Bình Yên Bên Cây Cầu Chứng Nhân Lịch Sử Long Biên – Mega Story

120 năm đã trôi qua, cây cầu Long Biên Hà Nội sừng sững bắc qua sông Hồng, nối hai quận Long Biên và Hoàn Kiếm không chỉ là một chứng nhân lịch sử vĩ đại mà còn trở thành “điểm hẹn” quen thuộc cho người dân và du khách giữa phố thị náo niệt.

Đối với bao thế hệ người dân Hà Thành, cây cầu đi cùng năm tháng từ thuở bé xíu cho đến khi trưởng thành. Dạo bước trên những nhịp sắt nhuốm màu cổ kính, thả hồn vào mây trời, sông nước và nhìn ngắm dòng người qua lại người ta sẽ cảm nhận được những phút giây thư giãn thoải mái, bình yên nhất.

Từ chứng nhân lịch sử

Trải qua 120 năm, Cầu Long Biên là cây cầu bắc qua 3 thế kỷ đã chứng kiến biết bao thăng trầm của chiến tranh cũng như sự phát triển trỗi dậy của Hà Nội. Đây là một trong những biểu tượng mang đậm dấu ấn lịch sử- văn hóa- xã hội của thủ đô.

Cầu Long Biên là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng, nối hai quận Hoàn Kiếm với quận Long Biên của Hà Nội ngày nay. (Ảnh: Hoàng Long/Vietnam+)

Cho đến nay, Hà Nội chưa có công trình nào ghi dấu sâu đậm như cầu Long Biên. Cầu Long Biên là công của người nước ngoài xây dựng nhưng có sự đóng góp rất nhiều công sức của người Việt Nam; đặc biệt nó đã được Hà Nội hóa, trở thành một biểu tượng, chứng nhân của lịch sử, hết sức thân thiết với người Việt, nhẫn nại, kiên trì, gánh vác… Nó đã trở thành một bộ phận hữu cơ, một thứ tài sản vô giá của Hà Nội.

Trải qua 120 năm, Cầu Long Biên – cây cầu bắc qua 3 thế kỷ đã chứng kiến biết bao thăng trầm của chiến tranh cũng như sự phát triển trỗi dậy của Hà Nội. Đây là một trong những biểu tượng mang đậm dấu ấn lịch sử- văn hóa- xã hội của thủ đô.

120 năm trước, vào ngày 13/9/1889, toàn quyền Đông Dương đã làm lễ khởi công một cây cầu vắt ngang dòng sông Mẹ. Vị trí được chọn để xây cầu đúng ngay vị trí mà chiếc tàu của Pháp nổ súng bắn vào Ô Quan Chưởng và Cửa Bắc trước đó.

Cầu Long Biên được thiết kế theo kiểu có rầm chìa mà công ty Daydé & Pillé áp dụng lần đầu tiên cho cây cầu ở Tobiac (Paris) trên tuyến đường sắt Paris-Orleans của nước Pháp. Cầu có chiều dài là 1.862m, gồm 19 nhịp dầm thép đặt trên 20 trụ cao hơn 40m (kể cả móng) và đường dẫn xây bằng đá.

Giữa cầu có đường ray đơn dành cho tàu hỏa. Hai bên cầu có đường dành cho xe cơ giới và người đi bộ. Luồng giao thông của cầu theo hướng đi xuôi ở phía trái cầu chứ không phải ở bên phải như các cầu thông thường khác.

Tấm biển ghi tên nhà thầu Daydé & Pillé được gắn trên cầu Long Biên, phía bên trên ghi năm khởi công và khánh thành. (Ảnh: Trần Thanh Giang/Báo ảnh Việt Nam)

Với cấu trúc như vậy, cầu Long Biên đã trở thành một trong bốn cây cầu thép lớn nhất thế giới thời đó và là cây cầu có độ dài thứ hai trên thế giới (sau cầu Brooklyn của nước Mỹ).

Sau gần 3 năm thi công, ngày 28/2/1902, cầu chính thức được khánh thành và được đặt tên là Paul Doumer – tên của vị toàn quyền Đông Dương sở tại. Sau ngày Hà Nội giải phóng, cầu được đổi tên thành cầu Long Biên. Cầu Long Biên đẹp ở kiểu dáng, độc đáo ở thiết kế và chất liệu xây dựng.

