BỎ HỌC, GIỜ THÌ SAO? 10 ĐIỀU PHẢI LÀM ĐỂ TRỞ LẠI ‹ GO Blog
Có thể bạn quan tâm
Không phải ai cũng có con đường học vấn thuận lợi. Có thể bạn chưa bao giờ tưởng tượng ra một ngày mình bỏ học (dù lý do là do bạn hay bạn bị buộc thôi học đi chăng nữa)
Cảm giác chắc hẳn là rất tồi tệ, nhưng nghe này, bạn không phải là người đầu tiên mà cũng chẳng phải là người cuối cùng đối mặt với việc học tập không diễn ra theo kế hoạch. Có thể khi chuyện này vừa xảy ra, bạn cảm thấy bất ngờ, thất bại, chỉ muốn ở lì trong phòng không nói chuyện với ai. Tuy nhiên hãy tự động viên mình, rằng ngoài kia có không ít doanh nhân nổi tiếng, các chủ doanh nghiệp và các nhân viên hạnh phúc đã không tốt nghiệp đại học và vẫn tạo ra một con đường cuộc sống trọn vẹn.
Dưới đây là mười điều bạn có thể làm để khiến tâm trạng hồi phục nhanh hơn và đưa cuộc sống của bạn trở lại đúng hướng:
1. HÍT THỞ
Đúng vậy: hít vào và thở ra, hít vào và thở ra. Hơi thở rất kỳ diệu, nó có thể đưa bạn trở về thực tại. Hãy tập trung, một hơi thở chánh niệm sẽ giúp bạn giữ bình tĩnh và kiểm soát những suy nghĩ tiêu cực của bạn.
2. SUY NGHĨ KỸ VỀ NHỮNG GÌ BẠN ĐÃ HỌC
Thậm chí nếu bạn không tốt nghiệp, thời gian ở trường cũng đã mang lại cho bạn một loạt các kỹ năng. Hãy nhớ lại khi bạn bắt đầu và bạn có thể đã cảm thấy mù tịt như thế nào. Và giờ thì sao? Chẳng phải bạn đã đạt được một số thành tựu nhất định đó hay sao? Đó có thể là cách xoay xở khi sống xa nhà, là sự e ngại giảm dần khi nói chuyện với người lạ, là cách lập kế hoạch, nghiên cứu, tìm thông tin hay tự nấu nướng.
Những thành tựu dù nhỏ cũng nên khiến bạn cảm thấy tự hào phải không?
3. LÊN ĐƯỜNG THÔI
Lôi hộ chiếu ra thôi – thế giới đang chờ đợi. Du lịch cho phép bạn thoát khỏi cuộc sống hàng ngày, kéo bạn ra khỏi các câu hỏi của gia đình và bạn bè về những điều xảy ra với việc học của bạn và cho phép bạn trải nghiệm những nền văn hoá, ẩm thực, cảnh quan và lối sống khác. Biết đâu khi đi du lịch, bạn lại tìm được một khóa học ở nước ngoài mà mang lại cảm hứng cho bản thân?
Nhưng bạn nên đi đâu? Tìm kiếm cảm hứng trên các trang blog, trên phương tiện truyền thông xã hội, bằng cách nói chuyện với bạn bè, viết nguệch ngoạc các ý tưởng lên một mảnh giấy hoặc chỉ đơn giản là quay một quả địa cầu và dừng nó một cách ngẫu nhiên. Thực sự không có nút tái khởi động nào tốt hơn là rời đi trong một vài tuần (hoặc vài tháng!).
4. HỌC MỘT NGÔN NGỮ
Học tập tại một trường đại học đòi hỏi sự cam kết và thời gian. Trong khi vào lúc này bạn không thể cống hiến bản thân vào việc học hành tại một trường đại học, điều đó không có nghĩa là bạn không thể cam kết vào một điều gì đó. Học một ngôn ngữ là cách tuyệt vời để sử dụng tốt hơn thời gian bạn đang có, đồng thời lên kế hoạch cho tương lai của bạn. Bằng cách tham gia một lớp học, bạn sẽ gặp gỡ mọi người, tự cho mình một mục đích, tìm lại sự kỷ luật và học hỏi những kỹ năng mới có thể áp dụng cho việc học tập và công việc trong tương lai. Một bước nạp năng lượng thậm chí siêu cấp hơn đó là kết hợp việc học ngôn ngữ và du lịch bằng cách tham gia một khoá học du học. Về phần ngôn ngữ để theo học: Tiếng Trung, Tiếng Ả Rập, Tiếng Tây Ban Nha, Tiếng Đức, và Tiếng Pháp đều là những lựa chọn tuyệt vời.
5. HỌC BẤT CỨ THỨ GÌ!
Nhiếp ảnh, nấu ăn, mã hóa, thiết kế đồ họa, may, nghề mộc, vẽ, leo núi, lướt sóng, âm nhạc là những thứ bạn có thể học trong một danh sách còn rất dài. Hãy tham gia học một thứ gì đó – bất kỳ thứ gì! – để lấy lại tinh thần, tìm lại sự tự tin và thách thức bản thân với một thứ mới mẻ. Ai mà biết được? Trong lúc đó bạn có thể khám phá ra một niềm đam mê mới.
6. PHỦI BỤI MỘT SỞ THÍCH CŨ
Trong đám đông chen chúc ở trường trung học và đại học, sở thích của chúng ta thường bị đặt sang một bên để tập trung vào bài vở và các kỳ kiểm tra. Điều này hoàn toàn dễ hiểu, tuy nhiên một cuộc sống không có những sở thích ngoài việc học tập và công việc có thể thật vô vị. Giờ bạn đã có thời gian để hoàn thành việc đó. Xem xét lại một sở thích cũ có thể là cách tuyệt vời để sử dụng thời gian của bạn cho việc thư giãn, tụ tập trở lại và mường tượng ra những triển vọng cho tương lai của mình.
