Bình Luận Các Quy định Của Luật Doanh Nghiệp 2020 Về Công Ty Hợp ...
Có thể bạn quan tâm
Có thế thấy rằng công ty hợp danh là loại hình đặc trưng của công ty đối nhân. Công ty đối nhân là những công ty thành lập dựa trên sự liên kết chặt chẽ bởi độ tin cậy về nhân thân giữa các thành viên tham gia, việc vốn góp chỉ là yếu tố thứ yếu; thường tồn tại dưới hai dạng cơ bản là công ty hợp danh và công ty hợp vốn đơn giản.
TIN LIÊN QUANCông ty hợp danh là một hình thức công ty ra đời sớm nhất trong lịch sử các loại hình doanh nghiệp. Ở Việt Nam, trong Luật Doanh nghiệp năm 1999, công ty hợp danh xuất hiện lần đầu như một loại hình doanh nghiệp mới. Việc có mặt của loại hình doanh nghiệp này đã mở rộng sự lựa chọn hơn nữa cho các nhà kinh doanh, thu hút được nguồn vốn cả trong và ngoài nước, thúc đẩy mở rộng hợp tác quốc tế trong quá trình hội nhập. Các Luật Doanh nghiệp 2005, Luật Doanh nghiệp 2014 và Luật Doanh nghiệp 2020 tiếp tục củng cố chặt chẽ hơn những quy định về công ty hợp danh. Với bài viết này tác giả sẽ phần nào đó thể hiện rõ hơn về loại hình doanh nghiệp này.
1.Khái niệm, đặc điểm của công ty hợp danh
Công ty hợp danh được quy định rõ tại điều 177 Luật Doanh nghiệp 2020.
“1. Công ty hợp danh là doanh nghiệp, trong đó:
a) Phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (sau đây gọi là thành viên hợp danh). Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn;
b) Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty;
c) Thành viên góp vốn là tổ chức, cá nhân và chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công ty.
2. Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
3. Công ty hợp danh không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào”.
Có thế thấy rằng công ty hợp danh là loại hình đặc trưng của công ty đối nhân. Công ty đối nhân là những công ty thành lập dựa trên sự liên kết chặt chẽ bởi độ tin cậy về nhân thân giữa các thành viên tham gia, việc vốn góp chỉ là yếu tố thứ yếu; thường tồn tại dưới hai dạng cơ bản là công ty hợp danh và công ty hợp vốn đơn giản. Một công ty hợp danh được thành lập nếu ít nhất có hai thành viên và phải cùng nhau liên đới chịu trách nhiệm vô hạn, tức là chủ nợ có thể đòi bất kì thành viên nào toàn bộ số nợ của công ty và trách nhiệm này của các thành viên là như nhau, nếu giữa họ có sự thỏa thuận nào khác về việc chịu trách nhiệm tài sản thì sẽ lập tức chuyển sang loại hình công ty hợp vốn đơn giản. Khác với công ty hợp danh, công ty hợp vốn đơn giản có hai loại thành viên chịu trách nhiệm tài sản khác nhau, có ít nhất một thành viên chịu trách nhiệm vô hạn (thành viên nhận vốn) còn các thành viên khác chịu trách nhiệm hữu hạn (thành viên góp vốn). Có thể thấy, khái niệm công ty hợp danh theo Luật doanh nghiêp 2020 có nội hàm từ khái niệm công ty đối nhân theo pháp luật các nước, khác biệt ở chỗ nó bao hàm chung cả hai loại công ty hợp danh và công ty hợp vốn đơn giản. Việc gộp chung hai loại hình này dựa trên những điểm tương tự về mặt quy chế pháp lí của chúng là điểm riêng của Luật doanh nghiệp Việt Nam khi định nghĩa về công ty hợp danh.
