Bình đẳng Mọi Thành Phần Kinh Tế - Nhân Kiệt

  Thay vì phải thay đổi toàn bộ chỉ cần điều chỉnh lại vị trí và vai trò của các thành phần kinh tế theo hướng tăng cường sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế với nhau

Tại Điều 54 trong dự thảo được đưa ra lấy ý kiến toàn dân đã quy định: “1. Nền kinh tế VN là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. 2. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật”. Nhiều DN, doanh nhân đã bày tỏ sự đồng tình cao với quy định của dự thảo lần này.

Nhìn nhận lại vai trò của các thành phần kinh tế

Mọi nền kinh tế muốn phát triển đều phải phù hợp với quy luật. Những thành tựu của hơn 20 năm đổi mới cũng chính nhờ tạo cho nền kinh tế phát triển phù hợp với quy luật. Với hai yếu tố chủ yếu là chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa, tập trung bao cấp sang nến kinh tế thị trường định hướng XHCN và công nhận nền kinh tế nhiều thành phần đã tác động đến mọi mặt của nền kinh tế. Nền kinh tế đã huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo ra cạnh tranh - động lực của tăng trưởng…

Tuy nhiên, ít hay nhiều thì tư duy thiên lệch giữa các thành phần vẫn còn ngự trị. Đến giai đoạn hiện nay thì nó đang kìm hãm sự phát triển và tạo ra những méo mó không đáng có của nền kinh tế. Quan điểm kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo đã liên tục được nhắc đến trong cả một thời gian dài. Trong đó, DNNN là một thành tố quan trọng của kinh tế nhà nước cùng các thành tố khác như tài nguyên, ngân sách, dự trữ…

Thực tế, trong nhiều văn kiện đều khẳng định DNNN luôn giữ những vị trí then chốt, điều tiết kinh tế vĩ mô, đi đầu ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, nêu gương về năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế xã hội và chấp hành pháp luật… Vì phải gánh quá nhiều trọng trách nên DNNN cũng được kèm theo nhiều đầu tư và ưu đãi hơn. Đồng nghĩa với việc các khu vực kinh tế khác sẽ bì “chèn ép”, được hưởng ít sự quan tâm, ưu đãi. Thử nhìn vào khu vực DN tư nhân thời gian qua thì thấy, họ chủ yếu chỉ hoạt động trong các lĩnh vực thương mại, dịch vụ chứ những lĩnh vực quan trọng thì chưa thể chen chân vào được.

Nếu đã nói một khu vực kinh tế chủ đạo thì các khu vực kia rõ ràng không còn là chủ đạo. Điều này dứt khoát không thể tạo ra một khung pháp lý dùng chung cho các DN. DNNN buộc phải có một chế độ riêng, một cách ứng xử riêng và thì trường chắc chắn sẽ bị méo mó, không phù hợp với quy luật.

DNNN với sở hữu chính là Nhà nước thì đương nhiên sự can thiệp của nhà nước phải sâu hơn, phải khác các khu vực khác. Cùng với đó, cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn phải yếu đi. Nguy cơ lãng phí thất thoát cao hơn.

Tuy nhiên, quốc gia nào trên thế giới cũng cần có DNNN. Mặc dù, biết khu vực này hiệu quả kinh doanh yếu hơn các khu vực khác, nhưng ngược lại khu vực DNNN sẽ phải đảm nhiệm những nhiệm vụ mà khu vực khác không làm, không muốn làm. Những việc làm mang tính công ích này cũng mang tính quy luật, nhà nước phải chịu phần thiệt thòi để tạo sự công bằng chung cho một cơ chế cạnh tranh. Nhà nước sẽ bù lại sự thiếu hụt, thiệt thòi này từ các nguồn thu, nguồn lợi đặc biệt của mình.

Đã gọi là cơ chế thị trường thì mọi khu vực phải được hoạt động cạnh tranh bình đẳng, cạnh tranh đúng quy luật của thị trường. Các chuyên gia đánh giá, việc quy định các thành phần kinh tế bình đẳng như nhau trong cùng một khuôn khổ pháp lý sẽ tạo những chuyển biến tốt hơn cho đất nước, tạo ra nhiều của cải vật chất, việc làm, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách.

