Bố Mẹ Ngạc Nhiên Trước Sự Phát Triển Của Thai Nhi 34 Tuần Tuổi
Có thể bạn quan tâm
Trong thời gian thai nhi 34 tuần tuổi thì em bé của bạn đã trong tư thế sẵn sàng chui ra bất cứ lúc nào. Các hoạt động của bé lúc này tuy còn hạn chế nhưng bé vẫn đang rất an toàn nên các bố mẹ không cần lo lắng. Về dinh dưỡng thì trong tuần này các mẹ nên tích cực bổ sung thực phẩm giàu sắt, canxi, vitamin,...
Ở giai đoạn thai nhi 34 tuần tuổi thì các mẹ quan tâm nhất điều gì? Riêng mình thì rất tích cực mua sắm đồ và chuẩn bị đồ dùng, đồ sơ sinh cho trẻ. Giai đoạn này mình cũng tích cực ăn nhiều nhất có thể, nhưng các mẹ nên nhớ ăn sao để vào con chứ không béo mẹ nhé. Nếu ăn mà chỉ toàn vào mẹ thì các chị em có thể bị khó sinh đấy.
Vấn đề này nên tham khảo chuyên gia dinh dưỡng hay bác sỹ để nắm rõ thêm. Hoặc các chị em có thể xem thêm bài viết mình đã chia sẻ này: Bà bầu nên ăn gì để con khỏe mạnh và thông minh? Thực đơn cho mẹ bầu
Sự thay đổi của thai nhi 34 tuần tuổi
Sang tuần thai 34, em bé của bạn đã nặng khoảng 2,2kg và cao khoảng 45cm tính từ đỉnh đầu đến gót chân. Sự phát triển của bé đến thời điểm này xem như là đã hoàn thiện. Từ tuần này em bé của bạn sẽ liên tục tăng cân cho đến lúc bạn chuyển dạ. Toàn thân bé bao phủ bởi một lớp lông mềm, nó giúp bảo vệ và giữ ấm cho cơ thể bé.
Biến đổi của thai nhi 34 tuần tuổi.
Lúc này, thai nhi đã xoay ngược đầu xuống dưới cổ tử cung của bạn rồi. Xương hộp sọ của thai nhi vẫn chưa gắn kết thực sự với nhau, các mảnh xương sọ vẫn rời nhau để bé có thể dễ dàng đi qua cổ tử cung của mẹ. Các phần xương khác trong cơ thể của bé đang ngày càng cứng cáp. Thận cũng như toàn bộ các cơ quan khác đều trên đà phát triển và hoàn thiện các chức năng. Gan của bé đã bắt đầu thải độc.
Khi đi siêu âm, nếu may mắn, bạn có thể nhìn thấy thiên thần nhỏ của mình đang mỉm cười. Tuy nhiên những lần này rất hiếm hoi, và sẽ quay trở lại khi bé chào đời khoảng 4-6 tuần. Một số vết chàm sẽ xuất hiện trên mặt, mông bé. Nguyên nhân là do sự thay đổi bất thường của một số tế bào trong giai đoạn tam cá nguyệt đầu tiên.
Nhật ký thai kỳ theo từng ngày của bé trong tuần thứ 34
Ngày thứ 232: Bạn có bao giờ lo nghĩ rằng không biết cơ thể sẽ điều tiết kịp thời không khi mà bé lớn rất nhanh vào khoảng thời gian này. Vậy bé có lo lắng giống bạn không nhỉ?
- Mẹ làm cho bé: Nếu nhà có nuôi các vật nuôi nhỏ như mèo, chó, chuột hamster… thì bạn cần chích ngừa bệnh cho chúng trước khi bé chạm vào chúng. Có nhiều tờ báo ca ngợi việc vật nuôi tìm được trẻ đi lạc, tuy nhiên điều đó chỉ để nhắc nhở bố mẹ cần giám sát chặt chẽ con cái mình hơn mà thôi.
Ngày thứ 233: Thận cũng như toàn bộ cơ thể đều trên đà phát triển và hoàn thiện các chức năng.