Từ quy định tại chương VI Luật Doanh nghiệp có thể rút ra công ty hợp danh có một số đặc điểm sau:
Tư cách pháp nhân của công ty hợp danh: Khoản 2 Điều 177 quy định công ty hợp danh có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh. Đối chiếu với quy định về pháp nhân trong Bộ luật dân sự năm 2015, tại điểm c Khoản 1 Điều 74: “Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó”, ta thấy việc Luật quy định về tư cách pháp nhân của công ty hợp danh là có sự mâu thuẫn, bởi một trong các yếu tố của pháp nhân là: phải có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó. Nhưng ở công ty hợp danh thì tài sản của công ty không hoàn toàn độc lập với tài sản của các thành viên hợp danh do chế độ chịu trách nhiệm vô hạn mà các thành viên này phải chịu. Theo đó, có quan điểm cho rằng, không có sự tách bạch giữa tài sản của công ty và các thành viên cụ thể là thành viên hợp danh, do đó công ty hợp danh không thể là pháp nhân. Tuy nhiên, nếu không thừa nhận tư cách pháp nhân của công ty hợp danh thì việc tham gia tố tụng hay giao dịch với bên thứ ba của loại hình doanh nghiệp này sẽ trở nên khó khăn hơn.
Chế độ chịu trách nhiệm: Công ty hợp danh chịu trách nhiệm tài sản trong phạm vi tài sản của công ty. Tài sản của công ty hợp danh bao gồm: Tài sản góp vốn của các thành viên đã được chuyển quyền sở hữu cho công ty; tài sản tạo lập được mang tên công ty; tài sản thu được từ hoạt động kinh doanh do thành viên hợp danh thực hiện nhân danh công ty và từ hoạt động kinh doanh của công ty do thành viên hợp danh nhân danh cá nhân thực hiện; tài sản khác theo quy định của pháp luật.(Điều 179 Luật doanh nghiệp 2020). Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm liên đới vô hạn về tài sản đối với công ty. Sở dĩ thành viên hợp danh phải chịu trách nhiệm liên đới vô hạn là vì giữa thành viên hợp danh và công ty không có sự tách bạch về mặt tài sản. Chủ nợ có quyền đòi bất cứ thành viên hợp danh nào thanh toán toàn bộ khoản nợ của công ty, và các thành viên hợp danh phải dùng toàn bộ tài sản của mình cả tài sản đầu tư kinh doanh lẫn tài sản dân sự để chi trả, chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ của công ty. Thành viên góp vốn (nếu có) chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn về các khoản nợ của công ty bằng số vốn đã góp vào công ty. Giới hạn trách nhiệm của thành viên góp vốn trong công ty hợp danh giống giới hạn trách nhiệm của thành viên trong công ty trách nhiệm hữu hạn. Về giới hạn trách nhiệm của thành viên góp vốn trong công ty hợp danh theo Luật doanh nghiệp 2020 cần chú ý giữa số vốn đã góp và số vốn đã cam kết góp vào công ty. Tại điểm c khoản 1 điều 177 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: “Thành viên góp vốn là tổ chức, cá nhân và chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công ty”. Khoản 3 điều 178 Luật Doanh nghiệp quy định: “Trường hợp có thành viên góp vốn không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết thì số vốn chưa góp đủ được coi là khoản nợ của thành viên đó đối với công ty; trong trường hợp này, thành viên góp vốn có liên quan có thể bị khai trừ khỏi công ty theo quyết định của Hội đồng thành viên”. Đây được coi là điểm mới của Luật Doanh nghiệp 2020 so với Luật Doanh nghiệp 2014. Luật Doanh nghiệp 2014 quy định về trách nhiệm tài sản của thành viên góp vốn tại các điều luật chưa nhất quán với nhau, giữa“số vốn đã cam kết” và “số vốn đã góp”. Đến nay, Luật Doanh nghiệp 2020 ra đời đã tháo gỡ những vướng mắc, mâu thuẩn giữa các điều luật. Việc tháo gỡ những vướng mắc trên , góp phần thuận tiện trong việc áp dụng pháp luật.
