Bonsai Bây Giờ - Báo Đồng Khởi Online

Thú chơi đầy mê hoặc

Ghé thăm khu vườn bonsai của nghệ nhân Nguyễn Niềm (33 tuổi, ấp Lân Nam, Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách) và ngồi trò chuyện với anh về nghề, chúng tôi mới cảm nhận rõ hơn vì sao chàng trai vốn là chủ một cơ sở sản xuất bánh mì lớn tại thị trấn Chợ Lách lại phó thác cho người chị gái đảm đương. Còn anh thì sớm hôm vui thú điền viên mộc mạc.

Anh Niềm không thích gọi vườn kiểng mình là bonsai một cách đơn điệu và có phần khó hiểu, anh gọi là “vườn cổ thụ thu nhỏ”. Hớp một ngụm trà đậm, tay mân mê tán lá mai chiếu thủy, dáng “gió lùa”, anh Niềm nhớ lại cái duyên cớ vào nghề: “Sau gần 7 năm sống và làm việc ở TP. Hồ Chí Minh với nghề kỹ thuật cơ khí, tôi về tiếp quản lò bánh mì truyền thống của gia đình. Có dịp về quê vợ, sau vài lần nghe mấy ông chú vợ nói chuyện về bonsai, tôi rất thích, rồi tìm hiểu và mê luôn lúc nào không hay”.

Từ đó đến nay cũng hơn 6 năm, một thời gian quá ngắn đối với một nghệ nhân bonsai, anh Nguyễn Niềm lại không được truyền nghề từ thế hệ trước của gia đình như hầu hết nghệ nhân khác. Tuy nhiên, bằng niềm đam mê và khát vọng sáng tạo, kỹ thuật chơi bonsai có “ý tứ và sáng tạo” của anh Nguyễn Niềm được dân trong nghề khá nể. “Bonsai là một nghệ thuật, người chơi bonsai phải có phẩm chất gì đó của nghệ sĩ yêu nghề mới được. Đã là nghệ thuật thì ngoài niềm đam mê phải có tư duy sáng tạo mới sống được với nghề. Ngoài ra, cho dù bạn được truyền thụ tất cả từ thế hệ trước nhưng bản thân thiếu đam mê, không tìm tòi, sáng tạo thì cũng khó tồn tại được với nghề” - anh Niềm chia sẻ.

Bonsai được bày bán ven Quốc lộ 57, đoạn xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách.

Anh Niềm cũng tự biết mình nóng tính và bộc trực. Sau khi trải qua những tháng ngày bền bỉ chăm sóc, chờ lá và dáng cây phát triển từng khắc theo ý mình, anh tự tin rằng mình đã trở nên điềm đạm, cân bằng về tính cách. “Thú vị lắm! Sẽ không thể tả được cái cảm giác sung sướng khi mình tìm mua được gốc cây có dáng mà mình yêu thích, rồi mang cây cùng với ý tưởng nghệ thuật dành cho cây đó về chăm sóc, chứng kiến sự trưởng thành từng khắc theo ý mình một cách rất thỏa lòng. Thế giới bên ngoài sẽ không lọt vào trí của tôi được, sự riêng biệt thể hiện khá rõ trong nghệ thuật bonsai. Tất cả những điều đó tập cho mình tính kiên nhẫn. Đương nhiên, vấn đề giá cả và xu hướng thị trường lại là một câu chuyện khác” - anh Niềm nói.

Cảm giác như chưa chuyển tải được hết niềm đam mê của mình, anh rủ chúng tôi đi xuống vườn nhà nghệ nhân Nguyễn Tấn Lộc, cách đó hơn 2km. Nghệ nhân Nguyễn Tấn Lộc được dân chơi bonsai ở Cái Mơn gọi là “giáo sư” của nghề này. Bản thân nghệ nhân Lộc cũng bị sự quyến rũ của nghệ thuật bonsai mà bỏ nghề giáo viên. Hiện nay, nghệ nhân Lộc là “chim đầu đàn” của trường phái nghệ thuật bonsai “đúng bài bản” tại Cái Mơn.

