Bóng Cười - Vui Một Lát, Hậu Quả Lâu Dài | VOV2.VN

Nguyễn Văn T. (22 tuổi ở Hà Nội) nhập Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai để điều trị các hội chứng do bóng cười gây ra. Làm việc tại một quán bar , mỗi khi tiếp khách, T. lại chơi bóng cười cùng khách. Gần đây, do lượng khách quá đông nên số bóng cười T. sử dụng cũng nhiều hơn trước. T. bắt đầu thấy chân tay có dấu hiệu bị tê cứng, khó vận động kèm theo rối loạn hành vi.

T. cho biết, hầu hết các nhóm khách khi đến quán bar của T. đều sử dụng bóng cười một cách vô tư, thoải mái. Có những khách hít đến hàng trăm quả bóng mỗi buổi đi bar với số tiền lên đến hàng chục triệu đồng.

Bóng cười thực chất là quả bóng bay được bơm khí N2O. Chất khí này vốn được sử dụng cho y tế với tác dụng gây mê, an thần, giảm đau…Hiện nay, nhiều người sử dụng khí N2O với mục đích giải trí bởi nó khiến người hút có cảm giác phấn khích, ảo giác gây cười.

Nhiều bạn trẻ sử dụng bóng cười một cách vô tư mà không lường hết hậu quả đối với sức khỏe
Nhiều bạn trẻ sử dụng bóng cười một cách vô tư mà không lường hết hậu quả đối với sức khỏe

“Bóng cười” mang đến niềm vui ngắn ngủi nhưng hệ lụy của nó lại rất dài. Theo bác sĩ Lê Thị Thu Hà – Trưởng phòng Điều trị nghiện chất, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), đã có không ít bạn trẻ phải nhập viện sau khi hít loại khí này.

“Các nghiên cứu gần đây cho thấy bóng cười là chất gây loạn thần. Thứ 2 nó là chất háo oxy. Thông thường, trong y tế khí N2O được sử dụng với điều kiện là phải trộn tối thiểu 30% oxy. Nhưng loại khí N2O trên thị trường thì không được trộn oxy. Do đó, khi sử dụng, vấn đề sẽ gặp đầu tiên là hô hấp, rối loạn tâm thần, yếu liệt, tổn thương tủy và biến chứng tim mạch…" - BS Thu Hà cảnh báo. Theo bác sĩ Nguyễn Khắc Dũng – Khoa lâm sàng - Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, Hà Nội, mặc dù “bóng cười” chưa bị cấm sử dụng trong vui chơi, giải trí song không có nghĩa là được dùng một cách vô tư, thoải mái. Bởi những hậu quả mà nó gây ra đối với sức khỏe người sử dụng vô cùng khó lường.

“Giống như rượu và thuốc lá, khí N2O cũng không gây ra các vấn đề sức khỏe thể chất hay tâm thần trầm trọng ngay lập tức nếu như chúng ta sử dụng 1-2 lần hoặc trong một thời gian rất ngắn. Tuy nhiên, nếu sử dụng lâu dài và không kiểm soát thì bóng cười có thể gây ra những nguy cơ nghiêm trọng đối với sức khỏe.

“Các tác động trực tiếp mà bóng cười gây ra là ảnh hưởng ngay đến cơ quan hô hấp. Người hít bóng cười có thể bị ngạt thở bởi chính các quả bóng. Bên cạnh đó, nếu sử dụng N2O kéo dài có thể dẫn đến tình trạng thiếu oxy và ngừng thở, ngừng tim. Người sử dụng bóng cười cũng có thể bị tê bì, mất cảm giác trên da. Nhiều trường hợp sử dụng bóng cười trong thời gian dài hoặc hít lượng lớn khí cười thì bị mất trương lực cơ, không đi lại được.” – BS Nguyễn Khắc Dũng cho biết.

Trong thực tế, bác sĩ Nguyễn Khắc Dũng cũng đã gặp nhiều bệnh nhân bị liệt vận động sau khi sử dụng bóng cười. “Điển hình là một bệnh nhân nữ, 24 tuổi, hít bóng cười cùng nhóm bạn. Sau khi hít xong, nhóm bạn rời đi thì cô gái không thể đứng lên và được dìu đến phòng cấp cứu trong tình trạng liệt hai chân. Sau 3 ngày điều trị, chân bệnh nhân mới có dấu hiệu cử động và để hồi phục hoàn toàn thì cũng phải mất từ 3-6 tháng. Một trường hợp khác, cũng là bệnh nhân nữ vừa hít bóng cười, vừa sử dụng ma túy đá. Do bệnh nhân ở một mình nên khi được phát hiện thì chân trái đã sưng to gấp 3 lần so với chân phải và cũng dẫn đến liệt vận động. Chân trái của bệnh nhân cũng phải mất đến hàng năm mới có thể hồi phục như bình thường” – BS Dũng kể lại.

BS Nguyễn Khắc Dũng khuyến cáo, việc sử dụng bóng cười có thể gây hưng phấn, vui vẻ nhưng đó chỉ là nhất thời. Nhưng các chất kích thích đó lại có nguy cơ gây ra lạm dụng hay lệ thuộc gây ra các vấn đề nghiêm trọng về thần kinh, tim mạch, ức chế não, thậm chí gây tử vong.

Từ khóa » Cười Cho Nó Khỏe