Bình Luận án | Trang Của Luật Sư Ngô Minh Hưng

Park Hyatt

Khách sạn Park Hyatt Saigon

Tiếp tục với loạt bài bình luận án của chúng tôi, lần này chúng tôi sẽ xem xét đến vụ án giữa Công ty TNHH United Concord Quốc Tế (UNI) và Công ty TNHH Đầu tư Radiant (RIL), bản án sơ thẩm được tuyên ngày 04/4/2007 và sau đó đã được đảo ngược tại phiên tòa phúc thẩm vào ngày 28/8/2007. Vụ án này là điển hình của một số vấn đề thú vị liên quan đến việc áp dụng các quy định của Luật Doanh nghiệp đối với các văn kiện của doanh nghiệp được soạn thảo theo các quy định pháp luật về đầu tư nước ngoài trước đây.

Sự kiện

UCI, nguyên đơn tại toà sơ thẩm và cũng là người kháng cáo tại toà phúc thẩm, là một thành viên trong công ty liên doanh (CTLD) để xây dựng và quản lý khách sạn Grand Imperial Sài Gòn. UCI nắm cổ phần thiểu số là 19% trong dự án này. Các thành viên khác trong liên doanh là Tổng Công ty Xây Dựng Sài Gòn (SCC) chiếm 30% cổ phần và RIL, bị đơn chiếm 51% cổ phần. Công ty liên doanh được cấp giấy phép năm 1994 theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1987 cũ. Hội đồng quản trị của CTLD có 10 thành viên bao gồm 5 người được chỉ định bởi SCC, 3 người được RIL chỉ định, và 2 người được UCI  chỉ định. Một thành viên được UCI bổ nhiệm, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo, được bổ nhiệm làm Chủ tịch và Tổng Giám đốc của CTLD từ ngày đầu. Hợp đồng liên doanh và điều lệ, theo thông thường, quy định các quyết định của Hội đồng có thể được thông qua  trong cuộc họp hoặc bằng cách lấy ý kiến bằng văn bản. Hợp đồng và điều lệ cũng quy định, theo pháp luật hiện hành tại thời điểm đó, sự nhất trí đó của Hội đồng là bắt buộc để bổ nhiệm hoặc miễn nhiệm Tổng giám đốc và Chủ tịch hội đồng quản trị của CTLD. Quan trọng là ngay sau quy định đó, hợp đồng liên doanh có Điều 8.3 (và một điều khoản tương tự trong điều lệ) cần nêu đầy đủ dưới đây:

Những quy định trên đây[1] sẽ được thay thế bởi bất kỳ sự thay đổi nào của pháp luật trong tương lai liên quan đến thẩm quyền của Hội đồng quản trị, theo đó một quyết định theo đa số sẽ được chọn.

Khách sạn đã mất 10 năm để xây dựng và đi vào hoạt động vào năm 2005. Thời gian xây dựng kéo dài xem ra được quy cho những khó khăn trong việc thu xếp tài chính. Bị đơn, RIL, đã không tìm được nguồn tài chính từ nước ngoài cho dự án như đã cam kết trong hợp đồng liên doanh. Thay vào đó, theo tòa phúc thẩm, đại diện của UCI, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo, cũng là Tổng giám đốc và chủ tịch Hội đồng quản trị của CTLD đã phải dùng danh tiếng và các mối quan hệ của mình để thu xếp một khoản vay hơn 03 triệu đô la từ các ngân hàng trong nước cung cấp nguồn tài chính xây dựng khách sạn. Một trong những điều kiện để vay vốn đó là Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo sẽ phải là Tổng giám đốc và Chủ tịch Hội đồng quản trị của CTLD trong năm năm sau khi các hợp đồng vay này kết thúc.

Tuy nhiên, năm 2006, RIL và cũng có thể cả SCC đã bày tỏ một số nghi ngờ về tính liêm chính và đúng đắn của Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo trong giao dịch với ngân hàng và tài chính của CTLD. Vì lý do này, các thành viên của RIL và thành viên của SCC (tất cả là 08 người) đã cùng thông qua một nghị quyết bằng văn bản để bãi nhiệm chức vụ Tổng giám đốc và Chủ tịch hội đồng quản trị CTLD của Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo và bổ nhiệm một đại diện của RIL thay thế Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo. Hai thành viên của UCI trong Hội đồng quản trị của CTLD, bao gồm Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo không ký vào nghị quyết bằng văn bản nói trên. Điều này dẫn ngay đến việc phát sinh tranh chấp.

Các tranh luận

Tại phiên tòa sơ thẩm, UCI đã yêu cầu Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tuyên nghị quyết bằng văn bản của công ty liên doanh là sai và vô hiệu với lý do nó không được thông qua theo nguyên tắc đồng thuận của Hội đồng quản trị như quy định trong hợp đồng liên doanh và điều lệ. Để biện hộ, bị đơn, RIL đã viện dẫn Điều 8.3 như đã trích dẫn ở trên của hợp đồng (và điều khoản tương ứng trong điều lệ) để chứng minh rằng yêu cầu về nguyên tắc đồng thuận đó hiện đã được thay thế bởi luật hiện hành cho phép một quyết định của Hội đồng quản trị được thông qua bằng biểu quyết đa số. Pháp luật hiện hành[2] mà bị đơn dựa vào là Điều 52 Luật Doanh nghiệp 2005, quy định rằng các quyết định được thông qua nếu được số phiếu đại diện ít nhất 65% tổng số vốn góp của các thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn dự họp chấp thuận. Điều 52 này cũng quy định thêm rằng tỉ lệ phần trăm cụ thể phải được quy định  trong điều lệ của công ty.

