Bơi Việt Nam Thời “hậu” Ánh Viên - PLO

Ngay thời điểm huyền thoại bơi lội nữ Việt Nam (VN) Nguyễn Thị Ánh Viên (kình ngư đoạt nhiều huy chương SEA Games nhất, 25 HCV) tuyên bố giải nghệ đã dấy lên những ưu tư về trọng trách “vàng” của bơi lội VN. Từ mục tiêu 10 HCV, bơi VN buộc phải hạ chỉ tiêu xuống 6 HCV tại SEA Games 31.

Nếu như ở các môn khác thường lấy “nữ làm chủ công” thì các kình ngư VN có thể tự hào khi 11 chiếc HCV ở kỳ đại hội lần này đều do các VĐV nam giành được. Nổi bật nhất trong số này là 4 HCV cá nhân và hai kỷ lục của kình ngư Nguyễn Huy Hoàng, Trần Nguyên Hưng (3 HCV, một kỷ lục), Phạm Thanh Bảo (2 HCV, một kỷ lục), cùng với đó là 2 HCV nội dung tiếp sức tự do nam.

Đặc biệt, sau gần hai thập niên bơi lội Đông Nam Á chứng kiến sự thống trị của Singapore, các cự ly tiếp sức đã bắt đầu dịch chuyển bởi sự vươn lên của các chàng trai VN.

Bộ tứ 4x200 m tự do nam khiến Shooling và các đồng đội Singapore phải ngước nhìn những nhà tân vô địch sở hữu kỷ lục SEA Games mới. Ảnh: ANH PHƯƠNG

Bộ tứ 4x200 m tự do nam khiến Shooling và các đồng đội Singapore phải ngước nhìn những nhà tân vô địch sở hữu kỷ lục SEA Games mới. Ảnh: ANH PHƯƠNG

Đáng chú ý, đây cũng là kỳ SEA Games đầu tiên các nam kình ngư VN vượt mặt Joseph Schooling và các đồng đội trên bình diện đoạt HCV, khi tỉ lệ chiến thắng giữa hai nền bơi lội mạnh nhất khu vực là 11-9 nghiêng về phía VN.

Nếu bỏ qua chiếc HCV 4x100 m tự do “từ trên trời rơi xuống” do Singapore, Malaysia cùng phạm quy, chức vô địch cùng một kỷ lục SEA Games mới ở cự ly 4x200 m tự do tiếp sức nam, do bộ tứ Huy Hoàng - Quý Phước - Hưng Nguyên - Kim Sơn thực hiện được, đã phần nào phá vỡ sự độc tôn của bơi lội Singapore ở đấu trường khu vực.

Cùng với sự khẳng định tên tuổi của các kình ngư đàn anh, VĐV 16 tuổi Nguyễn Quang Thuấn (em trai của Ánh Viên) cũng khẳng định được tài năng của mình bằng chiếc HCB cự ly 400 m hỗn hợp ngay trong lần đầu tiên em tham dự SEA Games. Cùng với đó là sự lóe sáng của “sao hôm” 17 tuổi Hồ Nguyễn Duy Khoa ở cự ly 200 m bướm nam. Duy Khoa liên tục bám đuổi các đối thủ ở

150 m đầu nhưng tiếc là em đã “hụt” huy chương do thiếu độ bền lẫn sức rướn những mét cuối.

Trong thời gian chờ những tài năng nữ “chín muồi” thời kỳ “hậu” Ánh Viên, bơi lội VN đã có thể yên tâm với đội hình nam đầy tài năng đang được đầu tư đúng hướng.•

Ngày thi đấu 21-5

Trong ngày thi đấu áp chót, còn đến 13 môn thi đấu có trao huy chương.

Môn đua xe đạp đường trường tại Hòa Bình, các tuyển thủ Phan Hoàng Thái, Nguyễn Hoàng Sang, Huỳnh Thanh Tùng và Nguyễn Tuấn Vũ dự tranh duy nhất bộ huy chương nội dung xuất phát đồng hàng nam, lộ trình dài 180 km.

Môn quần vợt ở Bắc Ninh, VN còn duy nhất hai tay vợt tranh vé vào chung kết nội dung đơn nam. Đương kim vô địch đồng thời là hạt giống số 1 Lý Hoàng Nam sẽ đối đầu với đối thủ số 4 Charoenphon (Thái Lan), trong khi Trịnh Linh Giang tranh vé đi tiếp với Sadettan (Lào).

Lúc 19 giờ trên sân Cẩm Phả diễn ra trận chung kết bóng đá nữ giữa tuyển VN gặp kỳ phùng địch thủ Thái Lan.

Môn bóng ném ở Bắc Ninh (lúc 15 giờ và 17 giờ), hai trận tranh HCV của đội tuyển nam và nữ VN đều đụng độ các đội bóng của Thái Lan.

Ngoài ra, các VĐV VN còn có thể giành thêm các HCV ở các môn cử tạ, judo, cầu mây, bắn súng, vovinam cùng hai môn mới khởi tranh gồm lặn và aerobic.

MINH QUANG - DUY KHANG Theo dõi Báo Pháp Luật Tp HCM trên Google News

Từ khóa » đại úy ánh Viên