“Bóng đè”- Tiếc Vì “đầu Voi đuôi Chuột” - Báo Cần Thơ Online

CÁT ÐẰNG

"Bóng đè" là phim điện ảnh được cầm trịch bởi Lê Văn Kiệt - đạo diễn nổi tiếng với phim "Hai Phượng", nên khán giả háo hức đón xem. Thế nhưng, vì quá ôm đồm nhiều vấn đề mà cách lý giải các hiện tượng kỳ bí trong phim chưa thuyết phục, phần đầu ổn nhưng càng về sau phim càng đuối…

Tại Cần Thơ, phim đang chiếu tại các cụm rạp của Lotte Cinema và CGV.

Poster phim.

Sau cái chết của vợ, Thành (Quang Tuấn) đưa 2 cô con gái là Linh (Lâm Thanh Mỹ) và Yến (Mai Cát Vi) về một ngôi nhà cổ ở vùng quê để bắt đầu cuộc sống mới. Tuy nhiên, căn nhà cũ kỹ, rộng lớn lại khiến hai chị em hoang mang, lo sợ khi liên tục nghe tiếng trẻ em cười đùa, la hét, cảm nhận có người lạ đi lại, hoặc thấy những hình ảnh ghê sợ, đặc biệt là thường xuyên bị bóng đè khi ngủ. Mọi chuyện ngày càng phức tạp hơn khi cô giáo Hạnh được người cha mời đến làm gia sư cho các con. 2 chị em phát hiện cô Hạnh có những điều đáng ngờ liên quan đến những hiện tượng kỳ bí trong nhà. Thực hư mọi chuyện ra sao?

Phim khiến người xem tò mò theo dõi khi 2 chị em Linh và Yến liên tục gặp những điều bất thường trong nhà. Sự căng thẳng và hồi hộp tăng dần khi tần suất các màn hù dọa nối tiếp nhau: khi thì cánh cửa tự đóng mở, lúc thì tiếng bước chân người xao xác, khi thì những gương mặt thoắt ẩn thoắt hiện sau các tấm vải, hay những hình ảnh ma mị, đáng sợ trong giấc ngủ chập chờn... Cách hù dọa của phim có sự học hỏi tiếp thu của điện ảnh phương Tây và đã phát huy khá hiệu quả, làm người xem giật mình ở nhiều phân đoạn. Âm thanh, thiết kế bối cảnh, chuyển động máy quay và nhịp điệu được thực hiện khá tốt cũng góp phần làm tăng sự ma mị, huyền bí cho phim.

Diễn xuất của 2 diễn viên nhí Lâm Thanh Mỹ trong vai Linh và Mai Cát Vi trong vai Yến thực sự tỏa sáng khi 2 cô bé thể hiện rất tốt các trạng thái: vui, buồn, sợ hãi, nổi giận… Linh mạnh mẽ, cá tính trong khi Yến ngây thơ, nhút nhát và biểu cảm gương mặt, ánh mắt và cả lời thoại của cả hai khiến người xem tin rằng căn nhà thật sự có ma. Cặp đôi còn ăn ý với nhau trong những phân đoạn đời thường giúp bộ phim trở nên chân thật và xúc động hơn về tình chị em.

Mạch phim càng về sau càng được đẩy nhanh và các hiện tượng dần được lý giải theo khoa học để chứng minh là không có ma quỷ. Giá như, phim chỉ tập trung giải thích về hiện tượng bóng đè cho chắc thì sẽ thuyết phục hơn. Ðằng này kịch bản vẽ ra một ma trận với chứng mộng du, bóng đè, trầm cảm và người tâm thần. Sau đó, liên kết chúng lại với nhau và giải thích qua loa, hời hợt, thậm chí nhiều tình tiết vô lý khiến người xem thắc mắc. Ðặc biệt là nhân vật cô giáo Hạnh, cũng là bác sĩ, chuyên gia tâm lý được xây dựng không tới nơi, tới chốn nên không làm bật được vị trí, vai trò của cô trong phim. Sự tác động của cô đến ba cha con vô cùng mạnh từ đầu, nhưng yếu dần về nửa sau phim và hoàn toàn chẳng liên quan gì nữa ở đoạn kết. Cái kết mở cho nhân vật này lại càng khiến người xem khó hiểu hơn. Ngoài ra, những hình ảnh ma quỷ ban đầu còn thuần Việt, càng về sau càng được tô vẽ cho kinh dị, đôi khi còn y hệt như các cảnh phim nước ngoài khiến hình ảnh, tư tưởng của phim không thống nhất.

Với người xem khó tính và mong chờ sự đột phá thì "Bóng đè" chưa làm được, nhưng nhìn chung phim cũng tạm ổn trong dòng phim kinh dị hiện nay của Việt Nam.

Từ khóa » Cát Vi Bóng đè