Bốn Sai Lầm Cha Mẹ Còn Mắc Phải Khi Chăm Sóc Trẻ F0 Tại Nhà

Bốn sai lầm cha mẹ còn mắc phải khi chăm sóc trẻ F0 tại nhà - Ảnh 1.

Nhiều F0 mới chỉ học tiểu học được các tình nguyện viên hướng dẫn sử dụng kit xét nghiệm và liều lượng, thời gian uống thuốc - Ảnh: HÀ QUÂN

Thời gian gần đây, số ca mắc COVID-19 mới trong cả nước tăng cao, số bệnh nhi mắc COVID-19 cũng gia tăng theo. Tổng số trẻ mắc COVID-19 ghi nhận chính thức đến nay là hơn 2 triệu ca.

Theo thống kê công bố trong Hội nghị tổng kết công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em/chăm sóc sức khỏe sinh sản năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022, riêng tại Bệnh viện Nhi trung ương trong năm 2021 số trẻ từ 0-16 tuổi mắc COVID-19 là 59 ca, từ tháng 1 đến đầu tháng 3-2022 ghi nhận 4.690 ca.

Trong đó, trẻ từ 12-15 tuổi mắc COVID-19 ở mức cao chiếm 35,6% (2021) và 45,9% (2022). Số trẻ em nhập viện điều trị là 233 ca, chiếm 4,9%. Khi trẻ mắc COVID-19 thường sốt, khò khè, quấy khóc, nhiều trường hợp cha mẹ bối rối không biết cách xử trí.

Theo TS.BS Nguyễn Thành Nam - giám đốc Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai, những sai lầm mà phụ huynh thường mắc phải khi hạ sốt cho trẻ mắc COVID-19 gồm:

Thứ nhất, nhiều phụ huynh lo lắng sau khi trẻ uống thuốc hạ sốt vẫn không hết sốt. Sau khi dùng một loại thuốc hạ sốt không thấy trẻ hạ sốt liền cho trẻ uống thêm hạ sốt hoặc dùng loại hạ sốt khác.

Bác sĩ Nam khuyến cáo: "Đây là cách hạ sốt sai lầm mà nhiều phụ huynh gặp phải. Chăm sóc trẻ sốt do COVID-19 không nên hoảng loạn đi tìm thêm thuốc này, thuốc kia, mà tuân thủ đúng liều lượng chỉ định độ tuổi, cân nặng, thời gian uống của nhà sản xuất. Có những trẻ sau khi uống thuốc hạ sốt 30 phút đã hạ, tuy nhiên có những trẻ 1 tiếng mới hạ".

Thứ hai là nhiều phụ huynh lo lắng con mình có tiền sử sốt cao co giật. Về vấn đề này, bác sĩ Nam nhận định trẻ bình thường, 38,5 độ là uống thuốc thì trẻ có tiền sử sốt cao co giật thấy trẻ sốt 38 độ, phụ huynh nên uống hạ sốt luôn. Nếu trẻ không sốt cao quá thì sẽ không giật.

Với trẻ dưới 7 tuổi từng sốt cao co giật nên chuẩn bị đủ thuốc uống, thuốc nhét hậu môn, cặp nhiệt độ và cần theo dõi sát trẻ.

Thứ ba là cha mẹ không bù nước cho trẻ. Trẻ sốt cao cần bù nước, nhiều phụ huynh bỏ qua việc bù nước cho trẻ.

Cha mẹ nên pha toàn bộ 1 gói bột oresol với chính xác lượng nước đun sôi để nguội theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Cho trẻ uống thìa hoặc chén nhỏ rải đều trong ngày. Mỗi gói khi pha chỉ sử dụng trong ngày, không nên dùng loại đóng chai pha sẵn.

Thứ tư là ủ trẻ quá kín. Đây cũng là một trong những sai lầm mà phụ huynh thường mắc phải. Khi sốt, thân nhiệt của trẻ tăng cao, phụ huynh nên mặc thoáng cho trẻ để hạ sốt. Dùng khăn ấm (không dùng khăn lạnh) chườm vùng nách, bẹn, bỏ bỉm cho trẻ.

