Bộ Luật Hammurabi Là Gì? Nội Dung, ưu điểm Và Hạn Chế Của Luật ...

Mục lục bài viết

  • 1 1. Bộ luật Hammurabi là gì?
  • 2 2. Nội dung chính của Bộ luật Hammurabi:
  • 3 3. Nét đặc trưng của Bộ luật Hammurabi:
  • 4 4. Các điểm tiến bộ và hạn chế của bộ luật Hammrabi:

1. Bộ luật Hammurabi là gì?

Bộ luật Hammurabi là bộ luật được soạn thảo vào thời vua Hammurabi (Hammourabi; 1793-1750 trước Công nguyên), người sáng lập vương triều Amôrit (Amorite) đầu tiên của vương quốc cổ Babylon. Bộ luật Hammurabi được khắc trên những tấm đá bazan với chiều cao 2 mét và được dựng tại các quảng trường của thành phố để mọi người biết và tuân thủ.

2. Nội dung chính của Bộ luật Hammurabi:

Bộ luật Hammurabi được ghi bằng văn tự hình đinh xưa nhất trên tấm đá badan cao 2,25m và đường kính đáy gần 2m. Các nhà khảo cổ học Pháp đã tìm thấy cột đá này vào năm 1902 ở di chỉ của thành phố Susa, kinh đô xưa của người Elam (phía Đông Lưỡng Hà) và hiện được lưu giữ tại viện bảo tàng Louvre (Pháp). Ở mặt trước và phía trên của tấm bia khắc mô tả hình thần Mặt trời Samát ngồi trên ngai vàng trao cho vua Hammurabi đứng với tư thế nghiêm trang trước thần bộ luật. Hammurabi đã ý‎ thức sâu sắc kết hợp thần quyền, vương quyền và pháp quyền khiến bộ luật trở nên được “thiêng hóa” nhằm đạt được mục đích cai trị dân chúng.

Bộ luật gồm 282 điều khoản nhưng chỉ còn lại trên tấm bia 247 điều khoản. Năm cột gồm 35 điều luật có lẽ bị quân xâm lược Elam cạo đi. Quân Elam đưa di tích này về Susa như là một chiến lợi phẩm. Nhờ những bản sao lại mà các thư ký và các thầy kiện cổ Babylon dùng cho mục đích giảng dạy cũng như trong thực hành xử kiện và nhờ nhiều tài liệu có liên quan tìm thấy ở Susa và ảnh hưởng rộng lớn của bộ luật ở khắp miền Tây Á mà người ta khôi phục lại được phần đã mất của bộ luật.

Về nguồn gốc, trong khu vực Lưỡng Hà, trước bộ luật Hammurabi đã có bộ luật Sumer, bộ luật của Eshnunna, do đó, bộ luật Hammurabi là sự phát triển tiếp tục và chép lại các điều luật thời cổ Sumer có ảnh hưởng mạnh mẽ tới pháp chế Babilon. Bộ luật tỏ ra có hệ thống hơn so với các quyết án của Sumer cổ, trong đó thấy được ý định của người viết luật là muốn thống nhất những nhóm điều luật có nội dung giống nhau. Ngoài ra, bộ luật này còn có nguồn gốc từ những quyết định của tòa án và các phán quyết của tòa án cao cấp lúc bấy giờ và những mệnh lệnh, chiếu chỉ của nhà vua. Như vậy, bộ luật Hammurabi không phải là một thể chế hay hệ thống luật đầy đủ; hơn nữa nó là sự sưu tập những luật và chiếu chỉ mà Hammurabi cho rằng cần được trình bày lại.

Về cơ cấu, bộ luật Hammurabi bao gồm gần 300 phần được cấu kết kỹ càng hơn bất kỳ bộ luật nào trước đó mà chúng ta được biết, bao gồm ba phần chính: phần mở đầu, phần nội dung và phần kết luận.

Phần mở đầu của bộ luật khẳng định rằng đất nước Babilon là một vương quốc do các thần linh tạo ra. Và chính các thần linh này đã trao đất nước cho vua Hammurabi để thống trị, làm cho đất nước giàu có, nhân dân no đủ. Hammurabi kể công lao của mình đối với đất nước: “vì hạnh phúc của loài người, thần Anu (thần Trời) và thần Enlin (thần Đất) đã ra lệnh cho trẫm, Hammurabi một vị vua quang minh và ngoan đạo, phát huy chính nghĩa ở đời, diệt trừ những kẻ gian ác không tuân theo pháp luật, làm cho kẻ mạnh không hà hiếp người yếu, làm cho trẫm giống như thần Samát (thần Mặt Trời, ánh sáng và xét xử), soi đến dân đen, tỏ ánh sáng khắp mặt đất”. Vượt ra khỏi hạn chế lịch sử, giá trị xã hội của bộ luật được thể hiện ngay ở mục đích ban hành luật “để cho người mạnh không hà hiếp kẻ yếu, để cho những người cô quả có chỗ nương tựa ở thành Babilon, nơi mà thủ lĩnh của nó được thần Anu và thần Enlin khen ngợi, ở đền Exajin mà nền móng của nó lâu bền cùng với trời đất, để cho tòa án trong nước tiện việc xét xử, để cho sự tuyên án trong nước tiện việc quyết định, để cho những kẻ bị thiệt thòi được trình bày chính nghĩa, trẫm khắc những lời vàng ngọc của trẫm lên cột đá của trẫm trước bức tượng của trẫm cũng tức là bức tượng của một vị vua công bằng”. Đây là giá trị nhân văn cao cả của bộ luật mà không phải tất cả các bộ luật thời cổ đại ở phương Đông đều có được.

