Bộ Rễ Cây Trồng, Không Phải Ai Cũng 'biết' - GreenBiomix
Phần này mình xoay quanh các vấn đề liên quan đặc tính bộ rễ cây trồng. Tuy nó không phải là vấn đề mới mẻ nhưng phần lớn chúng ta chưa khái quát hết được ý, cũng như trong vận dụng còn nhiều thiếu sót. Do đó, đây vừa là cơ sở khoa học cũng đồng thời là cơ sở để chúng thực hành đúng.
1. Liên quan đến hấp thu nước và dinh dưỡng ở cây trồng chúng ta cần đặc biệt lưu ý: “RỄ LÀ CƠ QUAN HÚT NƯỚC VÀ DINH DƯỠNG QUAN TRỌNG NHẤT”. Mặc dù lá vẫn có các chức năng này, nhưng chỉ áp dụng trong một số trường hợp (xem thêm nội dung bón phân qua lá).
Đây là cơ sở khoa học rất quan trọng quyết định đến sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng một cách bền vững. Rất nhiều bà con nông dân vẫn lăn tăn vấn đề này, chưa biết xác định đâu là chính, đâu là phụ. Dẫn đến trường hợp ‘lạm dụng kích thích và phân bón lá trên cây trồng’, không chú trọng vào bộ rễ cây trồng. Kết quả là sự mất cân đối giữa rễ và lá, bộ lá sum suê, nhưng bộ rễ chưa tương xứng. Về lâu về dài, cây suy yếu là điều tất yếu. Do đó, muốn chăm cây thì cần chăm rễ, muốn chăm rễ thì cần chăm đất.
2. Cần nhấn mạnh ý kế tiếp liên quan đến bộ rễ, đó là khả năng tìm kiếm nước và thức ăn (tính hướng động). Do thực vật sống cố định trên mặt đất nên việc tìm kiếm nguồn dinh dưỡng cho sự sinh trưởng và phát triển bằng sự vận động hướng động. Hướng động là hình thức phản ứng của một bộ phận của cây trước một tác nhân kích thích theo một hướng xác định. Khi vận động về phía tác nhân kích thích gọi là hướng động dương, khi vận động tránh xa hướng kích thích gọi là hướng động âm. Hướng động giúp cây thích ứng với điều kiện môi trường. Rễ thực vật có tính hướng nước dương (luôn tìm về phía có nguồn nước) và luôn hướng về các chất khoáng cần thiết cho sự sống của cây, đồng thời tránh xa các chất độc hại cho cây.
Rút ra được gì từ ý này? Chúng ta có thể thấy rễ cây hoàn toàn chủ động chứ không bị động trong việc tìm kiếm nguồn nước và thức ăn. Đồng thời đây là cơ sở quan trọng cho việc cung cấp nước và dinh dưỡng ở cây trồng cũng như hạn chế các chất độc trong đất. Với tập quán bón phân trên bề mặt, bộ rễ cây trồng sẽ hướng về nguồn dinh dưỡng trên bề mặt, bộ rễ sẽ phát triển lan trên mặt, khi gặp các điều kiện bất lợi như nắng hạn, mưa dầm, hay tiếp xúc với phân bón rễ cây trồng rất dễ bị tổn thương. Có một thực tế, bà con có thói quen ném phân vào gốc và nghĩ ‘tưới phân sẽ khuếch tán đều vào đất’. Cách bón như vậy khiến bộ rễ ‘lười’ vươn xa, chủ yếu tập trung quanh gốc-tạo nên bộ rễ dày đặc, chật chội, đồng thời rễ chỉ mọc lan trên mặt đất (dễ bị tổn thương). Bộ rễ bị tổn thương tạo điều kiện cho sự xâm nhập của mầm bệnh.
3. Vấn đề tiếp theo chúng ta cần hiểu:
- Sự phân bố của bộ rễ cây trồng. Phần lớn bộ rễ các loại cây trồng tập trung và phát triển mạnh ở tầng canh tác. Đối với trường hợp câu ăn quả, cây lâu năm: Ở cây gieo hạt bộ rễ khỏe, ăn sâu. Ở cây giâm, chiết cành rễ ăn nông, rễ ngang khá phát triển. Cây ghép có bộ rễ phát triển rất tốt, rễ ăn sâu, rộng. Nhìn chung, bộ rễ ăn rộng so với tán, tuy nhiên khoảng 80% tổng số rễ tập trung dày đặc ở phần hình chiếu của tán cây, phân bố ở độ sâu 10-100cm, nhiều nhất ở độ sâu 40-50cm. Nếu gặp tầng đất nông thì rễ hút phân bố nông hơn, rễ ăn xa hơn so với phát triển chiều sâu. Dưới 40cm số lượng rễ hút ít và có chiều hướng giảm dần.
