Bộ Luật Gia Long Là Gì? Nội Dung Của Bộ Hoàng Việt Luật Lệ?

Hoàng Việt luật lệ hay còn được biết đến với tên Hoàng triều luật lệ, Quốc triều điều luật, Nguyễn triều hình luật, bộ luật Gia Long là bộ luật chính thức của Việt Nam thời đầu nhà Nguyễn do Bắc thành Tổng trấn Nguyễn Văn Thành soạn thảo và vua Gia Long cho ban hành năm 1815.

2. Lịch sử hình thành bộ luật Gia Long:

Vua Gia Long sau khi lên ngôi để có cơ sở về luật pháp, lệnh cho Nguyễn Văn Thành, Vũ Trinh, Trần Hựu dựa vào Đại Thanh luật lệ và Luật Hồng Đức làm cơ sở soạn bộ luật cho triều Nguyễn có tên gọi là Hoàng Việt luật lệ (còn được gọi là Luật Gia Long), gồm 22 quyển và 398 điều sau đó vua Gia Long cho ban hành chính thức vào năm 1815. Bộ luật này gần như lấy nguyên mẫu là luật nhà Thanh. Trong 398 điều thì chỉ có 2 điều là rút từ Quốc triều Hình luật thời Hậu Lê, vài chục điều luật khác biệt chút ít về từ ngữ so với luật của nhà Thanh, các điều luật còn lại đều sao chép lại nguyên xi tên gọi lẫn nội dung kể cả các tiểu chú của các điều luật trong “Đại Thanh luật lệ”

Giống như “Đại Thanh luật lệ”, Hoàng Việt luật lệ ngoài quyển đầu là mục lục các điều luật, bảng (hay đồ), thể lệ về phục tang, diễn giải thuật ngữ, các quyển còn lại được chia thành 6 thể loại, tương ứng với việc của 6 bộ: Lại, Bộ, Lễ, Binh, Hình, Công. Ngoài ra, cách trình bày in ấn của “Hoàng Việt luật lệ” cũng giống với bộ luật nhà Thanh. Một số điều luật trong “Hoàng Việt luật lệ” đã lược bỏ, thay đổi một số tiểu tiết của luật nhà Thanh cho phù hợp với cách gọi tại Việt Nam (Một số điều luật thay đổi đơn vị hành chính “tỉnh” của Trung Quốc thành “doanh, trấn” của Việt Nam, chức danh lý trưởng của Trung Quốc bằng xã trưởng của Việt Nam).

Hoàng Việt luật lệ được sử dụng trong suốt thời nhà Nguyễn rồi dùng tiếp ở Trung Kỳ trong thời Thực dân Pháp chiếm đóng Việt Nam

3. Văn bản và cấu trúc Bộ Hoàng Việt luật lệ:

a) Về văn bản

Hiên nay trong tàng thư Việt Nam còn lưu giữ hai bản gốc bằng chữ Hán của bộ Hoàng Việt luật lệ. Bản thứ nhất, khắc in tại Trung Quốc, nguyên bản được lưu giữ tại thư viện Sài Gòn trước đây, nay là Thư viện Thành phố Hồ Chí Minh. Bộ luật này trước thuộc tủ sách của gia đình Khâm sai đại thần Nguyễn Tri Phương. Bản này bị mất một số tập đầu. Bản thứ hai, khắc in tại Việt Nam, gồm 22 quyển, đóng thành 10 tập với số lượng 1.800 trang. Bản in tại Việt Nam đầy đủ hơn so với bản in tại Trung Quốc.

Năm 1956 đến 1958, một số quyển Hoàng Việt luật lệ đã được dịch sang tiếng Việt (do tiến sĩ Hán học Nguyên Sĩ Giác đã dịch, giáo sư Vũ Văn Mẫu viết lời giới thiệu). Viện sử học Việt Nam có bản dịch đầy đủ 22 quyển. Năm 1994 Nhà xuất bản Văn hoá thông tin xuất bản Bộ luật này theo bản dịch của Nguyễn Q. Thắng và Nguyễn Vãn Tài. Có thể coi đây là bản dịch bộ Hoàng Việt luật lộ đầy đủ nhất.