- Mẹ làm cho bé: Nếu bạn chưa đọc tài liệu hướng dẫn cho con bú sữa mẹ, chăm sóc bé sơ sinh, giúp bé ngủ, thủ thuật sinh mổ, làm chủ cơn đau khi “lâm bồn” hoặc bất kỳ những vấn đề lớn về mang thai, sinh nở khác, thì đây chính là khoảng thời gian lý tưởng để làm điều ấy. Hoặc bạn cũng có thể đọc những cuốn sách thai giáo cho bà bầu để có phương pháp dạy con đúng đắn nhất.
Tham khảo bài viết: Sách thai giáo dạy con từ trong bụng mẹ.
Ngày thứ 234: Gan của bé bắt đầu thải độc.
- Mẹ làm cho bé: Ở trong bụng mẹ, bé uống nước ối, chất thải và vài thứ nữa. Cơ thể của bé đến thời điểm này đã có thể tự lọc chất bẩn được. Những chất thải này vẫn ở lại trong ruột 24 giờ sau khi sinh. Khi nó dày lên và có màu xanh thì gọi là phân su, đó là dấu hiệu cho biết ruột bé hoạt động tốt.
Ngày thứ 235: Bé bây giờ vươn ra ngoài tử cung nhiều hơn là nằm yên trong túi ối.
- Mẹ làm cho bé: Bạn chuẩn bị gom địa chỉ bạn bè, người thân lại để có thể gửi email thông báo ngày trọng đại (ngày bé chào đời).
Ngày thứ 236: Cân nặng của bé đến thời điểm này là 2.5 -2.7kg.
- Mẹ làm cho bé: Bạn sẽ phải siêu âm lần cuối xem vị trí của thai nhi như thế nào, ước lượng kích cỡ của bé.
Ngày thứ 237: Bé đang phát triển tốt, ngủ nhiều và thức dậy cũng nhiều. Bé cũng có 4 trạng thái: ngủ động, ngủ tĩnh, thức tĩnh và thức động.
- Mẹ làm cho bé: Hãy tranh thủ chuẩn bị gửi thông báo cho bè bạn và họ hàng khi bé đã chào đời. Chuẩn bị ngay bây giờ vì sau sinh bạn sẽ không có nhiều thời gian nữa.
Ngày thứ 238: Kháng thể chống lại bệnh tật và miễn nhiễm sẽ chạy trong máu bé và dịch ối nữa.
- Mẹ làm cho bé: Để bảo vệ bé khỏi các loại vi trùng, vi khuẩn, tốt nhất là nên rửa tay khi ẵm bé, hãy yêu cầu những người thân, bè bạn cũng cần làm thế khi họ bế bé.
Những biến đổi cơ thể mẹ khi bé 34 tuần tuổi
Đừng ngạc nhiên nếu một buổi sáng bạn thức dậy và cảm thấy như vừa bỏ được tấm màn che mắt mình. Bụi bẩn khắp mọi nơi và bạn không hiểu vì sao trước đây mình lại không nhận ra như thế. Chào mừng bạn đến với thời kì “làm tổ”.
Nếu bạn từng cảm thấy rất mệt mỏi thì giờ đây bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy mình tràn đầy năng lượng. Bạn muốn sắp xếp và phân loại lại tất cả mọi thứ, dỡ cái đống thùng hộp kia và lôi các thứ ra ngoài. Sau khi bé chào đời, bạn sẽ rất vui vì mình đã kịp dọn dẹp đồ đạc. Trong vài tuần đầu sau khi sinh bạn sẽ thấy mình không thể dành chút thời gian nào cho việc nhà.
Cần nhớ rằng một số bà bầu sẽ hơi trái tính và đặt rất nhiều áp lực lên bản thân họ và người bạn đời. Hãy cố gắng tập trung vào chỉ một việc tại một thời điểm và hoàn thành nó trước khi chuyển sang việc tiếp theo. Nếu gia đình và bạn bè ngỏ lời giúp đỡ thì đừng từ chối. Đây sẽ là thời gian của những mối quan hệ thực sự, và các bạn sẽ cùng nhau khiến cho việc chuẩn bị cho sự ra đời của bé càng thêm phần hào hứng.
