[Bookademy] Review Sách "Chiến Binh Cầu Vồng": Tri Thức Không ...
Có thể bạn quan tâm
Đã bao giờ bạn trải qua cảm giác chán học chưa? Cảm thấy vui vì tối nay bị cúp điện và được nghỉ học ở nhà. Nếu câu trả lời là Có thì hãy chạy ngay ra nhà sách mua cuốn “Chiến binh cầu vồng” về đọc nhé. Đọc để thấy mình còn may mắn nhiều lắm. Đọc để biết ơn vì được hưởng cái đặc quyền mà tất cả công dân đều phải có. Đó là học.
Giữa cái trưa nóng gay gắt của tháng Năm, tôi lần lại từng trang sách của Chiến binh cầu vồng để viết bài cảm nhận. Tâm hồn của tôi lại được tưới mát thêm một lần nữa. Dù đã đọc qua một lần nhưng cái cảm giác hồi hộp, theo dõi mạch truyện cũng vẫn còn nguyên vẹn. Tôi vẫn bật cười với cái cách làm to ngực của thằng Samson bằng hai nửa quả banh tennis, vẫn nín thở với kỳ thi học sinh giỏi căng não và tiếc thương cho số phận nghiệt ngã của Trapani và Lingtang.
Chiến binh cầu vồng là câu chuyện thực viết về tuổi thơ của tác giả Andea Hirata. Cuộc sống của những culi đảo Belington, Indonesia được mô tả trần trụi và thực tế hơn bao giờ hết. Giữa cái nghèo đói và tương lai tăm tối ấy là khát vọng đem giáo dục đến với trẻ em không có điều kiện đi học của cô Mus và thầy Harfan. Những đứa trẻ hàng ngày đi học, tối về cạo cùi dừa để đánh đổi những giờ được cắp xách đến trường. Học lúc này không còn là trách nhiệm mà là sự đam mê và tò mò kiến thức. Bên cạnh đó, cuốn sách còn lồng ghép những mẩu chuyện về tình cảm gia đình, tình thầy trò thiêng liêng, những ngây ngô của tuổi học trò mới lớn và cả rung động nam nữ đầu đời. Tất cả được mô tả dưới ngòi bút hóm hỉnh và sâu sắc của tác giả để cuốn sách hấp dẫn và thu hút người đọc hơn bao giờ hết.
Lớp học có 10 thành viên
Trường tiểu học Muhammadiyah là ngôi trường có lịch sử lâu đời nhất tại đảo Belingtong. Ngôi trường có vỏn vẹn đúng 10 học sinh và những đứa trẻ này đều xuất thân từ những gia đình culi nghèo có ba mẹ quanh năm đi làm thuê cuốc mướn, bán mặt cho đất bán lưng cho trời.
Đó là thằng Syahdan lém lỉnh lúc nào miệng cũng nhồm nhoàm đồ ăn nhưng người vẫn cứ loắt choắt và ốm tong teo. Ngồi cùng bàn với thằng này là A Kiong với cái đầu hộp to bự. Gia đình nó đều là người Phúc Kiến, tôn sùng đạo Khổng. Nhưng cuối cùng vì hoàn cảnh quá khó khăn nên đành cho con theo học tại trường dạy đạo Hồi chính cống. Thằng nhỏ mặt mũi bặm trợn là vậy nhưng lại là đứa thông minh, học đâu hiểu đó. Ngồi trước mặt nó là thằng Kucai mặt mũi sáng láng, dễ thương, dễ gần học hành lại hơi bị lẹt đẹt. Nó được bầu làm lớp trưởng. Cái chức danh to bự nhưng cũng không kém phần áp lực. Tụi nhỏ mới lớn nghịch như quỷ sứ, báo hại lớp trưởng lúc nào cũng kè kè đi theo nhắc nhở mặc dù bản thân nó cũng không nghiêm túc gì cho cam. Có lần thằng Kucai đã xin phép cô Mus cho nó từ chức. Nhưng khi bỏ phiếu bầu lại. Nó vẫn được 9/10 phiếu ứng cử. Vậy là thằng Kucai lại tiếp tục ngậm ngùi giữ luôn cái chức vụ này cho đến khi tốt nghiệp.
Ngồi tít trong góc là thằng Trapani. Hoàng tử của lớp. Nó vừa xinh trai, hiền lành và ít nói. Ước mơ của Trapani lớn lên được trở thành giáo viên như thầy Harfan và cô Mus.
Trong lớp có duy nhất một đứa con gái. Đó là Sahara. Con nhỏ cá tính, có phần hơi cộc cằn và là đối thủ không đội trời chung của A Kiong. Không ngày nào mà hai đứa không cãi lộn sau đó lại làm huề với nhau. Bù lại, Sahara luôn cư xử nhẹ nhàng và tử tế với Harun. Ngày này qua tháng nọ, nó luôn kiên nhẫn nghe đi nghe lại câu chuyện nhà thằng Harun có nuôi con mèo tam thể.
