Bỏ Mặc — Một Hình Thức Bạo Hành Thầm Lặng - Tâm Lý Học Tội Phạm

Một trong những điều đáng buồn nhất mà tôi từng trải qua trong gần ba thập kỷ trên cương vị một nhà trị liệu tâm lý là khi một thân chủ của tôi, người đã được xác định là từng phải chịu đựng sự "ghẻ lạnh, thờ ơ" thời thơ ấu, đã nói rằng: “Tôi ước gì mình bị lạm dụng một cách công khai—bị đánh đập, lạm dụng tình dục, bị mắng mỏ, bị bỏ rơi ...” Anh ấy nói điều này bởi vì việc lạm dụng thể chất và tình dục công khai thì dễ xác định và phản chiếu hơn rất nhiều so với việc "bị ghẻ lạnh và chịu đựng sự thờ ơ từ người khác".

Nguồn ảnh: Shutterstock

Bỏ bê, ghẻ lạnh, thờ ơ... là sự vắng mặt của điều gì đó đang xảy ra. Vậy làm thế nào để bạn xác định và suy ngẫm về một điều gì đó chưa từng xảy ra? Những thân chủ như vậy thường nghĩ rằng: "Nếu không có gì lạm dụng công khai xảy ra, thì chứng tỏ rằng tôi đã không bị bạo hành và tôi không nên phản ứng như những gì tôi đã làm"

Thông thường, những người như vậy, khi được hỏi về thời thơ ấu của mình thì họ sẽ nói rằng họ được chăm sóc và yêu thương bởi những bậc cha mẹ "lý tưởng". Họ thuật lại rằng “Không ai đánh hay la mắng tôi cả, cũng không có ai có hành vi đụng chạm vào cơ thể tôi một cách "không đứng đắn". Mọi người đã thực sự tốt với tôi”

Tuy nhiên, hầu hết trong số họ cũng đã kể lại rằng, cha mẹ họ đã không ở bên họ nhiều vì công việc hay đơn giản là những bậc cha mẹ ấy đang tập trung vào việc gì đó ở bên ngoài kia - vì một số lý do quan trọng nào đó. Thông thường, những thân chủ này không thể hiểu tại sao họ luôn cảm thấy đau khổ và không thể hiểu được điều gì làm cho cuộc sống của họ đi đến bờ vực của sự đổ vỡ (thường liên quan đến nghiện ngập, đổ vỡ trong cái mối quan hệ..v.v.), bởi vì, trong tâm trí của họ, dường như chưa từng có gì tồi tệ xảy ra trên con đường trưởng thành mà họ đã đi qua.

Trong những năm qua, tôi đã dành vô số thời giờ để giúp những thân chủ như vậy nhận ra rằng "SỰ THỜ Ơ, GHẺ LẠNH và BỎ MẶC CHÍNH LÀ MỘT HÌNH THỨC BẠO HÀNH" và nó chắc chắn là một hình thức bạo hành thầm lặng và ít nhận thấy hơn, nhưng chắc chắn sẽ gây tổn hại cả ngắn hạn và lâu dài, không kém các hình thức bạo hành công khai khác. Đây là lý do tại sao tôi rất vui mừng khi người bạn và đồng nghiệp của tôi, Enod Grey, cuối cùng đã giải quyết chủ đề này khi quyết định viết và xuất bản cuốn Neglect: The Silent Abuser (tạm dịch: Bỏ mặc: Kẻ bạo hành thầm lặng!)

Theo ý kiến ​​của tôi, một trong những khía cạnh quan trọng nhất của cuốn sách này là cuộc thảo luận của Enod về những cách khác nhau mà sự bỏ bê biểu hiện, mà tôi sẽ tóm tắt dưới đây. Đây là thông tin mà những người "Bị bỏ mặc" rất cần nếu họ muốn nhận ra và chữa lành những gì đã xảy ra trong thời thơ ấu của họ (hoặc chính xác hơn là từ những gì đã không xảy ra trong thời thơ ấu của họ).

Các hình thức BỎ MẶC/BỎ BÊ/GHẺ LẠNH phổ biến nhất bao gồm:

1: Thiếu Thức ăn, Nơi ở, Quần áo: Đây là hình thức bỏ bê rõ ràng và công khai nhất. Nếu một đứa trẻ không có đủ thức ăn, hoặc nguồn thức ăn không đủ dinh dưỡng, thì nhu cầu được dưỡng dục chính của chúng đang bị bỏ qua. Điều này cũng đúng với nơi ở và quần áo (bao gồm cả sự sạch sẽ của nhà cửa và quần áo).