7. BẮT ĐẦU KINH DOANH NHỎ
Tất cả những việc tham-gia-lớp-học và tìm-lại-sở-thích này có thể sẽ khơi nguồn lại sự sáng tạo của bạn! tại sao không khai thác nguồn năng lượng đó và kết hợp nó với một chút kỹ năng kinh doanh? Wham! Bạn là chủ sở hữu mới đáng tự hào của một ý tưởng kinh doanh nhỏ hoàn toàn mới! Cho dù ý tưởng của bạn liên quan đến việc làm tự do, bán hàng thủ công, lập kế hoạch sự kiện hoặc thứ gì đó hoàn toàn khác, có hàng trăm trang blog và các cộng động trực tuyến ngoài kia có thể giúp bạn xác định góc độ của bản thân và phác thảo các bước để tìm kiếm khách hàng. Không cần phải vội vàng, nhưng với thời gian và sự cống hiến bạn có thể thấy mình đang làm việc bán thời gian hay thậm chí toàn thời gian cho chính bản thân mình!
8. LÀM TÌNH NGUYỆN
Tìm thấy mục đích và cảm thấy tự hào về bản thân mình bằng cách tình nguyện sử dụng thời gian của mình cho một mục tiêu xứng đáng. Bởi vì không thiếu các tổ chức từ thiện và các tổ chức viện trợ cần sự hỗ trợ, lựa chọn nơi bạn sẽ tham gia tình nguyện là nhiệm vụ đầu tiên. Bắt đầu bằng cách cân nhắc những gì bạn cảm thấy đam mê. Nó có thể là về quyền động vật, môi trường, giáo dục, chấm dứt nghèo đói hoặc tìm cách chữa một căn bệnh. Những người làm tình nguyện có thể tìm thấy cơ hội tại chính thành phố, đất nước của bạn hay ở một châu lục khác. Một vài tin đăng có thể kêu gọi sự cam kết lâu dài, nghĩa là bạn có thể thấy bản thân mình đang sinh sống và làm tình nguyện ở một quốc gia khác trong vài tuần hoặc vài tháng.
9. TÌM MỘT CÔNG VIỆC BÁN THỜI GIAN
Kiếm tiền làm tăng cảm giác về sự độc lập, và do đó làm tăng lòng tự trọng. Đánh bóng CV của bạn (hãy chắc chắn nêu đủ các kỹ năng bạn học được ở trường, bất kỳ vị trí tình nguyện nào bạn đã tham gia hoặc những xã hội mà bạn đã từng thuộc về) và tiến lên. Tuỳ thuộc vào loại công việc mà bạn đang tìm kiếm, bạn có thể ứng tuyển trực tiếp hoặc thông qua các đại lý tuyển dụng. Lời khuyên khác: Khi tìm kiếm một vị trí trong ngành khách sạn hoặc bán lẻ, hầu hết các nhà tuyển dụng đều đánh giá cao nỗ lực cần thiết để đi vào cửa hàng và tự giới thiệu về bản thân.
10. NÓI CHUYỆN VỚI MỘT CỐ VẤN NGHỀ NGHIỆP
Nếu bạn bắt đầu cảm thấy muốn quay trở lại trường đại học, trước tiên hãy cân nhắc việc tìm gặp một cố vấn nghề nghiệp. Họ sẽ giúp bạn xác định các mục tiêu tương lai và giúp bạn quyết định lựa chọn một khoá học mà bạn sẽ hứng thú. Không bao giờ là quá muộn để bắt đầu lại!
Từ khóa » Bỏ Học Cấp 3 Nên Làm Gì
-
Không Có Bằng Cấp 3 Thì Làm Gì Để Ổn Định Và Thăng Tiến ?
-
Bỏ Học Cấp 3 Giờ Không Biết Làm Và Học Gì
-
Muốn Bỏ Học Cấp 3 để đi Học Nghề, Nam Sinh 16 Tuổi Bị Mắng Tới Tấp
-
Không Có Bằng Cấp 3 Thì Làm Nghề Gì? - Baoxinviec
-
Bỏ Học Cấp 2 Nên Làm Gì, Học Nghề Gì để Kiếm được Nhiều Tiền?
-
Vì Sao Không Nên Bỏ Học đi Làm Sớm? - Học Trung Cấp
-
Nghỉ Học Sớm Khi Chỉ Học Xong Cấp 2 Nên Học Hay Làm Gì
-
Dang Dở Thpt: Làm Sao để Tiếp Tục Con đường Học Vấn?
-
Không Có Bằng Cấp Ba Thì Học Nghề Gì Có Nhiều Triển Vọng?
-
Tôi Mạnh Dạn Từ Bỏ Cấp III, đi Học Nghề
-
Nghỉ Học Sớm Nên Học Nghề Gì? - Hướng Nghiệp GPO
-
Không Có Bằng Cấp 3 Thì Học Nghề Gì? - Hướng Nghiệp Á Âu
-
Giải đáp Cho Bạn Không Có Bằng Cấp 3 Thì Học Nghề Gì?
-
Top 29 Nghỉ Học Sớm Nên Làm Nghề Gì 2022 - Máy Ép Cám Nổi
-
Top 10 Bỏ Học Cấp 2 Nên Làm Gì Mới Nhất Năm 2022 - Máy Ép Cám Nổi
-
Hướng Dẫn đăng Ký Học Bổ Túc Cấp 2, Cấp 3
-
Bỏ Học Cấp 2 Nên Làm Gì - Tốp 10 Dẫn Đầu Bảng Xếp Hạng Tổng ...