Có thể giải thích theo cơ sở sinh học cho việc những bà mẹ ở cuối thai kỳ cảm thấy họ cần phải sắp xếp lại “ổ” của mình. Bản năng tự nhiên của người mẹ là như vậy.
Những thay đổi sinh lý của bạn khi thai nhi 34 tuần
Ngủ không phải là một việc lấy gì làm dễ chịu trong thời kì này. Bạn gần như là không thể nằm sấp và lại không nên nằm ngửa, vì thế lựa chọn duy nhất là nằm nghiêng một bên. Vấn đề là bạn chỉ có hai bên để thay đổi vì thế bạn sẽ cảm thấy đau ở hông và đùi. Hãy chất những chiếc gối êm ái xung quanh mình, và nên tìm mua một chiếc chăn độn bông để lót dưới ga trải giường. Cách này khá hữu hiệu đấy bạn à.
Hãy làm quen với việc đi vệ sinh vài lần một đêm đi bạn nhé. Tử cung của bạn bây giờ lớn đến nỗi bàng quan không kịp chứa nhiều nước đã vội giục bạn phải giải quyết rồi. Tránh việc ngồi bật dậy đột ngột khi đang nằm, phải để cho huyết áp bạn có thời gian tự điều chỉnh. Khi đi ngủ hãy để đèn phòng vệ sinh để bạn nhìn rõ mà đi. Khi bạn mang thai được 34 tuần thì bạn sẽ không thể nào khéo léo uyển chuyển được nữa đâu, và bạn phải tìm mọi cách để hạn chế hết sức nguy cơ bị ngã nhào trong bóng tối.
Từ giờ cho đến khi sinh, hộ sinh hay bác sĩ của bạn sẽ khuyên bạn khám thai hàng tuần. Bạn sẽ được kiểm tra nước tiểu, huyết áp, cân nặng, và kích thước tử cung. Đáy tử cung sẽ được đo để xem kết quả có thể hiện phù hợp với sự phát triển của thai và ngày dự sinh của bạn không. Nếu có gì không nhất quán, bạn sẽ được siêu âm để kiểm tra kích thước em bé, lượng nước ối và kích thước nhau thai.
Hãy dành cho mình những khoảng tĩnh lặng trong ngày, và trong những lúc này, bạn hãy vén áo lên và ngắm nhìn những chuyển động trong bụng mình. Bạn sẽ thấy đường viền của một bàn chân bé xíu, một cái cùi chỏ, hoặc một cái đầu gối xinh xinh. Nếu bạn gẩy nhẹ vào đấy, bạn sẽ thấy bé đáp trả bằng cách đạp hay hích lại. Hãy rủ bạn đời của mình cùng tận hưởng những giây phút đó, để anh ấy thấy mình cũng thật sự là một phần của quãng thời gian mang thai này. Nếu anh ấy nói chuyện với bé, bé thường sẽ “trả lời” lại bằng những chuyển động của mình.
Bố mẹ hãy tận hưởng thời gian trước khi "vượt cạn".
Xương chậu của bạn bắt đầu tách và hở hơn ra trong những tuần cuối này, khiến bạn cảm thấy rất đau nhức. Bạn thường vô thức đặt tay lên lưng dưới, lên bụng, lên hông, và còn nhăn nhó nữa. Những bà bầu khác sẽ nhìn bạn đầy thông cảm bởi họ đã quá hiểu những cảm giác đó. Tắm nước ấm, xoa bóp, nghỉ ngơi và đối xử thật tốt với bản thân mình là những cách để bạn đi hết những tuần cuối cùng này.
Nếu hiện tại em bé đã chúi đầu xuống xương chậu thì bạn sẽ thấy dễ thở hơn. Phổi và cơ hoành của bạn đã có thể giãn nở ra một chút và dịch chuyển dần về vị trí cũ. Chà, thực ra thì cũng gần gần như thế thôi.
