Biểu Tượng Lợn Heo Trong Ngôn Ngữ Và Tâm Thức Văn Hóa Việt
Có thể bạn quan tâm
Lợn/heo từ ký mã ngôn ngữ…
Trong giao tiếp, con lợn được định danh bằng các tên gọi khác nhau trong các ngôn ngữ khác nhau. Tiếng Việt có nhiều từ được dùng để gọi tên loài vật này: lợn, heo, cúi, thỉ, trư… chưa kể hàng chục tổ hợp từ phái sinh từ chính các từ cơ bản này.
Từ góc nhìn đồng đại, lợn là một từ thuần Việt, được dùng để chỉ loài động vật thuộc nhóm lục súc quen thuộc… Phương ngữ Nam Bộ gọi lợn là heo. Từ góc độ lịch đại và từ nguyên học, lợn/heo được lý giải trong mối quan hệ với thỉ, cúi và Hợi (trong 12 con giáp). Theo học giả An Chi, xét về văn tự học thì hợi là một biến thể của chữ thỉ có nghĩa là heo(1). Theo cách giả thuyết này thì năm Hợi ứng vào vật cầm tinh là con heo/lợn. Bởi lẽ, xét theo tự hình thì chữ hợi là một biến thể lược nét của chữ thỉ. Cách đặt vấn đề của học giả An Chi muốn khẳng định rằng tên 12 con giáp có nguồn gốc Trung Hoa.
Tranh con giáp. THÂN TRỌNG DŨNG |
Với hướng nghiên cứu tìm hiểu nguồn gốc Việt Nam của 12 con giáp, Nguyễn Cung Thông(2) cho rằng: Hợi/Hãi 亥 có âm cổ hơn là *kui/kôi hay là cúi (heo/lợn - tiếng Mường vẫn còn dùng). Nói cách khác tên gọi 12 con giáp như Hợi (âm Hán trung cổ) có khả năng là tiếng Việt (cổ) nhập vào tiếng Hán (cổ). Sau đó, khi văn hóa Trung Quốc khởi sắc (Hán, Đường) thì tên 12 con giáp lại nhập ngược vào ngôn ngữ Việt Nam với cách đọc phù hợp với hệ thống âm thanh Hán trung cổ, tương tự như đa số các âm Hán Việt khác, tuy cúi không còn dùng để chỉ lợn/heo trong tiếng Việt hiện đại.
… đến hàm nghĩa biểu trưng xuyên văn hóa
Theo Jacques Gernet(3) trong La Chine ancienne (P.U.F. Paris, 1964), “lợn, chó và gà đã được tổ tiên của người Trung Hoa thuần dưỡng từ thời văn hóa Ngưỡng Thiều (khoảng 5.000 đến 3.000 năm trước CN)”. Điều này cho thấy, heo là một trong những con vật có một mối liên hệ lâu đời nhất với con người, không chỉ người châu Á mà còn cả châu Âu và các nền văn minh khác.
Sự thân thiết giữa cấu trúc gia đình và loài lợn trong xã hội Trung Hoa ngày xưa còn phản ánh qua cách viết chữ gia (nhà), giọng Bắc Kinh bây giờ là jiā, bộ miên (nóc nhà) và chữ thỉ (con heo) ở dưới. Tuy nhiên, nói như tác giả Đặng Tiến(4), “không nên hiểu đơn giản là người Tàu ngày xưa đồng hóa ngôi nhà với chuồng lợn, nhưng nhất định là có tương quan giữa con lợn và văn hóa loài người, trong thực tế và trong tâm thức”.
Xét từ mẫu gốc văn hóa, Chevalier cho rằng lợn là biểu tượng rất phổ quát cho các xu huớng đen tối duới mọi hình thức: ngu dốt, thờ phụng cái dạ dày, dâm dật và ích kỷ(5). Trung Quốc xem lợn là hình ảnh tốt đẹp, may mắn và phồn thịnh nhưng cũng lên án nó bằng một Trư Bát Giới tham tài háo sắc. Văn hóa phương Tây cũng không xem con lợn mang một ý nghĩa biểu trưng tích cực.
