Bộ Răng Cấu Trúc Như Thế Nào Và đóng Vai Trò Gì? - YouMed

Nội dung bài viết

  • Giới thiệu về cơ quan răng và bộ răng
  • Sơ lược cấu trúc bộ răng
  • Vai trò của răng và hệ thống nhai

Răng là một cơ quan vô cùng quen thuộc với chúng ta. Không như những cơ quan khác nằm sâu bên trong cơ thể, chúng ta có thể dễ dàng quan sát được bộ răng bằng mắt thường. Răng và các cấu trúc khác của hệ thống nhai đóng vai trò quan trọng trong hoạt động sống của cơ thể. Răng tham gia vào các hoạt động tiêu hóa, phát âm, bảo vệ và cấu trúc sọ mặt. Bên cạnh đó, răng cũng là một phần thẩm mỹ quan trọng của khuôn mặt. Hàm răng chắc khỏe, trắng sáng đem lại cho chúng ta sự tự tin trong cuộc sống. Hãy cùng YouMed tìm hiểu về cấu trúc và chức năng của răng đối với cơ thể chúng ta nhé!

Giới thiệu về cơ quan răng và bộ răng

Cơ quan răng bao gồm răng và nha chu (quanh răng). Đây là đơn vị hình thái và chức năng của bộ răng. Răng là bộ phận trực tiếp nhai nghiền thức ăn. Nha chu là bộ phận giữ và nâng đỡ răng, đồng thời là bộ phận nhận cảm, tiếp nhận và dẫn truyền lực nhai.

Răng gồm: men, ngà (mô cứng) và tủy (mô mềm). Nha chu gồm xê măng (còn gọi là xương chân răng, men chân răng), dây chằng, xương ổ răng, nướu (lợi). Do xê măng bám chặt vào ngà chân răng và có nhiều bệnh lý chung với các mô cứng khác của răng (men, ngà), về mặt giải phẫu lâm sàng, xê măng là thành phần thường được mô tả cùng với răng .

Bộ răng là một thể thống nhất thuộc hệ thống nhai, tạo thành bởi sự sắp xếp có tổ chức của các cơ quan răng. Về mặt phôi thai học và mô học, răng nói riêng, cơ quan răng nói chung, có nhiều nguồn gốc.

  • Men răng có nguồn gốc ngoại bì, là một sản phẩm của tế bào, khoáng hóa cao độ và cứng nhất cơ thể. Thành phần hữu cơ là các protein của khuôn men.
  • Ngà và xê măng là những mô khoáng hóa đặc biệt có nguồn gốc trung bì. Trong đó, thành phần khung sợi là collagen .
  • Tủy có nguồn gốc trung mô của nhú răng.
  • Dây chằng răng, xương ổ răng thuộc mô liên kết, là sản phẩm của túi răng.
  • Nướu gồm biểu mô phủ và thành phần mô liên kết phụ thuộc.

Răng sữa

Lúc mới sinh, trẻ không có răng trong miệng. Tuy vậy phim tia X cho thấy có những phần cản tia X của mầm răng ở các giai đoạn phát triển khác nhau. Trong thời kỳ nhũ nhi, thức ăn của trẻ lỏng hoặc sệt, do đó răng không giữ vai trò quan trọng trong ăn nhai. Bộ răng sữa là bộ răng tạm thời, bắt đầu mọc lúc 6 tuổi, mọc đầy đủ lúc 24 – 36 tháng.

Xem thêm: Khi nào thì nên bắt đầu cho trẻ ăn dặm?

Bộ răng sữa
Hình ảnh bộ răng sữa

Răng vĩnh viễn

Khi trẻ được khoảng 6 tuổi, các răng vĩnh viễn đầu tiên bắt đầu mọc. Răng vĩnh viễn đầu tiên đó là răng số 6 (răng sáu tuổi, răng cối lớn thứ nhất, răng cối lớn 1). Sau đó, các răng khác của bộ răng vĩnh viễn sẽ lần lượt mọc lên để thay thế các răng sữa. Bộ răng vĩnh viễn mọc đầy đủ ở tuổi 18 – 25. Giai đoạn từ 6 – 7 tuổi đến 11 – 12 tuổi , trong miệng trẻ có hai loại răng cùng tồn tại. Nó được gọi là bộ răng hỗn hợp .

 
Bộ răng vĩnh viễn
Bộ răng vĩnh viễn

Công thức răng (nha thức)

Công thức răng là một dãy chữ và số, dùng để biểu diễn số lượng răng của từng nhóm răng ở một bên hàm (gồm nửa hàm trên và nửa hàm dưới). Nó thường được dùng phổ biến và có giá trị trong phân loại học động vật .

Công thức bộ răng sữa của người:

Cửa 2/2, Nanh 1/1, Cối sữa 2/2 = 10.

(Nghĩa là có 10 răng sữa ở mỗi nửa hàm, bộ răng sữa đầy đủ có 20 răng).

Công thức bộ răng vĩnh viễn của người:

Cửa 2/2, Nanh 1/1, Cối nhỏ 2/2, Cối lớn 3/3 = 16.

