Bong Võng Mạc Là Gì? Các Dấu Hiệu Nhận Biết Và Phương Pháp điều ...

Bong võng mạc là gì?

Võng mạc là một màng thần kinh mỏng, nhạy cảm với ánh sáng nằm ở phía sau của mắt. Khi ánh sáng đi vào trong mắt, thủy tinh thể tập trung một hình ảnh trên võng mạc. Võng mạc chuyển đổi hình ảnh thành tín hiệu, gửi đến não bộ thông qua dây thần kinh thị giác. Võng mạc khỏe mạnh hoạt động với giác mạc, thủy tinh thể và các bộ phận khác của mắt và não để tạo ra thị lực bình thường.

Bong võng mạc xảy ra khi võng mạc tách khỏi đáy mắt. Điều này gây ra mất thị lực có thể một phần hoặc toàn bộ, tùy thuộc vào mức độ bong ra của võng mạc. Khi võng mạc của bạn bị bong ra, các tế bào của nó có thể bị thiếu oxy nghiêm trọng. Bong võng mạc là một tình trạng cấp cứu. Người bệnh cần ngay lập tức liên hệ với bác sĩ chuyên khoa mắt nếu bị bất kỳ thay đổi thị lực đột ngột nào.

Bệnh bong võng mạc có nguy cơ gây mất thị lực vĩnh viễn ở người bệnh nếu không được điều trị hoặc điều trị chậm trễ.

Các triệu chứng của bong võng mạc

Bong võng mạc gây ra các rối loạn về thị giác, mắt xuất hiện nhiều chấm đen hoặc mảng tối che trước mắt

Bệnh bong võng mạc không gây đau đớn, chỉ gây ra các rối loạn về thị giác và giảm thị lực. Thông thường, các triệu chứng xuất hiện trước khi võng mạc bị bong ra bao gồm:

  • mờ mắt
  • mất thị lực một phần
  • Nhìn thấy ánh sáng nhấp nháy ở góc mắt (chớp sáng) khi nhìn sang một bên
  • Nhìn thấy nhiều chấm đen (ruồi bay), đó là những mảnh vụn nhỏ xuất hiện dưới dạng đốm đen hoặc dây trôi nổi trước mắt
  • Nếu có một mảng lớn võng mạc bị bong ra, bệnh nhân có thể cảm thấy như có một mảng tối che trước mắt, lấn dần về phía trung tâm. Khi bong qua hoàng điểm bệnh nhân sẽ thấy mờ mắt rất nhiều và nhanh.
  • Nếu bong võng mạc toàn bộ, bệnh nhân có khi chỉ còn phân biệt được sáng tối.

Phân loại các dạng bong võng mạc

Có ba loại bong võng mạc:

1. Bong võng mạc nguyên phát (Rhegmatogenous retinal detachment)

Bong võng mạc nguyên phát xảy ra khi có một vết rách, vỡ hoặc lỗ trên võng mạc. Vết rách hay lỗ nảy cho phép chất lỏng từ thủy tinh thể đi qua lỗ mở và đi vào phía sau võng mạc. Chất lỏng ngăn cách võng mạc khỏi biểu mô sắc tố võng mạc. Biểu mô sắc tố võng mạc là lớp tế bào sắc tố ngay bên ngoài võng mạc thần kinh, cung cấp dưỡng chất và oxy cho võng mạc. Chất lỏng tràn vào, tách biểu mô khỏi võng mạc, khiến cho võng mạc bị bong ra. Đây là loại bong võng mạc phổ biến nhất và nguy hiểm nhất. Bệnh thường tiến triển rất nhanh chóng.

2. Bong võng mạc do co kéo (Tractional retinal detachment)

Bong võng mạc do co kéo xảy ra khi mô sẹo trên bề mặt võng mạc co lại và khiến võng mạc bị kéo ra khỏi biểu mô sắc tố. Đây là một loại bong võng mạc ít phổ biến hơn. Bệnh thường ảnh hưởng đến những người bị tiểu đường. Bệnh tiểu đường nếu bị kiểm soát kém có thể dẫn đến các vấn đề với hệ thống mạch máu võng mạc. Tổn thương mạch máu này sau đó có thể dẫn đến sự tích tụ mô sẹo trong mắt bệnh nhân và có thể gây bong võng mạc.