Xóa tư duy “cát cứ”

Ông Nguyễn Việt Khoa - Giám đốc Trung tâm tư vấn và bồi dưỡng pháp luật kinh doanh, Khoa Luật Kinh tế Trường Đại học Kinh tế TP HCM cho rằng “nên từ bỏ tư duy cát cứ chia nền kinh tế thành 6 thành phần khác nhau, ghi nhận nền kinh tế thị trường có điều tiết nhằm phân bổ phúc lợi một cách hài hoà cho các giai tầng nhân dân. Đây là một ý tưởng rất hay và sẽ mang lại nhiều lợi ích nếu được áp dụng”. Tuy nhiên, ông Khoa cũng cho rằng với điều kiện của Việt Nam hiện nay thì chưa thể áp dụng những ý tưởng trên. Thay vì phải thay đổi toàn bộ chỉ cần điều chỉnh lại vị trí và vai trò của các thành phần kinh tế theo hướng tăng cường sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế với nhau. Tôn trọng tự do cạnh tranh, tự do kinh doanh giữa các chủ thể trong nền kinh tế, loại bỏ sự ưu đãi dành cho khối DNNN thì mới có thể làm gia tăng sức khỏe của nền kinh tế. Nên xóa bỏ tư duy sợ hãi khi khối DN tư nhân nắm giữ phần lớn thị trường sẽ dẫn đến tình trạng lũng đoạn nền kinh tế bởi lẽ nhà nước còn rất nhiều công cụ để kiểm soát trật tự của thị trường như các chính sách pháp luật, các chính sách kinh tế.

GS TS Lê Hồng Hạnh - Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp, thành viên tổ biên tập dự thảo Hiến pháp sửa đổi nhận xét, hiến định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong Hiến pháp 1992, thực tiễn đã cho thấy những hệ lụy tiêu cực. Các chính sách, quy phạm được xây dựng trên quan điểm “chủ đạo” dồn phần lớn nguồn lực, tài nguyên cho các chủ đạo để rồi sản sinh ra những Vinalines, Vinashin đầy đổ vỡ, sai phạm. Nợ xấu của quốc gia cũng tập trung ở các DN chủ đạo ấy. Hiện tượng cứ lỗ là tăng giá cũng diễn ra ở những DN này.

Quy định trong dự thảo mới đã khẳng định một cách rõ ràng các thành phần kinh tế đều bình đẳng và quan trọng như nhau, trong nền kinh tế. Những chính sách ưu ái khu vực DNNN thời gian qua hầu như đã không còn nhìn thấy một cách rõ ràng trên hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, những nguồn vốn khổng lồ cùng những ưu thế còn “rơi rớt” từ những văn bản cũ còn hiệu lực đang thực sự tạo nên một sự bất công không nhỏ.

Thời gian vừa qua, nhiều chuyên gia, nhiều nhà hoạch định chính sách đã nhắc tới việc cần phải cơ cấu lại khu vực DNNN. Khu vực DNNN trong nền kinh tế thị trường không những tham gia với tư cách cạnh tranh bình đẳng mà nó cần co lại ở mức vừa phải. Đặc biệt các chuyên gia còn khuyến cáo, nhà nước phải tách bạch chức năng quản lý nhà nước ra khỏi chức năng kinh doanh. Vì khi nhà nước còn kinh doanh thì những tư tưởng “con đẻ, con nuôi” sẽ vẫn còn ngự trị. Cho dù, chính thức hay không chính thức thì chắc chắn các ưu ái vẫn khó mà mất đi hoàn toàn được.

Nhà nước chỉ nên là cơ quan quản lý và ban hành chính sách. Nhà nước có thể thông qua các DNNN để thực hiện các chính sách xã hội, công ích và làm những việc mà các khu vực kinh tế khác không làm mà thôi. Điều này không phải là ưu ái cho khu vực tư nhân mà là chuyên nghiệp hóa nhiệm vụ của từng khu vực.

