Bốn Trường Hợp Thường Bị Trục Xuất Khi đã Nhập Cảnh Hoa Kỳ

Luật Di Trú Hoa Kỳ là loại luật rất phức tạp, do đó, theo yêu cầu của đa số bạn đọc cần am tường và thấu hiểu về luật này, tòa soạn nhật báo Người Việt mời Luật Sư Darren Nguyễn Ngọc Chương của Tổ Hợp Luật Sư Nguyễn & Lưu, www.NguyenLuu.com, phụ trách mục “Tìm Hiểu Luật Di Trú,” đăng hằng tuần trên Người Việt. Luật Sư Darren Nguyễn Ngọc Chương là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất tại Orange County, California, được Luật Sư Đoàn Tiểu Bang California công nhận chuyên môn về ngành Luật Di Trú Hoa Kỳ. Hiện nay California có trên 266,000 luật sư nhưng chỉ có 228 luật sư có bằng chuyên môn về Luật Di Trú, trong số đó có Luật Sư Darren Nguyễn Ngọc Chương. Luật Sư Darren Nguyễn Ngọc Chương từng làm việc cho Sở Di Trú Hoa Kỳ (INS). Luật Sư Darren Nguyễn Ngọc Chương có nhiều kinh nghiệm trong việc thiết lập hồ sơ và bổ túc các tài liệu cần thiết để được Sở Di Trú chấp thuận.

Trục xuất tiếng Anh là “Removal,” và theo Điều Luật 237 thì “Removal Under Deportation Grounds” được áp dụng để trục xuất những người nào đã nhập cảnh Hoa Kỳ.

Loại trục xuất này có bốn trường hợp xảy ra thường xuyên. Trường hợp thứ nhất là ở Hoa Kỳ bất hợp pháp. Trường hợp thứ nhì là khai gian với Sở Di Trú để hưởng quyền lợi di trú. Trường hợp thứ ba là không làm đúng điều kiện mà người đó đã cam kết với Sở Di Trú. Trường hợp thứ tư là những người không phải công dân Hoa Kỳ bị kết án phạm hình luật.

Trường Hợp Thứ Nhất: Ở Hoa Kỳ bất hợp pháp, trường hợp này xảy ra rất nhiều. Theo luật di trú, ở Hoa Kỳ bất hợp pháp có rất nhiều trường hợp. Điển hình trong trường hợp du lịch, có người ở Hoa Kỳ quá thời hạn Sở Di Trú cho phép, hoặc người đó đi làm hay đi học trong khi giấy chiếu khán của người đó ở Hoa Kỳ là du lịch, và vì vậy tự động người đó trở thành lưu trú tại Hoa Kỳ bất hợp pháp. Điển hình khác là trong trường hợp du học, có người chỉ đi học được một hoặc hai mùa sau đó bỏ học, hoặc đi làm mà không có giấy phép do Sở Di Trú cấp.

Trường Hợp Thứ Hai: Khai gian với Sở Di Trú, hoặc tòa đại sứ, hoặc tòa lãnh sự Hoa Kỳ, để được hưởng quyền lợi về di trú. Điển hình trong trường hợp diện Public Interest Parole (thường được gọi là diện PIP). Những người con là công dân Hoa Kỳ bảo lãnh cho cha mẹ, khi cha mẹ được đi Hoa Kỳ, những người con còn ở lại trên 21 tuổi được đi theo cha mẹ nếu chưa có gia đình.

Theo luật di trú, không có gia đình tức là không có vợ hoặc có chồng. Có những người khai với Sở Di Trú là họ không có vợ hoặc có chồng, sự thật người đó đã có gia đình nhưng giấu để được đi Mỹ theo cha mẹ. Mười năm sau khi vào Mỹ, được thẻ xanh, người đó lại bảo lãnh cho chồng hoặc cho vợ còn ở lại Việt Nam. Đương đơn dùng giấy hôn thú đã có trước khi qua Mỹ để nộp cho Sở Di Trú, vì họ nghĩ rằng chuyện đó đã quá lâu, và hồ sơ đó chính phủ Mỹ không còn lưu giữ lại.

Sau khi Sở Di Trú chấp thuận hồ sơ bảo lãnh và gửi hồ sơ cho lãnh sự phỏng vấn. Lãnh sự phát giác là người bảo lãnh đã có hôn thú trước khi nhập cảnh Hoa Kỳ, tòa lãnh sự sẽ chuyển những hồ sơ đó về Sở Di Trú để giải quyết. Khi nhận được những hồ sơ đó, Sở Di Trú bắt đầu tiến hành thủ tục trục xuất người đã làm đơn bảo lãnh cho vợ hoặc chồng ở Việt Nam.

