Bình Dương: Còn 50m Chưa Làm, đường Trăm Tỉ "nằm Chờ" Thông Tuyến

Thế nhưng hiện nay, điểm cuối là nút giao Tân Vạn, đấu nối với xa lộ Hà Nội của tuyến đường bị chậm tiến độ, trở thành điểm nghẽn phát triển kinh tế địa phương. Cấp bách phải khơi thông tuyến đường, nhằm tránh lãng phí đầu tư công và lỡ nhịp phát triển của địa phương là ý kiến Tổ công tác thuộc đoàn giám sát Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Quốc hội nhấn mạnh khi thực hiện khảo sát thực địa tại đây.

Dự án đường Mỹ Phước - Tân Vạn nối dài có chiều dài gần 988 m, tổng mức đầu tư 119 tỷ đồng, do UBND TP. Dĩ An làm chủ đầu tư, có vai trò giảm áp lực đối với đầu mối giao thông ngã ba Tân Vạn, Quốc lộ 1A, đồng thời tạo thuận lợi cho việc hình thành tuyến xe buýt nhanh xuất phát từ bến xe miền Đông đi thành phố mới Bình Dương. Thời gian thực hiện từ năm 2016, và dự kiến sẽ về đích năm 2022. Tuy nhiên đến nay, dù đã hoàn thành được 98% tiến độ nhưng tuyến đường này vẫn chưa thông tuyến được để thực hiện vai trò như kỳ vọng.

Ông TRẦN MINH HIẾU, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Dĩ An, Bình Dương: “Chủ yếu do công tác bàn giao mặt bằng của các hộ dân và tổ chức trên tuyến đường còn chậm. Tới thời điểm này còn thiếu đầu ra, kết nối với xa lộ Hà Nội mở rộng. Dự án Xa lộ Hà Nội mở rộng là dự án riêng, sau khi người ta bàn giao mặt bằng thì mình sẽ kết nối vô, nhưng mà 2 dự án vẫn chưa kết nối được do phần mở rộng của xa lộ Hà Nội chưa thực hiện được” .

Đây cũng là một trong những điểm nối quan trọng cho mạch giao thông chiến lược của tỉnh Bình Dương, chia lửa cho tuyến Quốc lộ 13 vốn đã quá tải trầm trọng. Thế nhưng, chỉ còn một nút thắt khoảng 50m chưa thể khơi thông mà Mỹ Phước – Tân Vạn nối dài phải nằm chờ một cách lãng phí.

Ông TRẦN QUỐC TUẤN, Trưởng phòng Nghiệp vụ 3, Cục Thanh tra giải quyết KNTC khu vực các tỉnh phía Nam, Thanh tra Chính phủ: “Đường Xa lộ Hà Nội mở rộng có 1 đoạn nằm chồng lên dự án này. Chính vì vậy khi dự án xa lộ Hà Nội mở rộng chưa triển khai được, thì con đường Tân Vạn chỉ kéo tới đó thôi. Bây giờ một trong những giải pháp là chủ đầu tư của Xa lộ Hà Nội mở rộng ngồi cùng UBND thành phố Dĩ An để thống nhất phương án giải quyết".

Trong quá trình khảo sát, một số ý kiến thành viên tổ công tác cũng nhận định việc quy hoạch diện tích đất 2 bên đường để khai thác lợi thế của tuyến đường rất quan trọng. Do vậy, cần có đánh giá cụ thể hơn về nội dung này.

Ông NGUYỄN NGỌC SƠN, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội: “Việc Nhà nước đầu tư bằng vốn đầu tư công sẽ rất hiệu quả nếu chúng ta đấu giá các vùng đất ở xung quanh, nhưng mà qua khảo sát thì tôi thấy rằng là toàn bộ khu vực xung quanh tuyến đường này đang là các cơ sở, các nhà máy, có hiện trạng từ trước. Nếu tỉnh thực hiện đấu giá và thực hiện các dự án nhà ở đô thị ở xung quanh thì có thể sẽ gặp khó khăn. Do vậy là tỉnh cần có phương án tối ưu về việc xác định hiệu quả con đường này.”

Hiện nay, UBND tỉnh Bình Dương đang làm việc cùng UBND thành phố Hồ Chí Minh để sớm kết nối tuyến đường vào Quốc lộ 1A đảm bảo hiệu quả và mục tiêu đầu tư. Tuy nhiên, để tiếp nhận và làm thủ tục cho giải phóng mặt bằng và thi công đoạn đường 50m này, theo UBND thành phố Dĩ An, chủ đầu tư dự án, dự kiến có lẽ sẽ phải mất thêm một năm nữa, dự án mới có thể hoàn thành. Thực tế này cũng đặt vấn đề cho bài toán tránh lãng phí đầu tư công, vốn đang rất bức xúc hiện nay.

Từ khóa » đường Trăm