Bộ Chính Trị: Xây Dựng Mô Hình TP Trực Thuộc Thủ đô Hà Nội Tại Khu ...

Bộ Chính trị: Xây dựng mô hình TP trực thuộc Thủ đô Hà Nội tại khu vực phía Bắc và phía Tây - Ảnh 1.

Bộ Chính trị đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là TP “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Ảnh: Đ.X

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo nghị quyết này, Bộ Chính trị thống nhất đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là TP “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2025 cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước; GRDP giai đoạn 2026 - 2030 tăng 8 - 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 12.000 - 13.000 USD.

Tầm nhìn đến năm 2045, Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP/người đạt trên 36.000 USD; kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hoà; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Cơ cấu lại kinh tế, xây dựng Hà Nội thực sự là kết tinh văn hoá của cả nước

Để đạt được các mục tiêu trên, Bộ Chính trị đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.

Trong đó, kinh tế của Hà Nội sẽ được cơ cấu lại, lấy khoa học, công nghệ cao và đổi mới sáng tạo là động lực then chốt để phát triển kinh tế - xã hội. Hỗ trợ phát triển bền vững, đồng bộ các thị trường tài chính, tiền tệ; thị trường chứng khoán; thị trường bất động sản…

Sản xuất nông nghiệp của Hà Nội cũng được cơ cấu lại để nâng cao hiệu quả, phát triển nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao; phấn đấu trở thành địa phương đi đầu trong phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá, lịch sử truyền thống dân tộc.

Phát huy vai trò dẫn dắt, tạo động lực của đầu tư công kết hợp với khuyến khích, phát huy các nguồn vốn từ khu vực tư nhân, khu vực đầu tư nước ngoài, các nhà tài trợ và tổ chức quốc tế… Khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực từ đất đai, tài nguyên gắn với phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước, hệ thống tổ chức tín dụng và hệ thống quỹ tài chính. Đồng thời, phát triển các thành phần kinh tế, trong đó có cơ chế phù hợp thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng của kinh tế Thủ đô.

Văn hóa Thủ đô được tập trung phát triển để xứng tầm với truyền thống nghìn năm Thăng Long - Hà Nội; xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hoá của cả nước, trở thành nguồn lực phát triển mới cho Thủ đô. Tập trung bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hoá vật thể và phi vật thể, các di tích, công trình kiến trúc có giá trị, trọng tâm là các di sản thế giới, di tích quốc gia.

Đi cùng với đó, xây dựng Thủ đô Hà Nội thực sự là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao, thích ứng với quá trình chuyển đổi số quốc gia, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế...

Có cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút nguồn lực xã hội đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo; hệ thống trường có nhiều cấp học, trường chất lượng cao; các loại hình liên kết đào tạo trong nước và quốc tế…

Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung với Sông Hồng là trục xanh

Nhiệm vụ, giải pháp nữa được Bộ Chính trị đề ra là thực hiện nghiêm kỷ cương quy hoạch và quản lý quy hoạch, bảo đảm công khai, minh bạch, có tầm nhìn chiến lược, tư duy đột phá, vừa phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, vừa tạo ra nguồn lực, không gian và động lực phát triển mới cho Thủ đô, gắn kết hài hoà, hợp lý, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các địa phương khác trong vùng và cả nước.

Trọng tâm là Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 với Sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hoà hai bên sông của Hà Nội.

Nghiên cứu tăng tỉ lệ đất phát triển đô thị; xây dựng mô hình TP trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hoà Lạc, Xuân Mai); xây dựng đô thị thông minh trên cơ sở phát triển khu vực hai bên trục Nhật Tân - Nội Bài.

Đẩy mạnh phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại; hoàn thành xây dựng các tuyến đường quốc lộ, đường cao tốc, đường vành đai, hệ thống đường kết nối nội vùng và liên vùng theo quy hoạch, đồng bộ với quy hoạch kiến trúc, cảnh quan, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại; đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt đô thị; đầu tư xây dựng thêm các cầu qua Sông Hồng, Sông Đuống.

Phấn đấu hoàn thành Vành đai 4 trước năm 2027 và chuẩn bị đầu tư, xây dựng Vành đai 5 trước năm 2030. Mở rộng, nâng cấp Sân bay Quốc tế Nội Bài; nghiên cứu, xây dựng thêm 1 sân bay quốc tế đáp ứng yêu cầu phát triển vùng Thủ đô và khu vực phía Bắc.

Đồng thời, phấn đấu đến năm 2025 có 3 - 5 huyện và đến năm 2030 có thêm 1 - 2 huyện phát triển thành quận. Cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị gắn với bảo tồn, phát huy giá trị và khai thác hiệu quả, bền vững các công trình, không gian lịch sử văn hoá tại khu vực nội đô lịch sử.

Nghị quyết cũng đặt ra nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của Hà Nội có năng lực, trình độ cao, chuyên nghiệp, có bản lĩnh, phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có ý chí vươn lên, khát vọng cống hiến cho sự nghiệp phát triển Thủ đô.

Ngoài ra, có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước và quốc tế; thực hiện tốt cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, vì lợi ích chung theo quy định…

Từ khóa » Tải ảnh Thủ đô Hà Nội