Bitcoin Là Gì? Cần Biết Gì Về Bitcoin Trước Khi đầu Tư? - LuatVietnam

1. Bitcoin là gì? Bitcoin hoạt động như thế nào?

1.1 Thế nào là Bitcoin?

Hiện không có văn bản nào định nghĩa cụ thể về Bitcoin là gì nhưng theo Ngân hàng Trung ương Châu Âu thì Bitcoin được hiểu là tiền ảo, theo đó tiền ảo là một loại tiền kỹ thuật số không có sự quản lý, được phát hành bởi những người phát triển phần mềm cũng thường là người kiểm soát hệ thống và được sử dụng, chấp nhận thanh toán giữa các thành viên của một cộng đồng ảo nhất định.Như vậy, có thể hiểu Bitcoin là loại tiền chỉ được công nhận, giao dịch trong một cộng đồng, tổ chức. Những cộng đồng này tự tạo ra bitcoin để lưu hành nhằm mục đích dùng để trao đổi, mua bán hàng hoá, dịch vụ.  bitcoin la gi

1.2 Bitcoin hoạt động ra sao?

Bitcoin hiện nay được hoạt động dựa trên công nghệ Blockchain. Cụ thể, Blockchain sẽ cung cấp một cuốn sổ cái có chứa tất cả các giao dịch trên mạng lưới nhưng không để công khai thông tin của những người thực hiện giao dịch.

Khi người tham gia thực hiện giao dịch, máy tính sẽ thực hiện xác thực giao dịch đó. Trường hợp không có bất kỳ sự gian lận nào thì giao dịch của người tham gia sẽ được thêm vào sổ cái, tức quá trình chuyển tiền đã thành công.

2. 5 đặc tính quan trọng của Bitcoin cần hiểu rõ trước khi đầu tư

2.1 Tính phi tập trung

Mạng lưới Bitcoin được xây dựng dưới dạng không tập trung, không có máy chủ hoạt động, không do bất cứ một cơ quan nào kiểm soát do đó khó có thể bị thao túng hay bị đánh sập.

Ngoài ra, việc quản lý phi tập trung, không cần thông qua trung gian có thể giúp tiết kiệm chi phí và trao quyền cho những người tham gia.

2.2 Tính ẩn danh

Theo đó, bất kỳ ai tham gia vào mạng lưới Bitcoin cũng đều có quyền lợi như nhau và thực hiện giao dịch một cách ẩn danh. Tức, người chơi không cần phải xác minh danh tính hay bất cứ điều gì khác để vào được mạng lưới giao dịch Bitcoin. Tuy nhiên, với đặc tính này sẽ có thể bị một số tội phạm khủng bố, ma túy hay rửa tiền lợi dụng.

2.3 Tính minh bạch

Hệ thống Bitcoin sẽ lưu lại chi tiết các thông tin giao dịch của người chơi trên Bockchain. Người tham gia có thể biết được một địa chỉ chứa Bitcoin với số lượng bao nhiêu nhưng không thể biết được người đang giữ nó là ai.

2.4 Phí giao dịch thấp, tốc độ giao dịch nhanh

Việc thanh toán Bitcoin có thể được thực hiện ngay lập tức chỉ trong vài phút, đồng thời do hình thức thanh toán của Bitcoin hoàn toàn không có bên thứ ba nên chỉ có phí xử lý giao dịch và phí cho thợ đào Bitcoin mà không phải mất thêm pí cho trung gian.

2.5 Không thể bị hoàn trả

Khi Bitcoin đã được chuyển đi thì sẽ không thể lấy lại được, trừ trường hợp được người nhận gửi. Bởi khi thông tin đã được ghi vào Blockchain, không ai có thể thay đổi hay chỉnh sửa thông tin đó được. Thông tin trong Blockchain chỉ được bổ sung thêm khi có sự đồng thuận của tất cả các node trong hệ thống.

3. Có những cách đầu tư bitcoin nào?

Bitcoin là tiền kỹ thuật số, được phân chia tự động trên các thuật toán và chỉ có thể “đào” được bitcoin thông qua việc giải mã các phương trình toán học.

