Bờ Tre 'chứng Nhân' Của đoàn Tụ Và Chia Ly - PLO

Những hàng tre dài hun hút dọc theo con đường làng là hình ảnh để nhớ, để trở về sau bao năm bôn ba. Tre là gốc, là rễ, là cội nguồn.

Thương nhớ con đường làng rợp bóng tre

Bao năm, hàng tre dẫu có bị chặt phá vẫn luôn hiển hiện trong tâm trí của những người con xa xứ. Bụi tre già ở góc làng là chứng nhân của bao cuộc chia ly để rồi người ở lại ngóng trông đến héo hắt với lời hẹn thề còn thì thầm đâu đó.

Bên bụi tre, mẹ già tiều tụy mòn mỏi đợi bóng hình con suốt mấy mươi năm, dẫu quê hương đã im tiếng súng. Ở đó, cũng là nơi lũ trẻ chúng tôi thường ùa ra hò reo đón má đi chợ về...

Bụi tre già đầu làng. Ảnh: TRI TRẦN

Giá trị của cây tre thì ai cũng biết, là nguyên vật liệu làm đủ mọi thứ vật dụng, trang trí từ bình dân đến cao cấp…

Mỗi giai đoạn cây tre đều có giá trị kinh tế riêng của nó, giá ngày càng đắt đỏ, trong khi những bụi tre đã lụi tàn theo thời gian do không còn nhiều người quan tâm chăm sóc và trồng mới. Tuy nhiên, hơn hết là giá trị về thời gian, về lịch sử, về văn hóa… của người dân phía sau lũy tre làng.

Người xưa quý cây tre lắm, chắt chiu gầy từng búp măng. Trong làng có người ăn cắp, ăn trộm quen tay bị cho là đồ “trộm chó bẻ măng” hay “bắt gà bẻ măng”, tiếng xấu cả đời.

Giàn tre gắn với ký ức tuổi thơ của nhiều người.

Ngày bé, nội thường răn dạy con cháu: “bẻ măng là hại trẻ em”. Ý ông là dù có đói đến mấy cũng không bẻ măng ăn mà phải bảo vệ để lớn thành tre, thành lũy chở che những phận người, làng mạc trong mùa mưa lụt.

Chặt một cây tre là phải trồng lại thêm một bụi, dù không ai nhắc, trừng phạt gì nhưng sinh ra và lớn lên ở vùng này, họ tự khắc biết cách chống chọi với thời tiết khắc nghiệt.

“Nhất chặt tre, nhì ve gái”, câu của người xưa đại ý là chặt tre khó, còn chuyện tán gái có khó mấy cũng chỉ đứng sau. Nghe có vẻ hài hước lại chẳng ăn nhập gì nhưng có lý quá đi chứ, để chặt được một cây tre, người chặt phải rong gai, dọn sạch mới vào được bên trong.

Ấy là chưa kể phải chặt một cây nằm giữa bụi tre lớn, xong rồi phải kéo ra róc gai rồi vác nguyên cây về mất khá nhiều thời gian và công sức.

Vì khó quá nên thanh niên trai tráng to khỏe trong làng bây giờ hiếm người biết chặt tre, nói chính xác hơn là không mấy ai chọn việc khó để làm - một loại “bệnh” mà giới trẻ hiện nay thường mắc.

Thưa dần những hàng tre

Nói lâu chớ cũng chưa lâu lắm, chừng chục năm về trước, nhà trong làng có đám cưới hỏi thì đàn ông, thanh niên trong xóm xúm lại, người đi chặt tre, người chẻ lạt, người dựng rạp, trang trí…

Bóng tre rợp mát con đường làng

Đàn bà, con gái thì lo chuyện xay bột, gói bánh, bếp núc… Tre dùng để làm lạt phải là tre tốt, đủ tuổi mới đảm bảo được độ bền dưới nắng mưa.

Sau đám tiệc, rạp chỉ dở bỏ xung quanh, còn bên trên được tận dụng làm mát sân hoặc vun đất gieo ít hạt bầu, dây bí, thả lên trên vài nhành tre là có cái ăn quanh năm.

Bây giờ chỉ cần ới một tiếng, nhà rạp mang đến dựng, nhanh chóng, tiện lợi mà không kém sang trọng nhưng vẫn thích những cái rạp được che chắn bằng tre, dễ thương, mộc mạc và ý nghĩa.

Hồi còn tiểu học, thay vì tham gia phong trào kế hoạch nhỏ bằng ve chai thì chúng tôi mang mỗi đứa một ít (thân tre hay gai tre gì cũng được) đến nộp cho trường.

Hàng rào của trường học lúc bấy giờ không có tường bê tông mà được dựng lên bằng gai tre, trụ rào là tre đực, nẹp là thanh tre được chẻ mỏng, dây cột cũng bằng lạt tre.

Để có được một bó chà tre mang đến, ở tuổi lên bảy, lên tám chúng tôi khá vất vả. Đó cũng là bài học về giá trị sức lao động mà chúng tôi lĩnh hội từ rất sớm.

Cứ chiều chiều, sau khi lo việc ruộng vườn xong, người lớn vác rựa rảo quanh mấy bụi tre quanh nhà để thăm, phát hiện có măng thì dùng gai bao quanh để hạn chế kẻ xấu vào bẻ trộm.

Làng quê yên bình, hiếm khi bị trộm vặt nhưng vì quý từng búp măng non, đề phòng vẫn hơn.

Bên cạnh gìn giữ những bụi tre già cỗi, người trong làng còn trồng thêm tre mới vừa có tre để làm bao việc vừa bảo vệ đất, tránh xói mòn. Tuy nhiên, lớp cha ông lần lượt ra đi, lớp trẻ giờ chẳng mấy ai mặn mà việc trồng tre.

Cũng vì thế mà những bụi tre già không những không được chăm sóc, rong gai mà còn bị đốt trụi cho… thoáng.

Lần về ngang những hàng tre rợp bóng mát ngày nào nay bị trơ trụi, xác xơ, thấy mà tiếc hùi hụi.

Tre chặt xuống chờ chở đi bán.

Chiều nay, áp thấp nhiệt đới vào Sài Gòn, lá cây rơi đầy đường khiến tôi nhớ đến quay quắt tiếng lá tre khô xào xạc trong gió, nhớ âm thanh kèn kẹt từ những thân tre chạm vào nhau.

Xa quê bao năm, dẫu có cứng rắn, chai sạn cảm xúc thế nào, chỉ một âm thanh, hình ảnh nào đó gợi nhắc là nỗi nhớ quê như cực ùa về. Ở đó có những con đường làng rợp bóng tre, có tiếng ầu ơ bên cánh võng…

Ngửa cổ hái bông, nhớ câu hát 'dàn thiên lý đã xa...'
(PLO)- Dây thiên lý nhắc tôi nhớ ngôi nhà xưa. Căn nhà nhỏ cả tuổi thơ vẫn tưởng còn nguyên đó, sao hồn về đâu... TRI TRẦN Theo dõi Báo Pháp Luật Tp HCM trên Google News

Từ khóa » Bụi Tre Làng