Những thay đổi tâm lý
Thực sự là bạn đã ở rất gần ngày đón em bé ra đời rồi đấy, thế nhưng bạn cảm giác lê thê như thể ngày đó sẽ không bao giờ đến. Tháng thứ chín thường kéo dài vô tận, nhất là với những bà bầu phải chịu nhiều khó chịu và tưởng chừng như mình không thể chịu thêm được nữa.
Nếu bạn đã có con, thì có khi bạn lại thầm thấy hài lòng vì vẫn còn đến vài tuần nữa. Bạn vẫn còn quá nhiều thứ để sắp xếp, và cứ nhẩm đếm số việc mà mình phải trực tiếp làm. Khi có một thời hạn cụ thể thì chúng ta sẽ phải ngạc nhiên với những gì mà chúng ta có thể làm. Nhưng nhớ một điều rằng, bạn không cần phải làm tất cả mọi thứ. Hãy phân công mấy việc vặt cho mấy đứa lớn nhà bạn, và chia thật nhiều việc cho bạn đời của mình đủ để khiến anh ấy bận rộn nhé. Hãy nhớ rằng, đa phần đàn ông thích được giao những việc cụ thể, thế nên hãy thử làm một danh sách những việc mà cả hai bạn sẽ cùng làm trong những tuần cuối này.
Có thể bạn đã bắt đầu nghỉ sinh từ tuần này rồi, nghĩa là bạn sẽ phải chuẩn bị tâm lý cho việc mình không cần làm việc nữa. Có thể nó khiến bạn nhẹ cả người, mà cũng có thể bạn sẽ buồn một chút, nhất là khi bạn yêu thích công việc của mình và cảm thấy nó có ý nghĩa. Trở thành một người bố, người mẹ có nghĩa là chúng ta sẽ phải thay đổi cách mình nhìn nhận chính bản thân mình, và cách ta nhìn thấy mình đang ở đâu trong thế giới này. Bạn sẽ cần chút thời gian để quen với những thay đổi này đấy.
Chế độ dinh dưỡng
Nếu mẹ bầu xuất hiện cảm giác thèm ăn vặt, đừng lo lắng hay băn khoăn liệu rằng bạn có nên hạn chế chúng lại không? Hãy tự do ăn những gì mà mình thích bởi đây là thời điểm bạn cần bồi bổ sức khỏe cho giai đoạn nước rút. Hãy chọn những món giàu đạm, chất xơ, canxi, sắt, vitamin B và C như khoai tây nướng, súp lơ… Ngoài ra bạn có thể dự trữ một ít đồ ăn vặt này trong tủ lạnh, khi nào cảm thấy đói thì hâm nóng chúng lên và bạn có thể ăn ngay.
Khoai tây - món ăn dinh dưỡng cho bà bầu tuần 34.
Đừng quên rau củ quả và những loại thức ăn giàu chất xơ trong các bữa ăn hàng ngày bạn nhé. Chế độ ăn này sẽ giúp bạn hạn chế được tối đa các triệu chứng khó chịu do ợ nóng, táo bón, hạ huyết áp, giãn tĩnh mạch gây ra suốt giai đoạn này. Bạn nên bổ sung thêm sữa chua, nước hoa quả ít đường để tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Bổ sung các loại dưỡng chất và vitamin như sắt, canxi, vitamin A, B, C, D, E…giúp mẹ và bé có một cơ thể khỏe mạnh, chuẩn bị cho những ngày khó khăn trước mắt.
Các bệnh thường gặp
Tình trạng nổi các mẩn ngứa trên da vẫn xuất hiện. Mặc dù các triệu chứng mẩn ngứa, nổi mề đay này không gây hại cho mẹ và bé, nhưng chúng gây cho mẹ cảm giác khó chịu, bức bối.
Triệu chứng khó chịu cho bà bầu tuần thứ 34.
Triệu chứng phù nề, giãn tĩnh mạch vẫn luôn luôn thường trực khiến mẹ cảm thấy thật sự kiệt sức, mệt mỏi.