Phát hành các loại chứng khoán: Khoản 3 Điều 177 Luật doanh nghiệp 2020 quy định “Công ty hợp danh không được phát hành bất kì loại chứng khoán nào”. Trong công ty hợp danh, yếu tố nhân thân rất được coi trọng. Vì vậy, những thay đổi về thành viên cũng rất khó khăn. Mặt khác, công ty hợp danh thường có cơ cấu đơn giản, quy mô kinh doanh vừa và nhỏ, lai có lợi thế là dễ vay vốn của ngân hàng. Vì vậy, không cần thiết phát hành các loại chứng khoán. Luật không cho phép công ty hợp danh phát hành cổ phiếu vì nếu công ty hợp danh cũng phát hành cổ phiếu như công ty cổ phần thì công ty hợp danh sẽ có thêm nhiều chủ sở hữu, cùng có quyền quản lí công ty.
2.Quản lí công ty hợp danh
Cơ cấu tổ chức: Do tính an toàn pháp lý đối với công chúng cao, mặt khác các thành viên thường có quan hệ mật thiết với nhân thân nên việc quản lí công ty hợp danh chịu rất ít sự rành buộc của pháp luật. Quyền quản lý công ty hợp danh chỉ thuộc về các thành viên hợp danh, thành viên góp vốn không có quyền quản lí công ty hợp danh. Trong công ty hợp danh, hội đồng thành viên là cơ quan quyết định cao nhất của công ty bao gồm tất cả các thành viên. Hội đồng thành viên bầu một thành viên hợp danh là chủ tịch đồng thời kiêm giám đốc hoặc tổng giám đốc (nếu điều lệ công ty không có quy định khác).
Hội đồng thành viên: Cơ quan quản lí cao nhất của công ty hợp danh là Hội đồng thành viên được quy định tại điều 182 Luật Doanh nghiệp 2020. Cùng là Hội đồng thành viên tuy nhiên Hội đồng thành viên của công ty hợp danh xét về bản chất không giống với Hội đồng thành viên trong công ty trách nhiệm hữu hạn. Các thành viên thuộc Hội đồng thành viên trong công ty trách nhiệm hữu hạn đều có quyền tham gia thảo luận, biểu quyết mọi vấn đề của công ty. Ở công ty hợp danh các thành viên hợp danh mới có quyền thảo luận quyết định mọi vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng thành viên. Đối với thành viên góp vốn tuy được tham gia vào cơ quan cao nhất công ty nhưng thực chất lại không có quyền quản lý, điều hành. Họ được quyền biểu quyết những vấn đề liên quan đến quyền lợi của mình nhưng lá phiếu không được tính.
Chủ tịch hội đồng thành viên, giám đốc, tổng giám đốc:Nhiệm vụ của Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc (Tổng giám đốc) được quy định tại khoản 4 điều 184 Luật Doanh nghiệp 2020. Chức danh ở công ty hợp danh cũng khác so với các loại hình doanh nghiệp khác. Nếu ở công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần Giám đốc, Tổng giám đốc nắm giữ những vị trí quan trọng, thực hiện công việc kinh doanh với tư cách của chính chức vụ cá nhân của mình, thì ở công ty hợp danh, Giám đốc, Tổng giám đốc không có quyền cao hơn các thành viên hợp danh khác. Giám đốc, Tổng giám đốc chỉ làm nhiệm vụ phân công, phối hợp điều hòa công việc giữa các thành viên hợp danh. Điều hành công ty theo phân công, phân nhiệm hoặc ủy quyền của Hội đồng thành viên.
