Bổ Sung Biotin Có Ngăn Ngừa Rụng Tóc? - Báo Sức Khỏe & Đời Sống

Khoảng 70% nam giới sẽ rụng tóc vào một thời điểm nào đó trong đời. Phụ nữ cũng không tránh khỏi tình trạng này. Rụng tóc có thể từ nhẹ làm mỏng tóc đến hói đầu toàn bộ. Tóc có thể rụng vì nhiều lý do khác nhau.

Bổ sung biotin có ngăn ngừa rụng tóc? - Ảnh 1.

Rụng tóc rất phức tạp và thường có sự kết hợp của nhiều nguyên nhân.

1. Biotin là gì?

Biotin là một loại vitamin tan trong nước. Do chi phí tương đối thấp và sự sẵn có trong các sản phẩm mỹ phẩm, biotin đã trở thành xu hướng mới cho những người tiêu dùng mong muốn có mái tóc và móng tay dài hơn, khỏe mạnh hơn.

Biotin, còn được gọi là vitamin B7, là một chất dinh dưỡng thiết yếu thường được tìm thấy tự nhiên trong thực phẩm; thực phẩm giàu biotin bao gồm ngũ cốc (lúa mì và yến mạch), rau (như rau bina và nấm) và gạo. Biotin đóng góp một phần quan trọng trong một chế độ ăn uống cân bằng và sức khỏe của tóc.

2. Biotin có hiệu quả cho sự phát triển của tóc?

Biotin đóng vai trò như một đồng yếu tố cần thiết cho các enzym carboxylase trong nhiều con đường trao đổi chất, bao gồm tạo gluconeogenesis, tổng hợp axit béo và dị hóa axit amin. Chức năng của biotin trong tổng hợp protein và cụ thể hơn là trong sản xuất keratin, giải thích sự đóng góp của nó trong việc giúp móng và tóc phát triển khỏe mạnh.

Bổ sung biotin có ngăn ngừa rụng tóc? - Ảnh 2.

Biotin đã trở nên phổ biến vì một số người cho rằng bổ sung biotin có thể giúp làm chậm quá trình rụng tóc.

Biotin đã trở nên phổ biến trên thị trường vì những lợi ích được khẳng định của nó đối với sự phát triển khỏe mạnh của tóc và móng tay. Tuy nhiên, vẫn còn hạn chế nghiên cứu để hỗ trợ công dụng của biotin ở những người khỏe mạnh. Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ, hiện còn có ít bằng chứng khoa học chứng minh những điều này.Nhiều nghiên cứu được thực hiện để kiểm tra tác dụng của chất bổ sung biotin đối với sự phát triển của tóc, kết quả cho thấy rằng rất ít thay đổi xảy ra ở những người khỏe mạnh. Chỉ những người bị thiếu hụt vitamin này mới tìm thấy sự cải thiện từ việc bổ sung biotin.

3. Các nguyên nhân gây thiếu hụt biotin

Một số yếu tố có thể khiến dễ bị thiếu biotin hơn, những nhóm sau đây có nguy cơ cao hơn:

  • Những người có bệnh lý mãn tính
  • Những người nghiện rượu
  • Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú

Những nhóm này có nguy cơ thiếu hụt biotin cao hơn vì họ ít có khả năng hấp thụ vitamin và khoáng chất từ chế độ ăn.

Trong một số trường hợp hiếm hoi, có thể bị thiếu hụt biotin do lỗi di truyền về chuyển hóa, mất cân bằng vi khuẩn trong đường tiêu hóa hoặc sử dụng một số loại thuốc, bao gồm cả thuốc chống động kinh - như carbamazepine và isotretinoin trị mụn. Người lớn tuổi, người hút thuốc và trẻ em suy dinh dưỡng cũng có nhiều khả năng có mức biotin thấp. Thông thường, các triệu chứng của sự thiếu hụt biotin được điều trị bằng cách bổ sung.

4. Liều lượng biotin được khuyến nghị

Các khuyến nghị hiện tại về biotin nêu rõ rằng lượng tiêu thụ đủ hàng ngày cho người lớn là 30 μg / ngày. Hầu hết những người khỏe mạnh đáp ứng những yêu cầu này thông qua một chế độ ăn uống cân bằng, mặc dù nhiều người vẫn cần bổ sung tới 500–1.000 μg biotin mỗi ngày.

Do biotin được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm, sẽ là điều bất thường nếu bất kỳ ai có lượng biotin thấp. Đối với người lớn, lượng biotin mỗi ngày có thể dễ dàng đạt được thông qua một chế độ ăn uống cân bằng bao gồm các thực phẩm chứa biotin, như thịt, trứng, cá, quả hạch, hạt và một số loại rau như khoai lang, rau bina và bông cải xanh. Điều này nhấn mạnh rằng một người ăn một chế độ ăn uống đầy đủ không cần bổ sung biotin.