Hiện nay, có nhiều cách để có mua hoặc bán Bitcoin như;

- Đặt lệnh mua hoặc bán Bitcoin trên saàn giao dịch trực tuyến;

- Mua trực tiếp thông qua người môi giới;

- Mua tại các máy Bitcoin ATM.

Bitcoin được giới hạn về số lượng khai thác. Theo tính toán, bitcoin chỉ còn đủ đến đào đến năm 2040, sau đó có thể tiếp tục được tạo ra theo các phiên bản mới hoặc phát triển từ hình thức hiện tại.

>> Nếu còn gặp vướng mắc về các vấn đề liên quan đến tài chính, bạn đọc gọi ngay 1900.6192 để được LuatVietnam hỗ trợ cụ thể.

4. Bitcoin có những ưu, nhược điểm gì?

Nếu chỉ dừng lại ở việc hiểu Bitcoin là gì thì chưa đủ, người tham gia cần hiểu rõ về những ưu, nhược điểm của Bitcoin để cân nhắc trước khi đầu tư. Dưới đây là một số ưu, nhược điểm của Bitcoin:

4.1 Ưu điểm khi đầu tư Bitcoin

- Thứ nhất, việc đầu tư Bitcoin không bị kiểm soát, có thể thực hiện tự do: Bitcoin không bị kiểm soát bởi các cơ quan quản lý, không phải thông qua bên thứ 3 để xác nhận giao dịch. Đồng thời Bitcoin cũng không bị áp đặt nhiều loại phí, việc kiểm soát tiền tệ sẽ do chính người tham gia thực hiện.

- Thứ hai, có tính di động cao: Một trong những đặc điểm tiền tệ nói chung là tính di động, do vậy bất kỳ đồng tiền nào cũng phải dễ mang theo và sử dụng. Ngoài ra, Bitcoin hoàn toàn vận hành trên môi trường số hóa nên người tham gia có thể mang theo trên một ổ đĩa cứng, một chiếc laptop hoặc ngay trên điện thoại thông minh.

- Thứ ba, tính bảo mật cao và dễ dàng kiểm soát: Người dùng có thể kiểm soát giao dịch của chính mình, mọi giao dịch bất thường hoặc có sự xâm phạm vào tài khoản đều có thể phát hiện ra. Ngoài ra, mọi danh tính và thông tin của cá nhân tham gia đều bị ẩn nên tính bảo mật thông tin tương đối cao.

- Thứ tư, khó có thể bị làm giả…

4.2 Nhược điểm khi đầu tư Bitcoin

Không thể phủ nhận những ưu điểm nổi bật của Bitcoin, tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế:

- Thứ nhất, về tình trạng pháp lý: Theo đó, mỗi quốc gia sẽ có mức độ công nhận khác nhau về việc đầu tư Bitcoin. Ở một số quốc gia, việc sử dụng và giao dịch Bitcoin được khuyến khích. Trong khi đó ở các quốc gia khác, Bitcoin bị cấm hoặc nằm ngoài vòng pháp luật.

- Thứ hai, có tính biến động cao: Giá Bitcoin đã phải trải qua các chu kỳ tăng vọt và giảm mạnh khác nhau. Trong suốt lịch sử của mình, Bitcoin đã từng tăng vọt và lập đỉnh nhưng sau đó lại sụt giảm lớn. Giá trị của Bitcoin là không thể đoán trước được, nó thay đổi nhanh chóng và có thể gây ra thiệt hại tài chính đáng kể nếu thiếu thận trọng khi đầu tư.- Thứ ba, mức độ công nhận ở các nước không giống nhau… Bitcoin là gì? Cần biết gì về Bitcoin trước khi đầu tư?

5. Pháp luật Việt Nam có thừa nhận bitcoin? 

5.1 Bitcoin có phải là tiền không?

Theo Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015 về tài sản:

“1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.

2. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.”

Theo Điều 16, 17 Luật Ngân hàng nhà nước 2010 quy định về đơn vị tiền, bitcoin không được xem là đơn vị tiền của nhà nước Việt Nam.

Điểm a khoản 2 Điều 6 Luật Ngân hàng nhà nước quy định về ngoại tệ, bitcoin không được xem là ngoại tệ và cũng không phải là đối tượng của ngoại hối vì bitcoin không phải đồng tiền của bất cứ một quốc gia nào trên thế giới hiện nay.