- Đây cũng là cơ sở khoa học để chúng ta tưới nước cũng như bón phân. Cần bón quanh vị trí tán cây, bón vào vùng rễ chứa ẩm. Các tài liệu hay đề cập tạo rãnh xung quanh tán để bón. Tuy nhiên, cần đặc biệt lưu ý: cách này thường áp dụng tốt nhất vào lúc sau thu hoạch hoặc vào các tháng mùa khô. Còn các tháng mưa, nếu đào rãnh bón hết sức nguy hiểm, mầm bệnh dễ xâm nhập. Các tháng mưa, có thể bón phân và cào nhẹ lớp đất bằng cào răng cưa. Ngoài ra, có những loại phân rất ít di động, nếu bón bề mặt sẽ không có tác dụng, hoặc tác dụng không đáng kể. Đặc biệt là yếu tố vôi và lân-đối với vôi cần phải trộn đều vào đất và ở độ sâu thích hợp thì mới có tác dụng; đối với lân khi bón vào đất rất dễ bị cố định (dạng khó hấp thu), cần phải bón vào nơi tập trung vùng rễ cây trồng, bón bề mặt tác dụng thường kém.
4. Một ý khác cũng không thể bỏ qua, đó chính là khả năng hấp thu (hút) dinh dưỡng của bộ rễ. Để hút được dinh dưỡng thì cần có 2 yếu tố:
- Các chất dinh dưỡng phải được hòa tan trong nước (dung dịch đất). Cái này do độ ẩm đất quyết định.
- Rễ cây cần phải có năng lượng. Hô hấp ở rễ giúp tạo ra năng lượng để hút nước, dinh dưỡng và vận chuyển khắp các bộ phận ở trên mặt đất. Ôxy (O2) trong đất cần thiết cho hô hấp của rễ để tạo ra năng lượng cho các hoạt động sống của cây, trong đó có quá trình hút khoáng. Nhìn chung hệ thống rễ của cây trồng rất nhạy cảm O2 nên khi thiếu O2 thì ức chế sinh trưởng của rễ, ức chế hút nước, hút khoáng của rễ. Do vậy, khi đất bị bí, ngập úng hệ rễ sẽ hô hấp yếm khí và thiếu năng lượng cho quá trình hút nước. Với các loại thực vật khác nhau có khả năng thích ứng với mức độ thiếu O2 trong đất khác nhau. Một số cây trồng nước có hệ thống thông khí từ các cơ quan trên mặt đất xuống rễ để dẫn oxi xuống cung cấp cho hệ rễ, do đó chúng có thể tồn tại được. Một số loại cỏ cũng có chức năng này. Điều này cũng lý giải, việc để cỏ trong mùa mưa, đặc biệt là các loại cỏ hòa bản – chúng lấy O2 từ không khí đưa vào rễ giúp quá trình hô hấp diễn ra thuận lợi, đồng thời hút bớt lượng nước dư thừa trong đất thông qua quá trình thoát hơi nước ở lá. Giúp giảm thiểu tác hại cho các vườn cây của chúng ta.
- Ngoài ảnh hưởng của điều kiện yếm khí đến quá trình dinh dưỡng, thì cũng có tác động đến các bệnh liên quan đến rễ, đặc biệt là hiện tượng thối rễ. Vấn đề này có thể được lý giải như sau: Đất thiếu O2 rễ sẽ chuyển sang hô hấp yếm khí, tạo ra các chất gây độc, các rễ tơ bị phá hủy, gây tổn thương ở rễ. Đồng thời, năng lượng tạo được từ hô hấp yếm khí rất ít, không đủ để giúp cây hút nước và dinh dưỡng một cách bình thường. Bên cạnh, đây là điều kiện rất thuận lợi để mầm bệnh tấn công. Trường hợp này chúng ta hay thấy ở mùa mưa hoặc đất ngập bị tụ nước, ngập nước.
