Bỏng Gạo Giòn Rụm, Ngọt Lịm Tuổi Thơ - Báo Phụ Nữ

Chiều, khi nắng còn chói lóa thì đám trẻ đã í ới rủ nhau đi nổ bỏng. Nam mũ lưỡi trai, nữ mũ rộng vành. Dưới cái nắng hè gắt gỏng bỏng rát, đứa nào cũng đen trùi trũi.

Nhìn chúng, tôi bỗng nhớ mình của ngày xưa. Thuở gia cảnh khó khăn ấy, tôi chẳng mấy khi được mua quà này bánh nọ. Giải pháp tối ưu cho “cơn thèm” quà vặt lúc đó chính là bỏng gạo. Chỉ cần chạy ào vào bếp, mở nồi đong lấy ba cân gạo tẻ, trút thêm đôi lạng đường bỏ riêng vào một cái túi nhỏ, giắt túi mươi lăm ngàn, thêm túi ni-lông dài lồng trong chiếc bao tải sạch, kèm dây buộc dây chằng, phóng vèo qua xóm bên là có ngay một bao bỏng gạo thơm lừng mang về.

Bỏng gạo thường có hai hình dạng, là bỏng gậy (dài như chiếc gậy và rỗng trong như cái ống) và bỏng hạt (dạng hạt hình chữ nhật hoặc hình bầu dục, to cỡ ngón chân cái) nhưng đám trẻ con như tôi thích bỏng gậy hơn cả. Lý do bởi vì bỏng gậy cầm rất thích tay, ăn lâu hết và nhiều khi nó còn là “vũ khí” để đám trẻ nghịch ngợm khua khoắng.

Có lần tôi với em trai “tỉ thí võ nghệ”. Sau mấy tiếng “choạt choạt”, cây bỏng trong tay liền gãy vụn, mảnh vỡ to nhỏ rơi đầy sân. Mẹ đi làm về thấy thế cho mỗi đứa một roi và bảo: “Người ta còn chẳng có để ăn…”.Thông thường thì bỏng gạo chỉ có gạo và đường nhưng thi thoảng chúng tôi còn điểm thêm vào gạo ít lạc hay đậu tương rang thơm lừng. Bữa nào sang hơn thì đổ vào đôi ba gói ngũ cốc, bột đậu xanh. Nguyên liệu đổ vào đầu này thì chưa đến một phút, ở đầu kia bỏng đã tuôn ra thơm nức mũi.

Người nổ bỏng đeo đôi găng tay vải dày sụ, nhanh tay vừa kéo vừa cắt bỏng thành những đoạn dài bằng nhau. Đám trẻ con chúng tôi cũng nhanh nhảu xúm vào hộ nhau nhặt bỏng cho vào bao rồi buộc lại thật kín, không quên thưởng thức cây bỏng nóng hổi giòn rụm mới ra lò.

Có vài điều cần lưu ý khi nổ bỏng là chỉ nên dùng gạo tẻ, không nên dùng gạo nếp, bởi gạo nếp làm dính máy, khó kéo, nên dưới nhiệt độ cao của máy, bỏng sẽ cháy đen. Cũng không nên tham mà cho quá nhiều đường vì đường sẽ làm bỏng cứng đanh, mất độ giòn. Tỷ lệ vàng cho bỏng giòn xốp, ngọt vừa phải là ít hơn 100g đường/1kg gạo. Và đặc biệt là không được trộn gạo và đường trước ở nhà vì nếu để quá lâu, đường chảy thành nước sẽ gây khó khăn cho người nổ bỏng.

Bỏng gậy rất nhanh ỉu, nên bỏ ra là phải ăn ngay, lỡ để quên độ 30 phút là bỏng sẽ “ngậm no” khí ẩm mà trở nên dai nhách, mất hết vị ngon. Lúc này đám trẻ con là người vui hơn cả vì chúng sẽ được thoải mái sử dụng bỏng ỉu để “tỉ thí võ nghệ” mà chẳng lo bị mẹ cha đánh đòn.

Một bao bỏng trung bình ăn được khoảng một tuần. Người lớn trẻ nhỏ đều thích mê. Đói thì ăn lót dạ, no ăn tráng miệng, buồn buồn thì bỏ ra ăn cho… vui. Thức quà quê chân chất ngọt lành ấy cứ vậy mà dìu đám trẻ quê nghèo chúng tôi đi hết tuổi thơ cơ cực.

Mới đó mà đã hơn chục năm trôi qua, những ngày dang nắng chở gạo đi và chở bỏng về, những buổi “sốt ruột” vì chờ lâu, những nhịp đập rộn ràng háo hức khi đến lượt, những lần nhặt bỏng nóng đỏ tay và những lần so xem bỏng nhà ai ngon nhất… đều đã trở thành kỷ niệm đẹp đẽ khó phai trong lòng. Và hôm nay, khi thưởng thức lại món quà quê ấy tôi thấy mình như bước lên một chuyến tàu, chuyến tàu đưa hành khách trở về với tuổi thơ…

Hồ Điệp

Từ khóa » Bỏng Gạo Ngọt