta thường thả nhiều giống cá Koi đủ kích cỡ và hoa văn. Không chỉ nuôi cá, việc thiết kế không gian nuôi như ao cá, cây cảnh, hòn non bộ,… cũng là cả một sự đầu tư công sức lẫn thời gian của người chơi, đưa thú vui này lên một tầm nghệ thuật cao.

Cá Koi gây ngạc nhiên không chỉ bởi vẻ đẹp mà nó còn mang nhiều ý nghĩa tốt lành khi chúng gắn liền với nhiều câu chuyện thần thoại. Câu chuyện về cá Koi nói rằng nó là một loài cá rất dũng cảm, chúng luôn khát khao được vượt thác hóa rồng nhưng nếu chẳng may bị bắt thì cũng sẽ như nằm trên thớt mà không biết run rẩy, giống như đội quân Samurai của Nhật Bản đối mặt với gươm đao. Cũng đề tài này quay về thời Trung Quốc cổ đại, truyền thuyết kể rằng, xưa kia có đến hàng nghìn con cá chép cùng nhau bơi ngược sông Hoàng Hà, chúng kết hợp với nhau để tạo nên một sức mạnh phi thường có thể đẩy ngược cả dòng nước siết nhưng khi đến ngọn thác lớn Vũ Môn thì đã có rất nhiều con cá đã bỏ cuộc bởi ngọn thác chảy cuồn cuộn tung bọt trắng xóa. Một số con cá chép còn lại đã cố gắng kiên trì, cố gắng vượt qua dòng thác và cuối cùng để thưởng cho công sức của những con cá này mà các vị thần đã biến nó thành một con rồng vàng to lớn oai phong. Từ truyền thuyết này mà Nhật Bản đã đưa cá chép Koi vào trong văn hóa cũng như tín ngưỡng của mình và luôn nhắc nhở con người phải luôn có ước vọng lớn lao, sức mạnh và phải có lòng kiên trì không được nản trí trước mọi khó khăn.

Trong văn hoá Nhật Bản, cá Koi chính là biểu trưng cho một sức sống mạnh mẽ và tràn đầy năng lượng, như khả năng bơi ngược dòng chảy để đẻ trứng. Nó là biểu tượng của sự thành đạt và dũng cảm, lòng kiên nhẫn vượt qua thử thách khó khăn trong cuộc sống.

Và cũng chính vì cá Koi là biểu tượng trong văn hóa Nhật Bản nên từng màu sắc của loài cá này cũng có một ý riêng. Với loài Kohaku có thân trắng và đốm đỏ thì mang ý nghĩ thành công trong sự nghiệp. Với loài Yamabuki – có màu vàng thì mang ý nghĩa giàu có. Với loài Ogon có thân màu bạc thì lại mang ý nghĩa khác đó chính là thành công trong kinh doanh và sự giàu có. Với loài Kuchibeni với thân màu trắng kết hợp đốm đỏ quanh môi thì thể hiện tình yêu và các mối quan hệ lâu dài. Với loài Kumonryu với thân trắng kết hợp với đốm đen hoặc đen toàn bộ thì lại có ý nghĩa là cuộc sống luôn thay đổi.

Loài cá này còn là một trong những biểu tượng hình xăm phổ biến nhất và đẹp nhất của “xứ Phù Tang” bởi theo quan niệm, chúng là một biểu tượng của cái đẹp và cũng là biểu trưng cho tính cách nam tính của đàn ông.

Hình tượng cá Koi sẽ mang ý nghĩa tốt đẹp hơn khi kết hợp với biểu tượng Hoa sen. Hoa sen mang trong mình sự thanh cao, dù mình mọc lên từ bùn đen dơ bẩn nhưng vẫn mang một vẻ đẹp tinh khiết, tỏa hương thơm ngát. Còn cá chép Koi hóa rồng lại biểu tượng cho hình ảnh sự biến đổi, tái sinh sau những khó khăn thử thách. Khi hình ảnh này kết hợp với nhau thì nó sẽ mang ý nghĩa tốt đẹp hơn không chỉ về những nỗi đau, sức sống mãnh liệt mà còn thể hiện ở sự tái sinh.

Trong ẩm thực “xứ Phù Tang”, những chú cá chép Koi luôn được đưa vào. Với đôi bàn tay tinh luyện, tỉ mỉ của những đầu bếp thì những chú cá như đang bơi lội tung tăng đầy tinh tế và thú vị.

Hình ảnh cá Koi cũng xuất hiện trong các lễ hội văn hoá của Nhật Bản, điển hình như lễ hội Koinobori (lễ hội của các bé trai). Thời gian diễn ra lễ hội vào ngày mùng 5 tháng 5 hàng năm, vào thời gian này, các gia đình sẽ bắt đầu treo cờ cá chép làm bằng vải hoặc giấy, tiếng Nhật gọi là Koi-nobori. Những màu sắc sặc sỡ của những chú cá Koi được treo ở khắp mọi nơi và mang trong mình mơ ước những đứa trẻ sẽ lớn lên khỏe mạnh, kiên cường giống như hình tượng cá vượt vũ môn hóa rồng.

Nếu có dịp du lịch Nhật Bản, hãy một lần ngắm nhìn đàn cá Koi bơi lội dưới dòng nước trong veo, từ tốn thưởng thức phong cảnh rồi lắng nghe câu chuyện về một loài cá đặc biệt, chắc chắn du khách cũng sẽ tìm được sự đồng điệu trong tâm hồn và gắn kết với đất nước này.

Post Views: 251

Từ khóa » Cá Chép Koi Biểu Tượng May Mắn