Trong tiếng Anh, từ pig (con lợn) thường có nhiều hàm nghĩa xấu, tiêu cực như chỉ kẻ tham lam (pig: a person who is greedy); chỉ những khuyết điểm của con người (béo như lợn: as fat as a pig); chỉ sự ăn uống thô tục (ăn như lợn: eat like a pig/make a pig of oneself); chỉ sự ngu ngốc (ngu như lợn: as stupid as a pig); chỉ những việc vô nghĩa (put lipstick on a pig)…
Ý nghĩa năm Hợi trong đời sống văn hóa Việt
Con lợn/con heo trong tâm thức người Việt là một biểu tượng đa hình đa diện, vừa tiêu cực vừa tích cực. Dựa vào đặc tính của con vật này trong đời sống, hình ảnh “lợn” trong thành ngữ tiếng Việt thường mang sắc thái tiêu cực. Để chỉ khuyết điểm của con người như to béo, người Việt nói Béo như lợn/ Béo như heo; chỉ người ham ăn tục uống người Việt dùng hình ảnh Ăn như lợn/ Ăn như heo; chỉ sự ngu ngốc người Việt cũng liên tưởng đến lợn khi nói Ngu như lợn/ Ngu như heo.
Ngay cả những tập tính ít thấy của loài lợn cũng trở thành hình ảnh biểu trưng trong tư duy của người Việt. Đó là hàm nghĩa về sự ganh ghét qua cách nói Lợn chê chó có bọ; hàm nghĩa về sự nghênh ngang qua cách nói Heo chết không sợ nước sôi; thậm chí biểu trưng cho nguyên nhân của những chuyện lộn xộn như Lợn chẳng cào chó nào lại sủa; hay biểu trưng cho những việc làm vô nghĩa kiểu Lợn trong chuồng thả ra mà đuổi dùng để nhắc mọi người là chớ có làm những việc không đâu kẻo lại mất công chạy chữa(6). Vì không khéo lại rơi vào tình cảnh Lợn lành chữa thành lợn què(7).
Có thể nói, bên cạnh những hàm nghĩa biểu trưng tiêu cực nói trên, trong tâm thức văn hóa Việt, biểu tượng lợn/heo vẫn mang nhiều hàm nghĩa biểu trưng tích cực. Đối với người Việt, lợn vẫn là con vật nuôi gần gũi, hiền lành, mang giá trị kinh tế cao với nền nông nghiệp “trọng tĩnh”, có tính định cư cao. Lợn/heo thường biểu trưng cho sự sung túc, no ấm và an nhàn.
Tục ngữ có nhiều câu hàm nghĩa biểu trưng này như Giàu nuôi lợn nái; khó nuôi chó cái gà con, khi giàu có thì nên nuôi lợn nái (tuy vốn lớn nhưng lãi cũng lớn); khi nghèo khó thì nên nuôi chó cái và gà con (để sớm có lãi mà vốn liếng lại chẳng cần nhiều)(8); Muốn giàu thả cá; muốn khá nuôi heo; hay câu Giàu nuôi chó; khó nuôi heo. Lợn cũng là biểu tượng của miếng ăn ngon qua cách nói Lợn giò, bò bắp; Đầu gà, má lợn. Ngoài ra, Lợn biểu trưng cho hàng hóa có thể mua bán, kinh nghiệm chăn nuôi: Lợn ăn xong lợn nằm lợn béo, lợn ăn xong lợn réo lợn gầy; Mua heo chọn nái, mua gái chọn dòng; Lợn rọ, chó thui; Lợn chuồng chái, gái cửa buồng; Lợn đầu, cau cuối.
