Bổ Sung Chức Danh Tư Pháp Cán Bộ điều Tra Trong Tố Tụng Hình Sự

Để giải quyết các vụ án hình sự, Nhà nước giao cho các cơ quan có thẩm quyền là Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án áp dụng các biện pháp tố tụng, xử lý người phạm tội. Tuy nhiên tương ứng với mỗi cơ quan nói trên phải có những người tiến hành tố tụng để thực hiện chức năng, nhiệm vụ tố tụng tương ứng của các cơ quan tố tụng này. Trước thực tiễn đó, tại BLTTHS năm 2015 đã bổ sung thêm một số chức danh tư pháp mới: Kiểm tra viên, Thẩm tra viên và “Cán bộ điều tra” là những người tiến hành tố tụng với quyền hạn và trách nhiệm tương ứng.

Việc bổ sung này trước hết xuất phát từ những đòi hỏi của thực tiễn tố tụng giải quyết vụ án, khi những người này phải tiến hành tố tụng nhưng không có chức danh và vị trí tố tụng tương ứng dẫn đến tình trạng: Những người trên không được quy định là người tiến hành tố tụng với các quyền và trách nhiệm tương ứng nên hoạt động của họ không có cơ sở pháp lý mặc dù sự tham gia của những người này trong quá trình tố tụng là cần thiết, mang tính tất yếu; khi tiến hành tố tụng họ hoạt động dưới danh nghĩa của người tiến hành tố tụng nên về nguyên tắc người tiến hành tố tụng phải chịu trách nhiệm về hành vi do họ tiến hành, điều này không phù hợp với nguyên tắc bảo đảm pháp chế trong tố tụng hình sự và nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; mặt khác triển khai thực hiện Hiến pháp năm 2013, Luật tổ chức Tòa án năm 2014 và Luật tổ chức VKSND năm 2014 đã quy định những chức danh này trong hệ thống các chức danh của Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân nên đòi hỏi phải bổ sung các chức danh trên cho phù hợp với các Luật tổ chức ban hành.

Những sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của những người tiến hành tố tụng trong BLTTHS năm 2015 được quy định từ Điều 36 đến Điều 38 và Điều 41 đến Điều 48, trong đó, Điều 38 quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của “Cán bộ điều tra” của Cơ quan điều tra như sau: Cán bộ điều tra thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây theo sự phân công của Điều tra viên:

– Ghi biên bản lấy lời khai, ghi biên bản hỏi cung và ghi các biên bản khác khi Điều tra viên tiến hành kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm và điều tra vụ án hình sự;

– Giao, chuyển, gửi các lệnh, quyết định và các văn bản tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này;

– Giúp Điều tra viên trong việc lập hồ sơ giải quyết nguồn tin về tội phạm, hồ sơ vụ án và thực hiện hoạt động tố tụng khác.

Cán bộ điều tra phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên về hành vi của mình.

Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phù hợp với quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 Cán bộ điều tra là người tiến hành tố tụng, Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015 đã bổ sung quy định cụ thể tại Điều 59 về tiêu chuẩn bổ nhiệm, việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cấp, thu hồi Giấy chứng nhận cán bộ điều tra, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Cán bộ điều tra.

Theo đó, Cán bộ điều tra thuộc các Cơ quan điều tra chuyên trách là người có đủ Luật định, có thể được bổ nhiệm để giúp Điều tra viên thực hiện một số hoạt động điều tra hình sự như: Lấy lý lịch bị can, chụp ảnh bị can, chi bản, lập hồ sơ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm…Là cán bộ kiêm nhiệm, được giao nhiệm vụ giúp Thủ trưởng cơ quan tiến hành một số hoạt động điều tra, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của BLTTHS và Luật tổ chức cơ quan điều tả hình sự. Cán bộ điều tra thuộc cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều ra do Thủ trưởng cơ quan phân công theo từng vụ, việc…Cụ thể:

Cán bộ điều tra thuộc Cơ quan điều tra được quy định như sau:

– Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 5 Điều 46 của Luật này có thể được bổ nhiệm làm Cán bộ điều tra để giúp Điều tra viên thực hiện một số hoạt động điều tra hình sự;

– Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cấp, thu hồi Giấy chứng nhận Cán bộ điều tra thuộc Công an nhân dân do Bộ trưởng Bộ Công an quy định, thuộc Quân đội nhân dân do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định, ở Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định;

– Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và Luật này.

Khi tiến hành điều tra vụ án, Thủ trưởng cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phân công người thuộc cơ quan, đơn vị làm Cán bộ điều tra giúp mình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn Điều tra theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật này. Cán bộ điều tra thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật này.

Cán bộ điều tra chịu trách nhiệm trước Điều tra viên, Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Thủ trưởng cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình./.

Ngân Hà

Từ khóa » Các Chức Danh Tư Pháp Là Gì