2: Bỏ rơi về tình cảm: Khi mọi người nghe từ bỏ rơi, họ thường nghĩ về việc bị bỏ lại phía sau. Nhưng đó không phải là hình thức bỏ rơi duy nhất. Sự bỏ rơi về mặt tình cảm xảy ra khi những bậc cha mẹ "có mặt tại đó" về mặt thân thể, nhưng không hề "hiện diện về mặt cảm xúc". Hình thức bỏ bê này tác động tiêu cực đến lòng tự tôn (Self-esteem) của trẻ. Trẻ càng nhỏ khi trải qua hình thức bạo hành này, hậu quả sẽ càng trở nên tai hại hơn.

3: Bị mất quyền "ưu tiên" từ cha mẹ: Như đã nói ở trên, những người bị bỏ rơi trong thời thơ ấu hiếm khi nghĩ rằng họ bị bạo hành. Hầu hết, họ sẽ nói rằng cha mẹ họ đã tập trung vào những việc quan trọng hơn cả việc dưỡng dục họ (như công việc, dành thời gian chăm sóc chủ yếu cho một thành viên gia đình bị bệnh mãn tính, theo đuổi một dự án cụ thể, một sở thích, một chứng nghiện, v.v.) Một đứa trẻ rất dễ biết rằng mình không quan trọng hoặc ít nhất là không quan trọng bằng những thứ khác trong cuộc sống của cha mẹ. Điều đó vô cùng gây tổn hại đến tâm lý và hình ảnh bản thân của trẻ.

4: Không được cha mẹ lắng nghe: Khi trẻ không được phép đặt câu hỏi hoặc bày tỏ ý kiến, sự phát triển trí tuệ và tâm lý xã hội của trẻ sẽ bị ảnh hưởng không tốt. Điều này ảnh hưởng đến giá trị bản thân, khả năng tự chủ và khả năng kết nối lành mạnh của các em với những người khác.

5: Không được phép bộc lộ cảm xúc thực của mình: Khi một đứa trẻ không được phép thể hiện cảm xúc, nhu cầu cảm xúc và sự phát triển cảm xúc của đứa trẻ đó đang bị bỏ qua. Trẻ em cần cha mẹ lắng nghe, cảm nhận và đồng cảm với chúng, thông qua việc bộc lộ cảm xúc của cả đôi bên. Nếu điều đó không xảy ra, trẻ sẽ tin rằng cảm xúc của các em là không lành mạnh và rồi trẻ sẽ học cách "nhồi nhét chúng" vào sâu bên trong. Theo thời gian, khi đứa trẻ lớn lên, chúng có thể sử dụng các chất hoặc hành vi gây nghiện như một cách để làm tê liệt và không cảm nhận được cảm xúc của mình. Hoặc họ có thể che giấu cảm xúc của mình cho đến khi đạt đến đỉnh điểm, và rồi những cảm xúc dồn nén của họ đồng loạt tuôn ra như một trái bom nổ chậm.

6: Bị lợi dụng làm vợ hoặc chồng thay thế của ba mẹ (về mặt tình cảm): Điều này đôi khi được gọi là loạn luân về mặt tình cảm hoặc loạn luân bí mật. Về cơ bản, một đứa trẻ bị buộc phải đóng vai vợ / chồng / bạn tình của chính cha mẹ mình (đứa trẻ bị cha mẹ sử dụng để đáp ứng nhu cầu tình cảm của họ). Khi điều này xảy ra, sự phát triển bình thường của thời thơ ấu sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đứa trẻ không phát triển về mặt xã hội hoặc tình cảm vì chúng bị ép buộc vào vai trò người lớn. Hình thức bỏ bê/bạo hành này nếu diễn ra một cách thường xuyên có thể có tác động lâu dài đáng kể, đặc biệt là trong giai đoạn đứa trẻ lớn lên - khi chúng bắt đầu hình thành và duy trì các mối quan hệ lãng mạn. Điều thú vị là những đứa trẻ bị ép vào vai trò "người vợ/ chồng" thay thế thường nghĩ mình được ưu ái hơn là bị bỏ rơi. Tuy nhiên, họ chắc chắn là nạn nhân của sự bỏ bê.