b) Về cấu trúc

– Cấu trúc bộ luật: Bộ Hoàng Việt luật lộ gồm 398 điểu, chia thành 22 quyển. Việc chia quyển đã bước đầu có sự phân ngành, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình áp dụng pháp luật. Mở đầu bộ luật in lời Tựa của đương kim Hoàng đế Gia Long khẳng định tư tưởng chính trị pháp lí cơ bản của triều Nguyễn là: ‘Thánh nhân cai trị thiên hạ đều dùng luật pháp để xử tội dùng dạo đức để giáo hoá họ, hai điều ấy không thiên bên nào bỏ bên nào ” “pháp luật là công cụ giúp cho việc cai trị thêm tốt đẹp”. Tiếp sau là Tổng mục vềluật, lộ của vua Việt Nam. Phần Danh lộ và Bản điều được sắp xếp như sau:

– Giới thiệu các quyển luật

Quyển 1, 2, 3: Ghi mục lục về luật các biểu đổ giá chuộc; năm hình phạt, nguồn gốc, ý nghĩa của hình phạt; đổ hình cụ, tang chế. Giải thích một số điểm trọng yếu của luật, cách xử lí tài sản bất hợp pháp. Danh lệ về thập ác và chủ yếu là những điều luật quy định về nguyên tắc chung (45 điều).

Quyển 4, 5: Luật Lại, quy định về chức chế và công vụ (27 điều).

Quyển 6, 7, 8: Luật Hộ, quy định về hộ tịch, điền trạch, đăng bạ, của cải, thuế điền thổ, trốn thuế. Điều chỉnh về hôn nhân, thu chi, cho vay, chợ, cửa hàng (66 điều).

Quyển 9: Luật Lễ, quy định về lễ nghi triều đình, tế tự, lăng tẩm, nhà cửa, y phục (26 điều).

Quyển 10, 11: Luật Binh, chủ yếu nhằm bảo vệ nhà vua, cung cấm điều chỉnh lĩnh vực quân sự, kiểm soát lưu thông, vấn đề biên giới, lưu chuyển công văn, trạm dịch (58 điều).

Quyển 12 đến quyển 20: Luật Hình (bao gồm cả hình sự và tố tụng), quy định về các nhóm tội phạm cụ thể và thủ tục khiếu tố kiện tụng, xét xử, giam giữ, thi hành án (166 điều).

Quyển 21: Luật Công, chủ yếu quy định về những vi phạm trong lĩnh vực xây dựng các công trình công cộng, kho chứa, đê điều, cầu đường (10 điều).

Quyển 22: Ghi mục lục Tổng loại và Tỉ dẫn điểu luật. Trong quyển này các nhà làm luật dự liệu 30 trường hợp so sánh để áp dụng tương tự.

– Cấu trúc các điều luật: Thông thường, điều luật thường có cấu trúc: Tên tội, điều luật, giải thích, điều lệ, một số điều còn có thêm phần tập chú. Tuy nhiên, không phải điều nào cũng có cấu trúc đó.

4. Nội dung chủ đạo của Bộ Hoàng Việt luật lệ:

So với các bộ luật trước đó, bộ luật này có sự nét đặc sắc riêng là tiến bộ và nhân đạo. Điều dễ thấy nhất trong bộ luật là các cực hình trong luật nhà Thanh như: Tru di tam tộc, Lăng trì, Yêm,… đều hoàn toàn bị loại bỏ trong bộ Hoàng Việt luật lệ này.

Ngoài ra, tính nhân đạo của bộ luật còn thấy rõ qua từng phiên tòa mở trong năm (trừ các tội Mưu phản, Đại phản nghịch, Đạo tặc…). Theo luật, các phiên xử thường tổ chức vào đầu mùa thu chứ không mở vào đầu mùa hè vì theo luật, mùa hè, thời tiết nóng, sẽ ảnh hưởng xấu đến việc buộc tội của các phán quan. Nếu phiên tòa xử trong mùa thu năm nay mà chưa có phán quyết cuối cùng thì phải đợi đến mùa thu năm tới mới quyết án chung thẩm (gọi là Thu thẩm). Trường hợp gặp tội nhân bị án tử hình (giam chờ – đợi để chống án hoặc xin ân xá hay chờ thỉnh ý vua) thì cũng phải đợi đến mùa thu khi có phiên tòa mới xử chung thẩm. Việc mở phiên tòa vào mùa thu là một điểm đáng chú ý của bộ luật này, mà đến nay chưa có bộ luật nào ngay cả luật các nước khác có được. Đây là đặc điểm và tính nhân đạo nổi bật của Hoàng Việt Luật Lệ.

Bên cạnh đó, các điều luật trừng phạt kẻ có tội, trong bộ luật này được phân định rõ ràng, hình phạt nghiêm minh, nhất là đối với quan lại nắm luật pháp.