Phần nội dung chứa đựng 282 điều luật – đây là phần chủ yếu của bộ luật. Nội dung của bộ luật chưa phân chia thành từng ngành luật riêng biệt, nhưng tác giả của bộ luật đã có ý thức sắp xếp các điều khoản ra từng nhóm riêng theo nội dung của chúng. Điều này thuận tiện cho việc tìm hiểu và xét xử. Luật Hammurabi là một bộ luật tổng hợp được xây dựng dưới dạng luật hình, bao gồm các quy phạm pháp luật điều chỉnh nhiều lĩnh vực, chủ yếu là những quan hệ xã hội liên quan đến lợi ích của giai cấp thống trị. Phần nội dung, bộ luật tập trung điều chỉnh bốn lĩnh vực chủ yếu là dân sự, hình sự, hôn nhân gia đình và tố tụng nhưng không có sự tách rời giữa các lĩnh vực. Các qui phạm của luật Hammurabi cũng giống như các bộ luật khác ở phương Đông là mang tính hàm hỗn, các điều luật đều kèm theo chế tài. Ở mỗi nội dung của điều luật đều chứa đựng những điểm tiến bộ và hạn chế so với luật pháp của các quốc gia cổ đại khác.

Trong phần kết luận, Hammurabi đề cao công lao của mình trước nhân dân, kêu gọi những ông vua kế tục đền ơn và thực hiện những điều luật của Hammurabi: “Đây là pháp luật do đức vua Hammurabi bách thắng đặt ra để đem lại hạnh phúc cho chân chính và đặt nền thống trị nhân từ trong nước”. “Từ nay đến ngàn đời sau, các vua trong nước phải tuân theo những lời chính nghĩa của trẫm đã khắc trên cột đá của trẫm, không được thay đổi việc xét xử do trẫm đã quyết định”. Đồng thời, Hammurabi tuyên bố sẽ trừng trị tất cả những ai xem thường và có ý định hủy bỏ bộ luật. Điều đó phần nào chứng tỏ vai trò to lớn của bộ luật này đối với sự phát triển toàn thịnh của đất nước Lưỡng Hà thời Babylonia.

3. Nét đặc trưng của Bộ luật Hammurabi:

Đánh dấu hoạt động pháp điển hóa đầu tiên, sớm nhất trong pháp luật thế giới. Do chính hoàng đế tổ chức biên soạn.

Nền kinh tế hàng hóa Lưỡng Hà xuất hiện sớm và phát triển vào bậc nhất ở phương Đông cổ đại nên luật pháp Lưỡng Hà cũng phát triển nổi trội hơn so với các vùng khác. Ngày nay, các nhà khảo cổ học đã phát hiển thấy một văn bản pháp luật Lưỡng Hà – đó là những văn bản về mua bán ruộng đất và một vài bộ luật. Trong đó, Bộ luật Hammurabi có giá trị lớn nhất, nó được soạn thảo vào triều đại Hammurabi (1894-1594 TCN).

Bộ luật này được soạn thảo do chính hoàng đế Hammurabi – người đã thiết lập bộ máy chính quyền của một nhà nước trung ương tập quyền chuyên chế. Tổ chức nhà nước

Babilon đồ sộ, quy củ nhất trong lịch sử Lưỡng Hà cổ đại.

Bộ luật này được chia làm ba phần chính rõ ràng, tổng hợp tất cả các quy phạm trong mọi lĩnh vực. Khác với Bộ luật Manu chỉ tổng hợp các quy phạm, tín điều tôn giáo do tầng lớp tăng lữ biên soạn. Bộ luật Manu này gồm 12 chương, 2685 Điều. Thực chất Bộ luật này là những luật lệ, tập quán pháp của giai cấp thống trị được các trường thần học Bàlamon tập hợp lại cà viết thành trường ca. Từ đây thấy được giá trị của Bộ luật Hammurabi có nhiều điểm tiến bộ hơn, so với đó thì Ai Cập chưa có một Bộ luật nào.

Tiếp đến đó là hoạt động pháp điển hóa diễn ra khá đa dạng.

Các lĩnh vực, phạm vi điều chỉnh của Bộ luật này rất rộng, bao trùm lên hầu hết các quan hệ xã hội. Phần nội dung là phần chủ yếu của Bộ luật. Nội dung Bộ luật bắt đầu từ sự kế thừa những bộ luật trước đó của nhiều quốc gia Lưỡng Hà, cụ thể là những pháp điều của người Xume (chủ nhân của những quốc gia đó). Bộ luật còn chứa đựng những luật lệnh của vua Hammurabi và nhiều quyết định của Tòa án cao cấp bấy giờ. Bộ luật gồm 282 điều khoản cụ thể, trong đó, điều đầu tiên của Bộ luật quy định thủ tục kiện cáo, cách xét xử tức là thủ tục tố tụng. Tiếp đó là những quy định về hình phạt của tội trộm cắp, bắt cóc nô lệ; về quyền và nghĩa vụ của binh lính; quyền lợi của người lính canh ruộng đất; Tội sử dụng bừa bãi nguồn nước, tội để súc vật tàn phá hoa màu; Các hình thức cho vay lãi nô lệ vì nợ cũng được quy định rất cụ thể. Sau đó, Bộ luạt dành nhiều khoản về việc gả bán con gái, về gia đình, về các hình thức trị tội khi làm tổn hại đến thân thể người khác; hình phạt đối với tộ thủ tiêu dấu trên mặt nô lệ, trách nhiệm và tiền công của những người làm thuê trong xây dựng, trong nông nghiệp, chăn nuôi, thủ công nghiệp. Cuối cùng là những điều khoản về mua bán nô lệ.

Như vậy, luật Hammurabi điều chỉnh khá rõ ràng các mối quan hệ xã hội thời Babilon cổ.

Ngoài ra, trong quá trình biên soạn còn chú ý đến cả việc sắp xếp điều khoản, điều chỉnh các quan hệ giống nhau ở liền nhau. Tuy là chưa có sự phân chia thành những ngành luật như hiện nay nhưng tác giả của bộ luật đã có ý thức sắp xếp các điều khoản thành từng nhóm riêng theo từng loại quan hệ xã hội trong lúc bấy giờ. Qua các điều khoản đó, có thể chia thành những chế định sau: chế định hợp đồng; chế định hôn nhân và gia đình; chế định về thừa kế; những chế định hình sự, những chế định tố tụng. Mỗi một chế đình đều quy định rõ các điều khoản, các trường hợp xảy ra. Ví dụ trong chế định hợp đồng thì phân chia thành hợp đồng mua bán, hợp đồng vay mượn và hợp đồng lĩnh canh ruộng đất. So với bộ luật Manu thì các chế định này đầy đủ và rõ ràng hơn, các quy tắc, điều luật về nội dung vẫn có nhiều điểm tiến bộ hơn.