3. Bong võng mạc thoát vị hoặc bong võng mạc xuất tiết (Exudative detachment)

Khi bong võng mạc xuất tiết xảy ra, chất lỏng tích tụ bên dưới võng mạc, nhưng không có vết rách hoặc vỡ trên võng mạc của người bệnh. Các nguyên nhân gây ra loại bong này:

  • Rối loạn viêm gây tích tụ chất lỏng phía sau võng mạc
  • Khối u đằng sau võng mạc
  • Bệnh Coats (hay còn gọi là viêm võng mạc xuất tiết hay dãn các mạch máu nhỏ của võng mạc) là một bệnh bẩm sinh vô cùng hiếm gặp. Bệnh gây ra sự phát triển bất thường trong các mạch máu, làm rò rỉ các chất protein tích tụ phía sau võng mạc
  • Thoái hóa hoàng điểm tuổi già
  • Chấn thương mắt

Nguyên nhân của bong võng mạc

Bong võng mạc xảy ra khi trên võng mạc có một hoặc nhiều vết rách. Phần dịch kính trong mắt sẽ chảy vào lỗ rách và tách dần võng mạc ra khỏi lớp biểu mô sắc tố võng mạc nuôi dưỡng phía bên dưới.

Vết rách được hình thành từ các thoái hóa võng mạc, đặc biệt là thoái hóa võng mạc chu biên. Những người có tiền sử chấn thương mắt, cận thị nặng, xuất huyết dịch kính võng mạc, bệnh võng mạc đái tháo đường… có nguy cơ bị bong võng mạc cao hơn những người bình thường.

Các thoái hóa võng mạc chu biên có thể gặp ở mọi đối tượng nhưng có lẽ phổ biến nhất là ở người mắt cận thị nặng. Trên các vùng thoái hóa võng mạc xuất hiện các lỗ thủng. Tuy không lớn nhưng dịch trong buồng dịch kính vẫn luồn vào dưới võng mạc qua lỗ thủng và gây ra bong võng mạc.

Các trường hợp rách võng mạc chu biên có thể xảy ra khi xảy ra hiện tượng bong dịch kính sau, hay gặp ở tuổi 60 -70 tuổi.

Chấn thương mắt có thể gây ra rách võng mạc do chấn động hoặc do hoại tử võng mạc chu biên.

Bong võng mạc thường gặp hơn ở những người trên 50 tuổi. Tuy nhiên bệnh cũng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Bệnh ảnh hưởng đến nam giới nhiều hơn phụ nữ.

Ai có nguy cơ bị bệnh bong võng mạc?

Bất kỳ ai cũng có thể bị bong võng mạc, nhưng ở một số người có nguy cơ mắc bệnh cao hơn khi:

  • Tiền sử gia đình đã có thành viên bị bong võng mạc trước đây hoặc bản thân người bệnh đã từng bị.
  • Đã bị chấn thương mắt nghiêm trọng
  • Đã phẫu thuật mắt, chẳng hạn như phẫu thuật đục thủy tinh thể
  • Lão hóa - bong võng mạc phổ biến hơn ở những người trên 50 tuổi

Một số vấn đề khác về mắt cũng có thể khiến bạn có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, bao gồm:

  • Bệnh võng mạc đái tháo đường
  • Cận thị nặng, đặc biệt một loại cận thị nặng được gọi là cận thị thoái hóa
  • Bong dịch kính hay tách thủy tinh thể sau (PVD)
  • Một số bệnh về mắt khác, bao gồm chứng tách võng mạc bẩm sình/ bong u nang võng mạc bẩm sinh (retinoschisis) hoặc thoái hóa võng mạc chu biên (lattice degeneration)

Các phương pháp điều trị bệnh bong võng mạc

Người bệnh cần đến các cơ sở chuyên khoa thăm khám ngay khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh. Bệnh bong võng mạc được chẩn đoán qua việc khám, soi đáy mắt, siêu âm mắt, và chụp ảnh đáy mắt.

Điều trị bằng Laser hoặc Cryopexy

Nếu được phát hiện sớm, võng mạc chỉ bị rách chưa gây bong võng mạc hoặc chỉ bong một phần nhỏ thì có thể điều trị được bằng laser. Sử dụng laser quang đông đốt quanh vết rách, ngăn chặn bong võng mạc xuất hiện.

Một phương pháp khác được dùng trong điều trị rách võng mạc đó là làm lạnh cường độ cao (cryopexy). Sau khi gây tê cục bộ, bác sĩ phẫu thuật sẽ áp dụng một đầu dò đông lạnh chạm trực tiếp trên vết rách. Việc đông lạnh tạo ra một vết sẹo giúp cố định võng mạc vào thành mắt.