Quản lý nội bộ công ty: Việc tiến hành họp hội đồng thành viên do chủ tịch hội đồng thành viên triệu tập hoặc theo yêu cầu của thành viên hợp danh. Trường hợp chủ tịch hội đồng thành viên không triệu tập họp theo yêu cầu của thành viên hợp danh thì thành viên đó có quyền triệu tập họp hội đồng. Nếu điều lệ công ty không quy định thì khi quyết định những vấn đề quan trọng phải được ít nhất 3/4 tổng số thành viên hợp danh chấp thuận (Khoản 3 Điều 182 Luật doanh nghiệp 2020 ). Còn khi quyết định những vấn đề khác không quan trọng thì chỉ cần ít nhất 2/3 tổng số thành viên hợp danh chấp thuận. Tỉ lệ cụ thể do điều lệ công ty quyđịnh. Khi tham gia họp thảo, thảo luận về các vấn đề của công ty mỗi thành viên hợp danh có một phiếu biểu quyết hoặc có số biểu quyết khác quy định tại điều lệ công ty. Quyền tham gia biểu quyết của thành viên góp vốn bị hạn chế hơn (Điểm a Khoản 1 Điều 187). Trong quá trình hoạt động của công ty, các thành viên hợp danh có quyền đại diện theo pháp luật và tổ chức điều hành hoạt động kinh doanh hàng ngày của công ty. Mọi hạn chế đối với thành viên hợp danh trong thực hiện công việc kinh doanh hàng ngày của công ty chỉ có hiệu lực đối với bên thứ ba khi người đó được biết về hạn chế đó. Thành viên hợp danh phân công nhau đảm nhận các chức danh quản lí và kiểm sát công ty; khi một số hoặc tất cả thành viên cùng thực hiện một số công việc kinh doanh thì quyết định được thông qua theo nguyên tắc đa số chấp thuận. Chủ tịch hội đồng thành viên, giám đốc (tổng giám đốc) có nhiệm vụ quản lí và điều hành công việc kinh doanh hàng ngày của công ty với tư cách là thành viên hợp danh, phân công phối hợp công việc kinh doanh giữa các thành viên hợp danh. Đại diện cho công ty với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án; đại diện cho công ty thực hiện quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Luật doanh nghiệp 2020 đã cho phép thành viên góp vốn được tham gia vào Hội đồng thành viên nhưng thực chất, việc quản lí, giám sát nội bộ cũng như cơ chế điều hành của công ty hợp danh về thực chất đều nằm trong tay các thành viên hợp danh thông qua những quy định về tỷ lệ tối thiểu số thành viên hợp danh biểu quyết các vấn đề của công ty hợp danh. Thành viên góp vốn chỉ có quyền tham gia thảo luận và biểu quyết về một số vấn đề có liên qua trực tiếp đến quyền lợi của mình mà không được trao quyền quản lí, điều hành công ty. Do vậy, về hình thức thì Hội đồng thành viên là cơ quan quản lí có quyền hạn cao nhất của công ty nhưng về thực chất thì chính các thành viên hợp danh mới là những người có quyền quyết định mọi hoạt động của công ty và có quyền nhân danh công ty thực hiện các giao dịch thương mại bên ngoài.
3. Thành viên công ty hợp danh
Thành viên hợp danh: Theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 177 Luật Doanh nghiệp 2020 “Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty; ”. Như vậy, trước hết thành viên hợp danh của công ty hợp danh theo pháp luật Việt Nam chỉ có thể là cá nhân, điều này khác với quy định của nhiều nước khác: thành viên hợp danh có thể là cá nhân hoặc pháp nhân. Trong một số các ngành nghề đặc biệt như thiết kế công trình, dịch vụ pháp lí, dược phẩm, khám chữa bệnh, dịch vụ thú y, …. luật của nước ta đòi hỏi thành viên hợp danh phải có trình độ chuyên môn, chứng chỉ hành nghề hoặc bằng cấp nhất định.
Thành viên hợp danh có quyền quản lí công ty, tiến hành các hoạt động kinh doanh nhân danh công ty, đồng thời phải chịu trách nhiệm vô hạn liên đới với các nghĩa vụ của công ty. Thành viên hợp danh phải chịu trách nhiệm về các hoạt động của công ty kể từ khi đăng kí vào danh sách thành viên công ty, bất kể thành viên đó có trực tiếp tham gia vào các hoạt động phát sinh trách nhiệm ấy hay không, trừ trường hợp thành viên đó và các thành viên còn lại có thỏa thuận khác (khoản 3 Điều 186 Luật doanh nghiệp 2020). Khi đã chấm dứt tư cách thành viên công ty hợp danh (do tự nguyện, hoặc các trường hợp do Điều lệ công ty quy định), thì trong thời hạn hai năm, thành viên hợp danh vẫn phải liên đới chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các khoản nợ của công ty đã phát sinh trước ngày chấm dứt tư cách thành viên.(khoản 5 Điều 185 Luật doanh nghiệp 2020). Như vậy ta có thể thấy thành viên hợp danh có một vai trò vô cùng quan trọng đối với công ty hợp danh. Xuất phát từ vai trò đó cùng với chế độ trách nhiệm vô hạn của loại thành viên này mà luật quy định một số hạn chế đối với quyền của thành viên hợp danh tại Điều 180.
