Bình đẳng Giới Trong Lĩnh Vực Chính Trị ở Việt Nam

1. Quan điểm của Đảng và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị

Quan điểm “nam - nữ bình quyền” đã được khẳng định trong Cương lĩnh chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930. Quan điểm của Đảng ta về phụ nữ tham chính cũng được thể hiện rõ qua các văn bản quy phạm pháp luật về công tác cán bộ nữ của qua các thời kỳ. Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã nhấn mạnh: xây dựng, phát triển vững chắc đội ngũ cán bộ nữ tương xứng với vai trò to lớn của phụ nữ là yêu cầu khách quan, là nội dung quan trọng trong chiến lược công tác cán bộ của Đảng.

Việt Nam đã cam kết thúc đẩy sự tham gia và đại diện của phụ nữ trong lĩnh vực tham chính thông qua việc phê chuẩn các công ước quốc tế quan trọng, như: Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW); Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá; Công ước về quyền chính trị và dân sự năm 1982; Công ước cơ bản của ILO về bình đẳng; Tuyên bố Cương lĩnh hành động Bắc Kinh (1995)… là sự khẳng định nâng cao quyền năng cho phụ nữ, thúc đẩy sự tham gia đầy đủ của phụ nữ trên cơ sở bình đẳng trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, kể cả tham gia vào quá trình ra quyết định và tiếp cận quyền lực.

Quán triệt quan điểm của Đảng, nguyên tắc bình đẳng nam nữ được thể chế hóa trong Hiến pháp và hầu hết các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý cho phụ nữ tham gia chính trị. Hiến pháp năm 2013 đã có quy định về bình đẳng giới và không phân biệt đối xử trong lĩnh vực chính trị. Luật Bình đẳng giới và Chiến lược Quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020, Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015, Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016-2020 đã được ban hành. Các cơ quan, tổ chức hoạt động về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của nữ giới đang từng bước được hoàn thiện.

Các chỉ tiêu về sự tham gia của phụ nữ được đặt ra khá chi tiết ở các cấp khác nhau trong Đảng, trong các tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị hành chính. Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị nêu rõ: “Thực hiện nguyên tắc bình đẳng giữa nam và nữ về độ tuổi trong quy hoạch, đào tạo, đề bạt và bổ nhiệm; phấn đấu đến năm 2020, cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng các cấp đạt từ 25% trở lên; nữ đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp từ 35% đến 40%. Các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên, nhất thiết có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ”(1). Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 cũng chỉ ra mục tiêu cần đạt được: “Phấn đấu đạt tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy Đảng nhiệm kỳ 2016 - 2020 từ 25% trở lên; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2015 từ 30% trở lên và nhiệm kỳ 2016 - 2020 trên 35%; phấn đấu đến năm 2020 đạt 100% cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội có lãnh đạo chủ chốt là nữ nếu ở cơ quan, tổ chức có tỷ lệ 30% trở lên nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động”(2).

Về cơ chế bầu cử, cơ chế giám sát để đảm bảo cơ hội tham chính của phụ nữ, so với quy định tại Điều 9 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội năm 2001 và Điều 14 Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2003 thì Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 quy định số lượng đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp phải bảo đảm có ít nhất là 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử là phụ nữ(3). Đây là điểm mới và lần đầu tiên được triển khai thực hiện tại cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Như vậy, sau hiệp thương lần thứ ba, Hội đồng bầu cử quốc gia và Ủy ban bầu cử các cấp chỉ cần lập danh sách chính thức những người ứng cử đảm bảo đủ số phiếu tối thiểu 35% trong tổng số người ứng cử là phụ nữ là đáp ứng yêu cầu và không trái với quy định của pháp luật, còn tỷ lệ thực tế số lượng số lượng phụ nữ trúng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp là bao nhiêu thì Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân không điều chỉnh mà phụ thuộc vào quyền lựa chọn của cử tri, chất lượng người ứng cử và một số yếu tố khác.

Mặt khác, để đảm bảo sự đa dạng về tính đại diện, Việt Nam đang thực hiện cơ chế “cơ cấu” với các tiêu chí về dân tộc thiểu số, người trẻ tuổi, các ứng viên ngoài Đảng, người tự ứng cử và phụ nữ. Trên thực tế, các tiêu chí này thường được áp dụng cùng lúc và phụ nữ thường là người được lựa chọn để đáp ứng 2-3 chỉ tiêu (ví dụ như các yếu tố dân tộc, phụ nữ, trẻ tuổi).

2. Thực tiễn tham gia lĩnh vực chính trị của phụ nữ Việt Nam

Báo cáo sơ kết việc thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới đến năm 2020 đã cho thấy, các chức danh lãnh đạo chủ chốt trong Đảng, Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân từ cấp trung ương đến địa phương chủ yếu do nam giới đảm nhiệm. Trong đội ngũ lãnh đạo, phụ nữ thường chỉ giữ vai trò cấp phó. Điều đó dẫn đến hạn chế quyền quyết định của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị.