Bộ luật Hammurabi thể hiện kĩ thuật lập pháp khá cao.

Điểm nổi bật trong kĩ thuật lập pháp của bộ luật là không của luật pháp có xu hướng hình sự hóa tất cả cacá quan hệ pháp luật. Đây cũng chính là điểm khác biệt của luật pháp triều đại Hammurabi Lưỡng Hà với thời Tây Chu phong kiến. Trong pháp luật Tây chu thiên về hình luật.

Nghiên cứu về bộ luật Hammurabi, có ý kiến cho rằng đây là “một bộ luật tổng hợp dưới dạng hình luật” .Có thể khẳng định không phải vì những lí do sau đây:

Thứ nhất: Trong tổng số 247 điều còn đọc được của bộ luật có đến một nửa số điều luật này không liên quan tới hình luật. Quy phạm pháp luật chứa đựng trong các điều luật này là quy phạm điều chỉnh chứ không phải là quy phạm bảo vệ. Các điều luật trong nhóm này thường không có phần chế tài.

Thứ hai: ngay cả đối với những điều luật có quy định chế tài đó cũng không rõ rệt là chế tài của luật hình sự. Chính vì lý do này ta không thể khẳng định tất cả các quy phạm pháp luật trong Bộ luật Hammurabi đều là quy phạm lụât hình sự.

Tiếp theo thấy được sự tiến  bộ rõ nét trong các nhà làm luật đã biết dự liệu liên quan tới nhau. Điển hình là từ điều 26 tới điều 32. Đây là một hệ thống đặt ra các quy tắc có liên quan tới nhau, dự liệu các trường hợp có thể xảy ra và đề ra những hình phạt theo từng mức độ phạm tội một cách đúng đắn.

Bộ luật Hammurabi cũng có sự kế thừa từ các bộ luật thành văn trước đó. Từ đây thể hiện rõ ràng về tính chất, sự nhất quán trong tư tưởng thần quyền pháp chế. Đồng thời ở bộ luật này đã có sự kết hợp hài hóa việc bảo lưu các yếu tố truyền thống với Nhà nước. Điển hình nhất trong các quy định điều chỉnh quan hệ hôn nhân và gia đình. Các quan hệ thứ bậc trong gia đình, quan hệ cha mẹ – con cái.. cũng được chú trọng. Khi nói về quan hệ giữa cha mệ và con, Điều 168 Bộ luật này quy định:

“Nếu người cha muốn từ đứa con của mình. Ông ta nói với thẩm phán: “Tôi từ đứa con tôi”. Thẩm phán sẽ phải điều tra tường tận vụ việc. Nếu đứa con không mắc phải trọng tội dẫn đến việc cắt đứt quan hệ máu mủ. Thì người cha không thể từ con”.

Truyền thống, tư tưởng chủ đại của pháp luật Lưỡng Hà cổ đại là bảo tồn tính bền vững của gia đình, đề cao đạo đức xã hội. Vì thế bộ luật Hammurabi đã kế thừa, nâng cao truyền thống ấy lên, đưa ra những quy định phù hợp.

Trong bộ luật này thì mức độ điều chỉnh của nó cũng được biểu hiện bằng các dẫn chứng, tình tiết cụ thể, dễ hiểu, dễ áp dụng trong thực tiễn cuộc sống. Luật tư trong Bộ luật này rất phát triển, nó điều chỉnh quan hệ giữa các cá nhân với nhau mà ở các bộ luật khác chưa xuất hiện. Đây là một điểm tiến bị vượt trội.

Ví dụ: Trong những quy định điều chỉnh quan hệ lao động nhìn chung các vấn đề liên quan ở đây chỉ là tiền công trả chi người lao động, mối quan hệ giữa người lao động và người thuê lao động. Có thể thấy rằng quan hệ giữa các cá nhân được hình thành.

Bộ luật có nhiều tư tưởng mang tính thời đại tiến bộ.

Bộ luật Hammurabi có nhiều quy định mang tính chất tiến bộ vượt thời đại, có giá trị lâu bền cùng với thời gian. Bộ luật là nguồn tài liệu phong phú cho phép người hiện đại hiểu biết hơn về lịch sử, phong tục, tập quán và nhiều mặt khác của một xã hội cổ xưa.

Bên cạnh việc bảo vệ quyền lợi cho giai cấp thống trị, pháp luật cũng bảo vệ những người yếu thế, được xem như là một nguyên tắc pháp luật tiến bộ.

Ngay ở phần mở đầu của bộ luật Hammurabi tuyên bố rằng các vị thần đã trao đất nước cho nhà vua thống trị “Khi mác đúc cử ta thống trị muôn dân một cách công bằng, chính nghĩa truyền khắp đất nước và tạo ra hạnh phúc cho nhân dân”. Thể hiện nguyên tắc này, bộ luật ngăn cấm hành vi xâm phạm thân thể của người phải vào nhà người khác làm con tin để gán nợ, giới hạn thời gian làm con tin chỉ trong ba năm, quy định là tội phạm ngay cả đối với những hành vi xâm phạm đến nô lệ, quy định cho phép con nợ được hoãn trả nợ trong một năm nếu như năm đó bị mất mùa, quy định việc bảo vệ quyền lợi của con chưa thành niên, con nuôi cũng phải được ngang quyền với con đẻ.

Đặt trong bối cảnh có nhiều áp bức bất công, những quy định này như thế thực sự có nhiều ý nghĩa tiến bộ mang tinh thần nhân đạo sâu sắc.

Không những tiến bộ trong nguyên tắc này, bộ luật Hammrabi còn có những tiến bộ hơn trong việc áp dụng các hình phạt. Có thể thấy rằng nhà làm luật thời đó đưa ra cả một hệ thống chế tài hình sự để đối phó với từng loại tội phạm, ở những mức độ nặng nhẹ khác nhau. Nhưng đối với các hình phạt nặng thì đối tượng áp dụng với nó rất hạn chế.