>>>Sản phẩm: Đặc trị xì mủ thối rễ ; Phòng bệnh sinh học; Kích kháng cây trồng
Ví dụ Vàng lá thối rễ:
Đất bị nước chiếm các tế bào khổng lâu dài nên rơi vào tình trạng yếm khí do oi nước. Tình trạng này kéo dài làm cho rễ cây trồng cạn phải hô hấp yếm khí lâu dài, các chất độc do các tiến trình sinh hóa trong tế bào rễ sinh ra, không được oxit hóa để giải độc, tích lũy trong tế bào và gây ngộ độc cho tế bào. Từ đó các tế bào ở phần rễ non, nơi các tiến trình sinh hóa xảy ra mạnh nhất, sẽ bị chết dần từng tế bào và tạo ra các mảng thối của rễ non. Nấm Fusarium solani có sẵn ngoài đất, có cơ hội xâm nhập vào rễ thông qua các vết thối này và bắt đầu tấn công dần phần rễ này. Kể từ khi bắt đầu xâm nhập cho đến khi triệu chứng bệnh thể hiện cần có thời gian ủ bệnh vài tháng, do đó ở các vườn, bệnh không xuất hiện ngay mùa mưa, lúc đất bị oi nước, mà bệnh thường xuất hiện nghiêm trọng trong đầu mùa nắng .
Vì vậy, khi bón phân để tăng hiệu quả sử dụng phân bón, cần phải có các biện pháp kỹ thuật tăng hàm lượng O2 cho đất như làm đất tơi xốp trước khi gieo trồng, tăng cường bón phân hữu cơ
- Rễ cây hấp thụ nước trong đất qua các khe rỗng. Rễ cây hô hấp (hấp thụ không khí) cũng qua khe rỗng. Như vậy để cây ăn quả phát triển bình thường, thì trong khe rỗng của đất phải có cả nước và không khí. Khi thiếu nước cành và lá phát triển yếu, hoa ra chậm, chóng tàn, quả nhỏ, chín sớm và chóng rụng. Trong trường hợp độ ẩm quá thừa, nước đẩy hết không khí thoát ra ngoài làm cho rễ cây thiếu khí thở, rễ cây bị phồng và thối nát, còn quả phát triển chậm, lá rụng, cây héo và chết dần. Do đó, cần phải cải thiện đất trồng để đảm bảo vừa thoáng khí vừa có khả năng giữ ẩm. Đất vừa thông thoáng, vừa giữ được ẩm, bộ rễ cây trồng sẽ hoạt động tốt.
5. Mối quan hệ giữa bộ rễ và năng suất. Nội dung này mình sẽ trình bày trên đối tượng cây nhãn, từ đối tượng này chúng liên hệ sang các loại cây trồng khác. Theo Gs Trần Thế Tục:
- Năm mất mùa so với năm được mùa lượng rễ mới nhiều hơn gấp 1.7 lần.
- Trên cây có 50% cành dinh dưỡng và 50 cành quả có sản lượng ổn định, bộ rễ có số lượng lớn nhất.
- Cây có tỉa hoa rất mạnh rễ hút có lượng sinh trưởng chiều dài gấp 2.16 lần so với cây có tỉa hoa nhẹ và gấp 3.53 lần so với cây không tỉa.
=> Rõ ràng mối quan hệ giữa lượng sinh trưởng của rễ với hoa, quả cành, lá là rất mật thiết và có tác động với nhau.
6. Ngoài ra, bộ rễ cây trồng còn chịu sự tác động của nhiều yếu tố khác như:
*Nhiệt độ của đất
Nhiệt độ, đặc biệt là nhiệt độ của đất có ảnh hưởng rất lớn đến sự hút nước và muối khoáng của rễ cây. Nhiệt độ ảnh hưởng đến cả hút khoáng chủ động và thụ động. Sự khuếch tán tự do bị động của các chất khoáng phụ thuộc vào nhiệt độ. Nhiệt độ càng thấp thì tốc độ khuếch tán các chất càng giảm. Nhiệt độ thấp làm hô hấp rễ giảm và rễ thiếu năng lượng cho sự hút khoáng tích cực.
- Nhiệt độ hạ thấp cản trở sự hấp thu nước, trong trường hợp nhiệt độ quá thấp thì rễ hoàn toàn không lấy được nước. Trong khi đó các bộ phận trên mặt đất vẫn thoát hơi nước làm mất cân bằng nước và cây héo. Về mùa đông, khi nhiệt độ của đất hạ xuống đến 10-12oC, sự hút nước và chất khoáng của cây trồng bị đình trệ. Một số thực vật vào mùa đông thường trút lá để giảm thoát hơi nước khi rễ không lấy được nước và bước vào trạng thái ngủ đông.
