Bộ đề Đọc Hiểu Tre Việt Nam Hay Nhất Thi THPT Quốc Gia - Top Lời Giải

Tuyển tập Bộ đề Đọc hiểu Tre Việt Nam hay nhất thi THPT Quốc gia. Trả lời các câu hỏi Đọc hiểu Tre Việt Nam chi tiết nhất.

Mục lục nội dung Đề Đọc hiểu Tre Việt Nam số 1 Đề Đọc hiểu Tre Việt Nam số 2Đề Đọc hiểu Tre Việt Nam số 3

Đề Đọc hiểu Tre Việt Nam số 1 

Đọc đoạn thơ sau đây và trả lời câu hỏi từ Câu 1 đến Câu 4:

          Bão bùng thân bọc lấy thân

Tay ôm tay níu tre gần nhau thêm           

         Thương nhau tre không ở riêng

Lũy thành từ đó mà nên hỡi người            

         Chẳng may thân gãy cành rơi

Vẫn nguyên cái gốc truyền đời cho măng           

         Nòi tre đâu chịu mọc cong

Chưa lên đã nhọn như chông lạ thường           

          Lưng trần phơi nắng phơi sương

Có manh áo cộc tre nhường cho con

(Tre Việt Nam – Nguyễn Duy)

Câu 1. Hãy xác định phương thức biểu đạt chính trong đoạn thơ trên? (0,25 điểm)

Câu 2. Nêu nội dung chính của đoạn thơ trên. (0,5 điểm)

Câu 3. Nêu 2 biện pháp tu từ tác giả sử dụng chủ yếu trong đoạn thơ trên. (0,5 điểm)

Câu 4. Hai dòng thơ: “Lưng trần phơi nắng phơi sương/ Có manh áo cộc tre nhường cho con” biểu đạt vấn đề gì? (0,25 điểm)

Lời giải

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ: phương thức biểu cảm.

Câu 2. Nội dung chính của đoạn thơ: Qua chuyện cây tre, tác giả ngợi ca phẩm chất của con người Việt Nam: luôn vượt qua khó khăn, gian khổ bằng sức sống bền bỉ, bằng tình yêu thương, tinh thần đoàn kết gắn bó lẫn nhau.

Câu 3. Trong đoạn thơ, tác giả sử dụng phép tu từ: 

+ ẩn dụ (cây tre ẩn dụ cho con người Việt Nam); 

+ nhân hóa (trong các câu: Bão bùng thân bọc lấy thân/ Tay ôm tay níu tre gần nhau thêm/ Thương nhau tre không ở riêng/ Lưng trần phơi nắng phơi sương/ Có manh áo cộc tre nhường cho con).

- Tác dụng:

+ Giúp câu thơ thêm sinh động, gợi hình, gợi tả, gợi cảm

+ Sự vật trở nên có hồn hơn, mang sắc thái, dáng vóc của con người.

+ Qua việc khắc họa hình ảnh cây tre, tác giả đã bộc lộ, đặc tả những phẩm chất vốn có của con người Việt Nam.

Bộ đề Đọc hiểu Tre Việt Nam hay nhất thi THPT Quốc gia

Câu 4. Hai dòng thơ: Lưng trần phơi nắng phơi sương/ Có manh áo cộc tre nhường cho con biểu đạt tinh thần chịu thương chịu khó, hi sinh bản thân vì con của cây tre, cũng tức là của con người Việt Nam.

Hình tượng cây tre trong hai câu thơ đã thể hiện, khắc họa hình ảnh người mẹ tần tảo, chịu thương chịu khó vì con. Đây cũng chính là điểm độc đáo đồng thời cũng chính là sự sáng tạo của nhà thơ. Mượn hình ảnh cây tre cùng thủ pháp nhân hóa, tác giả không chỉ khiến cây tre trở nên có hồn hơn, mang sắc thái như con người vừa ẩn hiện lấp ló đằng sau hình ảnh cây tre ấy chính là hình ảnh người mẹ lam lũ, chịu thương chịu khó, dãi dầm mưa nắm. Không quản ngại khó khăn để kiếm miếng cơm manh áo nuôi con. Qua đó, tác giả cũng thể hiện tình yêu bao la đối với những người mẹ Việt Nam anh hùng.

