Bình Yên Là Nhà - Tản Văn Dự Thi Của Kiều Trang

Vanvn- Tôi sinh ra ở một làng quê nghèo miền Trung, ngôi làng quanh năm làm lụng vất vả mà lương chỉ ba cọc ba đồng, vừa đủ ăn chứ không dư dả gì. Tôi nghĩ, chắc vì như thế mà dân số trong làng mỗi năm lại vơi bớt đi vài phần.

Mọi người ai nấy đều kéo nhau lên thành phố lập nghiệp với ước vọng mau chóng đổi đời, thoát khỏi cuộc sống cơ hàn ở hiện tại. Một số ít thì chọn ở lại, bởi chút tình cỏn con với mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình. Theo gót chân người tìm đến một chân trời tươi sáng mới, chị tôi cũng bấm bụng khăn gói vào Sài Gòn, bỏ lại quê nhà người cha già và đứa em gái đang còn tuổi ăn tuổi học.

Mẹ mất sớm, cha tôi một mình “gà trống nuôi con” ngót nghét đã gần mười năm. Thương cha vất vả “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” để nuôi nấng hai chị em tôi trưởng thành. Ngay khi còn nhỏ, chị đã biết đỡ đần cha những công việc trong gia đình. Cuộc sống ở ngôi nhà nhỏ, đơn sơ tuy không dôi dả về vật chất nhưng tình yêu thương lúc nào cũng đong đầy. Rồi một ngày, chuyện gì đến cũng sẽ đến, cha tôi bất ngờ đổ bệnh vì làm việc quá lâu giữa cánh đồng nắng như đổ lửa. Kể từ đó đến nay, chị Hai là người thay cha quán xuyến mọi chuyện trong nhà.

Nhận thức được trách nhiệm mà bản thân phải gánh trên đôi vai hao gầy, mảnh khảnh. Chị tôi đã quyết định lựa chọn Sài Gòn làm chốn dung thân kể từ bốn năm nay để hiện thực hóa mong ước của mình và cũng là mong ước dở dang của cha ngày trước.

Về nhà để thấy bình yên. Ảnh Kiều Trang

>> Thể lệ Cuộc thi viết “Về nhà”

Trong thành phố, chị bảo ban ngày chị làm giúp việc cho nhà người ta, tối đến thì tranh thủ làm thêm ở một quán cà phê ven sông Sài Gòn. Một cô gái nhỏ nhắn như chị lại có thể đảm đương được nhiều công việc đến thế. Vậy mà, mỗi lần điện về cho gia đình, chưa lần nào chị than vãn. Chị luôn bảo rằng: “Chị vẫn ổn, chị chịu khổ được”. Đó là câu mà tôi được nghe nhiều nhất từ chị gái của mình trong suốt bốn năm qua. Nhưng tôi biết rằng đằng sau gương mặt tươi cười ấy là những nỗi lo chất chồng của một người con gái xa xứ mưu sinh. Đặc biệt là trong thời điểm dịch bệnh khó khăn những năm trở lại đây.

Từ khi dịch bệnh bùng phát, sinh mệnh con người nhỏ bé như chiếc lá rơi rụng độ cuối mùa, số người chết mỗi ngày một tăng. So với chiến tranh, loạn lạc thì dịch bệnh càng khiếp sợ hơn. Đứng trước màn hình của chiếc tivi cũ mèm, mù mờ vào mỗi buổi sáng, thứ tôi trông thấy không còn là những tin tức chào ngày mới tràn đầy năng lượng mà thay vào đó là hình ảnh dòng người mang theo hàng tá đồ đạc lỉnh ca lỉnh kỉnh, đùm bế nhau tháo chạy từ Sài Gòn về các tỉnh lẻ. Trong dòng người đó, tôi biết thừa không có chị, vậy mà ngày nào cha tôi cũng căng tròn đôi mắt, gương mặt phấp phỏng lo âu, cố gắng tìm kiếm một thứ gì đó thân thuộc của đứa con gái lớn. Mỗi lần nghe tiếng còi xe rình rang tít tận đầu làng, cha tôi liền vùng dậy khỏi giường, xỏ đôi dép lê rồi bước vội ra phía cổng, “Bé út ơi, chắc chị hai Thương về rồi đấy!” cha cất tiếng vọng vào.