Theo Điều 185 Luật doanh nghiệp 2020, tư cách thành viên hợp danh chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
- Tự nguyện rút vốn khỏi công ty, tuy nhiên việc rút vốn sẽ chỉ được coi là hợp lệ khi ít nhất ba phần tư tổng số thành viên hợp danh chấp thuận và Điều lệ không có quy định khác.
- Chết hoặc bị tòa án tuyên bố đã chết. Trường hợp này, người thừa kế của thành viên hợp danh bị chết hoặc bị tòa tuyên bố đã chết được hưởng phần giá trị tài sản tại công ty sau khi đã trừ đi nợ của thành viên đó. Điểm h khoản 1 Điều 181 Luật doanh nghiệp 2020 quy định: “Trường hợp thành viên hợp danh chết thì người thừa kế của thành viên được hưởng phần giá trị tài sản tại công ty sau khi đã trừ đi phần nợ và nghĩa vụ tài sản khác thuộc trách nhiệm của thành viên đó. Người thừa kế có thể trở thành thành viên hợp danh nếu được Hội đồng thành viên chấp thuận;”. Quy định nêu trên nhằm hạn chế việc người thừa kế không hề có khả năng chuyên môn trở thành thành viên hợp danh, có quyền điều hành hoạt động của công ty.
- Bị tòa án tuyên bố là mất tích, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc mất năng lực hành vi dân sự. Khi thành viên hợp danh bị tòa tuyên bố mất tích thì tư cách thành viên hợp danh của thành viên đó cũng chấm dứt. Quy định này nhằm bảo vệ hoạt động bình thường của công ty, vì thành viên hợp danh là người quản lí công ty. Trong trường hợp này phần vốn góp của thành viên đó được hoàn trả công bằng và thỏa đáng.
- Bị khai trừ khỏi công ty. Nếu Điều lệ công ty không quy định thì thành viên hợp danh bị khai trừ khi được sự chấp thuận của ít nhất ba phần tư tổng số thành viên hợp danh. Các trường hợp khai trừ quy định tại khoản 3 Điều 185 Luật doanh nghiệp 2020.
- Các trường hợp khác do luật quy định.
Thành viên góp vốn: Thành viên góp vốn không có quyền tham gia quản lí và hoạt động kinh doanh của công ty. Quy định này có xuất phát từ chế độ chịu trách nhiệm hữu hạn của thành viên góp vốn. Thành viên hợp danh phải chịu chế độ trách nhiệm liên đới và vô hạn, do đó mọi kết quả hoạt động của công ty đều ảnh hưởng rất lớn tới loại thành viên này. Khi công ty không hoàn thành được nghĩa vụ với chủ nợ thì thành viên hợp danh phải bỏ tiền túi của mình ra để trả nợ. Nếu người quản lí, điều hành không cẩn trọng dẫn tới công ty phá sản thì các thành viên hợp danh rất dễ bị khánh kiệt. Vì thế hơn ai hết thành viên hợp danh có quyền quản lí điều hành công ty. Ngược lại, các thành viên góp vốn chịu trách nhiệm hữu hạn, mọi nghĩa vụ của công ty dù lớn như thế nào họ cũng chỉ phải chịu trách nhiệm trong phần vốn đã cam kết góp vào công ty mà thôi. Nếu cho các thành viên này quyền quản lí, họ sẽ ít thận trọng hơn và có thể gây ảnh hưởng tới thành viên hợp danh và bên thứ ba giao dịch. Vì không được quyền quản lí công ty, nên pháp luật cũng không buộc các thành viên góp vốn phải có chứng chỉ hành nghề hoặc qua đào tạo về ngành nghề thuộc lĩnh vực hoạt động của công ty.