Không dừng ở đó, bộ luật Hammurabi còn có những quy định trách nhiệm hình sự, vấn đề miễn trách nhiệm hình sự cũng được đề cập. Cụ thể biểu hiện trong các Điều 20, Điều 129, Điều 227 của bộ luật. Đồng thời có sự phân biệt rõ ràng các chế định miễn trách nhiệm hình sự với trường hợp không có tội.

Có những quy định trong bộ luật này mà ngày nay trên pháp luật của các nước có sự tiếp thu và chọn lọc.

4. Các điểm tiến bộ và hạn chế của bộ luật Hammrabi:

Về dân sự

Những điểm tiến bộ, đặc sắc nhất của bộ luật này chính là các qui định về dân sự. Bộ luật đã đặc biệt chú ý‎ điều chỉnh quan hệ hợp đồng vì đây là quan hệ phổ biến ở xã hội Lưỡng Hà cổ đại, có nhiều quy định không những tiến bộ về nội dung mà còn chặt chẽ về kỹ thuật lập pháp.

Về hợp đồng mua bán, luật quy định ba điều kiện bắt buộc đối với hợp đồng mua bán là:

Thứ nhất, người bán phải là chủ thực sự của tài sản (điều 7: Nếu dân tự do mua của con hoặc nô lệ của dân tự do hoặc trữ giúp học cho họ bạc hoặc vàng hoặc nô lệ, hoặc nữ nô lệ, hoặc bò, hoặc cừu, hoặc lừa, hoặc bất cứ vật gì, mà không có người làm chứng hoặc giấy chứng nhận thì tức là ăn trộm, sẽ bị xử tử.)

Thứ 2, tài sản phải có giá trị sử dụng (Điều 108: Nếu mụ hàng rượu không chịu lấy thóc khi bán rượu xikêramà lại dùng cân giả để lấy bạc và số lượng rượu xikêra quy định lại thấp hơn số lượng thóc quy định thì mụ hàng rượu đó bị tố giác và bị ném vào lửa).

Thứ 3, hợp đồng phải có người làm chứng (điều 7)

Nếu thiếu một trong ba điều kiện trên thì hợp đồng không có giá trị. Người vi phạm những quy định này sẽ bị xử phạt rất nặng, có khi phải đánh đổi bằng cả mạng sống. Quy định này rất tiến bộ và chặt chẽ, bảo vệ quyền lợi cho người mua và tránh gian lận trong buôn bán. Điều này thể hiện rõ giá trị thực tiễn cao trong các quy định của bộ luật.

Về hợp đồng vay mượn, luật quy định mức lãi suất khác nhau đối với từng loại: vay thóc và vay tiền (Điều 89: Nếu tamca cho vay thóc hoặc bạc lấy lãi, thì mỗi guru (1 guru= 121 lít) có thể lấy lại 100 ca thóc (1 ca= 0,4 lít đến 0,8 lít). Nếu cho vay bạc trắng thì mỗi xikhơ bạc (1 xikhơ = 8 cm3 = 180 sêun, 1 sêun = 1.05 cm3) có thể lấy lại 1/6 và 6 sêun). Nếu người cho vay lấy lãi xuất cao hơn mức quy định thì sẽ mất vật cho vay (Điều 91: Nếu tamca không tuân theo quy định là thóc thì mỗi guru lấy lại 100 ca, bạc trắng thì mỗi xikhơ lấy lại 1/6 xikhơ và 6 sêun mà tăng thêm lợi tức thì người này bị mất vật đã cho vay). Luật cũng quy định, khi cho vay, dùng thân thể con người làm vật bảo đảm hợp đồng. Quy định này được thể hiện ở điều 115, 116, 117 như: “Nếu dân tự do là chủ nợ của một người dân tự do khác, và giữ con tin của người này, mà người làm con tin vì số mệnh mà chết ở nhà người giữ mình làm con tin, thì việc đó không thể làm căn cứ để tố cáo. Mức quy định lãi xuất đối với hợp đồng vay nợ là 1/5 đối với tiền, vay thóc là 1/3”. Đây là những quy định tiến bộ, một phần bảo vệ quyền lợi của người đi vay, một phần đảm bảo cho việc vay mượn được công bằng, tránh hiện tượng cho vay nặng lãi, không phù hợp với giá trị của vật cho vay. Nhưng trên thực tế, những ông chủ (chủ yếu là tầng lớp thương nhân) cho vay thường đẩy cao mức lãi xuất cho vay, có khi lên đến 20%. Hiện tượng cho vay nặng lãi đã khá phổ biến ở Lưỡng Hà. Đó cũng là nguyên nhân thúc đẩy thương nghiệp ở Lưỡng Hà phát triển hơn các quốc gia khác.