7: Bị ép buộc trở thành "Cha mẹ thay thế" trong gia đình: Thông thường, điều này xảy ra với người con cả trong một gia đình có các "Cha mẹ đơn thân" hoặc có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Cha hoặc mẹ đơn thân có thể tập trung vào việc kiếm tiền nuôi gia đình, còn người con cả đảm nhận công việc nhà, nấu nướng, dọn dẹp và nuôi dạy các em. Đối với những gia đình có đủ cả hai bố mẹ nhưng lại gặp khó khăn về kinh tế, một động thái tương tự có thể xảy ra. Cha mẹ đơn thân cũng có thể tập trung nhiều vào việc hẹn hò và tìm bạn đời mới, buộc đứa con cả vào vai trò làm cha mẹ cho những đứa em nhỏ hơn. Một tình huống khác liên quan đến một thành viên gia đình bị bệnh tâm thần hoặc thể chất nặng, và buộc cha mẹ phải dành nhiều chú ýchăm sóc và quan tâm, thì những đứa con cả, khoẻ mạnh nhất trong gia đình sẽ phải thay thế vai trò của cha mẹ. Dù lý do là gì, việc bị ép buộc phải đóng vai người lớn là một hình thức bỏ bê/lạm dụng có tác động lâu dài đáng kể.

8: Bị kiểm soát quá mức: Điều này nghe có vẻ ngược lại với việc bỏ bê, nhưng thực tế không phải vậy. Những đứa trẻ bị cha mẹ kiểm soát quá mức nhận được rất nhiều sự chú ý, nhưng chúng không học cách suy nghĩ, cảm nhận, hành động và phản ứng cho bản thân. Trong cuốn sách của mình, Enod Grey gọi kiểu này là “sự lãng quên của tâm hồn” và đối với tôi, đó là một cách miêu tả phù hợp hơn cả. Thay vì được hướng dẫn và lắng nghe, đứa trẻ bị ép để gò mình vào một chiếc hộp do cha mẹ thiết kế sẵn. Do đó, đứa trẻ không thể phát triển ý thức về bản thân, nhận biết và thể hiện cảm xúc, và thậm chí biết những gì mình thích và không thích. Rất có thể, đứa trẻ sẽ liên tục cảm thấy rằng bất cứ điều gì mình làm đều là sai trái.

Trẻ em bước vào thế giới với những nhu cầu cơ bản để duy trì sự sống, bao gồm: thức ăn, nước uống, nơi ở và sự quan tâm về mặt cảm xúc. Nếu một hoặc nhiều nhu cầu đó bị bỏ qua hoặc lãng quên, đứa trẻ sẽ bị ảnh hưởng. Thật không may, hầu hết mọi người không coi sự quan tâm về mặt tình cảm là một nhu cầu. Họ nghĩ về nó như một phần để thêm vào, hoặc là một phần thưởng. Điều đó là một suy nghĩ sai lầm!

Những nhu cầu và sự phát triển về mặt tình cảm cũng thiết thực và cần thiết như những nhu cầu về mặt thể chất vậy. Và khi đời sống tình cảm của chúng ta bị người chăm sóc bỏ qua, kiến thức về bản thân của chúng ta sẽ bị hạn chế hoặc đi chệch hướng. Điều này chắc chắn dẫn đến các vấn đề trong cuộc sống sau này - trầm cảm, lo lắng, nghiện ngập, thiếu gắn kết, không có khả năng nhận biết và thể hiện cảm xúc một cách lành mạnh, v.v.

Tác giả: Tiến sĩ Robert Weiss

Lược dịch: Minh Thành - Page Tâm lý học tích cực

Lời người dịch: Hiện nay lãnh vực tâm lý học có hẳn 1 tạp san học thuật về vấn đề Lạm dụng và Bỏ mặc, tên gốc của tạp chí đó là "Child Abuse & Neglect"

Nguồn: https://www.psychologytoday.com/us/blog/love-and-sex-in-the-digital-age/201904/neglect-is-form-abuse

Tìm đọc cuốn Tâm lý học tích cực - Khoa Học Về Phương Thức Sống An Lạc

Từ khóa » Hình ảnh Bị Bỏ Mặc