Cầu Long Biên là cây cầu sắt đầu tiên ở Việt Nam và trong quá trình xây dựng có sự đóng góp rất nhiều công sức của lao động Việt Nam. Từ việc xây cầu đã hình thành đội ngũ công nhân Việt Nam tham gia cùng với nhân dân Hà Nội.

Để tiến hành xây dựng cầu, người ta phải tuyển mộ hơn 3000 công nhân bản xứ và một đội ngũ khoảng 40 giám đốc, kỹ sư, chuyên gia và đốc công người Pháp điều hành công việc. Người ta đã dùng đến 30.000m3 đá và kim loại (5600 tấn thép cán, 137 tấn gang, 165 tấn sắt, 7 tấn chì). Tổng số tiền thực chi lên tới 6.200.000 franc Pháp.

Hàng vạn tấn vôi chở từ Huế ra, 30.000m3 đá và hàng nghìn khối gỗ lim chở từ Thanh Hóa ra, hàng nghìn tấn ximăng chở từ Hải Phòng lên để xây dựng cầu.

Hàng vạn đinh tán trên cầu là do người Việt Nam tán, mố cầu xây cách mặt nước hơn 30m cũng do người Việt Nam lặn xuống bên dưới xây rất vất vả. Nhiều người đã phải bỏ mạng khi xây dựng cây cầu.

Những người lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên để xuống Hải Phòng, chiều 9/10/1954. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam đứng gác trên cầu Long Biên, chiều 9/10/1954 sau khi quân Pháp rút hết khỏi Thủ đô qua cây cầu này để xuống Hải Phòng. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Bộ đội ta hùng dũng tiến qua cầu Long Biên vào tiếp quản Hà Nội, cùng lúc quân Pháp rút khỏi Hà Nội qua cây cầu này phía chiều bên kia, chiều 9/10/1954. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Những người lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên để xuống Hải Phòng, chiều 9/10/1954. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Dù vậy, người Hà Nội, người phố cổ vẫn còn kể câu chuyện về sự có mặt của cây cầu Long Biên đã đưa tới sự sầm uất, thịnh vượng cho 36 phố phường Hà Nội ngày ấy, như thời hoàng kim phố Lò Rèn… Gần 100 số nhà ở phố Lò Rèn dần trở nên làm ăn phát đạt các loại đinh ốc theo đơn đặt hàng xây dựng cầu của kỹ sư người Pháp.

Con phố dài 128 mét nhưng có gần 100 số nhà làm nghề rèn và hơn nửa là người thợ quê gốc làng Hòe Thị. Những bễ lò rèn lớn nhỏ, cứ phì phò đỏ lửa suốt ngày đêm…

Ngoài “sốt” các loại đinh làm cầu, đồ rèn sinh hoạt gia đình một thời “eo xèo buổi chợ” được thay thế hàng loạt mặt hàng “đắt đỏ.” Từ xe xích lô, hàng rào khung cửa uốn cho nhà kiến trúc kiểu Pháp đến đầu súng kíp, công cụ lao động…

Về phía người lao động, trong thời điểm đói kém loạn lạc, mỗi nhân công trong một giờ đồng hồ đào mấu cầu, lắp ghép hệ thống nhịp theo công nghệ được trả 1 đồng bạc. Số tiền ấy đối với họ cũng là nguồn sống lớn, bởi nó đáng giá 1 nồi gạo, tương đương 15kg.

Cây cầu do thực dân Pháp xây dựng với ý đồ khai thác thuộc địa lần thứ nhất, và phục vụ việc đàn áp các phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của người dân Bắc kỳ. Chính vì vậy mà cây cầu đã được xây dựng bằng rất nhiều xương máu của người Việt Nam.

Và ngày hôm nay, cây cầu còn đứng vững cũng là nhờ vào công sức bảo vệ, giữ gìn của những người Việt Nam yêu nước. Cầu Long Biên đã cùng người dân thủ đô kiên cường, vững vàng trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Cầu Long Biên là chứng nhân của lịch sử và bản thân Long Biên cũng lại trở thành lịch sử.

Từ Long Biên để có những ngày Tháng Tám long trời chuyển đất, và Hà Nội trở thành thủ đô thương yêu của cả nước. Từ Long Biên để có những đoàn quân chiến thắng rầm rập tiến về giải phóng thủ đô.

Những ngày mùa thu năm 1954, cầu Long Biên đã chứng kiến những người lính viễn chinh Pháp cuối cùng rút khỏi Hà Nội và cũng từ cầu Long Biên, những khẩu pháo ngạo nghễ cùng sông nước quật cổ lũ giặc trời, cùng cả nước đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại đi tới một Điện Biên Phủ trên không chấn động địa cầu.