Trong lời nói của cha, tôi cảm nhận được nỗi chờ mong tha thiết, nhưng đã nhiều lần, tôi lại thấy cha buồn rũ rượi quay bước vào nhà. “Sao mãi vẫn chưa thấy chị mày về?”, “Chắc chị còn bận chuyện gì đó nên về muộn, cha đừng lo. Tối con sẽ gọi chị hỏi tình hình cho cha” – giọng vỗ về, tôi đáp. Cha nghe tôi nói vậy, đành ậm ừ thỏa hiệp.

Xong bữa cơm tối, tôi vào buồng lấy ra một chiếc điện thoại di động mà chị đã mua cho tôi trước khi vào Sài Gòn lập nghiệp, phòng hờ khi ở nhà có chuyện thì còn biết điện cho người này người kia. Sau vài hồi chuông cất lên, chị tôi nhấc máy: “Cha đợi con nhé, xong việc con sẽ về nhà ngay”. Chị tôi cố gắng trấn an cha cùng lời hứa sẽ trở về nhà trước mùa xuân năm nay.

Chờ đợi mãi cũng đến ngày chị báo chị sẽ chạy xe về nhà. Cha tôi vì vui mừng mà đã tự tay chuẩn bị một bữa trưa thịnh soạn, nhưng ngờ đâu cơm canh nguội lạnh cả rồi mà vẫn chưa thấy chị tôi ló dạng trước hiên nhà. Cha tôi lo lắng sốt vó cả lên, nhất quyết bảo tôi điện lại cho chị xem sao. Đến khi cuộc gọi thứ hai mươi mấy sắp nguôi tiếng chuông thì từ phía ngoài cổng, một hình dáng quen thuộc dần dần hiện rõ. Cha tôi nhìn thấy chị thì sụt sùi, vội vội vàng vàng đón chị cùng lời mắng yêu “Sao con để cha đợi mãi, cha sợ đã xảy ra chuyện gì. Nhưng may quá, con về bình an. Chuyến này về luôn với cha và em con nhé!” giọng cha thủ thỉ mà vẫn còn run. Cha con tôi nước mắt hòa với nước mũi ôm chầm lấy nhau, vỡ òa trong niềm hạnh phúc đoàn viên.

Cuối cùng, sau bao cách trở muôn trùng, ngôi nhà nhỏ của tôi lại đề huề các thành viên. Tuy mẹ không còn nữa, nhưng tôi tin rằng trên bầu trời trong xanh ngày hôm ấy, mẹ đã dõi theo suốt hành trình hồi hương của chị và nở một nụ cười mãn nguyện, chung vui cùng cha con chúng tôi.

Giống như chị, tôi hiểu ai rồi cũng đều hy vọng sẽ lành lặn để trở về với nơi chốn bình yên của mình. Dù cho rong ruổi suốt một đời mưu sinh, thì nhà vẫn là nhà, là điểm dừng chân cuối cùng của mỗi người, nó vẫn ở yên đấy, dang rộng vòng tay như người mẹ hiền chào đón các con trở về. Và chỉ còn chưa đầy một tháng nữa thôi, mai đào sẽ nở, nồi bánh chưng, bánh tét của cha sẽ lại ngun ngút mùi khói lửa. Thật mong rằng, dịch bệnh mau chóng qua đi để tất cả mọi người có thể nói lời tạm biệt với cái tết xa nhà và bắt đầu hành trình mới trong tâm thế vững vàng, tin yêu. Tôi tin, sau cơn mưa ngày hôm nay thì ngày mai đã là một ngày khác rồi.

NGUYỄN THỊ KIỀU TRANG (Quảng Nam)

Xem thêm:
  • Nhiều hoạt động của Hội Nhà văn Việt Nam tại TPHCM
  • Cây bàng Côn Đảo
  • Bản lĩnh của văn học
  • “Dịch thuật văn học là can thiệp chính trị”
  • 15 năm kiệt sức với “Thị Lộ chính danh”

Từ khóa » Hình ảnh Chị Kiều Trang