Bóng đá Ấn Độ Có Gì 'đặc Biệt' Mà Thắng được Thái Lan?

Bóng đá Ấn Độ có gì đặc biệt mà thắng được Thái Lan? - Ảnh 1.

Các cầu thủ Ấn Độ ăn mừng chiến thắng trước Thái Lan - Ảnh: AFC

Thái Lan đã gầy dựng được tên tuổi của mình ở châu Á và được đánh giá khá cao ở Asian Cup 2019. Vì vậy, bất ngờ của Ấn Độ hôm qua (6-1) được ví như chiến thắng của một đội mới lên hạng như Cardiff trước Tottenham ở Giải ngoại hạng Anh.

Bóng đá chưa thể so với cricket

Sự so sánh ví von đó có thể xem xét ở khía cạnh bóng đá luôn bị đặt trong thế lép vế hơn so với cricket.

Một cuộc khảo sát được thực hiển bởi tờ The Economic Times (ICC) công bố vào cuối tháng 6-2018, Ấn Độ chiếm đến hơn 90% trong tổng số hơn 1 tỉ người hâm mộ cricket toàn cầu.

Cụ thể, con số này là hơn 900 triệu người. Dân số Ấn Độ năm 2018 là trên 1,3 tỉ người (theo World Population Review). Nghĩa là có khoảng 70% người dân Ấn Độ hâm mộ cricket. Thế mới thấy cricket có sức ảnh hưởng lớn thế nào với quốc gia có dân số đứng thứ nhì thế giới.

Rối rắm với 2 giải vô địch quốc gia

Hiện Ấn Độ đang tồn tại cùng lúc tới… 2 giải vô địch bóng đá quốc gia diễn ra song song với nhau.

Trước đây, I-League là giải đấu chính thức của Ấn Độ từ năm 2007 và được FIFA và AFC công nhận. Nhưng đến năm 2013, Liên đoàn Bóng đá Ấn Độ (AIFF) lại công bố sự ra đời một giải đấu mới với tên gọi Indian Super League (ISL), lấy ý tưởng từ Giải vô địch nhà nghề Mỹ (MLS).

Mùa giải đầu tiên của ISL bắt đầu từ năm 2014 với chỉ 8 đội tham dự. Đáng nói, không đội nào phải xuống hạng khi thi đấu ở đây.

Bóng đá Ấn Độ có gì đặc biệt mà thắng được Thái Lan? - Ảnh 2.

ISL có lượng khán giả rất cao - Ảnh: ISL

Tuy nhiên, đó không phải là điểm khác biệt đáng chú ý nhất giữa I-League và ISL. Một trong những yếu tố đối nghịch nhất chính là về vấn đề thương mại. Ngay trong mùa giải đầu tiên vào năm 2014, ISL đã bất ngờ tạo ra tiếng vang khi trở thành giải đấu có lượng khán giả đến sân đông nhất châu Á, trung bình 22.639 người/trận.

Con số này giúp ISL vượt mặt K-League (Hàn Quốc), J-League (Nhật Bản) và thậm chí trên toàn cầu, họ chỉ thua 4 ông lớn gồm Bundesliga, Premier League, La Liga và Serie A. Sự thành công này khiến cho các đội bóng thu về khoản lợi nhuận khổng lồ, còn tiếng vang của ISL được lan tỏa nhờ truyền thông quốc tế.

Trong khi ở I-League thì ngược lại, trừ những nội bóng có tiềm lực mạnh như Mohun Bagan và East Bengal, phần lớn các đội phải vận hành với kinh phí vô cùng hạn chế. Đó là chưa kể việc kể từ mùa giải 2017-2018, ISL được công nhận bởi AFC và FIFA, khiến cho các đội bóng ở I-League cảm thấy nóng ruột. Và CLB Bengaluru đã quyết định từ bỏ I-League để chuyển sang thi đấu ở ISL.

Thật ra Ấn Độ đã từng có ý tưởng gom cả hai giải đấu trên thành một. Nhưng một số rắc rối đã xảy ra, trong đó có quan điểm cho rằng các đội ở I-League mang nhiều tính địa phương, tính lịch sử hơn. Còn ISL chỉ là giải đấu mang tính thương mại, coi trọng tiền bạc. Vì vậy, dù đã hơn 2 năm, quyết định chính thức vẫn chưa có hồi kết và các giải vô địch quốc gia Ấn Độ vẫn ở trong tình trạng rối ren.

Nền bóng đá nhiều tai tiếng

Một lý do cuối cùng khiến cho chiến thắng của Ấn Độ trở nên ý nghĩa, đó chính là những tiêu cực xuất hiện trong nền bóng đá nước này. Câu chuyện được nhắc đến nhiều nhất có lẽ là ở World Cup 1950, nơi mà Ấn Độ giành quyền tham dự vòng chung kết nhưng quyết định rút lui.

Có tin đồn cho rằng quốc gia Nam Á này không tham dự là vì các cầu thủ không chịu mang giày khi ra sân, trong khi FIFA có quy định bắt buộc các cầu thủ không được thi đấu chân đất. Tuy nhiên, AIFF khi đó phủ định điều này và cho biết việc họ từ chối bắt nguồn từ những bất đồng liên quan đến lựa chọn cầu thủ cũng như sự chuẩn bị không kỹ lưỡng.

Nhưng đội trưởng của Ấn Độ khi đó là Sailen Manna thì có lý giải khác, khi anh "tố" AIFF quan trọng sân chơi Olympic hơn là World Cup.

Bóng đá Ấn Độ có gì đặc biệt mà thắng được Thái Lan? - Ảnh 3.

Gourav Mukhi của Jamshedpur gian lận tuổi khiến thế giới bóng đá xôn xao - Ảnh: FOX SPORTS

Nhưng kể cả trong thời đại ngày nay, bóng đá Ấn Độ vẫn tồn tại những tai tiếng. Mới vào tháng 12 vừa qua, bóng đá Ấn Độ trở thành tâm điểm toàn cầu trong nghi án gian lận tuổi. Tiền đạo Gourav Mukhi của Jamshedpur đang thi đấu ở ISL đi vào lịch sử khi là cầu thủ trẻ nhất ghi bàn tại giải đấu, khi đang 16 tuổi. Thế nhưng, những điều tra sau đó cho thấy Gourav đã gian lận tuổi một cách táo tợn, khi anh đã…28 tuổi chứ không 16 như trên giấy tờ.

Từ bị xem nhẹ hơn so với cricket, những lùm xùm quanh Giải vô địch quốc gia cho đến những tai tiếng, việc bóng đá Ấn Độ có được chiến thắng trước Thái Lan quả đúng là lịch sử. Càng ngọt ngào hơn khi đó mới là chiến thắng đầu tiên của Ấn Độ ở một kỳ Asian Cup sau 55 năm.

Thái Lan thảm bại 1-4 trước Ấn Độ trận ra quân Asian Cup 2019 Thái Lan thảm bại 1-4 trước Ấn Độ trận ra quân Asian Cup 2019

TTO - Tuyển Thái Lan đã gây thất vọng nặng nề khi để thua Ấn Độ 1-4 ở trận ra quân bảng A Asian Cup 2019 tại UAE tối 6-1.

Từ khóa » Các Cầu Thủ ấn độ