Trong hệ thống tổ chức đảng: trong nhiệm kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng (2011-2016), Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới cho thấy: ở cấp đảng bộ, chi bộ cơ sở, tỷ lệ nữ cấp ủy viên chiếm 19,69%; ở đảng bộ cấp huyện và tương đương, tỷ lệ cấp ủy viên là nữ chiếm 14,3%; tỷ lệ nữ là đảng ủy viên ở cấp đảng bộ trực thuộc Trung ương chiếm 13,3%. Trong 03 nhiệm kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng vừa qua, tỷ lệ nữ giới tham gia ban chấp hành các cấp tuy có tăng nhưng chưa đạt tỷ lệ 25% đề ra trong Nghị quyết số 11-NQ/TW và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020(4).

Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 30/5/2014 của Bộ Chính trị đã đề ra mục tiêu phấn đấu đạt tỷ lệ cấp ủy viên nữ không dưới 15% và cần có cán bộ nữ trong ban thường vụ cấp ủy. Tuy nhiên, tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ tham gia cấp ủy ở một số đảng bộ nhiệm kỳ 2016-2020 vẫn chưa đạt yêu cầu. Chỉ có 21 đảng bộ trong số 63 đảng bộ có tỷ lệ cấp ủy viên nữ đạt trên 15%(5).

Tỷ lệ nữ giới tham gia ban chấp hành ở cả ba cấp tỉnh, huyện, xã thấp. Tỷ lệ nữ trong ban thường vụ và tỷ lệ nữ giữ chức vụ bí thư còn thấp hơn rất nhiều. Trong các nhiệm kỳ vừa qua, tỷ lệ nữ tham gia ban thường vụ chỉ khoảng 7-8% ở cấp tỉnh, cấp huyện và khoảng 6% ở cấp xã. Nhiệm kỳ 2015-2020, tỷ lệ nữ giữ vị trí Bí thư Tỉnh ủy khoảng 5%. Chỉ có 03 tỉnh có Bí thư Tỉnh ủy là nữ gồm: Ninh Bình, An Giang, Vĩnh Phúc. Nhìn chung, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy ở các cấp chưa tương xứng với tỷ lệ nữ đảng viên hiện nay(6).

Trong các cơ quan dân cử: Nghị quyết số 11-NQ/TW đưa ra chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp và nữ đại biểu Quốc hội đạt 35-40%. Tuy nhiên trên thực tế, tỷ lệ đó còn rất hạn chế: tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV là 26,72%; tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021 đạt 26,54%; tỷ lệ nữ chủ tịch Hội đồng nhân dân ở mỗi cấp dao động trong khoảng 6%. Tỷ lệ nữ giới giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân ở cấp tỉnh, huyện khoảng 20%. Tỷ lệ này ở cấp xã thấp hơn (khoảng 14%). Mặc dù tỷ lệ phụ nữ là chủ tịch/phó chủ tịch các cơ quan dân cử có xu hướng tăng lên nhưng không mang tính ổn định và chưa tương xứng với tỷ lệ nữ giới.

Trong bộ máy hành chính nhà nước: tính đến tháng 8/2017, có 12/30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có nữ cán bộ đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo chủ chốt, đạt tỷ lệ 40% (giảm 7% so với năm 2015).

Đối với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, nhiệm kỳ 2011-2016 chỉ có 01/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nữ Chủ tịch Ủy ban nhân dân (chiếm 1,59%), 31/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nữ Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân. Lãnh đạo nữ trưởng ngành cấp tỉnh cũng chỉ đạt 10,5%. Ở cấp huyện, nữ chủ tịch Ủy ban nhân dân là 3,02%; phó chủ tịch Ủy ban nhân dân là 14,48%; lãnh đạo nữ là trưởng ngành đạt 13,9%. Ở cấp xã, tỷ lệ nữ chủ tịch Ủy ban nhân dân là 3,42%, phó chủ tịch Ủy ban nhân dân là 8,84%(7). Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến tháng 12/2016, tỷ lệ nữ chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh là 1,6%, cấp huyện là 3,6% và cấp xã là 5,1%(8). Với tỷ lệ phụ nữ tham gia các cơ quan quản lý nhà nước chưa đạt chỉ tiêu đề ra cho thấy vai trò ra quyết định và chỉ đạo thực hiện của phụ nữ ở các cơ quan hành pháp các cấp còn hạn chế.

Qua phân tích khung thể chế, pháp lý và chính sách cho thấy một số ưu điểm của chính sách về cán bộ nữ. Thứ nhất, Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới thể hiện sự chuyển đổi định hướng từ quan điểm phụ nữ trong phát triển sang các tiếp cận giới và phát triển (UNWomen, 2011). Thứ hai, đã quy định rõ vai trò và trách nhiệm của Bộ Nội vụ và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc xây dựng và thực thi các dự án liên quan đến vai trò lãnh đạo của phụ nữ nêu trong Chương trình quốc gia về bình đẳng giới (2011-2015). Nhiều chỉ tiêu giới được xây dựng rõ ràng và có thể đo lường được đã hướng tới bình đẳng giới thực chất, tránh tình trạng chung chung và khó giám sát, đánh giá.

