“Bộ Chính Trị Sẽ Quản Lý Tổng Biên Chế Của Toàn Hệ Thống Chính Trị”

Sáng ngày 14/7, Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội nghị trực tuyến bồi dưỡng kiến thức về xây dựng Đảng cho lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí năm 2022.

Hội nghị có sự tham gia của gần 1.500 đại biểu là lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí của cả nước; cán bộ, lãnh đạo làm công tác thông tin, tuyên truyền của sở thông tin và truyền thông các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương.

Đến cuối nhiệm kỳ XIII, cơ bản bí thư không phải người địa phương

Phát biểu khai mạc, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai nói việc triển khai, cụ thể hóa, đưa nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó có nội dung xây dựng Đảng vào cuộc sống đặc biệt quan trọng.

Theo bà, chỉnh đốn xây dựng Đảng có 3 đột phá. Đó là thể chế; dân chủ gắn với kỷ luật, kỷ cương, tạo môi trường để cán bộ đổi mới, sáng tạo; phòng chống tham nhũng, tiêu cực và kiểm tra, giám sát quyền lực.

Đề cập đến việc thực hiện Nghị quyết 26 về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, bà Mai nhấn mạnh mục tiêu bí thư không phải người địa phương.

“Tôi rất mong các đồng chí quan tâm viết mảng này”, Trưởng ban Tổ chức Trung ương nói.

Tới nay cả nước có 32/63 bí thư không phải người địa phương. Theo mục tiêu của Nghị quyết 26, đến cuối nhiệm kỳ, cơ bản bí thư không phải người địa phương.

Bà Mai cho hay có 2 câu hỏi được gửi đến bà là: Bí thư là người địa phương có tốt hơn bí thư không phải người địa phương không? Bí thư làm chủ tịch UBND tốt hơn hay làm chủ tịch HĐND tốt hơn?

“Bằng thực tiễn những năm làm tổ chức, tôi có thể trả lời ngay, về cơ bản bí thư không phải người địa phương sẽ tốt hơn”, Trưởng ban Tổ chức Trung ương nêu. Theo bà, người địa phương làm bí thư không phải không tốt mà tùy theo cán bộ, nhưng người từ nơi khác đến động lực sẽ khác so với người địa phương.

Tuy nhiên, bà Mai nêu rõ, “không máy móc” trong bố trí cán bộ làm bí thư. Như ở địa bàn có cộng đồng người dân tộc thiểu số lớn thì bí thư là người địa phương sẽ phù hợp hơn.

Trưởng ban Tổ chức Trung ương cũng cho rằng mô hình bí thư là chủ tịch HĐND là cơ bản vì giám sát sẽ tốt hơn và đây cũng là một trong những cơ chế kiểm soát quyền lực.

Hiện bí thư là chủ tịch HĐND cấp huyện đạt 46,4%, bí thư là chủ tịch HĐND cấp xã hơn 59%. Trong khi, bí thư là chủ tịch UBND cấp huyện,  bí thư là chủ tịch cấp xã lần lượt là 5,23%, 9,64%.

Theo bà, những nơi quy mô nhỏ thì mô hình bí thư làm chủ tịch mới thích hợp và đang làm thí điểm.

Sẽ giảm thêm 5% tổng biên chế toàn hệ thống chính trị

Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cũng cho biết, theo quy chế mới của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị sẽ quản lý tổng biên chế của toàn bộ hệ thống chính trị.

“Bộ Chính trị đã họp, quyết định về tổng biên chế của toàn bộ hệ thống chính trị. Chắc là khoảng 1 - 2 tuần nữa sẽ có thông báo chính thức về vấn đề này”, bà Mai cho hay.

Thông tin thêm về những điểm lớn, bà Mai cho biết, theo quyết định về tổng biên chế của Bộ Chính trị, sau khi đã giảm 10% biên chế vào năm 2021, trong giai đoạn 2022 - 2026 sẽ tiếp tục giảm thêm 5% tổng biên chế của toàn hệ thống chính trị.