(Nghĩa là có 16 răng vĩnh viễn ở mỗi nữa hàm, bộ răng vĩnh viễn đầy đủ có 32 răng).

Các răng cửa và răng nanh gọi chung là răng trước. Các răng cối sữa hoặc các răng cối lớn và cối nhỏ gọi chung là răng sau .

Cách gọi tên

Bắt đầu từ đường giữa của hai cung răng đi về hai phía, răng được gọi tên tuần tự như sau:

Răng vĩnh viễn (Ký hiệu bằng chữ số Ả Rập từ 1 đến 8):

  • Nhóm răng cửa:

Cửa giữa (răng số 1).

Cửa bên (răng số 2).

  • Nhóm răng nanh:

Răng nanh (răng số 3).

  • Nhóm răng cối nhỏ:

Răng cối nhỏ thứ nhất (cối nhỏ 1, răng số 4) .

Răng cối nhỏ thứ hai (cối nhỏ 2, răng số 5) .

  • Nhóm răng cối lớn:

Cối lớn thứ nhất (cối lớn 1, răng số 6, răng 6 tuổi).

Cối lớn thứ hai (cối lớn 2, răng số 7, răng 12 tuổi).

Răng cối lớn thứ ba 3 (răng số 8, răng khôn).

Minh họa cách đọc tên răng
Minh họa cách đọc tên răng

Răng sữa (Ký hiệu bằng chữ cái từ A đến E, hay chữ số La Mã từ I đến V)

Bộ răng sữa không có nhóm răng cối nhỏ.

  • Nhóm răng cửa sữa:

Cửa giữa sữa (răng A hay răng I).

Cửa bên sữa (răng B hay răng II) .

  • Nhóm răng nanh sữa:

Răng nanh sữa (răng C hay răng III).

  • Nhóm răng cối sữa:

Răng cối sữa thứ nhất (cối sữa 1, răng D hay răng IV).

Răng cối sữa thứ hai (cối sữa 2, răng E hay răng V).  

Cách gọi  tên “răng hàm” thay cho “răng cối cũng khá phổ biến. Nhưng dùng từ “cối ” vừa sát nghĩa hơn, vừa đỡ gây nhầm lẫn trong các tập hợp từ có đi kèm với từ “hàm” trong “xương hàm, hàm trên, hàm dưới”.

Tùy vị trí của răng trên cung răng, thuộc hàm trên hay hàm dưới, bên phải hay bên trái, răng được gọi tên đầy đủ bằng cách thêm tên các phần tư hàm đó hay các góc phần tư vào tên răng.

Ví dụ: Răng cối lớn 1 hàm trên bên phải. Hay: Răng cửa giữa sữa hàm trên bên phải.

Ngoài ra, răng có thể được gọi tên hoặc ký hiệu theo nhiều cách khác nhưng không phổ biến. Trên thực tế, cách nói và viết “răng cối lớn thứ nhất hàm trên bên phải” thường được giản hoá thành “răng cối lớn 1 trên phải” cũng được chấp nhận rộng rãi và thường được sử dụng.

Sơ đồ răng

Là sơ đồ biểu diễn từng răng theo vị trí trên các phần tư hàm của hai hàm. Sơ đồ răng cũng có thể là hình vẽ cung răng hoặc các mặt răng đơn giản hóa dùng trong mô tả, chẩn đoán, điều trị.

Hãy giữ cho răng của bạn luôn khỏe đẹp
Hãy giữ cho răng của bạn luôn khỏe đẹp

Sơ lược cấu trúc bộ răng

Các phần của răng

Mỗi răng có phần thân răng và chân răng. Giữa chân răng và thân răng là đường cổ răng (cổ răng giải phẫu). Đó là một đường cong, còn gọi là đường nối men – xê măng. Thân răng được bao bọc bởi men răng, chân răng được xê măng bao phủ.

Phần răng thấy được trong miệng là thân răng lâm sàng. Nướu răng viền xung quanh cổ răng tạo thành một bờ, gọi là cổ răng sinh lý. Cổ răng sinh lý thay đổi tùy theo nơi bám và bờ của viền nướu. Khi tuổi càng cao thì nơi bám này càng có khuynh hướng di chuyển dần về phía chóp răng. Nhiều trường hợp bệnh lý, nướu răng có thể bị sưng hoặc trụt, làm thân răng lâm sàng bị ngắn lại hoặc dài ra.

Cơ quan răng
Cơ quan răng

Cấu tạo của răng

Bao gồm men răng, ngà răng (mô cứng) và tủy răng (mô mềm).

Men răng

Men răng phủ mặt ngoài ngà thân răng, có nguồn gốc từ ngoại bì, là mô cứng nhất trong cơ thể, có tỉ lệ chất vô cơ cao (96%).

Hình dáng và bề dày của men được xác định từ trước khi răng mọc ra. Trong đời sống, men răng không có sự bồi đắp thêm mà chỉ mòn dần theo tuổi, nhưng có sự trao đổi về vật lý và hóa học với môi trường miệng.