Bố mẹ nên làm
Đừng quên đi khám thai mỗi tuần để chủ động đối phó với những thay đổi của mẹ và bé bạn nhé!
Bố mẹ nên cùng nhau luyện tập một số bài thể dục nhẹ nhàng hoặc đến các lớp học tiền sản để chia sẻ những kiến thức sinh đẻ hoặc nuôi dưỡng con nhỏ. Bạn sẽ vô cùng ngạc nhiên bởi một số kinh nghiệm như để giảm bớt cơn đau trong lúc chuyển dạ, bạn hãy nhìn chằm chằm vào một thứ gì đó hoặc như khi sinh con bạn nên ăn rau ngót để sạch nhau…
Món rau ngót cho các bà bầu sau sinh.
Hãy nói chuyện thường xuyên với con để con quen với giọng của mình, hoặc lưu lại những hình ảnh của con khi con đang trong bụng mẹ vì những giây phút tuyệt vời này sẽ không còn xuất hiện lâu nữa. Hãy cảm nhận những thú vị tuyệt vời của thời kì tam cá nguyệt cuối nhé.
Mỗi tuần thai - một chủ đề: 3 câu hỏi về việc đến bệnh viện
Câu hỏi 1: Tôi có thể chuẩn bị thế nào để đến bệnh viện?
Khá lâu trước khi bạn lên cơn chuyển dạ, hãy cùng chồng tìm những đường ngắn nhất để tới bệnh viện hoặc trung tâm sinh sản. Hãy hỏi thăm các nhân viên bệnh viện xem bạn nên vào đâu nếu đến bệnh viện ngoài giờ hành chính.
Câu hỏi 2: Tôi nên làm gì khi đến bệnh viện?
Nếu đã đăng ký trước, bạn nên theo những chỉ dẫn đã nhận được, trong đó có thể bao gồm bỏ qua bàn tiếp tân và đi thẳng đến khu thai sản. Nếu bạn chưa đăng ký trước, bạn vẫn có thể đi thẳng đến khu thai sản. Thường sẽ có một bàn đăng ký khi bạn tới đó. Nhân viên ở đó sẽ giúp bạn điền các loại giấy tờ cần thiết.
Một y tá có thể dẫn bạn thẳng đến phòng sinh và giao bạn lại cho một y tá chuyên về việc chuyển dạ và sinh nở. Nếu chưa chắc chắn bạn đã trong quá trình chuyển dạ tích cực hoặc cần được nhập viện vì lý do nào đó, cô ấy rất có thể sẽ đưa bạn sang phòng kiểm tra trước. Bác sĩ của bạn sẽ kiểm tra tình hình để xem bạn đã sẵn sàng nhập viện hay chưa.
Y tá sẽ yêu cầu bạn một mẫu nước tiểu và bảo bạn thay quần áo. Sau đó cô ấy sẽ kiểm tra các dấu hiệu quan trọng của bạn, hỏi xem các cơn co thắt của bạn bắt đầu khi nào và cách xa nhau thế nào, xem nước ối đã vỡ hay chưa và xem bạn có bị chảy máu âm đạo hay không. Cô ấy cũng sẽ muốn biết xem em bé của bạn có cử động hay không, mới đây bạn có ăn hay uống gì, và bạn đối phó với cơn đau như thế nào.
Bác sĩ của bạn sẽ kiểm tra tần suất, thời gian của mỗi cơn co thắt cũng như nhịp tim của bé. Sau đó bác sĩ sẽ kiểm tra bụng và âm đạo của bạn. Nếu có vẻ như bạn chưa chuyển dạ hoặc mới bắt đầu chuyển dạ – và bạn và con vẫn bình thường, có thể bạn sẽ được cho về nhà cho đến khi cơn chuyển dạ diễn ra mạnh hơn. Còn nếu không, bạn sẽ được cho nhập viện.
Câu hỏi 3: Điều gì sẽ xảy ra sau khi bạn nhập viện?