Về hợp đồng lĩnh canh ruộng đất, luật quy định mức thu tô đối với từng loại lĩnh canh: vườn và ruộng. Đối với những vườn trồng cây chà là, người trồng vườn phải nộp 2/3 số thu hoạch trong vườn mà mình quản lý cho chủ vườn, còn mình được 1/3 (điều 64). Đối với đất ruộng thì căn cứ theo thu hoạch để thu tô 1/2 hay 1/3 thì thu hoạch của ruộng đất sẽ do nông dân và chủ ruộng căn cứ theo tỉ lệ đã định để chia nhau (điều 48). Ngoài ra, điều 42, 43,44 của luật cũng quy định trách nhiệm của người lĩnh canh trong trường hợp không chuyên cần canh tác: Nếu không cày cấy mà để ruộng bỏ hoang, thì người này phải căn cứ theo người bên cạnh để nộp thóc cho chủ ruộng và còn phải cày bừa ruộng đã bỏ hoang cho bằng phẳng rồi trả lại cho ruộng. Quy định này đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp được đều đặn, tránh hiện tượng bỏ hoang ruộng đất, bởi sản xuất nông nghiệp là ngành kinh tế chủ đạo của không chỉ Lưỡng Hà mà còn của hầu hết các quốc gia cổ đại phương Đông khác. Do đó, luật pháp cũng đã có nhiều quy định đối với những việc liên quan đến phát triển sản xuất nông nghiệp. Dân tự do mà gây thiệt hại cho hoa màu thì đều phải bồi thường tất cả những thiệt hại do mình gây ra, nhất là những người không chịu chăm lo cho công tác thủy, bởi thủy lợi là vấn đề sống còn đối với cư dân nông nghiệp. Công tác thủy lợi không chỉ là công việc của nhà nước mà còn là việc của toàn dân. Nhà nước có trách nhiệm sửa chữa, tu bổ và phát triển các công trình thủy lợi, nhân dân có trách nhiệm bảo vệ và trông coi. Ai cố tình vi phạm sẽ bị xử lí, bồi thường, nếu không có tài sản thì phải bán thân để bồi thường thiệt hại do họ gây ra. Quy định này được thể hiện ở điều 53, 54, 55, 56: “Nếu dân tự do lười biếng không chịu củng cố đê đập bên ruộng của mình, do đó đê đập bị vỡ, nước ngập ruộng đất cày cấy (của công xã), thì người dân tự do có đê đập bị vỡ đó phải bồi thường số hoa màu đã bị thiệt hại”. Nhờ những quy định đầy đủ và chặt chẽ này, sản xuất nông nghiệp ở Lưỡng Hà không ngừng phát triển, sản phẩm sản xuất ra không những đáp ứng đủ nhu cầu trong nước mà còn có dư thừa cho xuất khẩu.

Về hợp đồng gửi giữ, luật quy định khi gửi giữ phải có người làm chứng, nếu không người nhận giữ sẽ bị coi là ăn trộm và xử tử, đồng thời quy định mức thù lao gởi giữ (Điều 121: Dân tự do gửi thóc ở nhà dân tự do, thì mỗi năm cứ mỗi guru thóc phải nộp 5 ca thuế kho).

Như vậy, những quy định về quan hệ hợp đồng đã thể hiện sự chặt chẽ và tiến bộ của bộ luật, góp phần bảo vệ tài sản của cư dân trong xã hội và thúc đẩy sản xuất phát triển. Hiện nay, nhiều nhà nghiên cứu vẫn đặt ra câu hỏi là vì sao kỹ thuật xây dựng luật pháp của Lưỡng Hà lại đạt đến sự hoàn thiện đến thế. Bởi trong các chế định về hợp đồng, so với luật pháp hiện đại, người ta chỉ thấy thiếu một loại hợp đồng duy nhất là hợp đồng bảo hiểm. Điều đó thể hiện trình độ kỹ thuật luật pháp khá cao của Lưỡng Hà.

Tuy nhiên, các chế tài của hợp đồng thường là các chế tài hình sự (hình phạt) khá khắc nghiệt. Bộ luật quy định nếu người bán bị người làm chứng tố cáo vật bán là của người khác thì sẽ bị tử hình. Ngược lại, nếu có người nhận vật bán là của mình bị mất nhưng không có người làm chứng thì người nhận đó cũng bị tử hình và luật cho rằng đấy là tội vu khống (điều 9 và điều 11). Qua đó có thể thấy luật bảo vệ lợi ích cho giai cấp thống trị. Những kẻ giàu có cho vay mượn, thuê mướn luôn luôn được pháp luật bảo vệ, còn nhân dân lao động nghèo khổ là đối tượng trừng trị của pháp luật. Cho nên, đời sống của nhân dân ở tất cả các thời kỳ đều khổ cực như nhau. Pháp luật là do giai cấp thống trị đặt ra để bảo vệ quyền lợi cho giai cấp thống trị, còn nhân dân lao động hầu như không được bảo vệ mà luôn là đối tượng bóc lột chủ yếu của nhà nước. Đây là điểm hạn chế của luật Hammurabi cũng như của tất cả các bộ luật khác trên thế giới khi xã hội vẫn còn sự phân chia giai cấp.

Chế định hôn nhân và gia đình

Hammurabi không chỉ quan tâm đến sự đền tội khắt khe. Trong số những quy định tiến bộ nhất trong bộ luật của ông là những luật về gia đình. Luật về hôn nhân và gia đình gồm 66 điều rất chi tiết về kết hôn, thoái hôn, ly hôn, vợ cả, vợ lẽ, vợ kế, nàng hầu, con nuôi kế thừa tài sản cha mẹ, dì chú… Điểm tiến bộ đầu tiên trong luật về hôn nhân và gia đình là quy định thủ tục kết hôn phải có giấy tờ. Mục đích của thủ tục này chủ yếu nhằm bảo vệ quyền lợi của người vợ khi người vợ hay người chồng đòi ly dị. Quy định này là một bước phát triển sớm trong nền văn minh Lưỡng Hà mà không phải quốc gia cổ đại phương Đông nào cũng có. Ở Ấn Độ cổ đại, từ “cưới vợ” đồng nghĩa với từ “mua vợ”, cuộc hôn nhân đó không có gì đảm bảo cho người phụ nữ và người chồng Ấn Độ có toàn quyền đối với người vợ của mình. Ngay ở một số khu vực của nước ta hiện nay, vấn đề đăng ký‎ kết hôn vẫn chưa được coi trọng.

Một quy định rất nhân đạo khác đặt trong hoàn cảnh lúc bấy giờ là: “Người chồng không được bỏ vợ khi biết người vợ mắc bệnh phong hủi”. Với những trường hợp vợ mắc các bệnh khác, người chồng có thể lấy vợ khác nhưng vẫn phải cấp dưỡng cho vợ trước và nếu muốn, người vợ có thể rời khỏi nhà chồng và giữ lại của hồi môn của mình nghĩa là phần đóng góp của gia đình nhà gái khi cho con đi lấy chồng. Một người đàn ông góa vợ không được giữ và tiêu xài của hồi môn của người vợ quá cố mà phải để lại cho các con trai của mình. Nhưng một quả phụ lại có thể giữ của hồi môn của mình.