Ngày 28/2/1972, việc sửa chữa cầu Long Biên bị hư hại do bom Mỹ đã hoàn tất những nhịp cầu cuối cùng. (Ảnh: Vũ Hanh/TTXVN)

Nhưng cũng trong những năm tháng khói lửa ấy, cầu Long Biên đã bị ném bom 14 lần, đã có 9 nhịp cầu bị đánh gục và 4 trụ bị hư hỏng nặng, nhưng cầu gãy lại được nối, cầu hỏng lại được sửa ngay để đảm bảo huyết mạch lưu thông.

Hơn 1,8km đường cầu dường như chưa bao giờ bị gián đoạn giao thông, cầu chưa bao giờ ngừng hoạt động, để rồi từng chuyến hàng trọng yếu vẫn theo con đường này vào chi viện cho chiến trường miền Nam ruột thịt.

Trải qua không biết bao biến động với nắng gió thời gian, chiến tranh tàn phá, cầu Long Biên giờ chỉ còn lại một nhịp kép phía Bắc, một nhịp kép phía Nam cộng thêm với nửa nhịp kép nằm giữa sông là còn giữ được vóc dáng nguyên bản. Các nhịp cầu bị bom đánh đổ đã được thay bằng các dầm bán vĩnh cửu có độ khẩu nắn đặt trên các trụ xây mới. Nhưng cầu Long Biên vẫn nằm đó, vắt ngang dòng sông Mẹ như con rồng xanh ngàn năm vẫn trầm tư ngắm thành phố thân yêu đang đổi thay từng ngày.

… đến điểm hẹn không thể bỏ qua

Nhìn thoáng qua cầu Long Biên cũng giống như bao cây cầu khác. Nếu có khác hay chăng cũng chỉ khác ở vẻ ngoài cũ kỹ nhuốm màu thời gian. Vậy điều gì khiến cây cầu này trở thành biểu tượng, thành điểm đến tham quan du lịch mà không ai muốn bỏ qua trong hành trình đến với Hà Nội.

Cầu Long Biên ở bất kể thời gian nào trong ngày, trong năm đều mang dáng vẻ trầm mặc của thời gian. Đây chính là nguồn cảm hứng sáng tác bất tận cho các nhiếp ảnh gia. Từ ảnh phong cảnh, ảnh chụp từ flycam, đến ảnh đời sống đều rất thú vị.

Những thiếu nữ mặc áo dài thướt tha trên Cầu Long Biên là một trong hình ảnh khá đặc trưng khi nhắc đến Hà Nội. Bên cạnh đó là hình ảnh đoàn tàu chạy qua cũng gợi nhớ cho nhiều người về dấu mốc thời gian, về sự cổ kính.

Cầu Long Biên ở bất kể thời gian nào trong ngày, trong năm đều mang dáng vẻ trầm mặc của thời gian. Đây chính là nguồn cảm hứng sáng tác bất tận cho các nhiếp ảnh gia. Bình minh và hoàng hôn là hai thời điểm lý tưởng nhất mà du khách nên đến khi tham quan cầu Long Biên.

Bình minh và hoàng hôn là hai thời điểm lý tưởng nhất mà du khách nên đến tham quan cầu Long Biên. Khi đến đây vào sáng sớm bạn sẽ được tận hưởng không khí trong lành, khoáng đạt, rộng mở đầu ngày, ngắm mặt trời lên từ phía xa cũng như chứng kiến những nhịp sống đầu tiên khởi đầu ngày mới của người dân thủ đô.

Còn nếu đi vào lúc hoàng hôn bạn sẽ được ngắm khung cảnh xế chiều ấm áp, huyền ảo xa xăm cũng như sự hối hả trở về nhà đoàn tụ sum họp của người dân sau một ngày làm việc vất vả, thành phố bắt đầu lên đèn đầy màu sắc lung linh phồn hoa…

Dù là thời điểm nào thì khung cảnh sông Hồng rộng mở, thơ mộng với những chiếc sà lan chầm chậm trôi kết hợp với vẻ đẹp nhuốm màu thời gian của cây cầu cũng sẽ khiến bạn có được những trải nghiệm vô cùng đặc biệt, sâu lắng.