4. Vốn trong công ty hợp danh
Về vấn đề chuyển nhượng phần vốn góp có sự khác nhau giữa thành viên hợp danh và thành viên góp vốn. Phần vốn góp của thành viên hợp danh thường gắn với nhân thân của họ, việc chuyển nhượng vốn của thành viên này tương đối khó khăn, bởi nếu tự do chuyển nhượng phần vốn góp đồng nghĩa với một sự thay đổi cơ cấu nhân sự và các thành viên hợp danh phải chấp nhận một thành viên mới mà họ không quen biết, không nắm rõ về nhân thân người ấy, như vậy sẽ làm thay đổi bản chất của công ty hợp danh. Tuy nhiên pháp luật không cấm tuyệt đối sự thay đổi này mà chỉ hạn chế nó bằng việc chỉ cho phép chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn tại công ty nếu được sự đồng ý của các thành viên hợp danh còn lại. quy định này hoàn toàn phù hợp với tính chất đối nhân tương đối của công ty hợp danh ở Việt Nam đồng thời mở rộng quyền tự do chuyển đổi môi trường đầu tư có lợi hơn cho thành viên hợp danh. Phần vốn góp của thành viên góp vốn được tự do chuyển nhượng vì không làm thay đổi tính chất cũng như bộ máy quản lí công ty.
5. Thành lập và chấm dứt hoạt động của công ty hợp danh.
Thành lập công ty hợp danh
Đối tượng có quyền thành lập doanh nghiệp: Theo tinh thần của Điều 17 Luật doanh nghiệp 2020, mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền thành lập và quản lí doanh nghiệp tại Việt Nam trừ những đối tượng đã quy định tại khoản 2 của Điều luật này. Có thể nói, các nhà làm luật đã không liệt kê các trường hợp không được thành lập và quản lí doanh nghiệp như trước đây, thay vào đó là sự dẫn chiếu đến những quy định khác của pháp luật. Các quy định như vậy vừa đảm bảo tính khái quát, hợp lí vừa phù hợp với tình hình thực tiễn, tạo sự ổn định lâu dài cho Luật doanh nghiệp và góp phần tạo nên sự thống nhất của toàn hệ thống pháp luật.
Đối tượng có quyền góp vốn vào công ty: Theo khoản 3 điều 17 thì tổ chức, cá nhân có quyền góp vốn vào công ty hợp danh trừ các trường hợp là Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp để thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình; Đối tượng không được góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Phòng, chống tham nhũng. Việc quy định các đối tượng có quyền thành lập và góp vốn doanh nghiệp theo phương pháp loại trừ như Điều 17 Luật doanh nghiệp 2020 đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong việc nhận thức pháp luật để tiến hành thành lập doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật. Việc hạn chế một số đối tượng trong việc thành lập hay góp vốn vào doanh nghiệp xuất phát từ yêu cầu bảo vệ lợi ích nhà nước, xã hội và của chính các nhà đầu tư.
Đăng kí kinh doanh: Đăng kí kinh doanh là thủ tục luật định nhằm khai sinh về mặt pháp lí cho công ty (thừa nhận tư cách pháp lí của công ty) và công ty sẽ được đảm bảo về mặt pháp lí kể từ khi hoàn tất thủ tục đăng lí kinh doanh. Theo Luật doanh nghiệp 2020, việc đăng kí kinh doanh được thực hiện tại cơ quan đăng kí kinh doanh theo phương thức: Đăng ký doanh nghiệp trực tiếp tại Cơ quan đăng ký kinh doanh; Đăng ký doanh nghiệp qua dịch vụ bưu chính; Đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử. Đây là nội dung mới so với Luật Doanh nghiệp 2014 góp phần đơn giản các thủ tục hành chính, tạo thuận tiện, cho doanh nghiệp.