Hai người gặp nhau, hàn huyên, chúng tôi ngỡ như đó là cặp chiến hữu “cật ruột” từ vài chục năm trước, cho dù trường phái của họ không giống nhau. Những “đứa con rượu” của mình tại vườn được họ nói tất tần tật ra hết.

“Trong khi vợ anh đi dạy học chưa về, cả vườn cây giá trị bày biện ra như thế không sợ bị ăn trộm dòm ngó sao?” - tôi hỏi. Họ nhìn tôi với ánh mắt đầy chia sẻ, nghệ nhân Lộc từ tốn: “Bề rộng, bề dày mỗi lá cây, cây có bao nhiêu lá; mỗi mắt cây nằm ở vị trí nào; đường kính từng milimet của mỗi đoạn… bọn anh đều nắm trong lòng bàn tay. Mỗi cây ở xứ này đều có sự chia sẻ với nhau qua những cuộc giao lưu giữa các anh em hay những cuộc đấu xảo địa phương, trong tỉnh hay khu vực. Là cây của ai, tất cả nghệ nhân đều biết rõ. Cho nên bọn trộm dù có lấy được cũng rất khó bán ra, tại vì cây bonsai chỉ có những người “rất bonsai” mới quan tâm sử dụng. Ngoài ra, đối với người khác cứ như cây vô giá trị. Kẻ trộm rất dễ ở tù nếu đụng tới bonsai đấy”.

Đầu ra ngày càng khó

Với những nghệ nhân bonsai, sau ít nhất 3 năm trường kỳ chăm sóc, cây mới cơ bản đạt những tiêu chí nghệ thuật được quy định. Bonsai tại Bến Tre cũng chia thành các trường phái khác nhau, nhưng vẫn theo những dáng chính là ngọa, trực (dương), thác đổ, gió lùa...

Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, trong khi mỗi cây bonsai đạt chuẩn có giá khá cao nên vài năm qua, đầu ra của loại cây này ngày càng khó khăn. “Cây đạt chuẩn theo tỷ lệ bonsai được quy định ít nhất cũng trên 5 triệu đồng. Điều này đã làm cho những người có sở thích cũng “nhát tay” và họ chọn chơi loại cây có giá trị thấp hơn. Đó là sản phẩm của trường phái phá cách hoặc kiểng văn phòng khác” - nghệ nhân Lộc nói. Cũng vì thế, những nghệ nhân bonsai ở các địa phương như Chợ Lách, Châu Thành hay TP. Bến Tre mặc dù không bỏ nghề nhưng phần lớn đã theo trường phái phá cách để tồn tại.

“Dù nghệ thuật bonsai vẫn là một điều thiêng liêng với chúng tôi, nhưng vài năm qua giá trị đó rất khó cụ thể bằng tiền nên đã gây nhiều khó khăn cho sự duy trì của chúng tôi. Hơn nữa, những người chuyên đi săn cây “có thế” bonsai đã quá hiếm hoi nên chúng tôi cũng không có nhiều lựa chọn. Buộc phải phá cách theo nhu cầu của thị trường” - nghệ nhân Nguyễn Văn Nhân ở Chợ Lách nói.

Năm nay, khi tiết Xuân vừa chớm, những cây bonsai “phá thế” cũng đổ ra đường chào bán như các loại hoa treo, hoa nở... giá bán cũng khá đa dạng, loại dưới 1 triệu đồng cũng khá nhiều nhưng chủ yếu từ 3 triệu đồng trở lên. Bonsai là một thế giới riêng của các nghệ nhân, ở đó chỉ có sự can thiệp của nghệ thuật, nhưng thị trường chính của bonsai vẫn là dịp Tết.

Từ khóa » Bonsai ánh Cái Mơn