Hammurabi đã quy định vấn đề hôn nhân thật tỉ mỉ, rõ ràng là ông muốn bảo đảm một cuộc sống ổn định cho những thế hệ tương lai. Ông đã xử lý sự bội ước bằng cách quy định rằng: nếu một người đàn ông đã đưa tiền thách cưới cho cha vợ tương lai và sau đó lại quyết định không cưới cô gái đó nữa, cha cô gái có thể giữ lại tiền thách cưới đó. Nếu một người đàn ông muốn ly dị người vợ không sinh được con, anh ta có thể làm được điều này nhưng phải hoàn trả của hồi môn và cho cô ta một khoản tiền bằng số tiền thách cưới (điều 138). Như vậy, luật đã quan tâm bảo đảm đời sống cho những người vợ không có con, dành cho họ những điều kiện sống tối thiểu để không bị bạc đãi, không bị tước bỏ quyền sống. Điều đó chứng tỏ, Hammurabi đã công khai thừa nhận vị thế dễ bị tổn hại của phụ nữ và trẻ em trong xã hội và đã quan tâm chăm sóc, bảo vệ họ. Quan điểm này của Hammurabi vì vậy mang giá trị nhân văn rất sâu sắc.

Tuy nhiên, bộ luật này không hẳn là một tài liệu tiến bộ. Một số quyết định trong bộ luật này phản ánh một tiêu chuẩn kép về giới tính. Gia đình gia trưởng giữ một ý nghĩa lớn trong xã hội Babylon cổ. Người phụ nữ có địa vị thấp kém. Theo điều khoản 129 của bộ luật, người chồng là ông chủ, nghĩa là kẻ chiếm hữu đầy quyền hành đối với vợ mình. Người chồng mua vợ về như mua một nô lệ. Nếu không có con, người chồng có quyền ly dị, bán vợ hoặc lấy vợ lẽ. Khi phạm tội ngoại tình, chồng và vợ chịu những hình phạt khác nhau. Nếu bắt được vợ ngoại tình thì người chồng có quyền trói vợ và nhân tình của vợ ném xuống sông cho chết. Ngược lại, nếu người chồng không chung thủy thì người vợ có thể lấy của hồi môn và trở về với cha mẹ mình. Không có chỗ nào trong bộ luật này lại phát biểu rằng một người chồng sẽ phải chịu hình phạt giống như vậy nếu anh ta không trung thành với vợ. Các bản giá thú hồi đó còn cho thấy nếu người vợ chê chồng thì người chồng có thể đóng dấu nô lệ vào người vợ rồi mang đi bán. Một bức minh văn còn cho thấy rằng, người cha, người chồng cò quyền không giới hạn đối với gia đình mình. Một văn kiện có nói một người tên là Samat Daian đã bán tất cả thành viên trong gia đình gồm vợ, con và các nô lệ nam, nữ để lấy tiền trả chủ nợ. Anh ta đã bảo vệ quyền tự do của mình bằng một giá cao như thế.

Như vậy, giống như các bộ luật khác của các nước phương Đông cổ đại, bộ luật Hammurabi đã bênh vực quyền lợi cho người đàn ông và bảo vệ chế độ gia trưởng uy quyền độc đoán. Điều ấy chứng tỏ, xã hội Lưỡng Hà có sự bất bình đẳng khá sâu sắc giữa quyền lợi và địa vị của người đàn ông và phụ nữ.

Về chế định thừa kế tài sản

Theo quan điểm của Ăng- ghen: “là sự chuyển dịch tài sản của người chết cho người còn sống”. Quyền thừa kế là quyền thừa hưởng tài sản của người chết để lại theo một trình tự do pháp luật quy định. Pháp luật cho phép những người thừa kế được hưởng di sản, đồng thời buộc họ phải thực hiện những nghĩa vụ tài sản của người chết. Luật Hammurabi phân làm hai hình thức thừa kế: thừa kế theo luật pháp và thừa kế theo di chúc. Ở thời kỳ đầu, hình thức chủ yếu là thừa kế theo luật, sau đó thừa kế theo di chúc trở thành phổ biến hơn.

Thừa kế theo di chúc: Di chúc là ý chí chủ quan của người có tài sản định đoạt tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Theo luật gia Ulpian thì: “Di chúc là sự thể hiện ý chí của chúng ta và ý chí đó được thực hiện sau khi chúng ta chết”. Bộ luật đã hạn chế quyền tự do của người viết di chúc như qui định người cha không được tước quyền thừa kế của con trai nếu người con mới phạm lỗi lần đầu và lỗi không nghiêm trọng.

Thừa kế theo pháp luật: Trong trường hợp không có di chúc hoặc di chúc vô hiệu thì di sản của người chết để lại được chia theo luật, tài sản được chuyển đến cho những người có quyền đối với tài sản đó theo luật định. Thời gian đầu, tài sản tập trung ở dòng họ và dần dần được chuyển về gia đình có quyền thừa kế và thành tài sản chung của gia đình.

Nếu trong pháp luật của một số quốc gia cổ đại phương Đông khác, quyền thừa kế chỉ thuộc về con trai thì trong luật pháp Lưỡng Hà, con trai, con gái đều được hưởng quyền thừa kế ngang nhau. Đây có thể coi là một sự bình đẳng ít ỏi về giới ở Lưỡng Hà. Luật pháp- công cụ thể hiện tinh thần cai trị của nhà nước đã quan tâm tới quyền lợi và đời sống của người con gái khi cha mẹ mất. Điều 170 quy định: “Nếu người vợ chính thức của dân tự do sinh con cái cho y, nữ nô lệ của y cũng sinh con cái cho y và khi người cha đang sống nói những đứa con do nữ nô lệ sinh ra là “con của tôi- coi những đứa con đó ngang hàng với những đứa con của người vợ chính thức thì sau khi người cha chết, những đứa con của người vợ chính thức và những đứa con của người nữ nô lệ phải cùng nhau chia đều gia tài của cha. Khi chia tài sản, con của người vợ chính thức được ưu tiên chọn phần của mình”. Tất cả đều đã quy định rất chi tiết với mục đích bảo đảm quyền thừa kế của người con theo đúng vị trí của họ trong quan hệ với người cha.