Cầu Long Biên là cây cầu – ký ức, một phần hồn của Hà Nội, của người Hà Nội, là một trong những hình ảnh mà khi nghĩ về Hà Nội, người ta thường nhớ đến. (Ảnh: Hoàng Long/Vietnam+)

Tham quan cầu Long Biên tốt nhất là nên đi bộ hoặc đi bằng xe máy. Với hai loại phương tiện này bạn có thể dừng lại bất cứ đâu trên cầu hay xung quanh cầu, dưới chân cầu để ngắm, để thấy được mọi dấu tích, vẻ đẹp của cây cầu và cảnh vật xung quanh.

Đứng ở hai bên đầu cầu hoặc phía dưới chân cầu, du khách sẽ ngắm toàn cảnh cầu Long Biên để thấy được vẻ đẹp tổng thể trong thiết kế của nó. Đi dọc cây cầu và tận mắt chứng kiến những phần khung thép rỉ màu, những nhịp cầu bị võng, những trụ cột bị lệch…, tất cả đều là những dấu tích của chiến tranh bom đạn minh chứng lịch sử oai hùng của dân tộc Việt Nam. Khi đi trên cầu cũng đừng quên để ý những ổ khóa tình yêu được các đôi lứa gửi gắm, hẹn hò, ước vọng nơi đây.

Đứng trên cầu Long Biên bạn có thể ngắm được cầu Chương Dương, sông Hồng và toàn cảnh thủ đô từ xa. Những con thuyền, sà lan xuôi ngược trên sông Hồng, những bãi bồi xanh ngát chuối, ngô, ổi hay rau màu gần gần xa xa sẽ khiến bạn có được cảm giác yên bình, dễ chịu lạ kỳ. Ngược lại những tòa nhà cao thấp xa xăm, những ánh đèn rực sáng của thành phố lại cho bạn cảm giác ấm cúng và mới mẻ, hiện đại.

Bãi giữa sông Hồng và khu dân cư ven đê. (Ảnh: Hoàng Long/Vietnam+)

Từ cầu Long Biên, du khách cũng có thể tới bãi đá sông Hồng. Đây là địa điểm thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước vài năm trở lại đây bởi khung cảnh rộng lớn, thoáng đạt và đẹp mắt.

Với người dân khu vực lân cận, cầu Long Biên là nơi đi về, nơi tập thể dục, nơi mua bán, nơi hóng mát, nơi hẹn hò hay chốn cưu mang cho những mảnh đời vô gia cư…Có thể ví cầu Long Biên như một Hà Nội thu nhỏ vừa nhộn nhịp vừa trầm lắng, sâu sắc.

Hà Nội của hôm nay hối hả trong dòng chảy của thời đại mới và đã có thêm nhiều cây cầu hiện đại, bề thế. Vai trò huyết mạch giao thông đã không còn, cầu Long Biên giờ chỉ dành cho người đi xe đạp, xe máy và những đoàn tàu, nhưng cây cầu vẫn không mất đi vị trí vốn có của nó trong lòng người Hà Nội.

  • Tàu khách tuyến Hà Nội – Hải Phòng khai thác trở lại Trưa 13/10/2021
  • Tàu khách tuyến Hà Nội – Hải Phòng khai thác trở lại
  • Hà Nội dịu dàng trong nắng vàng đầu Thu

Cho tới giờ, cầu Long Biên vẫn là cây cầu đẹp nhất Hà Nội. Dường như vẻ đẹp ẩn chứa bên trong cây cầu còn là sự thử thách cho sức sáng tạo nghệ thuật. Kiến trúc cầu là sự giao hòa của nét cổ điển và hiện đại tạo nên sự hấp dẫn đặc biệt cho những du khách đến với Hà Nội và với cả những bạn trẻ đam mê nhiếp ảnh, đem lại những cảm hứng sáng tạo cho những người yêu và gắn bó với thành phố này.

Đã 120 năm trôi qua, nhưng những giá trị của quá khứ như vẫn lắng đọng trên từng nhịp cầu. Đất nước đổi thay, thủ đô thay đổi nhưng giá trị biểu tượng của cầu Long Biên vẫn mãi trường tồn. Vẻ đẹp và các giá trị lịch sử quá khứ cũng như hiện tại, là di sản văn hóa trong sự phát triển tương lai của Hà Nội./.

Tàu khách qua cầu Long Biên vào Ga Long Biên. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Chia sẻ:

  • Tweet

Có liên quan

Từ khóa » Cầu Tà Vài