Nếu chọn bổ sung, biotin có thể được sử dụng một mình hoặc cùng với các vitamin B-complex khác ở dạng đa sinh tố. Đối với hầu hết mọi người, biotin bổ sung sẽ không gây ra bất kỳ vấn đề sức khỏe nào. Không có độc tính của lượng biotin dư thừa nào đã được mô tả.

Bổ sung biotin có ngăn ngừa rụng tóc? - Ảnh 4.

Biotin được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm.

5. Tác dụng phụ của biotin khi bổ sung bằng thuốc

Mặc dù biotin có thể can thiệp vào kết qủa của một số xét nghiệm máu ( như troponin, digoxin, ferritin, testosterone, và progesterone) nhưng không có tác dụng phụ nào được báo cáo đối với biotin. Tuy nhiên một số nghiên cứu cho rằng quá nhiều biotin có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch, ảnh hưởng đến hệ thần kinh, góp phần làm tăng lượng đường huyết và gây ra các vấn đề về tiêu hóa hoặc phát ban trên da. Nếu đang dùng biotin như một chất bổ sung và nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào trong số này, hãy liên hệ với bác sĩ. Cũng nên ngừng bổ sung biotin 72 giờ trước khi lấy máu xét nghiệm để kết quả chính xác hơn.

  • Cảnh báo biotin gây sai lệch kết quả xét nghiệm

6. Làm gì để khắc phục rụng tóc

Cho dù có đang dùng biotin hay không, có một số điều bạn có thể thực hiện để giúp mái tóc khỏe mạnh.

Cách tốt nhất để bắt đầu là thay đổi chế độ ăn uống và lối sống. Ăn các loại thực phẩm như cá hồi, cá ngừ và quả óc chó giàu axit béo omega-3 có thể cải thiện sức khỏe của tóc.

Tránh thuốc lá có thể loại bỏ tác hại của việc hút thuốc đối với tóc.

Hạn chế sấy tóc hoặc sử dụng các công cụ tạo kiểu tóc nóng, vì nhiệt là nguyên nhân phổ biến khiến tóc khô và dễ gãy. Đồng thời tăng cường sức khỏe tổng thể: Ngủ đủ giấc, hạn chế căng thẳng, ăn uống đầy đủ, bổ sung nước, tập thể dục.

Xoa bóp da đầu sẽ làm tăng lưu lượng máu đến da đầu, có thể giúp kích thích mọc tóc. Nha đam có thể giúp thông tắc các nang tóc bị tắc và dầu dừa, dầu cá hoặc dầu thầu dầu có thể làm cho tóc bóng mượt hơn. Các loại tinh dầu như dầu hương thảo, dầu phong lữ và dầu bưởi có thể giúp tóc mọc.

Một số loại thuốc đã được chứng minh là góp phần gây rụng tóc, bao gồm thuốc huyết áp và cholesterol, một số loại thuốc chống trầm cảm và các loại hormone kiểm soát sinh sản và testosterone.

Nếu bạn đang sử dụng bất kỳ loại thuốc nào trong số này, cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi ngừng sử dụng, và nếu các biện pháp đơn giản hơn không hiệu quả, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về các loại thuốc đã được chứng minh là giúp tóc mọc lại.

7. Rụng tóc khi nào cần đi khám?

Nếu thấy dấu hiệu tóc rụng đột ngột, cần thăm khám tại các cơ sở y tế. Rụng tóc đột ngột có thể là dấu hiệu của một bệnh lý tiềm ẩn như bệnh tuyến giáp, bệnh hắc lào, mãn kinh hoặc mang thai. Rụng tóc cũng có thể là dấu hiệu phản ứng với thuốc điều trị ung thư, huyết áp cao, viêm khớp, trầm cảm hoặc các vấn đề về tim.

Nếu đang rụng tóc và có bất kỳ lo lắng nào về nó, hãy liên hệ với bác sĩ da liễu. Rụng tóc có thể là vĩnh viễn, vì vậy bắt đầu điều trị càng sớm thì càng có nhiều khả năng mang lại kết quả tốt hơn.

Rụng tóc rất phức tạp và thường có sự kết hợp của nhiều nguyên nhân. Bác sĩ da liễu sẽ kiểm tra da đầu, da và móng tay, và có thể làm xét nghiệm máu hoặc sinh thiết để giúp chẩn đoán vấn đề và lập kế hoạch điều trị.

Mời xem thêm video đang được quan tâm:

10 điều F0 "Không" cần nhớ với điều trị F0 tại nhà

Từ khóa » Tiêm Biotin Mọc Tóc Có Hiệu Quả Không