Bình Giảng Bài Thơ Nhớ Rừng Của Thế Lữ - Sách Hay 24H
Có thể bạn quan tâm
“Nhớ rừng” được biết đến là một trong những bài thơ đặc sắc của Thế Lữ và cũng là một trong số những tác phẩm mở màn cho giai đoạn đầu đầy hứa hẹn sự thành công của phong trào thơ mới. Nhắc về bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ, trong cuốn Thi nhân Việt Nam Hoài Thanh đã từng nhận xét: "Đọc đôi bài, nhất là bài Nhớ rừng, ta tưởng chừng thấy những chữ bị xô đẩy, bị dằn vặt bởi một sức mạnh phi thường. Thế Lữ như một viên tướng điều khiển đội quân Việt ngữ bằng những mệnh lệnh không thể cưỡng lại được". “Nhớ rừng” là một tác phẩm đặc sắc, mượn hình ảnh chúa tể sơn lâm để nói về thực tại đau khổ.
- Tràng Giang - Một âm hưởng của thời đại
- Bình giảng bài thơ Quê hương của Tế Hanh
- Bức tranh thiên nhiên và con người xứ Huế trong Đây Thôn Vĩ Dạ
Tâm trạng u uất của con hổ khi bị nhốt ở vườn thú
Hổ là chúa tể sơn lâm, là chủ của muôn loài, nó mang trong mình sức mạnh to lớn, ý chí quật cường, chỉ có rừng xanh oai linh hùng vĩ mới có thể xứng với tầm vóc của nó. Vậy mà giờ đây nó bị nhốt trong vườn thú nhỏ bé:
Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt,
Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua.
Khinh lũ người kia ngạo mạn, ngẩn ngơ,
Giương mắt bé diễu oai linh rừng thẳm,
Ngay ở những câu thơ đầu tiên, tác giả đã thể hiện tâm trạng tức giận của chú hổ. Động từ “gậm” diễn tả sự phẫn nộ cực điểm, cũng đồng thời diễn tả cảm giác bất lực của chúa tể sơn lâm khi không thể thoát ra khỏi cái lồng sắt. Bị nhốt "trong cũi sắt", căm hờn uất hận đã chứa chất thành "khối", "gậm' mãi mà chẳng tan, càng "gậm" càng cay đắng. Chỉ còn biết "nằm dài" bất lực, đau khổ. Bị "giễu", bị "nhục nhằn tù hãm", trở thành "thứ đồ chơi'' cho "lũ người kia ngạo mạn, ngẩn ngơ'. Đoạn thơ dùng rất nhiều tính từ mạnh để diễn tả tâm trạng bị dồn nén của con hổ, hay nói cách khác, của chính nhà thơ khi bị cái thực tại tù túng kìm hãm. Sự chán nản đến tột độ khi bị biến thành trò tiêu khiển của những người tầm thường:
Nay sa cơ, bị nhục nhằn tù hãm,
Để làm trò lạ mắt, thứ đồ chơi.
Chịu ngang bầy cùng bọn gấu dở hơi,
Với cặp báo chuồng bên vô tư lự.
Đó là một nét tâm trạng điển hình đầy bi kịch của chúa sơn lâm khi bị sa cơ, thất thế, bị giam cầm. Trong hoàn cảnh lịch sử đất nước ta khi bài thơ ra đời (1934) thì nỗi tủi nhục, căm hờn, cay đắng của con hổ cũng đồng diệu với bi kịch của nhân dân ta trong xích xiềng nô lệ sống trong tăm tối "nhơ nhuốc lầm than". Hổ là một loài động vật uy nghiêm, vậy mà nay phải chấp nhận sống chung hàng với những con vật tầm thường khác, mất đi hẳn vẻ oai nghiêm thường ngày, đối với nó không bi kịch nào có thể đau đớn hơn nữa. Chính nhà thơ cũng cảm thấy đau đớn thay, không chỉ cho con hổ mà cho một tầng lớp tri thức, cho một dân tộc vốn hào hùng nay bị bắt nhốt vào trong xiềng xích. Những tầng lớp được coi là đứng đầu xã hội nay được đặt ngang hàng với cả bọn quan lại nhỏ bé, bọn lính Pháp. Đoạn thơ đã diễn tả rất đạt tâm trạng của con hổ đang bị giam giữ, để qua đó nói lên tình cảnh của cả một thế hệ “ sinh nhầm thế kỉ”, bị “ quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh”.