Chằng hạn, điều luật về quan lại phạm tội ăn đút lót, điều luật ghi: “Người có ăn lương nhà nước (người được lương mỗi tháng 1 thạch trở lên) lạm dụng luật pháp ăn đút lót của nhiều chủ, buộc tội chung nhận của người mắc tội mà xử cong luật quẹo pháp, nhận tiền của một người thì phạt trọn việc đó. Như nhận tiền của 10 người một lúc, việc đổ bể, tính chung một chỗ, xử trọn một tội. Còn tội phạm hai việc trở lên, một chủ trước bị phát giác và xử tội, tội sau bị phát giác nhẹ hơn, cũng bị xử. 1 lượng trở xuống phạt 70 trượng, 1 lượng đến 5 lượng phạt 80 trượng, 10 lượng phạt 90 trượng, 10 đến 15 lượng phạt 100 trượng…80 lượng đúng, phạt treo cổ.

Không lạm dụng luật pháp, ăn đút lót của nhiều chủ, tính chung xử tội theo nửa số đó. Tuy có nhận tiền của người nhưng không xử cong quẹo, song nhận cùng lúc tiền của 10 chủ, việc đổ bể, tính gộp chung xử phân nửa tội, một chủ cũng xử phân nửa tội. 1 lượng trở xuống phạt 60 trượng, 1 lượng đến 10 lượng, phạt 70 trượng, 20 lượng phạt 80 trượng, 30 lượng phạt 90 trượng, 40 lượng phạt trăm trượng,…120 lượng trở lên treo cổ.

Luật Gia Long quy định rất ngặt và xử lý nghiêm các trường hợp tham nhũng nhận tiền của hối lộ, bắt dân phải nộp tiền…nếu như ai bị mắc vào mức nào thì căn cứ vào luật mà xử đoán. Những viên quan nào đến mức bị tước bỏ bằng, sắc, cáo của vua ban và bị xóa tên trong sổ bộ quan là bị bãi chức hoàn toàn. Còn lại tùy thuộc vào số lượng tiền của nhận hay chưa nhận mà có hình thức trách tội khác như lưu đày, đồ, bãi nhiệm, đánh đòn…

Ngày nay, nghiên cứu Hoàng Việt Luật Lệ và tham khảo từ các sách khác, chúng ta mới thấy được phần đóng góp và sáng tạo của các tác giả bộ luật này, nhất là của vị Tổng tài Nguyễn Văn Thành.

5. Ý nghĩa và giá trị của bộ Hoàng Việt luật lệ:

Bộ Hoàng Việt luật lệ có ý nghĩa và giá trị to lớn, trước hết đối với công cuộc xây dựng và quản lý đất nước ở thời Nguyễn mà ở đây chỉ xin điểm ra đôi điều.

a) Là công cụ quan trọng để xây dựng và củng cố nhà nước quân chủ trung ương tập quyền

Có thể thấy pháp luật thời kỳ nào cũng đề cập đến vấn đề bảo vệ chủ quyền quốc gia, mà việc bảo vệ chủ quyền chính là xuất phát từ yêu cầu bảo vệ chế độ vương quyền của Nho giáo. Hạt nhân tư tưởng chính trị Nho gia là chủ trương lễ trị, đề cao đức trị nhân chính, nhất nhất đều tuân thủ theo mọi chuẩn tắc thì mới hợp với lễ. Vì thế chế định luật lệ các vương triều đều lấy nội dung tư tưởng từ Nho giáo. Luật Gia Long cũng đã lấy tư tưởng pháp luật Nho giáo đó làm căn cứ lý luận dùng để chỉ đạo phương pháp ứng dụng và nguyên tắc lập pháp của điều luật. Có thể nói Luật Gia Long là sự thể hiện tập trung nhất tư tưởng Nho giáo trong pháp luật phong kiến Việt Nam.

Vua Gia Long đã vận dụng tư tưởng lễ trị của Nho giáo trong việc chế định luật lệ. Thật vậy, sống trong xã hội, con người với những ham muốn vô bờ, nếu không có luật pháp để ngăn ngừa thì không có cách gì để dẫn dắt người ta vào đường giáo hóa đạo đức.

