Bộ Ba Tên Lửa Nga Thách Thức Lưới Phòng Không Ukraine - VnExpress
Có thể bạn quan tâm
Không quân Ukraine hôm 26/6 cho biết quân đội Nga cuối tuần qua phóng hơn 50 tên lửa các loại từ ba hướng nhằm vào các mục tiêu trên lãnh thổ nước này, trong đó lần đầu oanh tạc cơ Tu-22M3 Nga khai hỏa tên lửa diệt hạm Kh-22 từ không phận Belarus.
"Cần nhớ rằng tên lửa Kh-22, Oniks và Iskander là những mục tiêu cực kỳ khó đánh chặn với các hệ thống phòng không trong biên chế quân đội Ukraine. Uy lực của chúng là thử thách đặc biệt khó khăn với bất cứ lực lượng phòng không nào hiện nay", không quân Ukraine thừa nhận trong bài đăng trên Facebook hôm qua.
Ngoài tên lửa hành trình Kalibr của hải quân, bộ ba tên lửa Kh-22, Oniks và Iskander được xem là những mũi nhọn của quân đội Nga trong chiến dịch quân sự tại Ukraine, cho phép tấn công hàng loạt mục tiêu được bảo vệ bởi lưới phòng thủ đa tầng của đối phương.
Tên lửa hành trình Kh-22
Đây là vũ khí tiến công chính của oanh tạc cơ chiến lược Tu-22M3, trong đó mỗi máy bay mang được tối đa ba quả đạn dưới cánh và thân. Tên lửa nguyên gốc có tầm bắn 600 km và tốc độ tối đa 5.600 km/h, gấp 4,6 lần vận tốc âm thanh.
Kh-22 được thiết kế để hủy diệt nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ, dựa vào tốc độ lớn và đầu nổ thông thường nặng 1.000 kg hoặc đầu đạn hạt nhân mạnh tương đương 350.000-1.000.000 tấn thuốc nổ TNT. Dòng Kh-22 cũng có phiên bản kết hợp radar với hệ thống định vị, cho phép tấn công mục tiêu cố định như cảng biển và sân bay.
Nga năm 2013 phát triển phiên bản Kh-32 nâng cấp từ Kh-22 để trang bị cho oanh tạc cơ hiện đại hóa Tu-22M3. Kh-32 có vẻ ngoài và kích thước tương đồng dòng Kh-22, nhưng được trang bị radar và hệ thống dẫn đường quán tính mới, tăng cường khả năng kháng nhiễu, mang được nhiều nhiên liệu và sử dụng động cơ mạnh hơn.
Dòng Kh-32 có thể đạt tầm bắn 1.000 km và tốc độ tối đa 5.060 km/h, được lắp đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân. Không quân chiến lược Nga bắt đầu biên chế Kh-32 từ năm 2016.
Không quân Ukraine cho rằng oanh tạc cơ Nga hoạt động trên không phận Belarus đã phóng tên lửa Kh-22 vào mục tiêu thị trấn Desna ở phía bắc thủ đô Kiev. Tuy nhiên, hiện chưa rõ Tu-22M3 Nga trong đòn tập kích này đã sử dụng Kh-22 hay mẫu nâng cấp Kh-32, do hai loại tên lửa này có hình dáng giống nhau.
Dù vậy, phòng không Ukraine thừa nhận với vận tốc hơn 3.000 km/h, cả hai loại tên lửa đều "bất khả đánh chặn" với các loại khí tài mà họ trang bị hiện nay.
Tên lửa siêu thanh P-800 Oniks
Mũi tập kích thứ hai của lực lượng Nga vào các mục tiêu trên lãnh thổ Ukraine là bằng tên lửa diệt hạm siêu thanh P-800 Oniks, vốn được phóng từ hệ thống tên lửa Bastion-P.
Quân đội Nga từng nhiều lần tuyên bố triển khai hệ thống Bastion-P để tấn công những mục tiêu có giá trị cao của Ukraine. Các đòn tập kích dường như được tiến hành từ trận địa Bastion-P được Nga bố trí trên bán đảo Crimea.
Bastion-P là hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển gồm nhiều xe chở đạn kiêm bệ phóng đặt trên khung gầm bánh lốp, mỗi xe mang được hai quả đạn P-800 Oniks.
Tên lửa siêu thanh Oniks trang bị trong hệ thống này có tầm bắn 600-800 km, tốc độ hành trình 3.100 km/h, sử dụng đầu đạn nổ mạnh nặng 250 kg. Mẫu P-800 nguyên bản được thiết kế để tiêu diệt tàu sân bay và chiến hạm cỡ lớn, nhưng quân đội Nga từng chứng minh vũ khí này có khả năng tập kích mục tiêu mặt đất khi tấn công phiến quân Syria hồi cuối năm 2016.
P-800 được lắp hệ thống dẫn đường quán tính và kích hoạt đầu dò radar chủ động ở giai đoạn cuối để lao đến mục tiêu. Trong nhiệm vụ đối đất, Oniks có thể sử dụng hệ thống định vị vệ tinh GLONASS để tiến công mục tiêu cố định trên bản đồ hoặc dùng radar để bám bắt mục tiêu có độ tương phản cao so với môi trường xung quanh.