Cả hai thủ tục này đều được thực hiện trên cơ sở ngoại trú. Sau khi làm thủ thuật, người bệnh có thể được khuyên tránh các hoạt động có thể làm chấn động mắt ví dụ như chạy, trong vài tuần hoặc lâu hơn.

Mắt của người bệnh sẽ bị tê đối với cả hai phương pháp điều trị này.

Điều trị bằng phương pháp bơm khí

Phương pháp bơm khí (Pneumatic retinopexy) được thực hiện hiệu quả đối với vết bong nhỏ và dễ đóng lại. Bác sĩ sẽ bơm một bong bóng khí nhỏ vào thủy dịch. Bóng khí có thể ép vào phần trên của võng mạc, làm vết rách đóng lại. Người bệnh sẽ cần giữ đầu ở một vị trí nhất định trong vài ngày để giữ bong bóng ở đúng vị trí. Bóng khí này có thể tự biến mất sau một tuần. Bác sĩ có thể thực hiện kết hợp với điều trị bằng laser hoặc Cryopexy.

Điều trị bằng phẫu thuật

Trong trường hợp võng mạc bị bong một mảng lớn thì cần phải can thiệp phẫu thuật. Điều trị phẫu thuật cấp cứu khi bong võng mạc chưa lan đến vùng hoàng điểm để bảo vệ vùng hoàng điểm không bị tổn thương.

1. Phẫu thuật ấn độn củng mạc:

Bác sĩ sẽ khâu một dải băng silicon rất nhỏ quanh màng cứng (tròng trắng của mắt). Dải băng đẩy nhẹ thành mắt áp sát về phía vết rách hoặc bong cho đến khi võng mạc lành lại. Dải băng này vô hình và được gắn vĩnh viễn. Phương pháp này hay được sử dụng ở những người trẻ cận thị nặng, rách võng mạc không ở quá phía sau hậu cực hoặc không có quá nhiều lỗ rách.

Phẫu thuật điều trị bong võng mạc ở người trẻ cận thị nặng

2. Phẫu thuật cắt dịch kính:

Là phương pháp phẫu thuật giúp sửa chữa những vết rách hoặc bong lớn. Bác sĩ thực hiện loại bỏ dịch kính và thay thế nó bằng bong bóng khí hoặc dầu, giúp mắt duy trì dạng hình cầu. Cắt dịch kính cũng có thể yêu cầu người bệnh giữ đầu ở một tư thế trong một thời gian.

Khoảng 80% đến 90% các phẫu thuật bong võng mạc đều thành công. Đôi khi bệnh nhân có thể cần phải thực hiện kết hợp nhiều hơn một phương phát điều trị. Có thể mất vài tháng để thị lực của người bệnh phục hồi. Một số người bệnh không lấy lại được toàn bộ thị lực, đặc biệt là trong những trường hợp nghiêm trọng hơn. Nếu tình trạng bong lan tới hoàng điểm, tầm nhìn của bệnh nhân đó có thể không bao giờ rõ ràng như trước đây.

Phẫu thuật cắt dịch kính điều trị bong võng mạc nặng

Bong võng mạc sẽ không thể tự lành. Điều quan trọng là phải được điều trị càng sớm càng tốt để người bệnh có khả năng duy trì thị lực tốt nhất.

Phòng ngừa bệnh bong võng mạc

  • Khi có triệu chứng ruồi bay hoặc có chớp sáng nên đến các cơ sở chuyên khoa mắt để khám ngay.
  • Bệnh nhân bị cận thị nên khám mắt định kỳ 6 tháng một lần.
  • Khi một mắt đã bị bong võng mạc, người bệnh cần phải kiểm tra mắt còn lại ngay để phát hiện sớm những tổn thương mới và điều trị kịp thời.
  • Kiểm soát tình trạng bệnh tiểu đường hoặc huyết áp cao thường xuyên. Điều đó sẽ giúp giữ cho các mạch máu trong võng mạc luôn khỏe mạnh.
  • Đeo kính bảo vệ mắt nếu bạn chơi tennis hoặc các hoạt động khác có thể dẫn đến chấn thương mắt. Ngoài ra, bạn cũng có thể cần các loại kính đặc biệt nếu phải làm việc với máy móc, hóa chất... có nguy cơ gây tổn thương cho mắt.

Nguồn tham khảo:

https://www.aao.org/eye-health/diseases/detached-torn-retina-treatment

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/retinal-detachment/symptoms-causes/syc-20351344

Từ khóa » Hiện Tượng Bong Võng Mạc Là Gì