TS Nguyễn Văn Cương - Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp): Góp phần lành mạnh hóa nền kinh tế

Việc quy định các thành phần kinh tế bình đẳng với nhau sẽ tạo ra nhiều kết quả tốt. Thứ nhất, các thành phần kinh tế dễ dàng phát huy thế mạnh của mình tạo ra nhiều giá trị vật chất, nhiều của cải cho xã hội hơn. Khi khối DN tư nhân phát triển sẽ tạo ra nhiều việc làm,góp phần giải quyết vấn đề thất nghiệp, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách nhà nước. Thứ hai, ngân sách giảm bớt gánh nặng phải trả nợ cho các Cty nhà nước làm ăn thua lỗ kém hiệu quả, đem số tiền ấy đầu tư vào các khoản phúc lợi xã hội sẽ có ý nghĩa hơn. Thứ ba, trước áp lực của cạnh tranh các tập đoàn, các tổng Cty chiến lược để hoạt động có hiệu quả hơn. Từ đó khối DN quốc doanh sẽ kết hợp với khối DN ngoài quốc doanh tạo nên sức mạnh tổng hợp thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Một đất nước vững mạnh phải có một nền kinh tế thật sự mạnh. Trong bối cảnh tự do hóa thương mại đang diễn ra với tốc độ nhanh, nền kinh tế nước ta cần có những bước cải cách mang tính đột phá để bắt kịp xu thế của nền kinh tế thế giới. Việc sửa đổi chế độ kinh tế theo hướng bình đẳng giữa các thành phần kinh tế sẽ góp phần lành mạnh hóa nền kinh tế, phát huy được tất cả tiềm năng của toàn xã hội, góp phần vào mục tiêu chung của đất nước.

PGS TS Đinh Dũng Sỹ - Vụ trưởng Vụ pháp luật, Văn phòng Chính phủ: Bước tiến quan trọng nhất trong dự thảo

Quy định trong dự thảo như vậy là hoàn toàn phù hợp với quan điểm của Đảng được khẳng định trong Cương lĩnh năm 2011 và Văn kiện Đại hội XI của Đảng và là một bước tiến quan trọng nhất trong dự thảo.

Trong quan điểm của Đảng, kể cả cương lĩnh và đường lối phát triển kinh tế xã hội của Đảng, trong các nghị quyết và văn kiện 11 đều rất rõ về sự công nhận sự tồn tại lâu dài cùng phát triển và bình đẳng của các thành phần kinh tế. Thậm chí trong Nghị quyết Đại hội 11 còn khẳng định rất rõ kinh tế tư nhân là động lực của nền kinh tế. Về mặt nguyên tắc là không còn giới hạn phân biệt từ mặt quan điểm cho đến các cơ chế, chính sách pháp lý không có sự phân biệt, không có sự bất bình đẳng. Mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng cùng phát triển trong cơ cấu kinh tế của nước ta.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh: Một tiến bộ

Tôi rất hoan nghênh dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Việc kinh tế nhà nước không còn có vai trò chủ đạo phản ánh một tình hình là dưới danh nghĩa "chủ đạo" thì đã có quá nhiều ưu đãi, quá nhiều sự nuông chiều và dẫn đến kinh tế nhà nước sử dụng rất nhiều tín dụng, rất nhiều tài nguyên trong khi đóng góp vào GDP rất thấp. Việc nói rằng "sử dụng các DNNN làm công cụ ổn định kinh tế vĩ mô" cũng không được thực tế chứng minh. Như vậy, kinh tế nhà nước sẽ phải cạnh tranh bình đẳng với kinh tế tư nhân, từ đó có thể hy vọng sự hoạt động hiệu quả hơn.

Rõ ràng trong thời gian qua thực tế cho thấy kinh tế nhà nước kém hiệu quả nên mới dẫn đến Vinashin, Vinalines… và rồi tới đây còn không biết có bao nhiêu "ông lớn" khác cũng rập rình... báo lỗ. Tình trạng kém hiệu quả, lãng phí, thua lỗ, thất thoát của các tập đoàn kinh tế nhà nước là nguyên nhân dẫn đến đầu tư cao nhưng hiệu quả thấp. Cho nên không quy định như vậy trong Hiến pháp là một tiến bộ.

Mai thanh ghi

Bá Tú

Từ khóa » Cơ Cấu Thành Phần Kinh Tế Là Gì