“Black Lives Matter” Và Giấc Mơ Xóa Bỏ Tình Trạng Phân Biệt Chủng ...
Có thể bạn quan tâm
Cái chết của nạn nhân da màu George Floyd…
Người biểu tình tại New York mang theo những bức vẽ chân dung của George Floyd. (Ảnh: Getty Images) |
Ngày 25/5, các sĩ quan tại Sở Cảnh sát Minneapolis, bang Minnesota nhận được một cuộc gọi tố cáo một người sử dụng tờ 20 USD giả. Người đàn ông đó được xác định là George Floyd, 46 tuổi, một người Mỹ gốc Phi. Ngay lập tức, 4 viên cảnh sát bao gồm Derek Chauvin, Tou Thao, J. Alexander Kueng và Thomas K. Lane đã có mặt tại hiện trường và bắt giữ Floyd.
Tuy nhiên, sự việc lại đi quá giới hạn khi một đoạn video xuất hiện trên mạng xã hội cho thấy, cảnh sát Derek Chauvin đã ghì đầu gối lên cổ của Floyd khiến anh lịm dần. Trước đó, Floyd đã van xin cảnh sát: “Làm ơn. Tôi không thở được”. Viên cảnh sát đã ghì cổ Floyd trong 8 phút, 46 giây khiến anh tử vong sau đó.
Cái chết của công dân người Mỹ gốc Phi George Floyd đã làm dấy lên làn sóng biểu tình trong những ngày qua ở Mỹ, làm bùng “ngọn lửa” âm ỉ kéo dài nhiều thế kỷ qua về vấn nạn phân biệt chủng tộc ở quốc gia này.
Ngày 26/5, hàng trăm người biểu tình đã tràn xuống các đường phố ở Minneapolis tổ chức biểu tình, đòi công lý cho George Floyd. Một số người biểu tình đã phá hoại xe cảnh sát bằng sơn và nhắm vào ngôi nhà trong khu vực xảy ra vụ việc khiến Floyd tử vong. Một số doanh nghiệp bao gồm nhà hàng, cửa hàng phụ tùng ô tô đã bị đốt cháy, cảnh sát đã buộc phải sử dụng hơi cay để giải tán đám đông. 4 cảnh sát liên quan đến vụ bắt giữ Floyd đã bị sa thải.
Kể từ ngày 27/5, các cuộc biểu tình liên tiếp xảy ra tại ít nhất 70 thành phố của Mỹ, buộc giới chức Mỹ phải sử dụng mọi biện pháp để đối phó, trong đó có việc triển khai hàng nghìn binh sĩ và lực lượng thực thi pháp luật được trang bị vũ trang.
Ngày 29/5, Tổng thống Donald Trump ra tối hậu thư cho người biểu tình và tuyên bố sử dụng lực lượng quân đội để đàn áp bạo loạn. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục lan rộng trên khắp nước Mỹ và khắp các nước châu Âu.
Phong trào “Black Lives Matter” nổ ra...
Hàng nghìn người biểu tình giương biểu ngữ "Black Lives Matter" tham gia biểu tình tại Washington D.C, Mỹ. (Ảnh: AFP/Getty Images) |
Các cuộc biểu tình rầm rộ tại Mỹ những ngày qua cũng đã châm ngòi cho một loạt các cuộc biểu tình khác nhằm hưởng ứng phong trào “Black Lives Matter” hiện đang diễn ra tại nhiều thành phố trên khắp châu Âu, kêu gọi cảnh sát chấm dứt bạo lực đối với các nạn nhân da màu.
“Black Lives Matter” xuất hiện như một từ khóa nóng trên mạng xã hội. “Black Lives Matter” lấy ý tưởng từ khẩu hiệu “Mạng sống của người da màu cũng có ý nghĩa” của 3 người phụ nữ trong cuộc biểu tình diễn ra vào năm 2012, đòi lại quyền công bằng cho Trayvon Marton, một thiếu niên người Mỹ gốc Phi bị George Zimmerman, một tình nguyện viên làm cảnh vệ khu phố bắn chết.
“Bạn không nhất thiết phải là thành viên của Black Lives Matter mới tham gia biểu tình hòa bình. Chúng tôi hoan nghênh và khuyến khích tất cả mọi người muốn tham gia vì lý tưởng cho một tương lai tốt đẹp hơn” - bà Melina Abdullah, người đồng sáng lập phong trào “Black Lives Matter”, chia sẻ. Đồng cảm với thông điệp kêu gọi chấm dứt bạo lực, hàng nghìn người dân Mỹ đã đổ xuống đường, sử dụng biểu ngữ, biểu tình hòa bình để phản đối hành vi dùng vũ lực của cảnh sát gây chết người, đặc biệt là đối với người da màu trong các vụ việc gần đây.
