BONG GÂN CỔ TAY NÊN LÀM GÌ? | BvNTP

Bong gân cổ tay là tình trạng gì?

Cổ tay bị bong gân là chấn thương thường gặp khi giãn hoặc rách một hoặc nhiều dây chằng ở cổ tay.

Theo Hiệp hội Phẫu thuật Bàn tay Hoa Kỳ, hai dây chằng phổ biến nhất thường bị tổn thương khi bong gân là dây chằng cổ tay (nằm ở giữa cổ tay) và phức hợp sụn sợi hình tam giác (nằm gần bên ngoài cổ tay) .

Bong gân có thể ở mức độ nghiêm trọng. Học viện phẫu thuật chỉnh hình Hoa Kỳ phân loại bong gân thành ba loại, từ nhẹ đến nặng bao gồm:

Độ 1, hoặc bong gân nhẹ: Xảy ra khi dây chằng bị kéo căng quá mức nhưng không bị rách.

Độ 2, hoặc bong gân trung bình: Đây là trường hợp bị rách một phần dây chằng, có thể hạn chế chức năng ở cổ tay hoặc bàn tay.

Độ 3, hoặc bong gân nghiêm trọng: Dây chằng đã bị rách hoàn toàn. Ví dụ như có thể bị tách hoàn toàn ra khỏi xương hoặc kéo theo một mảnh xương.

Đối với trường hợp bong gân nghiêm trọng cần được chăm sóc và điều trị y tế. Tốt nhất nên đi khám bác sĩ ngay cả khi trong trường hợp bong gân độ nhẹ để loại trừ các chấn thương khác cần được điều trị cụ thể.

bong gân cổ tay

Bong gân cổ tay và gãy cổ tay

Đôi khi, việc phân biệt giữa bong gân và gãy xương có thể gặp nhiều khó khăn. Cả hai loại chấn thương này đều có thể gây đau, sưng, bầm tím và nóng xung quanh vùng bị ảnh hưởng. Một cú ngã chống tay, chuyển động đột ngột hoặc vặn người có thể gây ra chấn thương này.

Gãy xương cổ tay xảy ra nếu có tình trạng gãy một hoặc nhiều trong tám xương nằm ở cổ tay. Một trong những chấn thương thường gặp là gãy đầu xa xương quay - là một trong hai xương ở cẳng tay. Đối với cổ tay bị bong gân chỉ ảnh hưởng đến dây chằng.

Nguyên nhân gây bong gân cổ tay là gì?

Thông thường, nguyên nhân gây ra bong gân là do vặn, va chạm hoặc cử động đột ngột quá mức hay đẩy cổ tay theo hướng mà cổ tay ngược với tư thế hoạt động bình thường. Một số nguyên nhân cụ thể khiến cổ tay bị bong gân có thể bao gồm:

  • Chấn thương nặng do ngã, va đập hoặc lực khác

  • Vặn cổ tay đột ngột hoặc với biên độ quá lớn

  • Duỗi cổ tay quá mạnh

Theo Học viện bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình Hoa Kỳ, các hoạt động ngoài trời và thể thao là những nguyên nhân phổ biến gây ra chấn thương cho cổ tay.

Các triệu chứng của bong gân cổ tay

Thông thường sẽ có cảm giác đau khi bị bong gân cổ tay. Theo Học viện bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình Hoa Kỳ, một số triệu chứng khác của cổ tay bị bong gân có thể bao gồm:

  • Bầm tím;

  • Nóng quanh cổ tay;

  • Sưng tấy;

  • Cảm giác mềm khi chạm vào;

  • Cảm giác lộp cộp hoặc rách bên trong cổ tay.

Chẩn đoán

Khi đến khám bác sĩ vì đau cổ tay hoặc nghi ngờ bị bong gân hoặc gãy, bác sĩ có thể cần thu thập một số thông tin để tìm hiểu thêm về nguyên nhân gây ra cơn đau.

Bằng cách kiểm tra cổ tay cũng như yêu cầu thực hiện các bài kiểm tra chuyển động để phát hiện các vấn đề về đau và khả năng vận động.