Về hình sự

Lĩnh vực hình sự là lĩnh vực thể hiện rõ nhất tính giai cấp và sự bất bình đẳng. Một nguyên tắc xuyên suốt và thể hiện rõ trong bộ luật là nguyên tắc bảo vệ quyền lợi, địa vị của người chồng, người cha trong gia đình. Bộ luật đã thể hiện địa vị thấp kém và dễ bị xâm hại của người phụ nữ ở xã hội Lưỡng Hà cổ đại. Về vấn đề này, chế định về hôn nhân và gia đình đã thể hiện khá rõ nét.

Chế định hình sự cũng bảo vệ các quan hệ xã hội như: quyền sở hữu, bảo vệ chế độ nô lệ, bảo vệ nhân phẩm, danh dự của con người. Hammurabi đã công nhận ba giai cấp xã hội: giới thượng lưu (một trong những dòng họ có ruộng đất từ lâu đời), giới công dân tự do không có ruộng đất và giới nô lệ. Luật nghiêm khắc trừng phạt kẻ nào xúc phạm đến người tự do, đặc biệt là người có địa vị cao. Theo như điều 202: “nếu một kẻ nào đó tát vào mặt một người có địa vị cao, thì kẻ ấy phải mang ra trước công chúng đánh 50 roi”. Những hình phạt khác nhau dành cho các hành vi khác nhau cũng không đồng bộ giữa các giai cấp và tầng lớp người trong xã hội, hơn nữa chúng khác nhau tùy theo địa vị của tội nhân. Đôi khi bộ luật cho phép bồi thường bằng tiền thay cho nhục hình. Thí dụ “Nếu một người phá hỏng mắt của người khác, người ta phá hỏng mắt của hắn”, “ Nếu một người phá hỏng mắt của một nô lệ, hắn chỉ phải bồi thường nửa giá cho tên nô lệ”. Chế tài phạt tiền cũng được áp dụng, mức tiền phạt tùy vào địa vị xã hội của các đương sự.

Một điều đáng chú ý trong bộ luật Hammurabi là sự kết hợp các quy cách của tập quán cổ xưa, có nguồn gốc từ thời công xã thị tộc với các quy cách mới của pháp luật chiếm hữu nô lệ. Một bộ phận của án quyết tử hình đã được Hammurabi hợp pháp hóa. Theo điều 21, kẻ phạm tội đào tường ăn trộm cần giết chết và mang chôn ngay trước chỗ hốc bị đào. Theo điều 25, kẻ ăn trộm trong khi người ta đang chữa cháy cần phải ném vào đống lửa ngay ở nơi phạm tội.

Tàn dư của xã hội nguyên thủy còn tồn tại được thể hiện trong bộ luật là nguyên tắc trả thù ngang bằng (đồng thái phục thù) hay còn gọi là “luật pháp talion”, thậm chí cho phép trừng trị cả những người không liên quan đến tội phạm. Nguyên tắc này chỉ căn cứ vào hậu quả xảy ra trên thực tế để áp dụng trách nhiệm pháp l‎ý, chứ không xét trên phương diện mức độ lỗi và chủ thể thực hiện hành vi vi phạm. Ví như điều 196: “Nếu dân tự do làm hỏng mắt của con của bất cứ người dân tự do nào, thì phải làm hỏng mắt của y”. Điều 197: “Nếu y làm gãy xương của dân tự do, thì phải làm gãy xương của y”. Các hình phạt thật khắc nghiệt, có thể nói là tệ hại nhất và luật đền tội thật khắt khe giữa hai thành viên cùng giai cấp. Vì thế, mới có câu tục ngữ “mắt đền mắt, răng đền răng” làm khẩu hiệu cho những nguyên tắc của Hammurabi. Các hình thức của hình phạt thường rất dã man. Bằng phương pháp thống kê, tác giả thấy trong luật Hammurabi có nhắc tới 32 trường hợp xử tử hình. Bên cạnh đó,các hình phạt rất khắc nghiệt như chặt tay, chân, dìm xuống nước, đóng đinh, thiêu…. Tính chất tương xứng trong trách nhiệm pháp luật nhấn mạnh nhiều đến trừng trị đối nhân hoặc đối vật, mà chưa đề cập đến tính giáo dục, hay tạo điều kiện để người vi phạm sửa chữa sai lầm. Ngoài ra, bộ luật còn nêu ra trách nhiệm tập thể của các thành viên công xã đối với nhà nước; quy định về trừng phạt kẻ giúp nô lệ chạy trốn, trừng phạt những kẻ xâm phạm đến sở hữu của nhà vua, chủ nô; trừng phạt người quản gia làm thất thoát tài sản của chủ bị ném cho dã thú xé xác. Tội lấy cắp gia cầm hoặc các đồ dùng khác của chủ sẽ bị phạt từ 10 đến 30 lần giá trị thứ lấy cắp. Nếu không nộp được phạt, kẻ lấy cắp sẽ bị giết.

Điểm tiến bộ trong lĩnh vực hình sự là luật đã manh nha phân biệt phạm tội vô ý và phạm tội cố ý. Ví dụ luật ghi trong khi ẩu đả làm người chết, nếu kẻ làm chết người chứng minh được rằng không cố ý‎ giết người thì sẽ không bị tử hình, chỉ bị phạt. Đây là một trong những quy định khá khách quan trong xét xử các vụ án hình sự. Điều này làm cho luật pháp mang tính chất công bằng hơn.