Harun là thành viên lớn tuổi nhất lớp. Từ nhỏ nó đã bị thiểu năng trí tuệ. Ngày trước, cậu nhỏ cũng đã đi học vài chỗ, nhưng cuối cùng lại nghỉ vì không hợp. Hôm khai giảng, Harun đã cứu trường Muhammadiyah một cách đầy ngoạn mục. Chuyện là ông thanh tra giáo dục đã tuyên bố một câu xanh rờn rằng nếu trường không có đủ 10 học sinh thì nguy cơ đóng cửa là chắc chắn. 11 giờ trưa, mọi người đều hồi hộp và buồn rầu vì đếm đi đếm lại thì mới chỉ có 9 học sinh. Đến khi thầy Harfan đã chuẩn bị tinh thần lên đọc bài diễn văn từ biệt, thì thằng Harun xuất hiện. Nó như vị cứu tinh xẹt đến cứu rỗi ước mơ được đứng lớp của cô Mus và khao khát được đi học của lũ trẻ được biến thành sự thật.
Nhân vật tiếp theo cũng không kém phần hài hước có cái tên cúng cơm là Borek. Một lần thằng này nhặt được chai thuốc mọc tóc có hình người đàn ông lực lưỡng mặc quần sịp với lông lá như đười ươi. Vậy là thằng này đã tìm thấy ước muốn của đời mình từ đây. Nhờ tập luyện và lao động nhiều mà cơ bắp của nó cuồn cuộn lên trông thấy. Bạn bè gọi nó là Samson. Thằng này là đứa đầu têu ra cái cách làm to ngực bằng hai nửa trái banh tennis. Báo hại tác giả bị đem ra làm chuột bạch thí nghiệm. Vài tuần sau hai cái vết bầm to quằn quện ấy mãi cũng không tan.
Trong cái tập thể nhiều màu sắc ấy nổi cộm lên hai nhân vật xuất chúng. Đó là Lingtang và Mahar.
Lingtang là một đứa trẻ với vóc người nhỏ nhắn. Mắt nó sáng như hai vị sao. Thằng nhỏ là con trai cả trong gia đình có truyền thống làm nghề cá. Ba nó là lao động chính trong ngôi nhà nhỏ có đến 14 thành viên. Một mình ông bươn chải lo cho từng ấy miệng ăn. Hàng ngày, Lingtang phải đạp xe trên bốn mươi cây số để đến trường. Từ tờ mờ sáng, nó đã phải thức dậy để đi học. Vượt qua cái đầm lầy lúc nhúc cá sấu. Có ngày xe đạp bị hư, nó phải dắt bộ đến trường. Đến lúc tới nơi thì lũ bạn đã học xong tới môn gần cuối. Nó vẫn vui vẻ và lên hát tặng cả lớp bài Padamu Negeri. Gian khổ và khó khăn nhiều đến như vậy, nhưng Lingtang chưa bao giờ quên nụ cười thường trực trên môi. Nó đến trường với lòng đam mê tri thức đến lạ lùng.
Lingtang thể hiện khả năng đặc biệt ở các môn khoa học. Những bài toán với công thức dài loằng ngoằng được nó giải nhoay nhoáy mà không cần phải có giấy bút. Cậu học trò đặc biệt này là hy vọng và niềm tự hào của trường Muhammadiyah.
Tiếp theo là một nhân vật cũng đặc biệt không kém. Đó là Mahar. Cậu nhóc hay mơ mộng, chểnh mảng, có những suy nghĩ quái dị, không giống ai là một thiên tài về nghệ thuật. Giọng hát của Mahar mỗi khi cất lên làm lay động trái tim của tất cả mọi người. Lần đầu tiên trình bày bài Tennesse Waltz nổi tiếng với cây đàn Hawaii của mình trước lớp. Nó đã khiến cả lớp phải sửng sốt. Cô Mus xúc động chấm chấm những giọt nước mắt sắp trào ra.
Mahar có thể ngồi hàng giờ kể cho tụi bạn nghe những câu chuyện quái dị mang tính chất thần thoại và cũng không kém phần mơ mộng. Tâm hồn nghệ sĩ của nó lúc nào cũng bay bổng và vắt lơ lửng trên cành cây. Điểm Mỹ thuật của Mahar lúc nào của tuyệt đối. Nó cũng là người đã nghĩ ra ý tưởng đột phá trong buổi lễ hóa trang của trường.
Nếu ví tri thức như những ngọn đèn thì thầy Harfan và cô Mus là những người cầm đuốc. Thầy Harfan như con gấu Bắc Mỹ với bộ râu quai nón rậm rạp màu nâu nhạt và điểm xám. Hôm khai giảng, thầy mặc một cái áo sơ mi giản dị đã bạc thếch màu cùng với cái dây nịt có nhiều khía hình chữ V rẻ tiền. Tóm lại, vẻ ngoài của thầy trông hơi đáng sợ, có thể làm con nít khóc ré lên bất cứ lúc nào. Nhưng khi được đứng trên bục giảng, thầy Harfan lại thành con người khác. Các bài học, câu chuyện của thầy đi sâu vào tâm khảm những đứa trẻ. Tụi nhỏ giỏng tai lên nghe như uống từng lời của thầy. Tiết học kết thúc, thầy Harfan phải đi, làm những đứa học trò tiếc hùi hụi.
