Bọ Xít Muỗi-dịch Hại Mới Phát Triển Gây Hại Bưởi Da Xanh

Bọ xít muỗi-dịch hại mới phát triển gây hại bưởi da xanh

Ngày đăng: 06-10-2017 | Chuyên mục: Cây bưởi da xanh | Tác giả: KS. Huỳnh Hữu Đoàn - Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Châu Thành

Những năm gần đây cây bưởi Da xanh được xác định là cây ăn quả có kinh tế cao trong nhóm cây ăn quả đặc sản của tỉnh, do đó diện tích trồng bưởi Da xanh tăng nhanh trên diện rộng, từ đó dịch hại trên cây bưởi diễn biến phức tạp khó lường. Điều đáng quan tâm hơn là bọ xít muỗi trước đây được xem là dịch hại chính của cây điều, cây ca cao, cây ổi nhưng thời gian gần đây mức độ gây hại của chúng ngày càng tăng và lan rộng trong các vùng trồng bưởi Da xanh chuyên canh làm ảnh hưởng năng suất, giảm giá trị thương phẩm và tăng chi phí sản xuất của nông dân trồng bưởi. Vì thế, nông dân cần quan tâm theo dõi đối với dịch hại này trong canh tác bưởi Da xanh nhằm giảm thiệt hại do chúng gây ra. Đây là đối tượng dịch hại đa số nông dân trồng bưởi chưa nhận biết nên biện pháp quản lý thường không đạt hiệu quả cao. Đặc điểm hình thái và sinh học Bọ xít muỗi (Helopeltis sp.) thuộc họ Miridae, bộ Cánh nửa (Hemiptera) trưởng thành giống con muỗi lớn, miệng kiểu vòi chích hút. Thân màu xanh lá mạ, con cái dài 4-5 mm, con đực nhỏ hơn, đầu màu nâu và có các vệt, dải màu vàng, mắt màu nâu đen. Râu đầu dài màu nâu, đốt cuống râu to và dài hơn đốt roi râu, càng về cuối đốt roi râu càng nhỏ có màu nâu sẫm hơn. Trên lưng có một chùy nhỏ nhô lên giống như cây kim nhưng phần đỉnh chùy có hình tròn và nhìn thẳng từ trên xuống núm chùy có hình tròn. Phần bụng màu xanh lá mạ đến màu xanh lá cây.

Trứng bọ xít muỗi rất nhỏ, thường đẻ rải rác hoặc từng cụm 2-4 trứng trên trái non hoặc trên gân lá, trứng đẻ sâu trong biểu bì có hình bầu dục, màu trắng trong phía đầu nhỏ của trứng có 2 sợi lông dài lộ ra ngoài mô cây, khi trứng sắp nở có màu vàng cam. Ấu trùng có 5 tuổi, hình thái gần giống trưởng thành, di chuyển chậm. Khi mới nở có màu vàng ánh, cơ thể có nhiều lông, tuổi 2, 3, 4, 5 có màu xanh vàng. Tuổi 5 cơ thể dài 4,3-5 mm. Hai mắt màu đỏ, chùy và mầm cánh màu vàng phía cuối có viền đen, mầm cánh phủ hết đốt bụng thứ 4.

Vòng đời của bọ xít muỗi từ 27-45 ngày tùy vào nhiệt độ và môi trường sống của chúng. Triệu chứng gây hại: Bọ xít muỗi gây hại từ giai đoạn ấu trùng cho đến lúc trưởng thành, chúng dùng vòi chích vào các mô non trên gân lá non, chồi non, trái non để hút nhựa. Vết chích trên các chồi non thường có hình bầu dục và vết chích khá lớn, nếu chồi bị nhiều vết chích sẽ héo và chết khô. Vết chích trên trái lúc đầu tạo ra một vòng tròn mờ như có vết dầu loang và có lớp nhầy sau đó chuyển sang màu nâu nhạt đến đậm, cuối cùng thành vết sẹo tròn màu nâu trông như bệnh ghẻ nhám. Trên trái bưởi bị hại nhẹ thì ngay các vết sẹo kém phát triển hơn các phần trái bình thường, nên các vết sẹo có khuynh hướng bị lõm xuống làm trái bưởi bị dị dạng, giảm giá trị thương phẩm, dễ tạo điều kiện cho vi sinh vật hại xâm nhập. Đối với bưởi da xanh, chúng tôi ghi nhận bọ xít muỗi gây hại trên trái non cao hơn trên lá non và chồi.

Triệu chứng bọ xít muỗi hại trái bưởi.

Điều kiện phát sinh, phát triển Trong vùng trồng bưởi lại có xen các vườn trồng ca cao, mận hoặc trồng ổi xen với bưởi Da xanh đây cũng là những cây ký chủ của bọ xít muỗi, tạo nên nguồn thức ăn của chúng dồi dào và hiện diện quanh năm, là điều kiện rất tốt cho chúng phát triển mạnh khi gặp điều kiện thuận lợi lây lan gây hại bưởi. Bọ xít muỗi hoạt động vào sáng sớm hoặc chiều tối, hoạt động mạnh sau mưa, trời âm u chúng hoạt động cả ngày, buổi trưa trời nắng ít hoạt động ẩn nấp trong tán lá. Thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều (nhiệt độ 20-290C, ẩm độ trên 85%) và vườn bưởi trồng dày có nhiều bóng râm mát, thích hợp cho bọ xít muỗi phát triển. Biện pháp quản lý - Cắt tỉa bỏ cành nhánh không cần thiết cho vườn thông thoáng. - Không trồng những cây là ký chủ phụ của bọ xít muỗi trong vườn. - Bảo vệ thiên địch của bọ xít muỗi: nhện, chuồn chuồn, bọ ngựa, bọ rùa, đặc biệt là kiến vàng. - Phun thuốc bảo vệ thực vật khi cây ra lá non, chồi non mới nhú hoặc phát hiện trái non có nhiều vết chấm li ti. Nên chọn những loại thuốc trừ sâu ít độc với thiên địch hoặc phun chế phẩm Nấm xanh. - Bọ xít muỗi là đối tượng gây hại rất khó phòng trị, do đó để áp dụng thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả nên phun thuốc vào chiều mát hay sáng sớm là thời điểm bọ xít muỗi tập trung gây hại, ít di chuyển sẽ hiệu quả hơn. Chú ý: Nên tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Từ khóa » Bọ Xanh Nhỏ