- Nhiệt độ của đất tăng lên trên giới hạn 30-40 oC thì sự hút nước của cây trồng bị ức chế. Khi nhiệt độ quá cao thì hệ thống lông hút vốn rất nhạy cảm với nhiệt độ sẽ bị rối loạn hoạt động sống và có thể bị chết. Ngoài ra, nhiệt độ cao còn tăng tốc độ hóa già và hóa gỗ của rễ làm giảm khả năng hút nước.
- Nhiệt độ tối thích cho sự hút nước ở các cây trồng nhiệt đới vào 25-30 oC. Đây là nhiệt độ tối thích kích thích sự hút nước. Khi nhiệt độ đất thấp hơn nhiệt độ không khí từ 2-5 oC sẽ kích thích sự hút nước của rễ. Nếu nhiệt độ chênh lệch quá lớn dẫn đến ức chế sự hút nước của cây trồng.
Do đó cần điều tiết nhiệt trong đất, chúng ta có thể sử dụng phương pháp che phủ mặt đất. Đây là một biện pháp được đánh giá là thực sự có hiệu quả cho việc điều tiết chế độ nhiệt trong đất. Tác dụng che phủ không những điều tiết chế độ nhiệt mà còn có nhiều vai trò khác như giữ ẩm, bảo vệ đất chống xói mòn, hạn chế cỏ dại, che phủ đất có tác dụng làm giảm nhiệt độ đất về mùa hè do hạn chế được lượng ánh sáng mặt trời chiếu thẳng vào đất. Đồng thời che phủ có tác dụng giữ được ấm cho đất về mùa đông do che phủ hạn chế được sự mất nhiệt qua bức xạ nhiệt bởi hơi nước và do gió. Để áp dụng biện pháp kỹ thuật này thì việc tăng cường trồng xen, trồng gối, tận dụng sản phẩm phụ rất cần được quan tâm. Ngoài ra, cỏ trong vườn cũng có chức năng điều tiết nhiệt rất tốt. Các bạn có thể quan sát các vườn cây ngắn ngày (ví dụ như dưa leo, khổ qua,…) có ít cỏ dưới mặt đất với vườn không cỏ vào buổi ban trưa, vườn có ít cỏ cây ít bị hiện tượng héo hơn.
Ngoài biện pháp che phủ. Có thể nói điều tiết chế độ nước cũng chính là điều tiết chế độ nhiệt của đất. Như ta đã biết nhiệt độ đất phụ thuộc rất nhiều vào chế độ ẩm. Nước ảnh hưởng đến nhiệt dung đất, bốc hơi làm mất nhiệt của đất. Tưới nước cho đất có tác dụng làm giảm nhiệt độ đất về mùa hè do tăng nhiệt dung đất và tăng cường quá trình bốc hơi. Nhưng đất được tưới lại có nhiệt độ cao hơn đất không tưới ở mùa đông. Do đất có nhiệt dung lớn nên nhiệt độ giảm chậm. Ví dụ: Trong kinh nghiệm chống rét cho mạ xuân của nông dân Việt Nam người ra thay nước vào ruộng mạ lúc chiều tối và tiêu nước ở ruộng mạ vào sáng hôm sau. Đây chính là biện pháp lợi dụng nước để làm tăng nhiệt dung đất. Ban đêm do cần để đất giảm nhiệt độ chậm nên nông dân tháo nước và để tăng nhiệt dung đất. Ngược lại vào ban ngày nông dân tháo nước ra để làm giảm nhiệt dung, giúp cho đất tăng nhanh nhiệt độ khi có chiếu sáng của mặt trời.
Đối với đất các cây trồng cạn giàu mùn, tơi xốp có khả năng giữ ẩm tốt, thoát nước tốt, nhiệt trong đất cũng được cải thiện theo hướng có lợi cho cây trồng.
