Bộ Y Tế Ban Hành "Hướng Dẫn điều Trị Và Chăm Sóc HIV/AIDS”.

Ngày 20/11/2020, Bộ Y tế đã ban hành quyết định số: 5456/QĐ-BYT về việc ban hành “Hướng dẫn điều trị và chăm sóc HIV/AIDS”. Hiện nay, điều trị HIV/AIDS bằng thuốc kháng vi rút HIV (ARV) là một trong những biện pháp quan trọng và hiệu quả nhất để phòng, chống HIV/AIDS. Điều trị ARV giúp người bệnh nâng cao sức khỏe, giảm tử vong và giảm lây nhiễm HIV cho người khác trong cộng đồng. Điều trị HIV/AIDS được bắt đầu triển khai tại Việt Nam từ năm 2000. Cả nước hiện có trên 142.000 người nhiễm HIV đang điều trị bằng thuốc ARV, chiếm khoảng 70% số người nhiễm HIV đã được phát hiện đang còn sống. Việt Nam là một trong những quốc gia có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt hàng đầu thế giới. Kết quả xét nghiệm tải lượng vi rút 9 tháng đầu năm 2019 của gần 70.000 bệnh nhân đang điều trị ARV trên toàn quốc cho thấy 96% bệnh nhân có tải lượng vi rút HIV dưới ngưỡng ức chế (dưới 1.000 bản sao/ml máu) và 95% có tải lượng vi rút HIV dưới ngưỡng phát hiện (200 bản sao/ml máu). Bằng chứng khoa học trên thế giới cho thấy người nhiễm HIV tuân thủ điều trị thuốc ARV đúng theo hướng dẫn của thày thuốc, có tải lượng vi rút HIV dưới ngưỡng phát hiện thì không thể lây HIV cho người khác qua con đường tình dục (Không phát hiện = Không lây nhiễm).

Trong những năm qua, Bộ Y tế đã thường xuyên cập nhật “Hướng dẫn điều trị và chăm sóc HIV/AIDS” kịp thời theo các khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới. Hướng dẫn mới này được ban hành kèm theo Quyết định số 5456/QĐ-BYT ngày 20/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Tại Hướng dẫn này, phác đồ điều trị thuốc ARV được lựa chọn theo hướng tối ưu hóa, hiệu quả ức chế HIV cao, hàng rào kháng thuốc cao, ít tác dụng phụ và ít tương tác thuốc. Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) được cập nhật theo hướng đa dạng phác đồ điều trị, đa dạng mô hình điều trị phù hợp với những người sử dụng dịch vụ. Điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, điều trị lao tiềm ẩn ở người nhiễm HIV, điều trị các bệnh đồng nhiễm với HIV và các sáng kiến mới trong điều trị HIV/AIDS như điều trị ARV nhanh, điều trị ARV trong ngày, cấp phát thuốc ARV nhiều tháng… cũng được cập nhật trong Hướng dẫn này.

Tại Hướng dẫn mới này, Bộ Y tế đã giới thiệu cách tư vấn, xét nghiệm và chẩn đoán HIV; điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV); Sử dụng thuốc kháng vi rút để điều trị dự phòng lây nhiễm HIV; Dự phòng bệnh lao, điều trị dự phòng một số bệnh nhiễm trùng cơ hội thường gặp và tiêm chủng; tiếp cận hội chứng lâm sàng, chẩn đoán và điều trị một số bệnh phối hợp thường gặp; quản lý đồng nhiễm viêm gan/HIV; phòng ngừa và kiểm soát các bệnh không lây nhiễm ở người nhiễm HIV; cải thiện chất lượng điều trị HIV/AIDS, chăm sóc tại nhà, tại cộng đồng và các biện pháp can thiệp dự phòng cho người nhiễm HIV; quản lý trẻ vị thành niên nhiễm HIV...

Trong hướng dẫn của Bộ Y tế, mọi hình thức tư vấn xét nghiệm HIV đều phải tuân thủ 5 nguyên tắc sau: Đồng thuận, Bảo mật, Tư vấn, Chính xác, Kết nối với chăm sóc, điều trị. Đồng thuận: Khách hàng cần được thông báo khi XN HIV và chỉ thực hiện khi họ đồng ý (trừ trường hợp xét nghiệm HIV bắt buộc). Bảo mật: Đảm bảo bí mật thông tin của người được tư vấn và xét nghiệm HIV. Tư vấn: Tất cả các trường hợp làm xét nghiệm HIV đều phải được cung cấp đầy đủ thông tin trước xét nghiệm và tư vấn sau xét nghiệm. Chính xác: Các cơ sở xét nghiệm thực hiện nghiêm ngặt quy trình thực hành chuẩn về xét nghiệm HIV và áp dụng phương cách xét nghiệm quốc gia, đảm bảo tính chính xác của kết quả xét nghiệm. Kết nối với chăm sóc, điều trị và dự phòng: Người được chẩn đoán khẳng định nhiễm HIV cần được kết nối ngay với chăm sóc, điều trị và dự phòng. Người không nhiễm HIV nhưng vẫn có hành vi nguy cơ nhiễm HIV được kết nối với can thiệp dự phòng để không nhiễm HIV.

Các trường hợp cần được tư vấn xét nghiệm HIV, gồm: Người có hành vi nguy cơ nhiễm HIV: tiêm chích ma túy, bán dâm, quan hệ tình dục đồng giới, chuyển giới, người có quan hệ tình dục không an toàn với người sử dụng ma túy. Người mắc một số bệnh như lao, bệnh lây truyền qua đường tình dục, viêm gan C. Người bệnh được khám lâm sàng và cận lâm sàng, nhưng không phát hiện được nguyên nhân gây bệnh hoặc có các triệu chứng gợi ý nhiễm HIV. Phụ nữ mang thai. Vợ/chồng/con của người nhiễm HIV; anh chị em của trẻ nhiễm HIV, người phơi nhiễm với HIV. Các trường hợp khác có nhu cầu.

Từ khóa » Chẩn đoán Hiv Bộ Y Tế