Ngày 14/6, hơn 20.000 người cũng đã tham gia một cuộc diễu hành tại thành phố Berlin, Đức nhằm hưởng ứng phong trào “Black Lives Matter”, kêu gọi xóa bỏ nạn phân biệt chủng tộc. Trước đó, ngày 7/6, tại thủ đô Rome, Italy, đám đông cũng đã tập trung tại Quảng trường Nhân dân ở trung tâm thành phố để phản đối việc nạn nhân da màu George Floyd bị sát hại hay lên án nạn phân biệt chủng tộc. Những người biểu tình, chủ yếu là giới trẻ, giương cao các biểu ngữ, áp phích với những khẩu hiệu như “Tôi không thể thở” hay “Mạng sống của người da màu là quan trọng”. Đoàn người cũng dành gần 9 phút (khoảng thời gian Floyd bị cảnh sát da trắng ghì cổ cho đến chết) để tưởng nhớ anh.
Ngày 4/6, hàng nghìn người dân New York đã tham gia lễ tưởng niệm công dân da màu George Floyd. Buổi lễ được tổ chức tại công viên Cadman Plaza, quận Brooklyn. Thị trưởng New York Bill de Blasio và Tổng chưởng lý bang New York Letitia James cũng có mặt tại buổi lễ.
Ngày 2/6 vừa qua, tại Sydney, Australia, hàng nghìn người cũng đã tuần hành qua trung tâm thành phố, hô vang các khẩu hiệu "Tôi không thở được”. Hay tại Amsterdam, Hà Lan, hàng nghìn người cũng đổ ra các đường phố để phản đối sự thô bạo của cảnh sát, trong khi đám đông biểu tình ở Paris, Pháp mang theo biểu ngữ "Sự phân biệt chủng tộc đang làm chúng tôi nghẹt thở" để đòi chính phủ Pháp phải xem xét các hành vi bạo lực của cảnh sát một cách nghiêm túc hơn.
Tại thủ đô Budapest của Hungary, trên 1.000 người tham gia cuộc biểu tình ủng hộ phong trào “Black Lives Matter" gần Đại sứ quán Mỹ. Phát biểu trước những người biểu tình, ca sĩ đồng thời là nhà hoạt động người Hungary G-Ras nhấn mạnh: “Nếu chúng ta muốn sống trong một thế giới tốt đẹp hơn thì chúng ta cần thay đổi triệt để cách chúng ta đang sống”. Bên cạnh đó, hàng vạn người tại thủ đô Madrid, Tây Ban Nha cũng đã tuần hành bên ngoài Đại sứ quán Mỹ, hô khẩu hiệu phản đối nạn phân biệt chủng tộc.
…và giấc mơ xóa bỏ tình trạng phân biệt chủng tộc tại Mỹ
Biểu tình diễn ra tại khắp nơi trên thế giới nhằm đòi công lý cho nạn nhân da màu George Floyd, đồng thời kêu gọi chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc. (Video: VICENews) |
Mỹ là quốc gia đa sắc tộc, đa văn hóa. Tuy nhiên, ẩn sau đó là tình trạng phân biệt chủng tộc, đặc biệt là sự kỳ thị của người Mỹ da trắng với cộng đồng người Mỹ gốc Phi. Phân biệt chủng tộc ở Mỹ đã tồn tại từ thời thuộc địa, khi người Mỹ da trắng được trao các đặc quyền và quyền lợi hợp pháp hoặc xã hội, trong khi các quyền tương tự bị từ chối đối với các chủng tộc và dân tộc thiểu số khác.
Trên thực tế, có thể thấy, nạn phân biệt chủng tộc mang tính hệ thống còn tồn tại ở nhiều nơi trên đất Mỹ. Theo các chuyên gia, nguyên nhân sâu xa của các vụ bạo động sắc tộc tại Mỹ không phải chỉ vì mất an ninh hay tội phạm gia tăng, mà là hệ quả của một quốc gia luôn có những vết rạn nứt, thậm chí chia rẽ về chủng tộc mà chưa một đời Tổng thống Mỹ nào giải quyết được tận gốc rễ. Xung đột sắc tộc tại Mỹ được ví như một loại virus, chỉ nằm im chứ không thể bị tiêu diệt hoàn toàn và sẽ phát tác ngay khi có cơ hội.
Theo những nhà hoạt động chống phân biệt chủng tộc tại Mỹ, hàng năm có hơn 1.000 vụ việc cảnh sát nước này nổ súng gây chết người và nhiều người trong số này là người Mỹ gốc Phi. Đây chính là “ngòi nổ” gây nên làn sóng phẫn nộ của người dân, đe dọa sự ổn định xã hội của nước Mỹ.