Tên lửa chiến thuật Iskander
Quân đội Nga đang biên chế hệ thống Iskander với phiên bản tên lửa đạn đạo Iskander-M và tên lửa hành trình Iskander-K.
Iskander-M là tên lửa đạn đạo một tầng đẩy sử dụng nhiên liệu rắn, trang bị hệ thống dẫn đường vệ tinh, có chiều dài 7,2 m, đường kính 0,95 m, khối lượng phóng 3,8 tấn, tầm bắn tối đa 500 km, có thể mang cả đầu đạn thông thường cũng như đầu đạn hạt nhân.
Điểm nổi bật của Iskander-M là khả năng xuyên thủng mọi hệ thống phòng thủ tên lửa hiện nay trên thế giới. Trong quá trình lao xuống mục tiêu, quả đạn Iskander-M có tốc độ tối đa 9.350 km/h cùng tính năng liên tục thay đổi đường bay và tung mồi bẫy, nhằm vô hiệu hóa các nỗ lực đánh chặn của đối phương.
Loại tên lửa này tham gia thực chiến lần đầu vào năm 2008 tại Gruzia, có thể đánh trúng mục tiêu với sai số 2-5 m.
Trong khi đó, tên lửa hành trình Iskander-K có tầm bắn khoảng 500 km, sử dụng chung bệ phóng với tên lửa đạn đạo Iskander-M. Mỗi xe chuyên chở và bệ phóng (TEL) mang được hai quả đạn, ống chứa sẽ được dựng thẳng đứng trước khi khai hỏa.
Tổ hợp Iskander-K sử dụng đạn R-500, còn có tên khác là 9M728, phát triển từ nền tảng tên lửa RK-55 được Liên Xô ra mắt năm 1987. Nguyên mẫu R-500 đầu tiên được bắn thử năm 2007 và đưa vào biên chế sau đó hai năm.
Phiên bản 9M728 trang bị đầu đạn thông thường nặng 500 kg được Nga đưa vào trực chiến từ năm 2013, trong khi biến thể gắn đầu đạn hạt nhân có sức mạnh tương đương 10.000-50.000 tấn thuốc nổ TNT bắt đầu triển khai từ năm 2017.
9M728 có độ cao bay hành trình 6.000 m, dẫn đường bằng hệ thống định vị toàn cầu và khớp ảnh địa hình. Khi tới gần khu vực mục tiêu, nó sẽ tự động hạ độ cao xuống còn 50-150 m để giảm nguy cơ bị đánh chặn. Tên lửa có độ chính xác cao, đủ sức đánh trúng vòng tròn bán kính 5m hoặc mục tiêu đang di chuyển nhờ khả năng cập nhật dữ liệu trong khi bay.
Quân đội Nga hồi năm 2019 công khai biến thể 9M729 và cho biết nó có tầm bắn 480 km, trong khi giới chức Mỹ ước tính mẫu tên lửa này có thể bay xa tới 5.500 km.
"Nga sở hữu khoảng 150 bệ phóng Iskander. Chúng đều có khả năng tấn công chính xác và hủy diệt các mục tiêu được giao", Timothy Wright, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), đánh giá.
Chiến sự Nga - Ukraine đã kéo dài sang tháng thứ 5, với giao tranh chủ yếu diễn ra ở vùng Donbass, miền đông Ukraine. Lực lượng Nga đang tận dụng ưu thế về hỏa lực pháo binh để tiến đánh từng thành phố ở đông Ukraine, đồng thời sử dụng tên lửa tầm xa để tập kích các mục tiêu ở miền bắc và miền tây nước này.
Vũ Anh (Theo CSIS)
Từ khóa » Các Loại Tên Lửa Phòng Không Của Nga
-
Chiêm Ngưỡng 10 Hệ Thống Tên Lửa Phòng Không Hiện đại Của Nga
-
Điểm Danh Các Vũ Khí Phòng Không-không Quân Nga Dùng ở Ukraine
-
Những Loại Tên Lửa Nga Sử Dụng để Tấn Công Phủ đầu Ukraine
-
Tổ Hợp Tên Lửa S-400 – Wikipedia Tiếng Việt
-
Lực Lượng Tên Lửa Chiến Lược Nga – Wikipedia Tiếng Việt
-
KHQS
-
Bài 2: Phương Tây Gửi Ukraine Những Gì để đối Phó Kho 'đồ Chơi ...
-
Hệ Thống Phòng Không S-550 Của Nga Có Khả Năng Tấn Công Tàu Vũ Trụ
-
Nga Sử Dụng Các Tên Lửa Dẫn đường Chính Xác ở Ukraine - VOV
-
Nga Nâng Cấp Lưới Lửa Phòng Không
-
Lý Do Hệ Thống Phòng Không S-500 Của Nga được Khách Hàng Săn ...
-
Một Số Hệ Thống Tên Lửa Hiện đại Của Nga - Trang Chủ
-
Khám Phá 5 Vũ Khí Nga Mạnh Nhất - Báo Hà Tĩnh