Blockchain Là Gì? Ứng Dụng, Cách Blockchain Hoạt động - Elcom

Môi trường kỹ thuật số đang phát triển mạnh mẽ tại phần lớn các quốc gia trên thế giới dự kiến sẽ thúc đẩy nhu cầu về công nghệ chuỗi khối trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau. Tương tự, việc sử dụng các hệ thống thanh toán kỹ thuật số được kỳ vọng sẽ đạt được sức hút hơn nữa khi ứng dụng hiệu quả công nghệ này.

1. Blockchain là gì?

Hiểu một cách đơn giản, block nghĩa là khối, chain là chuỗi. Công nghệ Blockchain nghĩa là chuỗi các khối kết nối với nhau. Khối sau lấy thông tin của khối trước tạo thành một mắt xích không thể phá vỡ, thay đổi hay giả mạo.

Có thể hình dung Blockchain như một file Google Docs, nó được chia sẻ tới mọi người. Mọi người đều được phép xem nội dung bên trong. Tuy nhiên, việc xoá, chỉnh sửa nội dung đã có là không thể.

Về mặt kỹ thuật, Blockchain là một cơ sở dữ liệu phân cấp được gọi là cuốn sổ cái kỹ thuật số (Digital Ledger) ghi lại chi tiết tất cả các giao dịch thông qua hệ thống mạng ngang hàng (P2P - peer-to-peer network). Cơ bản, mạng lưới này là một chuỗi các máy tính mà tất cả phải chấp thuận một giao dịch trước khi được xác thực, ghi lại.

Chuỗi khối được biết đến nhiều nhất với vai trò quan trọng trong các hệ thống tiền điện tử (cryptocurrency) để duy trì hồ sơ giao dịch an toàn và phi tập trung, nhưng chúng không chỉ giới hạn trong việc sử dụng tiền điện tử. Chuỗi khối có thể được sử dụng để làm cho dữ liệu trong bất kỳ ngành nào trở nên bất biến.

Bởi vì không có cách nào để thay đổi một khối, nên sự tin tưởng duy nhất được đặt ở người dùng hoặc chương trình nhập dữ liệu. Điều này làm giảm nhu cầu kiểm soát từ các bên thứ ba, thường là kiểm toán viên hoặc những người khác, giúp tiết kiệm chi phí xong vẫn đảm bảo độ tin cậy.

Kể từ khi Bitcoin được giới thiệu vào năm 2009, việc sử dụng chuỗi khối đã bùng nổ cùng với sự xuất hiện của nhiều loại tiền điện tử, ứng dụng tài chính phi tập trung (DeFi), mã thông báo không thể thay thế (NFT) và hợp đồng thông minh.

2. Ưu điểm và nhược điểm của Blockchain

2.1. Ưu điểm của Blockchain

Những điểm mạnh của blockchain bao gồm:

  • Giúp giao dịch được tiến hành trực tiếp giữa các bên, không cần xác thực bởi bên trung gian thứ 3.

  • Thời gian giao dịch nhanh hơn, thủ tục, quy trình được giảm thiểu đáng kể.

  • Tiết kiệm chi phí: Giảm chi phí giao dịch ngoại hối, chuyển tiền, kiều hối, thẻ tín dụng và nhiều sản phẩm khác.

  • An toàn: Tính bảo mật cao do sử dụng kỹ thuật mã hóa và chữ ký số giúp thông tin giao dịch an toàn hơn.

  • Nâng cao tính minh bạch và hiệu quả hoạt động của các tổ chức tài chính.

2.2. Nhược điểm của Blockchain

  • Vấn đề an ninh bảo mật: Mặc dù được coi là công nghệ mang tính bảo mật cao, một trong các yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định của cộng đồng về chia sẻ dữ liệu cá nhân khi sử dụng Blockchain vẫn là vấn đề an ninh mạng.

  • Tạo cơ hội cho các hoạt động rửa tiền.

  • Các quy tắc điều chỉnh tình trạng pháp lý: Các đồng tiền hiện đang sử dụng trong giao dịch tài chính được quản lý bởi Chính phủ các quốc gia. Để Blockchain được chấp nhận rộng rãi bởi các tổ chức tài chính, cần phải đạt được thỏa thuận từ Chính phủ.

Mặc dù có một số hạn chế nhưng tiềm năng mà Blockchain mang lại vô cùng lớn. Công nghệ này được tạo ra như một cuộc cách mạng giúp các hoạt động thương mại điện tử trở nên an toàn và tiết kiệm chi phí hơn.

Hệ thống blockchain thay đổi hoàn toàn cách nhìn nhận của con người đối với thương mại điện tử. Tiềm năng lớn nhất của Blockchain là sự kết hợp với hợp đồng thông minh, một công nghệ giúp các giao dịch, thỏa thuận được xác nhận tự động khi các điều kiện được đáp ứng mà không tiết lộ thông tin giữa các bên tham gia.

3. Các thành phần trong một giao dịch Blockchain

Một cơ sở dữ liệu (Blockchain Database) bao gồm nhiều giao dịch và nhiều block. Mỗi block chứa một tập các giao dịch. Trong mỗi giao dịch bao gồm người gửi, thông tin giao dịch và người nhận. Mỗi giao dịch được bảo mật bởi một mã số mã hoá.

Một số công nghệ, thuật toán được sử dụng trong Blockchain:

  • Hash (Hàm băm): Một hàm toán học chuyển đổi bản tin đầu vào có độ dài bất kỳ thành một dãy nhị phân (dãy bit) có độ dài cố định (tuỳ thuộc vào thuật toán băm). Dãy bit này được gọi là giá trị băm (hash value), đại diện cho thông tin ban đầu.

  • Merkle Tree (Cây Merkle): Cây nhị phân có thứ tự, được xây dựng từ một dãy đối tượng là các giá trị băm.

  • Smart Contract (Hợp đồng thông minh): Mô tả khả năng tự đưa ra các điều khoản và thực thi thỏa thuận của hệ thống máy tính bằng cách sử dụng công nghệ Blockchain.

Toàn bộ quá trình hoạt động của Smart Contract là hoàn toàn tự động và không có sự can thiệp từ các yếu tố bên ngoài. Các điều khoản của Smart Contract tương đương với 1 hợp đồng pháp lý, được ghi lại dưới dạng ngôn ngữ lập trình.

  • Consensus Algorithm (Thuật toán đồng thuận): Được thực hiện như một phần của các node ứng dụng, cung cấp quy tắc cho việc thực hiện giao dịch, ví dụ “proof-of-stake” (Bằng chứng cổ phần), “proof-of-work” (Bằng chứng công việc),…

Từ khóa » Nguyên Lý Blockchain