*pH đất (độ chua)
Độ pH của môi trường ảnh hưởng rất lớn đến sự hấp thu chất khoáng của rễ cây. Ảnh hưởng của pH lên sự hút khoáng của rễ có thể là trực tiếp và cũng có thể là gián tiếp. Độ pH còn ảnh hưởng đến độ hòa tan và khả năng di động của các chất khoáng và do đó ảnh hưởng đến khả năng hút khoáng của rễ. Ví dụ trong môi trường bị acid hóa độ linh động của lân (Al) bị giảm, trong khi đó độ linh động của Al, Fe, Mn lại tăng đến mức có thể gây độc cho cây. Ngược lại trong môi trường kiềm độ linh động của P và các nguyên tố vi lượng giảm. Hệ vi sinh vật đất rất quan trọng cho sự dinh dưỡng khoáng của rễ. pH có ảnh hưởng đến hoạt động của các vi sinh vật trong môi trường. Nói chung pH môi trường dao động quanh khoảng trung tính là thuận lợi nhất cho hoạt động của vi khuẩn.
*Nồng độ dung dịch đất
Hiện tượng này dễ thấy nhất là khi chúng ta bón phân. Nếu bón với liều lượng phù hợp từng loại đất thì bộ rễ cây trồng sẽ hấp thu tốt. Ngược lại, nếu bón quá liều tạo nồng độ chất dinh dưỡng quá cao trong đất, dẫn đến hiện tượng mất nước ở cây trồng (nước từ trong cây đi ngược ra môi trường) làm cây héo và có thể chết. Dạng ngộ độc phổ biến nhất là ngộ độc vi lượng, đặc biệt là nguyên tố Bo. Cây trồng cũng là sinh vật sống nên khi bị nhiễm độc thì sẽ có những phản vệ nhằm hạn chế nhiễm độc. Với người, phản xạ đầu tiên có thể là nôn, thì với cây chúng cũng sẽ được thải nhanh qua mép lá. Trong trường hợp này chúng ta nên tưới nhiều nước để giảm nồng độ dung dịch; đồng thời kết hợp với bón hoặc tưới vôi. Việc bón phân hữu cơ cũng có tác dụng làm giảm tác dụng độc của việc dư thừa phân bón, bởi khi bón phân hữu cơ sẽ làm cho hệ đệm hoạt động hiệu quả hơn.
Thông thường với các loại đất tốt, giàu mùn, đất có khả năng điều tiết các chất dinh dưỡng này (ví dụ như giữ lại một phần dinh dưỡng và cung cấp từ từ cho cây).
Tham khảo thêm tại Công ty TNHH Green Biomix
Từ khóa » Bộ Rễ Khỏe
-
Tầm Quan Trọng Của Một Bộ Rễ Khỏe - Bancongxanh
-
KINH NGHIỆM XỬ LÝ BỘ RỄ CÂY TRỒNG KHỎE MẠNH VÀO ...
-
Bộ Rễ Khỏe, Cây Lúa Khỏe, Vững Năng Suất
-
HÃY TẠO BỘ RỄ CHO MÌNH - Công Ty TNHH TM Lô Hội
-
Vai Trò "bộ Rễ Cây" Trong Chuỗi Cây Trồng Khoẻ Mạnh, ít Nấm Bệnh
-
Hướng Dẫn Cách Chăm Sóc Và Nhận Biết Rễ Khỏe Mạnh ở Cây Trồng ...
-
BỘ RỄ KHOẺ MẠNH QUAN TRỌNG NHƯ THẾ NÀO?
-
Cách Chăm Sóc Cây, Bảo Vệ Rễ, Cải Tạo Lại Hệ Sinh Thái đất
-
NHỮNG LƯU Ý ĐỂ BỘ RỄ KHỎE ĐẸP - YouTube
-
Thế Nào Là Bộ Rễ Khoẻ. Cây Mới Sưu Tầm Về để Phơi Trên Chậu 10 ...
-
NUÔI LÁ - TẠO BỘ RỄ KHỎE MẠNH CHO HOA HỒNG - YouTube
-
Phân Bón Hoa Hồng- Cho Bộ Rễ Khoẻ | Shopee Việt Nam
-
Giải Pháp Chăm Sóc Bộ Rễ Cây Khỏe Mạnh Trong điều Kiện Thời Tiết ...
-
Để Lan Phát Triển Tốt Thì Cần Phải Có Bộ Rễ Khoẻ Mạnh - Lan Tự Nhiên
-
TRICHO VD NEW (1Kg) - Đất Sạch - Rễ Khỏe - Cây Sung - VIDAN
-
Bảo Vệ Bộ Rễ Lúa để Giữ Năng Suất (24/09/2019) - VietGAP