Luật Gia Long đã thể chế quan điểm chính danh của Nho giáo nhằm buộc quan lại thực hiện theo đúng chức năng chỉ là phụ tá và thực thi quyền lực của nhà vua theo đúng cương vị của mình. Danh luật lệ, quyển 2, Điều 6: Quan chức hữu phạm ghi: “Nếu quan lại phạm tội thì không được xử tội riêng, mà phải trình bày và xin ý kiến của nhà vua. Nếu được nhà vua đồng ý mới được xét hỏi và theo luật luận tội, rồi tâu lên cho vua biết và chờ quyết định của nhà vua”. Điều luật còn quy định quan lại có nghĩa vụ tuyệt đối trung thành với nhà vua. Điều 12 mục Hình luật, Điều 1 Mưu phản đại nghịch ghi rõ: “Bầy tôi mà dám âm mưu chống lại nhà vua, phá hủy tông miếu, làm nguy xã tắc thì đó là tội phản nghịch, tòng mưu hay thủ mưu đều xử tử bằng hình phạt lăng trì (xử chém)”.

Tam cương, ngũ thường cũng thể hiện rõ nét trong các điều luật phong kiến. Đó là những nguyên tắc đạo đức cơ bản của xã hội phong kiến, mà việc duy trì bảo vệ quân quyền lại chính là hạt nhân của nó. Trong điều 2 quyển 1 phần Danh lệ nói về thập ác, bao gồm các tội: mưu phản, mưu đại nghịch, phản bội, ác nghịch, bất đạo, đại bất kính, bất hiếu, bất mục, bất nghĩa và nội loạn. Đây là 10 tội ác không thể tha được vì hành vi vi phạm đến lý luận cơ bản của Nho gia, về kỷ cương quân thần, cha con, vợ chồng, uy hiếp đến sự ổn định của xã hội phong kiến và việc củng cố chế độ chuyên chế quân chủ.

Mục tiêu cuối cùng của các điều luật là nhằm làm tăng thêm quyền lực, bảo vệ nhà vua và triều đình. Vì thế ngay cả chữ hiếu cũng phải lùi một bước trong trường hợp có sự xung đột giữa trung và hiếu. Có thể nói pháp luật thời phong kiến là ý muốn của nhà vua, là công cụ cơ bản để bảo vệ quyền lợi nhà vua, bảo vệ quyền lợi của vương triều.

b) Sự kết hợp giữa lễ và hình

Nho giáo chủ trương kết hợp giữa lễ và hình, cùng bổ trợ cho nhau nhằm hữu hiệu hóa việc duy trì bảo vệ trị an lâu dài cho quốc gia và sự ổn định cho xã hội. Lễ nghiêng về việc đề phòng phạm tội, dẫn dắt dân hướng đến điều thiện. Vì vậy Lễ trước hết được hiểu là những nghi lễ, những quy phạm đạo đức quy định quan hệ giữa con người với con người theo trật tự danh vị xã hội. Lễ được xem là lẽ phải, là bổn phận mà mọi người phải có nghĩa vụ tuân theo. Việc hiếu thảo với cha mẹ, hòa thuận anh em, tín nghĩa bạn bè… cao hơn một bậc nữa đó là kỷ cương phép nước, là trật tự xã hội quy định hành vi của con người. Nhờ có Lễ mà mỗi người có cơ sở bền vững để tiết chế nhân tình, thực hiện nhân nghĩa ở đời… Nhờ có Lễ, con người có thể tự mình nuôi dưỡng tính tình thành tập quán, thói quen đạo đức truyền thống. Đồng thời đề cao lễ chính là biện pháp ngăn ngừa phạm tội.

Trong khi Lễ thì nghiêng về giáo dưỡng, ngăn chặn hành vi phạm pháp, thì Hình lại nghiêng về việc trừng phạt các tội ác. Các hình phạt được đưa ra nhằm bảo vệ lễ giáo phong kiến. Trong gia đình những hành vi vi phạm đạo lý của Nho giáo cũng quy định phải chịu hình phạt theo quy định về hình phạt Ngũ hình.

Việc kết hợp chặt chẽ giữa lễ và hình trong các điều luật đã bảo vệ được giá trị truyền thống của dân tộc như lòng hiếu thảo, tôn kính ông bà, cha mẹ của con cháu, sự hòa thuận giữa vợ và chồng, sự kính nhường hòa thuận giữa anh em, truyền thống tôn sư trọng đạo… Đồng thời nó có tác dụng rất lớn trong việc điều chỉnh hành vi trong gia đình, khiến con người có ý thức về nghĩa vụ, trách nhiệm với bản thân và làm tròn bổn phận ở từng vị trí cụ thể với gia đình mình. Như vậy luật là nền tảng cho sự giáo dục đạo đức trong gia đình, trong xã hội, duy trì những chuẩn mực và giá trị đạo đức truyền thống.

c) Giá trị nhân văn trong luật Gia Long

Tư tưởng nhân văn trong Luật Gia Long thể hiện rõ nhất ở chính sách khoan hồng đối với người phạm tội, bảo vệ người già và trẻ em; giúp đỡ những người tàn tật và cô quả, những người có hoàn cảnh khó khăn và những người phạm tội tuy chưa bị phát giác đã đi tự thú.

Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo trọng nam khinh nữ, nhưng trong Luật Gia Long vẫn có một số điều quy định chú ý phần nào đến quyền lợi và thân phận người phụ nữ. Trong thời phong kiến địa vị của người phụ nữ được đánh giá rất thấp, tuy nhiên ở một mức độ nào đó, nhân phẩm người phụ nữ vẫn được đề cao và tôn trọng. Pháp luật nghiêm cấm và có những hình phạt đối với những hành vi lừa gạt để kết hôn. Quyển 7 Hộ luật hôn nhân, Điều 12 Cưỡng chiếm lương gia thê nữ viết rằng: “Cưỡng đoạt vợ con gái nhà lành bán cho người khác làm thê thiếp, hay đem dâng cho vương phủ, cho nhà huân công hào thích thì đều bị xử giam chờ thắt cổ”. Hay trong quyển 7 mục Hộ luật hôn nhân, Điều 15 Xuất thê viết rằng: “Nếu chồng bỏ vợ đi biệt 3 năm, trong thời gian ấy không báo quan biết, rồi bỏ đi thì phạt 80 trượng, tự ý cải giá thì phạt 100 trượng”. Như vậy người đàn ông mới có ý thức trách nhiệm với người phụ nữ hơn, quan tâm đến gia đình mình hơn.

Người Việt Nam luôn đề cao và bảo vệ giá trị đạo đức tốt đẹp của con người, như lòng nhân ái, sự hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ, tình nghĩa vợ chồng… Những tiêu chuẩn đạo đức đó đều được ghi nhận và đề cao trong Luật Gia Long. Tất cả những ai phạm tội thập ác đều phải chịu hình phạt nặng nhất. Đề cao lòng hiếu thảo, quyển 9 mục Lễ luật, Điều 17 Khí thân chi nhiệm quy định: “Tuổi già có bệnh ắt đợi cháu con về phụng dưỡng để sau yên phần. Nếu con đối với cha mẹ, cháu đối với ông bà già trên 80 tuổi mà lại bị bệnh nặng, trong nhà không có ai thay mình chăm sóc, mà không chịu về hầu hạ, tham phú quý vinh hoa, lợi lộc, bỏ nhiệm vụ hầu cha mẹ, tội này khép vào tội bỏ nhiệm vụ chăm sóc cha mẹ. Hoặc có người ngược lại cha mẹ không bị bệnh tật mà nói dối rằng cha mẹ mình bệnh mong có người về phụng dưỡng.

Như vậy một là bỏ rơi cha mẹ, là bất nhân, mặt khác là kẻ bất nghĩa với vua, nên phạt 80 trượng”. Tình thầy trò cũng được đề cao, thầy giáo là người truyền dạy đạo lý làm người, tình nghĩa sâu nặng, quyển 15 Hình luật, Điều 10 Ẩu thụ nghiệp sư quy định: “Nếu đánh thầy dạy học của mình thì tăng thêm hai bậc tội so với đánh người thường. Đánh thầy đến tàn tật thì xử 100 trượng lưu đày ba ngàn dặm…”.

Nghiên cứu tìm hiểu về luật cổ Việt Nam, chúng ta có quyền tự hào về một di sản pháp luật mà thế hệ đi trước đã dành nhiều công sức và trí tuệ để xây dựng và ban hành. Luật Gia Long có thể xem là hoàn chỉnh và quan trọng nhất, là tập đại thành của toàn bộ nền pháp luật thời Nguyễn. Bộ Luật Gia Long này với các chương mục, các điều luật lệ rõ ràng đã phản ánh trình độ lập pháp trong giai đoạn này. Bộ Luật Gia Long là di sản quý giá của dân tộc không chỉ trong lĩnh vực luật pháp mà còn trong nhiều lĩnh vực khác. Người đóng góp quan trọng vào sự thành công của bộ luật này, không ai khác chính là vị Tổng tài biên soạn sách luật thời Gia Long – Nguyễn Văn Thành.

Từ khóa » đa Kim Ngân Phá Luật Lệ Nghĩa Là Gì