Bác sĩ Nam khuyến cáo khi trẻ bắt đầu có một số biểu hiện bất thường như sốt cao liên tục trên 39 độ C, khò khè, khó thở, ngủ li bì, khó đánh thức, co giật kèm tay chân lạnh, nôn hết những gì đã bú hoặc ăn, mỏ ác phồng cao, cổ cứng, xuất huyết, bỏ bú, tiêu chảy... cần chủ động đưa trẻ đến bệnh viện.

Theo hướng dẫn của Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi trung ương và Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam trong "Sổ tay chăm sóc trẻ em mắc COVID-19 tại nhà", thuốc hạ sốt dùng cho trẻ có thể dùng Paracetamol hay Actaminophen dạng viên nén, viên sủi, gói bột pha, viên đặt hậu môn.

Đối với trẻ nhỏ nên chuẩn bị viên hạ sốt đặt hậu môn để sẵn trong tủ lạnh. Liều dùng 10-15mg/kg/lần (cận nặng x 10 hoặc 15 = số mg), cách mỗi 4-6 giờ nếu sốt lại. Không dùng liều thấp hoặc cao hơn. Tổng liều tối đa với trẻ không quá 4.000mg/ngày (với trẻ lớn, thừa cân, béo phì) và 60mg/kg/ngày (với trẻ nhỏ).

Theo thống kê của Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) tính từ 27-4-2021 đến nay, cả nước có tổng 7.443.616 ca mắc COVID-19.

Trong đó trẻ từ 13 tuổi đến 17 tuổi là 468.947 ca, chiếm 6,3%. Trẻ dưới 6 đến 12 tuổi là 915.564 ca, chiếm 12,3%. Trẻ từ 3-5 tuổi là 275.413 ca, chiếm 3,7%. Trẻ từ 0-2 tuổi là 401.955 ca, chiếm 5,4%.

Tổng số trẻ dưới 18 tuổi mắc COVID-19 là hơn 2.061.880 trẻ.

Tại Hà Nội, tính từ 27-4-2021 đến nay ghi nhận 33.380 ca mắc là trẻ từ 13-17 tuổi, chiếm 4,3%. Trẻ từ 6-12 tuổi là 84.615 ca, chiếm 10,9%. Trẻ từ 3-5 tuổi là 29.498 ca, chiếm 3,8%. Trẻ từ 0-2 tuổi là 135.073 ca, chiếm 17,4%.

Tổng số ca trẻ dưới 18 tuổi mắc COVID-19 riêng tại Hà Nội là hơn 282.560 trẻ.

Theo thống kê công bố trong Hội nghị tổng kết công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em/chăm sóc sức khỏe sinh sản năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022, tại Bệnh viện Nhi trung ương trong năm 2021 số trẻ từ 0-16 tuổi mắc COVID-19 là 59 ca, từ tháng 1 đến ngày 10-3-2022 ghi nhận 4.690 ca.

Trong đó, trẻ từ 12-15 tuổi mắc COVID-19 ở mức cao chiếm 35,6% (2021) và 45,9% (2022). Số trẻ em nhập viện điều trị là 233 ca, chiếm 4,9%.

Số ca trên hệ thống quản lý ca bệnh của Bộ Y tế, không bao gồm số mắc và tự theo dõi điều trị tại nhà.

Trẻ sốt do mắc COVID-19, phụ huynh nên làm gì? Trẻ sốt do mắc COVID-19, phụ huynh nên làm gì?

TTO - Hà Nội có số ca COVID-19 ở mức gần 3.000 trong suốt tuần qua. Số bệnh nhi tăng lên do nhiều gia đình có người lớn mắc COVID-19 thì trẻ em cũng dễ bị lây, trong đó triệu chứng thường gặp nhất là trẻ sốt.

Từ khóa » Chăm Sóc F0 Cho Trẻ Em