Các phán quyết của tòa án

Tòa sơ thẩm đồng ý với lập luận của bị đơn. Tòa cho rằng nguyên tắc đồng thuận trong hợp đồng liên doanh và điều lệ đã được thay thế bởi nguyên tắc đa số theo quy định của pháp luật hiện hành. Tòa cũng cho rằng yêu cầu đối với nguyên tắc đa số này đã được đáp ứng đối với nghị quyết bằng văn bản có liên quan, nó đã được biểu quyết bởi cả SCC và RIL cùng nắm giữ 81% vốn góp trong liên doanh. Do đó, nghị quyết là đúng và có hiệu lực.

Dựa trên kháng cáo của UCI, tòa phúc thẩm bác phán quyết và lập luận của tòa sơ thẩm. Tòa phúc thẩm cho rằng thực tế Điều 8.3 của hợp đồng (và điều khoản trong điều lệ) chỉ dự liệu những sửa đổi sẽ được thực hiện đối với hợp đồng và bản điều lệ căn cứ vào sự thay đổi của pháp luật. Để có hiệu lực trên thực tế, những sửa đổi như thế phải được ký kết bởi tất cả các bên và phải được chấp thuận bởi cơ quan có thẩm quyền liên quan. Do đó, cho đến hiện tại nghị quyết nói trên trong vụ án này không có hiệu lực vì thiếu sự đồng thuận.

Bình luận

Theo quan điểm của chúng tôi, quyết định của toà án phúc thẩm là đúng khi xét về kết quả. Tuy nhiên, lập luận của nó lại không thuyết phục. Các bên đã dự liệu trước một sự thay đổi tự động trong hợp đồng và điều lệ phù hợp sự thay đổi sau đó của pháp luật. Cơ chế thay đổi tự động đó là một phần của hợp đồng đã được chấp thuận bởi cơ quan có thẩm quyền. Dựa vào sự thay đổi pháp luật có liên quan, các điều khoản của hợp đồng và điều lệ sẽ tự động thay đổi, mà không cần một sự sửa đổi mới và sự chấp thuận mới của cơ quan có thẩm quyền. Một sự giải thích khác đi sẽ tước đi ý nghĩa thực sự của điều khoản này.

Lập luận mà tòa phúc thẩm nên dựa vào cho quyết định của mình là Điều 8.3 trong hợp đồng liên doanh sẽ khó thực thi trong hầu hết các trường hợp. Trừ khi luật quy định một tỉ lệ đa số phiếu bầu cụ thể đối với quyết định của Hội đồng thành viên trên thực tế (chẳng hạn hai phần ba hoặc ba phần tư), không thể biết được đa số là như thế nào (giữa 51% và 99%) sẽ được áp dụng trong trường hợp thay thế nguyên tắc đồng thuận. Trong vụ án này, ví dụ, Điều 52 của Luật Doanh nghiệp chỉ quy định ít nhất là 65%, sẽ không thể biết liệu các bên đồng ý áp dụng tỉ lệ phần trăm tối thiểu hoặc tỉ lệ cao hơn đối với nguyên tắc đa số. Thực tế, Điều 52 cũng yêu cầu điều lệ công ty quy định rõ một tỉ lệ phần trăm cụ thể bằng hoặc cao hơn mức tối thiểu. Do vậy, cho đến khi các bên đồng ý về một tỉ lệ phần trăm cụ thể và được ghi rõ trong điều lệ, việc biểu quyết theo đa số sẽ không được áp dụng và nguyên tắc đồng thuận vẫn phải được duy trì. Nghĩa của Điều 8.3 Hợp đồng liên doanh sẽ hiểu quá xa bởi cách lập luận là các bên đã đồng ý áp dụng tỉ lệ biểu quyết tối thiểu như quy định của luật là 65%. Điều đó không có cách nào làm rõ nghĩa Điều 8.3 trong thực tế. Và nó cũng không hàm ý điều đó.

Tóm lại, trong vụ án này nổi bật lên những vấn đề có thể xảy ra đối với hợp đồng dự thảo theo khung pháp lý luật đầu tư nước ngoài trước đây theo quan điểm của pháp luật đầu tư và doanh nghiệp hiện hành. Ngay cả chính tòa án xem ra cũng gặp khó khăn trong việc đánh giá và áp dụng luật đối với hợp đồng như thế.

Do vậy, các bên với hợp đồng dự thảo theo luật cũ được khuyến cáo nhiều về việc xem xét lại hợp đồng và sửa đổi chúng cho thích hợp để tránh bất cứ các tranh chấp nào hoặc những điều bất ngờ trong tương lai.

[1] Nguyên tắc đồng thuận.

[2] Tòa án sơ thẩm cũng đã trích dẫn Điều 14 của Luật Đầu tư Nước ngoài vì có cắt bỏ nguyên tắc đồng thuận, nhưng dường như nó không chính xác.

Nguồn: Vietnamese Legal Update.

Từ khóa » Blog Bình Luận án