Bên cạnh những ưu điểm, thuận lợi nêu trên, vẫn còn một số hạn chế, như: các chính sách còn mang tính trung lập về giới, chưa tính đến sự khác biệt giới; thiếu các chế tài giám sát, quy trách nhiệm cho việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra; thiếu cơ chế quy trách nhiệm, khen thưởng và kỷ luật trong việc thực hiện chính sách đối với các cơ quan cũng như trách nhiệm của người đứng đầu; chưa có biện pháp hành chính hiệu quả để khuyến khích và hỗ trợ việc thực hiện các chỉ tiêu về đại diện nữ.

Một số mục tiêu còn mang tính chung chung, chưa cụ thể khiến cho việc triển khai thực hiện không đồng nhất. Ví dụ: chưa làm rõ khái niệm lãnh đạo chủ chốt là gì. Còn thiếu thống nhất giữa các văn bản được ban hành. Quy định về tuổi quy hoạch, bổ nhiệm, đề cử lần đầu ít nhất phải đủ thực hiện 01 nhiệm kỳ, trong khi Luật bình đẳng giới năm 2007 lại quy định không có sự phân biệt tuổi giữa nam và nữ khi đề bạt, bổ nhiệm cho cùng một vị trí quản lý, lãnh đạo.

Các chính sách, quy định liên quan đến công tác quy hoạch vẫn có những điểm chưa rõ ràng: không quy định cụ thể tỷ lệ nữ được quy hoạch đối với từng vị trí, từng cấp, từng ngành, điều này khiến cho việc giám sát, đánh giá việc thực hiện của các cơ quan, tổ chức gặp nhiều khó khăn. Các chương trình đào tạo hiện nay ít tập trung vào xây dựng mạng lưới hỗ trợ sự nghiệp để giúp nữ giới tiếp cận với các kênh quyền lực hữu ích. Có rất ít dữ liệu về số lượng nữ đã và đang tham gia vào các chương trình đào tạo hay ảnh hưởng từ sự tham gia các khóa đào tạo này đối với cơ hội đề bạt của họ.

Về nguyên tắc luân chuyển cán bộ, không có sự phân biệt giữa cán bộ nam và cán bộ nữ khi thực hiện luân chuyển, nhưng còn chưa tính đến sự khác biệt giới; chưa đề cập tới chính sách cho cán bộ nữ khi được luân chuyển; không có quy định về tỷ lệ cán bộ nữ được luân chuyển.

Vẫn còn một số hạn chế trong các văn bản hướng dẫn về bổ nhiệm cán bộ: chưa đưa ra các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới khi không quy định lựa chọn ứng cử viên nữ trong trường hợp cả nam và nữ có điều kiện, tiêu chuẩn như nhau; chưa xác định các giải pháp cụ thể để có thể đạt chỉ tiêu tỷ lệ cán bộ nữ đã đề ra.

3. Một số giải pháp tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị

Để tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, bổ sung chỉ tiêu cụ thể về tỷ lệ nữ lãnh đạo, quản lý trong các bộ, ngành, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, cơ quan Đảng, tổ chức chính trị - xã hội. Đảm bảo sự thông nhất, liên thông trong chính sách, pháp luật, sự tham gia lãnh đạo, quản lý của phụ nữ; bãi bỏ những quy định hạn chế sự tham gia, tiếp cận cơ hội làm lãnh đạo, quản lý đối với phụ nữ trong lĩnh vực chính trị.

Hai là, cần đẩy mạnh tuyên truyền chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, đặc biệt cho cán bộ và lãnh đạo các cấp nhằm xoá bỏ định kiến giới và phân biệt đối xử với phụ nữ trong lĩnh vực chính trị.

Ba là, ban hành các văn bản quy định cụ thể về chỉ tiêu phụ nữ tham chính, kể cả trong cơ quan dân cử và cơ quan quản lý nhà nước, chú ý tới những ngành, lĩnh vực đang có rất ít phụ nữ tham gia lãnh đạo.

Bốn là, cần quy định trách nhiệm của thủ trưởng các ngành, các cấp trong xây dựng đội ngũ cán bộ nữ của ngành mình, cấp mình và trong thực hiện chỉ tiêu phụ nữ tham chính; cần thay đổi công tác bầu cử, tạo thuận lợi cho phụ nữ tham gia ứng cử và trúng cử.

Năm là, đảm bảo việc thực thi pháp luật về bình đẳng giới thông qua công tác thanh tra, kiểm tra chính sách, pháp luật về bình đẳng giới; bổ sung và tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát cụ thể, các hình thức khen thưởng và xử lý nghiêm các vi phạm chính sách, pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị và công tác tổ chức, cán bộ./.

----------------------------------------------

Ghi chú:

(1) Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

(2) Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020.

(3) Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015.

(4),(5),(6) Chính phủ, Báo cáo số 454/BC-CP ngày 17/10/2017 của Chính phủ về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.

(7),(8) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật bình đẳng giới, năm 2018.

ThS Lê Thị Hồng Hải - Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

tcnn.vn

Từ khóa » Trình Bày Bình đẳng Giới Trong Lĩnh Vực Chính Trị