Trường Hợp Thứ Ba: Không làm đúng điều kiện đã cam kết với Sở Di Trú. Trường hợp này tôi thấy xảy ra rất nhiều trong cộng đồng Việt Nam của chúng ta. Công dân Hoa Kỳ về Việt Nam để lập gia đình với một người ở Việt Nam, và sau đó làm đơn bảo lãnh người ấy qua Hoa Kỳ.

Theo luật di trú Hoa Kỳ, khi một công dân Hoa Kỳ bảo lãnh cho chồng hoặc vợ để được sang Mỹ, người được bảo lãnh phải chấp thuận điều kiện là chỉ có thẻ xanh tạm, có hiệu lực 2 năm thôi, khoảng 2 năm sau khi vào Hoa Kỳ, người công dân Hoa Kỳ cùng với người được bảo lãnh phải làm đơn để xin thẻ xanh vĩnh viễn.

Sở Di Trú chỉ cấp thẻ xanh nếu hai người vẫn còn hôn thú và vẫn còn chung sống với nhau như vợ chồng. Nếu khoảng 2 năm sau khi vào Hoa Kỳ, mà người được bảo lãnh không được người bảo lãnh làm đơn xin thẻ xanh vĩnh viễn, thì có thể sẽ bị trục xuất, ngoại trừ điều kiện đó được miễn.

Trường Hợp Thứ Tư: Trường hợp của những người nào không phải là công dân Hoa Kỳ và đã bị kết án phạm hình luật. Tôi đã thấy nhiều trường hợp, có những người bị cáo về hình luật, đã chấp nhận plea bargain (điều đình) với District Attorney, hoặc nhận tội, dù người đó có tội hay không, vì họ nghĩ rằng, ở tù vài tháng sau đó thêm vài năm tù treo là xong, họ muốn chấm dứt sự đối đầu với pháp luật, để bắt đầu lại cuộc đời. Nhưng thật ra chính vì những sự nhận tội cho xong đó, hoặc chấp nhận điều đình đó, lại có thể làm cho họ bị trục xuất.

Một phần trong Điều Luật 237 nói rằng, khi người thường trú nhân phạm tội Moral Turpitude (tạm dịch là Có Tính Cách Suy Đồi Đạo Đức) trong vòng 5 năm được sự thường trú và tội đó có thể bị án tù 1 năm trở lên thì sẽ bị trục xuất. Quý vị nên chú ý rằng “có thể bị án tù” 1 năm trở lên chứ không phải là “bị án tù” 1 năm trở lên. Nghĩa là dù rằng đương sự bị án 6 tháng nhưng tội đương sự phạm phải có thể bị phạt 1 năm tù trở lên, đương sự cũng sẽ bị trục xuất.

Một phần khác trong Điều Luật 237 nói rằng, nếu đương sự bị phạm hai tội có tính cách suy đồi đạo đức thì đương sự có thể bị trục xuất. Theo điều luật này, nếu đương sự phạm hai tội ăn cắp vặt sẽ bị trục xuất.

Một phần trong Điều Luật 237 nói rằng, nếu đương sự bị phạm tội được coi là aggravated felony thì sẽ bị trục xuất. Những tội được coi là aggravated felony là: 1) Murder (giết người), 2) rape (hãm hiếp), 3) ăn cướp và bị án trên một năm, 4) buôn lậu ma túy, 5) buôn lậu vũ khí, 6) những tội hành hung và bị án tù trên một năm, 7) những tội giả mạo chữ ký hoặc giấy tờ và bị án tù trên một năm, 8) những tội gian lận và sự thiệt thòi cho nạn nhân trên $10,000.

Những tội nêu trên chỉ là một phần của những tội có thể bị trục xuất và sự trình bày trên không bao gồm tất cả tội mà đương sự có thể bị trục xuất. Đương sự nên tham khảo với một luật sư thực thụ về luật di trú để biết rõ thêm.

Bản tin chiếu khán

Theo yêu cầu của quý bạn đọc, sau đây là bản thông tin chiếu khán cho Tháng Mười Hai, 2018.

Ưu tiên 1 – priority date là ngày 8 Tháng Tám, 2011, tức là ưu tiên được dành cho những người con trên 21 tuổi chưa có gia đình của công dân Hoa Kỳ.

Ưu tiên 2A – priority date là ngày 8 Tháng Mười, 2016, tức là ưu tiên được dành cho vợ, chồng, hoặc con độc thân dưới 21 tuổi của thường trú nhân.

Ưu tiên 2B – priority date là ngày 15 Tháng Hai, 2012, tức là ưu tiên được dành cho con độc thân trên 21 tuổi của thường trú nhân.

Ưu tiên 3 – priority date là ngày 1 Tháng Tám, 2006, tức là ưu tiên được dành cho con đã có gia đình của công dân Hoa Kỳ.

Ưu tiên 4 – priority date là ngày 22 Tháng Tư, 2005, tức là ưu tiên được dành cho anh, chị hoặc em của công dân Hoa Kỳ.

 

Từ khóa » Darren Nguyen Ngoc Chuong