Chấm dứt hoạt động của công ty:
Giải thể công ty hợp danh: Giải thể công ty là thủ tục chấm dứt sự tồn tại, hoạt động của công ty, xoá tên của công ty trong sổ đăng kí kinh doanh. Công ty hợp danh nói riêng và mọi doanh nghiệp nói chung chỉ được giải thể khi đảm bảo thanh toán được toàn bộ các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác. Các trường hợp giải thể được quy định tại điều 207 Luật Doanh nghiệp 2020 gồm:
Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn. Công ty hợp danh được ra đời là do sự thoả thuận của các thành viên. Sự tồn tại của công ty hợp danh vì thế cũng phụ thuộc vào sự thoả thuận này, biểu hiện của sự thoả thuận này chính là Điều lệ của công ty. Một trong những nội dung cơ bản của Điều lệ công ty là thời hạn hoạt động của công ty. Do vậy, khi hết thời hạn này, tức thoả thuận về sự tồn tại của công ty hợp danh hết hiệu lực mà các thành viên của công ty không có quyết định gia hạn hoạt động thì đương nhiên công ty sẽ bị giải thể. Trong trường hợp này, nếu công ty muốn tiếp tục hoạt động thì các thành viên công ty hợp danh phải gửi quyết định gia hạn đến cơ quan có thẩm quyền để được gia hạn hoạt động.
- Theo quyết định của tất cả các thành viên hợp danh. Trường hợp giải thể này là một hình thức giải thể tự nguyện theo ý chí của các thành viên hợp danh của công ty. Luật Doanh nghiệp trao cho các thành viên hợp danh được quyết định việc có giải thể doanh nghiệp hay không, có nghĩa là lí do giải thể trong trường hợp này sẽ phụ thuộc vào sự tự nguyện tuyệt đối và sự lựa chọn của các thành viên hợp danh. Quy định này cũng cho thấy vai trò của thành viên hợp danh rất được đề cao.
- Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật doanh nghiệp 2020 trong thời hạn sáu tháng liên tục. Luật quy định công ty hợp danh phải có ít nhất 2 thành viên hợp danh và có thể có thành viên góp vốn. Một công ty hợp danh tại thời điểm nhất định có thể có 10 thành viên, trong đó chỉ có một thành viên hợp danh cũng được coi là không đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật doanh nghiệp 2020.Tuy nhiên, công ty không bị giải thể ngay mà pháp luật cho phép công ty hợp danh được tồn tại trong thời hạn là sáu tháng liên tục, kể từ ngày không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của pháp luật. Khoảng thời gian này có thể giúp cho công ty kịp thời điều chỉnh lại cơ cấu thành viên để đáp ứng yêu cầu kinh doanh. Hết thời hạn này mà công ty không bổ sung đủ số lượng thành viên tối thiểu thì công ty buộc phải giải thể
Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh trừ trường hợp Luật Quản lý thuế có quy định khác. Đây là một trường hợp giải thể bắt buộc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh do cơ quan có thẩm quyền của nhà nước cấp cho công ty nhằm chứng nhận tư cách chủ thể kinh doanh của công ty, đó là giấy thông hành để công ty hợp danh thực hiện các hoạt động của mình trong kinh doanh. Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh có nghĩa là nhà nước rút lại sự công nhận tư cách chủ thể kinh doanh của công ty hợp danh, buộc công ty hợp danh phải giải thể. Quy định này đã khắc phục tình trạng doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh nhưng không chịu giải thể.
Thủ tục giải thể doanh nghiệp nói chung và công ty hợp danh nói riêng được pháp luật quy định tại Điều 208 Luật doanh nghiệp 2020 và Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 4/01/2021 của chính phủ về đăng ký doanh nghiệp. Theo quy định tại Điều 208 Luật doanh nghiệp 2020 thủ tục giải thể doanh nghiệp gồm 6 bước: Thông qua quyết định giải thể công ty; Thanh lí tài sản của công ty; Gửi quyết định giải thể và thông báo giải thể; Cơ quan đăng ký kinh doanh thông báo tình trạng doanh nghiệp đang làm thủ tục giải thể trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp ngay sau khi nhận được nghị quyết, quyết định giải thể của doanh nghiệp; Thanh toán các khoản nợ của công ty; Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp gửi hồ sơ giải thể doanh nghiệp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày thanh toán hết các khoản nợ của doanh nghiệp;Sau thời hạn 180 ngày kể từ ngày nhận được nghị quyết, quyết định giải thể theo quy định tại khoản 3 Điều này mà không nhận được ý kiến về việc giải thể từ doanh nghiệp hoặc phản đối của bên có liên quan bằng văn bản hoặc trong 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ giải thể, Cơ quan đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp
Phá sản công ty hợp danh: Các quy định về phá sản công ty hợp danh đã được Luật phá sản quy định chi tiết và rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết phá sản của công ty.