Ngoài ra, để tăng mức độ chính xác của chẩn đoán, bác sĩ có thể sẽ yêu cầu thực hiện các kỹ thuật chụp chiếu, chẳng hạn như chụp X-quang.

Điều trị

Thông thường sẽ không cần phải phẫu thuật đối với trường hợp bong gân cổ tay.

Ngoài việc điều trị bằng cách chườm đá, nghỉ ngơi và dùng thuốc giảm đau không kê đơn, bác sĩ có thể khuyến nghị nên đeo nẹp để giúp cố định khớp.

Tuy nhiên, nếu các triệu chứng của một người không cải thiện trong vòng khoảng 6 tuần, nên đi khám lại với bác sĩ để đánh giá lại tình trạng ở cổ tay cũng như thực hiện các liệu pháp bổ sung, chẳng hạn như phẫu thuật. Phẫu thuật có nhiều khả năng cần áp dụng đối với trường hợp rách dây chằng hoàn toàn. Chấn thương này có thể gây mất ổn định cho cổ tay.

Biện pháp khắc phục tại nhà

Trên thực tế, các chuyên gia khuyên nên sử dụng phương pháp RICE. RICE là viết tắt của nghỉ ngơi (rest), chườm lạnh (ice), băng ép (compression) và nâng cao vùng bị đau (elevation).

Nói cách khác, nên tránh hoạt động cổ tay, sử dụng túi chườm đá thường xuyên, băng cố định cổ tay và giữ cho cổ tay càng cao càng tốt. Điều này có thể giúp ngăn ngừa tình trạng sưng và chấn thương thêm cho cổ tay.

Hồi phục

Thường cần mất một khoảng thời gian khoảng 6 tuần để hồi phục. Thời gian hồi phục sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương. Nên nói chuyện với bác sĩ về thời gian họ có thể hồi phục và thời điểm thích hợp để trở lại các hoạt động bình thường.

Trong suốt thời gian này, các chuyên gia khuyến nghị nên để ngón tay di chuyển trong suốt quá trình hồi phục sau chấn thương cổ tay nhằm tránh trình trạng co cứng.

Phòng ngừa bong gân cổ tay

Mặc dù không thể phòng ngừa hoàn toàn tình trạng bong gân cổ tay, tuy nhiên, có một số biện pháp có thể thực hiện để giảm nguy cơ bị chấn thương như:

  • Tránh các hoạt động hoặc thể thao có thể gây chấn thương cho cổ tay.

  • Dùng hai tay để nâng và giữ các vật nặng.

  • Cố gắng giữ cổ tay thẳng trong hầu hết các hoạt động.

Một số bài tập tăng cường sức mạnh cơ bắp cũng có thể giúp ngăn ngừa chấn thương. Ví dụ, bóp một quả bóng mềm khác trong 15-20 giây và lặp lại động tác này ba lần mỗi ngày để giúp cổ tay khỏe hơn.

Ngoài ra, cũng có thể thực hiện các biện pháp phòng ngừa để ngăn ngừa bong gân cổ tay bằng cách tránh đi bộ trên bề mặt trơn trượt và đeo thiết bị bảo vệ cổ tay thích hợp khi tham gia các hoạt động vận động có thể làm tổn thương khớp.

Tóm lược

Cổ tay bị bong gân là một chấn thương phổ biến. Một người có thể bị bong gân cổ tay do cử động đột ngột, do ngã hoặc khi chơi thể thao có va chạm.

Khi bị bong gân, sẽ xuất hiện cảm giác đau và có các triệu chứng như sưng hoặc bầm tím ở vùng bị ảnh hưởng.

Nên nói chuyện với bác sĩ nếu nghi ngờ rằng bị thương ở cổ tay để có các phương pháp kiểm tra loại trừ gãy xương và điều trị thích hợp.

Xem thêm: Trật mắt cá chân

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

facebook.com/BVNTP

youtube.com/bvntp

Từ khóa » Cách Nhận Biết Bị Bong Gân Cổ Tay