Bỏ Nhà đi Bụi 16 Năm Vì Không Tốt Nghiệp đại Học - VnExpress

Công an thành phố Tây An cho biết, gần đây khi Wang đến xin gia hạn giấy tờ tùy thân, họ phát hiện người đàn ông 39 tuổi này có trên trong danh sách mất tích. Nhà chức trách xác minh thông tin, điều tra lai lịch của Wang và kết nối với gia đình anh ở Sơn Đông.

Theo điều tra của công an, anh Wang từng là học sinh giỏi thời phổ thông. Năm 2001, anh đỗ Đại học Trường An (Tây An, tỉnh Thiểm Tây), ngôi trường nằm trong top 100 đại học tốt nhất của Trung Quốc. Tuy nhiên, sống xa nhà, sinh viên Wang nghiện trò chơi điện tử và bỏ học. Từ 2005, Wang cắt đứt liên lạc với bố mẹ. Những năm qua, anh làm công việc lặt vặt không cần đăng ký với chính quyền địa phương.

Wang quỳ xuống xin lỗi mẹ khi bỏ đi 16 năm, hôm 16/11. Ảnh:  Xiashi News

Wang quỳ xuống xin lỗi mẹ khi bỏ đi 16 năm, hôm 16/11. Ảnh: Xiashi News

Sau khi điều tra ra thân phận của Wang, cơ quan chức năng giúp anh đoàn tụ với gia đình hôm 16/11. "Tôi xấu hổ vì bỏ học đại học nên không dám nhìn mặt cha mẹ", anh nói lý do với truyền thông.

Cha Wang cho biết, ông đã đến Tây An ít nhất hai lần mỗi năm để tìm con trai. Mỗi lần, ông ở lại khoảng một tuần, đi bộ trên mọi con phố và đến từng quán cà phê Internet. "Tim tôi tan nát khi chẳng thể tìm được con", ông nói.

Mẹ của Wang nghĩ con đã chết. Trong lòng, bà đã chuẩn bị cho những điều tồi tệ nhất. "Tôi không thể sống vui một ngày khi nghĩ đến những bất trắc có thể xảy ra với con. Giờ gặp lại Wang, tôi không trách con, chỉ thấy hạnh phúc", người mẹ nói.

Dù hành động của Wang bị cho là cực đoan, truyền thông nhận định hệ thống giáo dục Trung Quốc gây áp lực nặng nề cho học sinh, sinh viên. Năm 2018, chính phủ Trung Quốc cấm sinh viên đại học thi trượt hai lần được thi lại.

Căng thẳng trong cuộc đua học hành, áp lực cuộc sống đè nặng đã dẫn đến trào lưu "nằm yên mặc kệ đời" của thanh niên tuổi đôi mươi ở Trung Quốc.

Hoàng Bình, giáo sư Văn học tại Đại học sư phạm Hoa Đông ở Thượng Hải - người nhiều năm nghiên cứu văn hóa thanh thiếu niên, cho biết lối sống này đe dọa tới năng suất lao động khi thế hệ trẻ ngừng làm việc.

"Tuy nhiên, đây cũng là một phản ứng có lý khi thế hệ trẻ phải chịu nhiều áp lực từ gia đình và xã hội", ông Hoàng nói.

Theo giáo sư, đại dịch Covid-19, thất nghiệp, giá cả tăng... là những nguyên nhân đè nặng lên vai của nhiều người trẻ Trung Quốc. Chưa kể tới áp lực từ gia đình, quy chuẩn xã hội áp đặt lên mỗi cá nhân từ khi họ ra đời.

Nhật Minh (Theo Insider)

Từ khóa » Bỏ Nhà đi Lập Nghiệp