Trong văn hóa Việt, lợn/heo thường biểu trưng cho sự sung túc, no ấm và an nhàn. TRONG ẢNH: Con lợn/heo trong tranh dân gian. |
Với những hàm nghĩa biểu trưng tích cực 0 như vậy, tranh dân gian Đông Hồ đều vẽ con lợn/con heo trong tranh Tết, coi đó là con vật mang lại may mắn trong năm, thể hiện sự sung mãn, phồn thực, vui vẻ hạnh phúc. Đặng Tiến rất chí lý khi cho rằng: Tranh gà lợn Đông Hồ là một nét đặc biệt của nghệ thuật Việt Nam, không biết đặt vào đâu trong những dòng văn hóa địa phương hay thế giới(9). Có lẽ, với sự biểu đạt bằng hình tượng gà, lợn trong tranh dân gian đã tạo nên một mã thẩm mỹ riêng của dòng tranh dân gian Việt như lời thơ của thi sĩ Hoàng Cầm: Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong. Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp.
Ngẫm về biểu tượng lợn/heo trong ngôn ngữ và văn hóa của người Việt chính là dịp để hiểu đúng hơn, sâu hơn các ý niệm về con vật cầm tinh năm Hợi, rất gần gũi và thân quen trong tâm thức người Việt. Sự ý niệm hóa hình ảnh loài vật này phải được hiểu từ ngôn ngữ biểu tượng, chứ không thể Nói toạc móng heo một cách thông tục.Từ ngôn ngữ đến văn hóa để giải mã biểu tượng lợn/heo là sự thiêng hóa về biểu tượng được ký thác trong đời sống văn hóa Việt.
PGS.TS TRẦN VĂN SÁNG
(1) An Chi, Từ thập nhi chi đến 12 con giáp, Nxb Tổng hợp TP.HCM, 2018,tr.259.
(2) Xem thêm: Nguyễn Cung Thông, Nguồn gốc Việt Nam của 12 con giáp: Hợi, cúi, heo, lợn (phần 5), nguồn: https://dongtac.hncity.org
(3) Dẫn theo An Chi, Sđd, tr.8.
(4) Đặng Tiến, Con heo Đinh Hợi, nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese.
(5) Chevalier, Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Nxb Đà Nẵng, 1997, tr.528.
(6) Nguyễn Đức Dương, Sđd, tr.527/.
(7) Vũ Dung, Vũ Quang Hào, Vũ Thúy Anh, Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam, Nxb Văn hóa, 2000, tr.521 (8) Nguyễn Đức Dương, Sđd, tr.404. (9) Đặng Tiến, Con heo Đinh Hợi, nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese.
Từ khóa » Tìm Hiểu Về Con Heo
-
Hình Tượng Con Lợn Trong Văn Hóa – Wikipedia Tiếng Việt
-
Lợn Nhà – Wikipedia Tiếng Việt
-
Những Thông Tin Hữu ích Về Con Heo Có Thể Bạn Chưa Biết
-
Tổng Hợp Thông Tin Về Các Loài Heo đặc Trưng Tại Việt Nam
-
Bài Văn Mẫu Lớp 8: Thuyết Minh Về Con Lợn
-
Thuyết Minh Về Con Lợn, Con Heo ❤️️15 Bài Văn Mẫu Hay Nhất
-
Những Thông Tin Hữu ích Về Con Heo Có Thể Bạn Chưa Biết - Vitinfo
-
Những điều Có Thể Bạn Chưa Biết Về Loài Heo
-
Những điều Có Thể Bạn Chưa Biết Về Lợn - BBC News Tiếng Việt
-
Tìm Hiểu Về Heo Mọi - Mua Heo Mọi Con Làm Giống ở đâu?
-
Phân Loại Thức Ăn Cho Heo Trong Mô Hình Chăn Nuôi Heo Hộ Gia ...
-
Con Heo Rừng Có Những Tập Tính Nào Bạn Cần Lưu ý?
-
Kinh Nghiệm Về Cách Nuôi Heo Con Mau Lớn