Bạn sẽ được lấy máu (để xác định nhóm máu của bạn và dùng cho một số mục đích khác) và có thể lắp ống truyền tĩnh mạch. Bạn chắc chắn sẽ cần một ống truyền tĩnh mạch để được truyền thuốc kháng sinh nếu kết quả xét nghiệm dương tính với liên cầu khuẩn nhóm B, để được truyền nước nếu bạn không thể uống nước được, nếu bạn muốn gây tê cột sống hay màng cứng, nếu bạn cần oxytocin (Pitocin), hoặc nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe hay biến chứng thai kỳ nào.
Y tá hay bác sĩ của bạn cũng sẽ hướng dẫn, chỉ cho bạn cách sắp xếp, bố trí trong phòng cũng như nơi mà chồng bạn có thể lấy đá cho bạn. Đừng ngại yêu cầu những thứ mà bạn có thể cần như ghế đu đưa, khăn mát hay một chiếc chăn khác, hoặc hỏi nốt bất cứ câu hỏi nào còn sót lại.
Nói chuyện với bác sĩ của bạn về việc đăng ký trước tại bệnh viện. Nếu bạn đã chuẩn bị xong các giấy tờ thủ tục thì sẽ không phải lo lắng gì về nó trong ngày quan trọng nữa.
Gợi ý cho tuần này
Chuẩn bị thức ăn để ăn sau khi sinh. Nếu bạn tự nấu ăn, hãy nấu gấp đôi và cất một nửa vào tủ lạnh. Nếu tự chăm con, bố mẹ sẽ mệt đến không thể nấu nướng được gì trong những tuần đầu tiên sau khi đưa bé về nhà và sẽ rất mừng nếu chỉ cần hâm nóng nhanh là đã có những bữa ăn bổ dưỡng. Nếu không nấu ăn, hãy tìm sự giúp đỡ từ người thân, bạn bè, hoặc dịch vụ giao đồ ăn tận nơi sẽ là những lựa chọn rất hữu ích.
Vậy là các mẹ đã biết thai nhi tuần thứ 34 có những thay đổi gì chưa? Hãy ghi nhớ những thông tin mình cung cấp ở trên để đảm bảo trẻ có sự phát triển tốt nhất. Chúc các mẹ và bé luôn khỏe.
Cẩm nang mang thai: Thai nhi 35 tuần tuổi
Từ khóa » Hình ảnh Em Bé 34 Tuần
-
Sự Phát Triển Của Thai Nhi Tuần 34 | Vinmec
-
Sự Phát Triển Thai Nhi 34 Tuần Tuổi Và Thay đổi Của Mẹ | Huggies
-
Tuần Thai Thứ 34 - Ihope
-
Thai 34 Tuần Nặng Bao Nhiêu Và Sự Phát Triển Của Thai Nhi 34 Tuần Tuổi
-
Hé Lộ: Vì Sao Mẹ Bầu Nên Siêu âm Thai 34-35 Tuần Tuổi
-
Thai Nhi 34 Tuần: Bé Phát Triển Thế Nào, Mẹ Thay đổi Ra Sao?
-
TUẦN THAI THỨ 34: THỂ CHẤT CỦA BÉ ĐÃ PHÁT TRIỂN GẦN ...
-
Thai 34 Tuần Tuổi Phát Triển Thế Nào, Mẹ ăn Gì để Con Cải Thiện Cân ...
-
Thai 34 Tuần Nặng Bao Nhiêu? Mẹ Cần Lưu Tâm điều Gì - Fitobimbi
-
Mang Thai Tuần 34 – Sự Phát Triển Của Thai Nhi Và Thay đổi Của Cơ Thể ...
-
Những Dấu Hiệu Mẹ Bầu 34 Tuần Không Nên Chủ Quan - Monkey
-
Bật Mí Sự Phát Triển Của Thai Nhi Khi Siêu âm Thai 34 Tuần
-
[CHI TIẾT] Kích Thước Thai Nhi Bình Thường Mà Mẹ Bầu Cần Biết