Công ty hợp danh vốn là một trong những loại hình doanh nghiệp ra đời sớm nhất và được hầu hết các nước ứng dụng, song ở Việt Nam nó thật sự chưa được biết đến rộng rãi. Với bài viết này, tác giả hi vọng giúp doanh nghiệp hiểu hơn phần nào về loại hình doanh nghiệp này, đồng thời cũng có những nhận xét, đánh giá nhằm khắc phục những hạn chế của nó, thúc đẩy sự phát triển của công ty hợp danh ở Việt Nam và lựa chọn cho mình loại hình doanh nghiệp phù hợp.
Lê Tâm
Văn Bản Pháp Quy
Các tin khác- Tiếp tục lan toả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tại Hà Nội
- Hà Nội: xây dựng đội ngũ cán bộ Mặt trận “mạnh” ở cả Thành phố và địa phương
- Hà Nội bắn pháo hoa Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán 2025
- Thủ tướng chỉ đạo giải pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, địa điểm tập trung đông người dịp Tết
- Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài chúc mừng Tòa Tổng Giám mục Hà Nội nhân dịp Giáng sinh 2024
- "Tiếp tục phát huy và là cầu nối bền chặt giữa các cấp ủy đảng, chính quyền với các tầng lớp Nhân dân…"
- Tuyên truyền, phổ biến Tài liệu giới thiệu Luật Thủ đô số 39/2024/QH15
- Kế hoạch Hưởng ứng “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024
- Phóng sự “Luật Thủ đô năm 2024 - Khơi thông nguồn lực phát triển Thủ đô”
- Cảnh báo tham gia đầu tư ngoại hối qua 3 sàn lừa đảo “RichSmart, Topmax, GFS”
- Khuyến cáo đảm bảo an toàn PCCC khi thắp hương thờ cúng tại mỗi gia đình
- Những lưu ý để không bị tạm dừng giao dịch trên tài khoản ngân hàng từ 1/1/2025
- Cảnh giác khi đầu tư chứng khoán, đa cấp, tiền ảo trên mạng
Từ khóa » đặc điểm Công Ty Hợp Danh Luật Doanh Nghiệp 2020
-
Công Ty Hợp Danh Là Gì? Đặc điểm Của Công Ty Hợp Danh
-
Khái Niệm, đặc điểm Công Ty Hợp Danh - AZLAW
-
Đặc điểm Công Ty Hợp Danh Theo Luật Doanh Nghiệp Mới - Phamlaw
-
Công Ty Hợp Danh Là Gì? Đặc điểm Của Công Ty Hợp Danh? Thành ...
-
Quy định Về Công Ty Hợp Danh Trong Luật Doanh Nghiệp 2020 Và 2014
-
Công Ty Hợp Danh Là Gì ? Đặc điểm, đặc Trưng Cơ Bản Của Công Ty ...
-
Quy định Mới Về Thành Viên Hợp Danh Của Công Ty Hợp Danh ?
-
Công Ty Hợp Danh Là Gì? Khái Niệm & Đặc điểm - Thiên Luật Phát
-
Quy định Luật Doanh Nghiệp 2020 Về Công Ty Hợp Danh
-
Công Ty Hợp Danh Là Gì? Khái Niệm Và đặc điểm - Luật LawKey
-
So Sánh Các Loại Hình Công Ty Theo Luật Doanh Nghiệp 2020
-
Công Ty Hợp Danh Là Gì? Cơ Cấu Và Các đặc điểm Pháp Lý
-
Quy định Về Công Ty Hợp Danh Theo Luật Doanh Nghiệp 2020
-
Cơ Cấu Tổ Chức Của Công Ty Hợp Danh Thế Nào Là đúng Luật?