Cảm xúc uất hận của vị chúa tể bị giam cầm càng dâng trào mãnh liệt hơn trong đoạn thơ thứ tư của bài. Vẫn với cái nhìn đáng chán, đáng khinh, tất cả mọi thứ hiện hữu xung quanh đối với nó chỉ là những thứ “tầm thường”, tẻ nhạt, giả tạo:
“Hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng, cây trồng;
Dải nước đen giả suối, chẳng thông dòng
Len dưới nách những mô gò thấp kém;
Dăm vừng lá hiền lành, không bí hiểm,
Cái nhân tạo tầm thường, giả dối không thể ru ngủ được chúa tể sơn lâm. Nó nhận thức được rất rõ con người đang cố gắng đồng hóa nó, biến nó trở nên ngoan hiền như thứ đồ chơi mới lạ, song lại không dễ dàng gì khuất phục nó. Con hổ là con vật tỉnh táo nhất trong khu vườn. Đây cũng là hình ảnh ẩn dụ cho những người vẫn đang giữ được ý chí trước những chuyển biến của xã hội.
Quá khứ vàng son trong nỗi nhớ của con hổ
Đặc điểm lớn của phong trào thơ mới là luôn tiếc thương quá khứ của một thời vàng son, một thời “vang bóng”. Ở quá khứ ấy, những giá trị không bị đảo lộn, và chú hổ cũng được tự do trong thế giời của mình:
Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối,
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?
Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn,
Ta lặng ngắm giang san ta đổi mới?
Nhà thơ sử dụng hàng loạt các câu hỏi tu từ để diễn tả tâm trạng đang bị xúc động mạnh của con hổ khi nhớ về quá khứ. Từ “đâu” diễn tả mong muốn tột độ được quay về với khu rừng nơi nuôi dưỡng nó. Con hổ đã tiếc nhớ về thuở "hống hách" nơi "bóng cả cây già". Đó là nỗi nhớ đau đáu về nơi rừng thẳm. Nhớ rừng là tiếc nhớ tự do, nhớ về "thời oanh liệt", là nhớ về cái cao cả, chân thực, tự nhiên . Ở chốn nước non hùng vĩ ấy, con hổ đang ngự trị một sức mạnh giữa cuộc đời. Bản lĩnh của một vị chúa sơn lâm luôn thể hiện xứng đáng quyền lực tối cao của mình với sức mạnh phi thường dữ dội. Những gì nó cần phải làm là khiến mọi vật đều phải nể sợ thuần phục. Ở đó, con hổ đã hiện lên với tư thế hiên ngang ngạo nghễ nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp oai phong lẫm liệt giữa núi rừng hùng vĩ. Từ vị thế của một người đang nắm trong tay cả giang sơn, nay phải chịu làm thú vui cho người khác. Đây cũng là tình cảnh của nước ta thời bấy giờ, khi vua, quan lại phải cúi đầu trước thực dân Pháp.
Những dòng kí ức ấy vẫn tiếp tục:
Đâu những bình minh cây xanh nắng gội,
Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng?
Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng.
Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt,
Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật?
Chính con hổ đã khẳng định: “Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ. Thủa tung hoành hống hách những ngày xưa”. Hiện thực chán chường khiến nó chỉ muốn sống mãi trong sự tưởng nhớ, nơi có bình minh trải trên những cây xanh, nơi âm vang của tiếng chim từ đại ngàn, mặt trời chói lọi trong khu rừng nới con hổ thống lĩnh muôn loài. Kí ức xuất hiện nối tiếp trong các câu hỏi tu từ tạo nên nhạc điệu du dương, triền miên, da diết, thể hiện sâu sắc tình thương nỗi nhớ của hùm thiêng sa cơ, nhớ rừng, tiếc nuối một thời oanh liệt nay đã trở thành hoài niệm, thành dĩ vãng. Chúa sơn lâm nhớ đêm, nhớ ngày, nhớ bình minh, nhớ chiều tà, nhớ suối, nhớ trăng, nhớ cảnh giang sơn trong màn mưa rừng, nhớ cây xanh nắng gội, nhớ chim hót tưng bừng lúc bình minh, nhớ mặt trời gay gắt trong khoảnh khắc hoàng hôn... Nỗi nhớ tiếc ấy là nỗi đau buồn bị tước đoạt mất tự do, cũng là nỗi khao khát tự do của chính nhà thơ. Những kí ức tươi đẹp về một thời đã qua trở về càng sống động thì hiện tại càng đau đớn. Khuynh hướng chung của phong trào thơ mới là tìm quên trong quá khứ để trốn tránh hiện tại. Họ mong muốn được thoát li khỏi thực tại:
Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh
Một vì sao trơ trọi dưới trời xa
Để nơi ấy tháng ngày tôi lẩn tránh
Những ưu phiền đau khổ với buồn lo
Thế Lữ cũng không ngoại lệ, thông qua tâm trạng của con hổ,nhà thơ muốn truyền tải mong muốn thoát khỏi xã hội tầm thường giả dối này.