Tóm lại, theo quy định của pháp luật Việt Nam, bitcoin không phải là đơn vị tiền, cũng không phải là ngoại tệ.

5.2 Bitcoin có được coi là phương tiện thanh toán?

Theo khoản 1 Điều 1 Nghị định 80/2016/NĐ-CP, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán (sau đây gọi là phương tiện thanh toán), bao gồm: Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện thanh toán không thuộc các đối tượng trên.

Cũng tại Chỉ thị 10/CT-TTg, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Công an…kiểm soát, ngăn chặn và xử lý việc thực hiện các giao dịch (bao gồm phát hành, giao dịch, môi giới) liên quan đến tiền ảo trái pháp luật.

Như vậy, bitcoin không phải là phương tiện được phép thanh toán trên thị trường. Hay nói cách khác, bitcoin không được phép dùng để thay thế tiền mặt hoặc phương tiện thay thế tiền mặt như (séc, lệnh chi…) trong các giao dịch mua bán.

5.3 Mua bán bitcoin có bị cấm không?

Hiện nay, việc kinh doanh bitcoin không được quy định trong bất cứ văn bản nào trong hệ thống pháp luật Việt Nam, cụ thể:

- Tại Quyết định 27/2018/QĐ-TTg, kinh doanh bitcoin không được liệt kê trong hệ thống ngành, nghề kinh tế Việt Nam.

- Tại Điều 6 của Luật Đầu tư 2020, bitcoin không được liệt kê là một trong những ngành, nghề kinh doanh bị cấm đầu tư.

Hiện nay, pháp luật Việt Nam không chính thức cho phép kinh doanh bitcoin nhưng lại cũng không quy định rõ việc cấm kinh doanh bitcoin. Vì vậy, tình trạng kinh doanh và đầu tư đối tượng này vẫn được diễn ra.

Xem chi tiết: Doanh nghiệp có được mua bán và thanh toán bằng Bitcoin? 

bit-coin-la-gi
Việt Nam chưa thừa nhận bitcoin là một phương tiện thanh toán (Ảnh minh họa)

5.4 Phát hành bitcoin xử lý thế nào?

Căn cứ điểm d, khoản 6, Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, việc phát hành và sử dụng bitcoin - một loại tiền ảo chưa được thừa nhận - bị xử phạt như sau:

“6. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

d) Phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.”

Đồng thời, tại Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về Tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng như sau:

"1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây gây thiệt hại cho người khác về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

h) Phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp; làm giả chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán; sử dụng chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán giả;”

Căn cứ quy định trên, nếu phát hành, sử dụng bitcoin làm phương tiện thanh toán thì được coi hành vi trái pháp luật, tùy từng mức độ có thể sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

6. Những quốc gia nào đã thừa nhận bitcoin?

Tuy Việt Nam chưa coi bitcoin là một loại tài sản nhưng đã có một số nước trên thế giới chính thức công nhận bitcoin.

Cụ thể, vào tháng 9/2021, Ukranie đã chính thức thông qua Luật số 3637 về quản lý tài sản, trong đó thừa nhận tính hợp pháp của các loại tiền mã hóa, trong đó có bitcoin và cho phép sàn giao dịch chính thức hoạt động.

Trước đó, El Salvador trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới chấp nhận bitcoin là phương tiện thanh toán chính thức tại nước này…

7. Cập nhật khung pháp lý về bitcoin của Việt Nam

- Ngày 11/4/2018, Thủ tướng Chính phủ ký Chỉ thị 10/CT-TTg tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác. Trong đó, chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không được thực hiện các giao dịch liên quan đến tiền ảo trái pháp luật... - Ngày 15/6/2021, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 942/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, trong đó nhấn mạnh:

đ) Nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain).

Nhiệm vụ này được giao cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2023.

[Tiếp tục cập nhật khi có văn bản mới được ban hành] Trên đây là giải đáp Bitcoin là gì, Bitcoin có hợp pháp tại Việt Nam hay không. Nếu có thắc mắc liên quan đến các quy định về loại tiền ảo này, đọc giả vui lòng liên hệ tổng đài 1900.6192 để được hỗ trợ nhanh nhất.

Từ khóa » Tốc độ đào Bitcoin Hiện Nay