Đề Đọc hiểu Tre Việt Nam số 2

Đọc đoạn thơ và trả lời các câu hỏi:

“… Có gì đâu, có gì đâu

Mỡ màu ít chắt dồn lâu hoá nhiều

Rễ siêng không sợ đất nghèo

Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù

Vươn mình trong gió tre đu

Cây kham khổ vẫn hát ru lá cành

Yêu nhiều nắng nỏ trời xanh

Tre xanh không đứng khuất mình bóng râm

Bão bùng thân bọc lấy thân

Tay ôm tay níu tre gần nhau thêm…”

 (Trích "Tre Việt Nam", Nguyễn Duy)

Câu a. Xác định phương thức biểu đạt của văn bản trên và nêu tác dụng của phương thức biểu đạt đó. (1,0 điểm)

Câu b. Trình bày ngắn gọn về tác dụng của việc sử dụng biện pháp nhân hóa trong văn bản. (1,0 điểm)

Câu c. Anh (chị) nhận được bài học nào từ văn bản trên? (1,0 điểm)

Lời giải 

Câu a.

- Phương thức biểu đạt chính: biểu cảm (nếu học sinh chỉ ra cả hai phương thức biểu cảm và miêu tả cũng cho điểm).

- Tác dụng: qua việc tái hiện cụ thể và sinh động hình ảnh của những lũy tre Việt Nam đã thể hiện cảm hứng ngợi ca.

Câu b.

- Chỉ ra một vài câu thơ có sử dụng biện pháp tu từ nhân hóa trong văn bản:“Rễ siêng không sợ đất nghèo”/ “Cây kham khổ vẫn hát ru lá cành”/ “Yêu nhiều nắng nỏ trời xanh”/  “Tay ôm tay níu tre gần nhau thêm”.

- Tác dụng: hình ảnh cây tre mang những phẩm chất tốt đẹp của con người đã đem lại những bài học sâu sắc.

Câu c.

- Đưa ra bài học sâu sắc có liên quan đến nội dung văn bản, mang tính thuyết phục (Ví dụ: Sự cố gắng bền bỉ vươn lên trong hoàn cảnh khó khăn thử thách, sự đoàn kết đùm bọc che chở…).

- Đảm bảo những yêu cầu về diễn đạt, chính tả, trình bày.

Đề Đọc hiểu Tre Việt Nam số 3

I. Phần đọc hiểu (3,0 điểm)

…Có gì đâu, có gì đâu

Mỡ màu ít chắt dồn lâu hóa nhiều

Rễ siêng không ngại đất nghèo

Tre bao nhiêu rễ bấy nhiều cần cù

Vươn mình trong gió tre đu

Cây kham khổ vẫn hát ru lá cành

Yêu nhiều nắng nỏ trời xanh

Tre xanh không đứng khuất mình bóng râm

Bão bùng thân bọc lấy thân

Tay ôm tay níu tre gần nhau thêm

(Trích Tre Việt Nam – Nguyễn Duy, tập Cát trắng, NXB Quân đội nhân dân)

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính trong đoạn thơ trên

Câu 2: Chỉ ra các từ láy trong đoạn thơ trên

Câu 3: Nêu tác dụng của 1 biện pháp tu từ đặc sắc được sử dụng trong hai câu thơ:

“Bão bùng thân bọc lấy thân

Tay ôm tay níu tre gần nhau thêm”

Câu 4: Theo em, hình ảnh cây tre đã được gợi lên những phẩm chất cao quý nào của dân tộc Việt Nam?

Lời giải 

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn thơ là: biểu cảm.

Câu 2: Các từ láy trong đoạn thơ gồm: cần cù, bão bùng,

Câu 3: Học sinh có thể chọn một biện pháp nghệ thuật đặc sắc:

- Biện pháp nghệ thuật đặc sắc là nhân hóa: “bọc”, “níu”.

- Tre được miêu tả với những hành động như con người, cho thấy sự gắn bó, đoàn kết, yêu thương nhau của loài tre như con người.

Câu 4: Hình ảnh cây tre trong đoạn trích gợi lên những phẩm chất cao quý của dân tộc Việt Nam. Đó là: cần cù, lạc quan, yêu tự do, giàu tình yêu thương...

Từ khóa » đọc Hiểu Tre Việt Nam Lớp 4