Khát khao cháy bỏng về tự do trong lòng con hổ
Tự do là khát vọng lớn nhất của những người thuộc thời đại này, nỗi đau mất nước, mất tự do là nỗi đau lớn nhất:
Có biết chăng trong những ngày ngao ngán,
Ta đương theo giấc mộng ngàn to lớn
Để hồn ta phảng phất được gần ngươi,
Hỡi cảnh rừng ghê gớm của ta ơi!
Đó là cuộc vượt ngục trong tâm tưởng của con hổ. Tâm hồn nó vượt ra ngoài ngục sắt, để trở về với với giấc mộng to lớn trong kí ức của nó. Con hổ khao khát cảnh rừng đại ngàn, khao khát giang sơn của nó, đó chính là tự do. Giang sơn ấy là nơi hổ đã có những ngày tháng tươi đẹp, thoả chí vùng vẫy trong không gian riêng biệt thênh thang. Cho dù bây giờ sẽ chẳng bao giờ được sống lại ở những nơi xưa ấy nhưng hổ vẫn không bao giờ thôi nghĩ về "giấc mộng ngàn to lớn". Vị chúa mất ngôi đã khẩn cầu để được mãi sống trong những ký ức, những hoài niệm của những vẻ đẹp một đi không trở lại.
Những câu thơ trên cũng chứng tỏ song sắt chỉ có thể nhốt được thân xác của con hổ chứ không nhốt được tâm hồn đang khao khát vùng vẫy của nó. Đây cũng là đoạn thơ thể hiện tính dân tộc sâu sắc. Đó là sự đồng cảm trước cảnh nước mất, nỗi u uất của một thế hệ sinh ra trong tâm thế bất lực, ước mơ hoài bão tương phản với thực tại.
“Nhớ rừng” là một trong những bài thơ mở đầu cho phong trào thơ mới, không thoát khỏi nỗi u buồn chung của thời đại, nhưng thể hiện được tinh thần khao khát tự do và tinh thần dân tộc sâu sắc. Bài thơ đã đánh thức tinh thần trong lớp thanh niên đang dần bị đồng hóa bởi các chính sách của thực dân Pháp.
Thảo Nguyên
Từ khóa » Nhớ Rừng Thế Lữ Wiki
-
Thế Lữ – Wikipedia Tiếng Việt
-
Nhớ Rừng
-
Thuyết Minh Bài Thơ Nhớ Rừng-Thế Lữ - Wiki Secret
-
Bài Thơ: Nhớ Rừng (Thế Lữ) - Nội Dung Bài Thơ, Hoàn Cảnh Sáng Tác ...
-
Phân Tích Bài Thơ Nhớ Rừng Của Thế Lữ - Wiki Văn Mẫu
-
Bài Thơ: Nhớ Rừng (Thế Lữ - Nguyễn Thứ Lễ) - Thi Viện
-
Cảm Nhận Về Khổ Thơ Thứ 3 Bài Nhớ Rừng Của Thế Lữ - Học Wiki
-
Top 15 Giới Thiệu Về Thế Lữ Và Bài Thơ Nhớ Rừng 2022
-
Phân Tích Những đặc Sắc Trong Bài Thơ Nhớ Rừng Của Thế Lữ
-
Thế_Lữ - Tieng Wiki
-
3 Bài Giới Thiệu Về Nhà Thơ Thế Lữ Và Bài Thơ Nhớ Rừng
-
Phân Tích Bài Thơ Nhớ Rừng Của Thế Lữ [Bài Viết ĐẶC SẮC Nhất]