Rõ ràng, cái chết của George Floyd lại tiếp tục thổi bùng lên vấn đề nhức nhối đã tồn tại nhiều năm qua tại Mỹ. Theo ghi nhận của Washington Post, kể từ năm 2015, mỗi năm cảnh sát Mỹ đã nổ súng và làm tử vong khoảng 1.000 người. Tính từ 2015 đến nay, khoảng 5.400 người đã bị sát hại dưới tay cảnh sát.
Trong riêng năm 2020, tính từ tháng 1 đến 7/6, đã có 463 người đã thiệt mạng do bị cảnh sát bắn chết. Cũng theo ghi nhận, tỷ lệ người gốc Phi không vũ trang bị cảnh sát bắn chết vẫn cao đáng kể so với nạn nhân là người da trắng. Theo thống kê của Theo New York Times, cảnh sát Minneapolis sử dụng vũ lục với người da màu nhiều gấp 7 lần so với người da trắng. Theo Al Jazeera, người Mỹ gốc Phi có khả năng bị cảnh sát gây thương vong cao gấp 2,5 lần so với người da trắng.
Ngoài George Floyd, hàng loạt các nạn nhân da màu khác cũng là nạn nhân của nạn phân biệt chủng tộc tại Mỹ. Có thể kể tới các nạn nhân đã bị sát hại dưới tay cảnh sát trước đây gồm Pamela Turner (Texas), Trayvon Martin (Florida), Ahmaud Arbery (Georgia), Eric Garner (New York), Botham Jean (Texas) và Michael Brown (Missouri)…
Mỹ được biết tới là quốc gia phát triển hàng đầu thế giới và người Mỹ luôn tự hào với những giá trị của bình đẳng và dân chủ. Tuy nhiên, tình trạng phân biệt chủng tộc, đặc biệt là sự kỳ thị của những người Mỹ da trắng với cộng đồng người Mỹ gốc Phi, tình trạng phân biệt đối xử của các nhân viên thực thi pháp luật da trắng với công dân da màu, vẫn âm ỉ cho dù chính quyền Mỹ đã làm rất nhiều việc để phá bỏ quan điểm về “chủ nghĩa da trắng thượng đẳng.”
“I have a dream” (Tôi có một giấc mơ) - câu nói nổi tiếng của mục sư đồng thời là một nhà hoạt động nhân quyền người Mỹ gốc Phi, và là người đoạt giải Nobel Hòa bình năm 1964 Martin Luther King trong bài diễn văn bất hủ tại Đài tưởng niệm Lincoln ngày 28/8/1963, được nhắc lại trong những ngày gần đây tại Mỹ, khi cường quốc hàng đầu thế giới phải đương đầu với làn sóng biểu tình lan rộng.
Martin Luther King là một trong những nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ cũng như lịch sử đương đại của phong trào bất bạo động. King được nhiều người trên khắp thế giới ngưỡng mộ như một anh hùng, nhà kiến tạo hoà bình. Tuy nhiên, giấc mơ 57 năm trước của vị mục sư về tương lai của nước Mỹ, nơi người da trắng và người da màu có thể chung sống hòa thuận, bình đẳng và công bằng, sang đến thế kỷ 21 vẫn còn dang dở, dù nước Mỹ đã có Tổng thống da màu đầu tiên./.
Từ khóa » George Floyd Biểu Tình
-
Biểu Tình George Floyd – Wikipedia Tiếng Việt
-
Biểu Tình Chống Kỳ Thị Sau Cái Chết Của George Floyd Diễn Ra ở 3 ...
-
Vì Sao Các Cuộc Biểu Tình Tại Mỹ Lần Này Mạnh Mẽ Như Vậy? - BBC
-
Vụ George Floyd Chết: Tại Sao Biểu Tình Biến Thành Bạo động? - BBC
-
Nỗi Tuyệt Vọng Của Phong Trào Biểu Tình Vì George Floyd - VnExpress
-
Cái Chết Của George Floyd Khơi Nguồn Biểu Tình Lớn Chưa Từng Thấy
-
Mỹ : Biểu Tình Rầm Rộ đòi Cải Tổ Cảnh Sát Sau Cái Chết Của George Floyd
-
Vụ G. Floyd : Biểu Tình Chống Bạo Lực Cảnh Sát Lan Rộng, Hơn ... - RFI
-
Vụ George Floyd Và Làn Sóng Chống Phân Biệt Chủng Tộc
-
Người Mỹ Biểu Tình Nhân Dịp Kỷ Niệm 1 Năm Cái Chết Của George Floyd
-
Làn Sóng Biểu Tình Chống Phân Biệt Chủng Tộc Lan Khắp Thế Giới Sau ...
-
Biểu Tình Do Phân Biệt Chủng Tộc ở Mỹ | Vietnam+ (VietnamPlus)
-
Một Năm Sau Cái Chết Của George Floyd, Có Gì Thay đổi ở San Jose?