Ngà răng

Có nguồn gốc từ trung bì, kém cứng hơn men, chứa tỉ lệ chất vô cơ thấp hơn men (75%). Trong ngà có nhiều ống ngà, chứa đuôi bào tương của nguyên bào ngà. Bề dày ngà răng thay đổi trong đời sống do hoạt động của nguyên bào ngà. Ngà răng ngày càng dày theo hướng về phía hốc tủy răng, làm hẹp dần hốc tủy.

Tủy răng

Là mô liên kết mềm, nằm trong hốc tủy gồm tủy chân và tùy thân. Tủy răng trong buồng tủy gọi là tùy thân, tuỷ buồng, tủy răng trong ống tủy gọi là tủy chân. Các nguyên bào ngà nằm sát vách hốc tủy. Tủy răng có nhiệm vụ duy trì sự sống của răng. Cụ thể là sự sống của nguyên bào ngà và tạo ngà thứ cấp, nhận cảm giác của răng. Trong tủy răng có chứa nhiều mạch máu, mạch bạch huyết và đầu tận cùng thần kinh.

Tủy răng giúp duy trì sự sống của răng
Tủy răng giúp duy trì sự sống của răng

Bộ phận nâng đỡ răng (nha chu, quanh răng)

Bao gồm xương ổ răng, xê măng, dây chằng nha chu và nướu (lợi) răng.

Xương ổ răng

Là mô xương xốp, bên ngoài được bao bọc bằng màng xương, nơi nướu răng bám vào. Xương ổ răng tạo thành một huyệt, có hình dáng và kích thước phù hợp với chân răng. Bề mặt ổ răng, nơi đối diện với chân răng, là mô xương đặc biệt và có nhiều lỗ thủng để cho các mạch máu và dây thần kinh từ xương xuyên qua để nuôi dây chằng nha chu, gọi là xương ổ chính danh hay lá sàng.

Trên hình ảnh tia X, phần xương ổ chính danh trông cản tia hơn, gọi là lá cứng. Nền xương ổ không phân biệt được với xương hàm. Chiều cao xương ổ răng thay đổi theo tuổi và tùy theo sự lành mạnh hay bệnh lý của mô nha chu. Khi răng không còn trên xương hàm thì xương ổ răng và các thành phần của nha chu cũng bị tiêu dần đi.

Xê măng

Là mô đặc biệt, hình thành cùng với sự hình thành chân răng, phủ mặt ngoài ngà chân răng.

Xê măng được bồi đắp thêm ở phía chóp chủ yếu để bù trừ sự mòn mật nhai, được coi là hiện tượng “mọc răng suốt đời” hay “trồi mặt nhai”. Xê măng cũng có thể tiêu hoặc quá sản trong một số trường hợp bất thường hay bệnh lý.

Dây chằng nha chu

Là những bó sợi liên kết, dày khoảng 0,25 mm, một đầu bám vào xê măng, còn đầu kia bám vào xương ở chính danh. Cả xê măng, dây chằng nha chu và xương ổ chính danh đều có nguồn gốc từ túi răng chính danh. Dây chằng nha chu có nhiệm vụ giữ cho răng gắn vào xương ổ răng. Đồng thời, nó có chức năng làm vật đệm, làm cho mỗi răng có sự xê dịch nhẹ độc lập với nhau trong khi ăn nhai, giúp lưu thông máu, truyền cảm giác áp lực và truyền lực để tránh tác dụng có hại của lực nhai đối với răng và nha chu.

Nướu răng

Là phần niêm mạc miệng phủ lên xương ổ răng (nướu dính) và cổ răng (nướu rời).

Vai trò của răng và hệ thống nhai

Hệ thống nhai là một tổng thể, một đơn vị chức năng. Nó bao gồm: răng, nha chu, xương hàm, khớp thái dương hàm, cơ hàm, hệ thống môi – má – lưỡi, tuyến nước bọt, hệ thống mạch máu và thần kinh nuôi dưỡng và chi phối các cơ quan đó.

Hệ thống nhai không chỉ đảm nhiệm chức năng nhai mà còn thực hiện hoặc tham gia thực hiện nhiều chức năng khác: bú, nuốt, nói… Hệ thống nhai đóng vai trò quan trọng trong đời sống (chức năng giao tiếp và biểu cảm). Vì vậy, nó có tầm quan trọng đặc biệt đối với chất lượng cuộc sống, hoạt động xã hội, sức khoẻ và hạnh phúc của con người.

Bộ răng và hệ thống nhai có vai trò hết sức quan trọng
Bộ răng và hệ thống nhai có vai trò hết sức quan trọng

Bộ răng và hệ thống nhai đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động sống của chúng ta. Mục tiêu của chúng ta là phải luôn đảm bảo sự lành mạnh và thoải mái cho hệ thống nhai, góp phần mang lại sức khỏe toàn diện, cải thiện chất lượng cuộc sống cho mỗi cá nhân và toàn xã hội.

Từ khóa » Sơ đồ Răng Hàm