Về tố tụng

Tố tụng là thủ tục giải quyết các vụ án. Bộ luật đã có nhiều qui định về thủ tục bắt giữ, giam cầm, quy định những nguyên tắc khi xét xử như xét xử phải công khai, phải coi trọng chứng cứ, phán quyết phải thi hành nghiêm minh… Có hai quy định rất đặc thù về tố tụng của bộ luật này:

Thứ nhất là quy định về trách nhiệm của thẩm phán: “Nếu thẩm phán xử một vụ kiện mà ra phán quyết bằng văn bản, nếu sau đó phát hiện lỗi trong văn bản là do lỗi của thẩm phán, thẩm phán sẽ phải trả 12 lần giá trị phạt tiền mà ông ta yêu cầu bồi thường trong vụ kiện, đồng thời ông ta sẽ bị buộc phải rời khỏi ghế thẩm phán vĩnh viễn mà không bao giờ có thể trở thành thẩm phán lần nữa”. Quy định về trách nhiệm của thẩm phán như vậy trong xã hội có thể hiện sự tiến bộ sâu sắc. Quy định này khiến các thẩm phán phải làm việc khách quan, thận trọng khi xét xử các vụ án. Qua đó có thể thấy, thời kỳ này rất coi trọng công tác xét xử, coi trọng trách nhiệm xét xử công bằng của thẩm phán. Sử sách đã ca ngợi rằng, ở Lưỡng Hà cổ đại, tinh thần thượng tôn luật pháp và thói quen cầu viện công l‎ý đã ăn sâu vào tác phong sinh hoạt của người dân nơi đây. Luật pháp của các quốc gia khác cũng cần học tập và kế thừa quy định tiến bộ này của luật Hammurabi.

Thứ hai về hình thức xét xử: “Nếu một người kiện một người khác, bị đơn sẽ phải đi đến một dòng sông và nhảy xuống, nếu anh ta bị chìm, bị dòng nước cuốn đi, nguyên đơn sẽ sở hữu nhà của bị đơn. Nhưng ngược lại, dòng sông chứng minh rằng bị đơn không có tội, tức anh ta sống sót, thì nguyên đơn sẽ bị giết chết, và bị đơn sẽ sở hữu nhà của nguyên đơn”. Như vậy, hình thức xét xử nhiều khi mang tính thần thánh (phụ thuộc vào thần linh). Thực tế cho thấy rằng, người Lưỡng Hà cổ đại bất lực trước tự nhiên, bất lực trước việc giải thích các hiện tượng tự nhiên và xã hội, hơn nữa không phải lúc nào cũng dễ dàng có được chứng cứ xác thực khi khoa học chưa phát triển. Vì vậy, cách thức xử lý‎‎ có vẻ như bất bình thường kia lại trở nên rất dễ hiểu, dễ hiểu đến mức bình thường và tự nhiên trong quan niệm, trong cách hành xử của người dân Lưỡng Hà cổ đại. Họ tin rằng đấng tối cao đã sáng tạo muôn loài, sáng tạo nên nhà nước và luật pháp nên họ chấp nhận điều đó và tin rằng thần thánh mới là người công minh nhất và là người cho họ biết thế nào là đúng, thế nào là sai, thế nào là công bằng hay không công bằng. Đây không chỉ là niềm tin của người Lưỡng Hà mà còn là niềm tin của hầu hết cư dân các quốc gia cổ đại phương Đông khác. Trong luật pháp của Ấn Độ cổ đại, ta thấy hình thức xét xử có những điểm giống với luật pháp Lưỡng Hà như lấy dầu sôi + phân bò hay rắn độc làm phép thử tội.

Bên cạnh những tiến bộ, đúng đắn, về hình thức bộ luật còn có một số hạn chế nhất định như: Luật chưa có tính khái quát cao, các quy định của luật chỉ là sự mô tả các hành vi cụ thể; Các điều khoản thường được quy định dài dòng, các câu chữ trùng lặp với nhau; Đa số các điều khoản của bộ luật đều liên quan đến hình luật, rất ít điều khoản quy định về các quan hệ dân sự hoặc nếu có thì cũng bị hình sự hóa. Trong bộ luật này, chúng ta thấy hầu hết các tội đều quy về tội tử hình, chưa tạo điều kiện cho những người phạm tội có cơ hội sửa chữa sai lầm và trở lại hoàn lương.

Bộ luật xưa nhất mà ngày nay chúng ta biết đến đó là bộ luật của quốc vương Babilon Hammurabi có ảnh hưởng tới pháp chế muộn nhất của những dân tộc cổ phương Đông khác, đặc biệt là pháp chế cổ Do Thái đã được duy trì trong kinh thánh. Mặc dù còn duy trì một vài tàn dư của tập quán pháp cổ của chế độ thị tộc và mặc dù sự sưu tập còn thiếu hệ thống đã làm cho bộ luật có một tính chất nguyên thủy rõ rệt, nhưng luật Hammurabi đã có nhiều yếu tố mới của luật pháp chiếm hữu nô lệ. Luật pháp mới này khác xa với tập quán pháp cổ xưa của thời đại thị tộc. Ý nghĩa to lớn của luật Hammurabi là ở chỗ các yếu tố mới của luật pháp chiếm hữu nô lệ trên một chừng mực nhất định đã thúc đẩy tiếp tục phá bỏ các vết tích của chế độ thị tộc và củng cố toàn bộ chế độ chiếm hữu nô lệ nói chung.

Bộ luật phản ánh các hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội của vương quốc Babylon thời đó. Bộ luật không chỉ có ý nghĩa về mặt pháp lý mà còn là nguồn tư liệu quý, phong phú cho người đời sau biết được những giá trị vật chất và tinh thần thời ấy.

Bộ luật Hammurabi là bộ luật thành văn cổ nhất thế giới, là một trong những thành tựu có giá trị bậc nhất của lịch sử văn minh cổ đại. Giá trị của bộ luật này cho đến nay vẫn tiếp tục được nhiều nhà khoa học tập trung nghiên cứu, khai thác và kế thừa. Nghiên cứu luật pháp thế giới nói chung và luật pháp Việt Nam nói riêng, chúng ta không khỏi ngạc nhiên và trân trọng những giá trị lịch sử pháp lý của bộ luật. Mặc dù những quy định của bộ luật đã ra đời cách đây gần 4000 năm nhưng vẫn chứa đựng những điểm tiến bộ và văn minh mà luật pháp đương đại có thể kế thừa và phát huy. Chính điều đó đã góp phần làm nên giá trị rực rỡ của nền văn minh Lưỡng Hà cổ đại.

Từ khóa » đẻ Mướn Tập 282