Toàn cảnh hội nghị trực tuyến bồi dưỡng kiến thức về xây dựng Đảng cho lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí năm 2022. Ảnh: Đ.X

Tuy vậy, việc giảm 5% biên chế này sẽ không "cào bằng" mà tùy điều kiện từng tổ chức, cơ quan. Có những nơi cho giữ nguyên vì nhiệm vụ tăng, hoặc tổ chức tăng. Những nơi giảm được thì giảm theo chỉ tiêu chung.

Ngoài ra, trong quản lý biên chế là sẽ phân cấp mạnh hơn. Bà Mai cho hay, sau khi có văn bản chính thức của Bộ Chính trị sẽ giao cho thường vụ cấp ủy, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị toàn quyền quyết định về biên chế.

Trưởng ban Tổ chức Trung ương cũng nhấn mạnh, đến năm 2026, toàn hệ thống cố gắng chuyển thêm một bước mới là quyết định biên chế dựa vào vị trí việc làm và chức năng nhiệm vụ từng cơ quan, tổ chức.

“Số lượng quy hoạch giảm, người tốt hơn, giỏi hơn, chặt chẽ hơn”

Một vấn đề nữa được Trưởng ban Tổ chức Trung ương đề cập là việc quy hoạch, luân chuyển cán bộ.

Trong năm 2022, toàn bộ cơ quan, tổ chức phải làm xong quy hoạch cán bộ cho nhiệm kỳ 2026 - 2031.

Theo bà, trước đây quy hoạch làm 3 nhóm đối tượng 1-2-3. Qua đại hội vừa rồi thấy nhóm 2 “đầu không chạm tới trời, chân không đạp tới đất”. Bởi, đối tượng 1 vào Trung ương, đối tượng 3 vào ủy viên dự khuyết. Trong khi, đối tượng 2 là cấp vụ trưởng lại “chẳng rơi vào đâu hết”.

Vì vậy, quy định mới lần này là chỉ quy hoạch 2 nhóm. Trong đó, nhóm 1 là nhóm có thể tiếp cận ngay vị trí; nhóm 2 là chuẩn bị cán bộ trẻ cho Đảng.

Cạnh đó, quy định khi có quyết định quy hoạch sau 3 tháng mới làm quy trình bổ nhiệm. “Phải có khoảng cách, không thể vừa quy hoạch đã bổ nhiệm, gây phản cảm”, Trưởng ban Tổ chức Trung ương nêu.

Với quy định mới thì số lượng cán bộ quy hoạch cũng giảm đi. Thay vì 1 chức danh quy hoạch 4 người thì nay không quá 3 người.

Bà Mai cho hay, trước giới thiệu 100 người thì chỉ có 30 người vào vị trí, còn lại 70 người ngồi lại nên “tâm tư”. Giờ quy hoạch 60 người thì được 30 người vào vị trí thì tạo động lực.

“Số lượng quy hoạch giảm. Người tốt hơn, giỏi hơn, chặt chẽ hơn. Trong số đó cơ bản ai cũng được bổ nhiệm thì tạo động lực mạnh hơn”, bà Mai nhấn mạnh.

Công tác luân chuyển cán bộ cũng có điểm mới, không ồ ạt. Cán bộ được điều động về địa phương phải toàn tâm, toàn ý để làm việc. Việc bố trí công tác sau luân chuyển căn cứ vào kết quả công tác của cán bộ.

“Không phải cán bộ nào luân chuyển về là lên chức”, bà Mai nói rõ.

Tại hội nghị, các học viên được các báo cáo viên có kinh nghiệm lâu năm trong công tác xây dựng Đảng trao đổi, chia sẻ và cùng giải đáp những thắc mắc về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng với các nội dung chính về:

- Những nội dung mới về xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng.

- Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

- Những nội dung quan trọng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong các Nghị quyết Trung ương 4, 5 khóa XIII.

- Chia sẻ những kinh nghiệm lựa chọn đề tài và kỹ năng sáng tạo tác phẩm báo chí về xây dựng Đảng.

- Một số mô hình hay, sáng tạo, hiệu quả về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. 

Từ khóa » Bo Chinh Tri Bo Nhiem Can Bo