Cô Mus là giáo viên chủ nhiệm của tụi nhỏ. Tuy tuổi đời vẫn còn rất trẻ nhưng cô có kiến thức sư phạm rất vững. Ban ngày đi dạy, tối cô Mus nhận thêm việc may vá để trang trải cho cuộc sống. Những ngày trời nắng nóng, ngôi trường cũ kỹ với mái tôn đã gần như mục rã làm ai cũng mệt phờ. Ngày mưa cả đám học trò che dù học bài, còn cô giáo thì lấy tàu lá chuối để che chắn. Khó khăn là vậy nhưng cô luôn là tấm gương dạy cho tụi nhỏ phải sống kiên cường và nghị lực. Những bài học về đạo đức và cách sống của đạo Hồi chân chính đi vào lòng những đứa trẻ một cách thật nhẹ nhàng.
Lễ hội hóa trang đáng nhớ
Lễ hóa trang là ngày hội mà học sinh trường Muhammadiyah mỗi lần nghĩ đến đều rùng mình. Đó là ngày học sinh từ các trường tranh tài với nhau. Bốn chục năm nay, cúp vô địch luôn thuộc về trường PN danh giá. Họ đủ ý tưởng và tiền bạc để sắm sửa những bộ trang phục đắt tiền hóa trang thành những bác sĩ, kỹ sư. Đó là ước mơ về nghề nghiệp tương lai của những đứa trẻ này. Còn học sinh trường Muhammadiyah thì chỉ thuần những bộ áo mặc thường ngày. Samson mặc trang phục của người gác đê. Trapani với quần áo bảo hộ và đội mũ bảo hiểm. Thằng Syanhdan vác theo một bao lưới. Lintang thổi còi vì nó là trọng tài bóng đá, còn tác giả chạy lăng xăng làm trọng tài biên.
Năm nay, thầy Harfan đặt tất cả hy vọng vào thiên tài mới nổi Mahar. Mong rằng những ý tưởng xuất chúng của nó có thể vớt lại danh dự cho trường. Mahar nhận trách nhiệm và cực kỳ nghiêm túc suy nghĩ. Nó thao thức và trăn trở mấy đêm liền. Hết một tuần, thằng nhỏ lúc nào cũng đeo vẻ mặt tư lự đi học. Một ngày đẹp trời sáng thứ Bảy, Mahar vừa đi vừa huýt sáo. Nó đã tìm ra ý tưởng cho buổi lễ.
Đó là điệu nhảy bộ tộc Masai, một dân tộc thiểu số ở châu Phi. Điểm đặc biệt của buổi trình diễn này là nó không cần nhiều quần áo. Điều này đã giải quyết được tất cả những lo lắng và phiền muộn về kinh phí của thầy Harfan và cô Mus.
Mỗi buổi tối, mọi người cùng quây quần lại và tập luyện cho buổi trình diễn. Điệu nhảy rất vui nhộn và mạnh mẽ. Cả đám cùng dậm chân, xoay vòng và cười nắc nẻ.
Bạn biết không, bạn thân mến, hạnh phúc là gì? Ấy là cảm giác của tôi lúc đó. Tôi hoàn toàn để hết tâm trí vào điệu nhảy và sẽ biểu diễn cùng với lũ bạn chí cốt và biết đâu người yêu đầu đời của tôi cũng đến xem thì sao.
Lễ hội hóa trang cuối cùng rồi cũng đến. Tác giả cùng những người bạn được hóa thân thành những cô bò cái rực rỡ. Trang phục là một cái quần sóoc đỏ ngắn đến đầu gối. Toàn bộ cơ thể là những vệt màu nâu sáng khắp người. Cổ chân được đeo chuông và quả tua. Eo lưng quấn thêm cái khăn có lông gà. Vũ khí bí mật của thằng Mahar cuối cùng nằm ở cái vòng cổ làm bằng quả aren. Nó đã khiến cho những điệu nhảy trở nên thần sầu và hoang dại hơn bao giờ hết.
Tới lượt tiết mục của trường tiểu học Muhammadiyah. Chất nhựa tiết ra từ quả aren bắt đầu phát huy tác dụng . Khắp cổ, ngực và hai tai của những cô bò bắt đầu nóng và ngứa râm ran. Tiếng trống tabla vang lên, cả đám 8 đứa bắt đầu điệu nhảy. Ban đầu còn theo nhịp nhưng sau đó thì dần dần ra khỏi kịch bản. Cả đám hú hét và quằn quại. Tiếng trống càng hăng, lũ trẻ càng làm những động tác điên cuồng. Hóa ra những động tác không được tập luyện này lại càng tăng thêm phần kịch tính cho tiết mục. Dần về cuối mọi người càng thích thú. Họ được chứng kiến một tác phẩm có 1-0-2. Hai hàng nước mắt chảy giàn giụa trên má cô Mus và thầy Harfan. Lần đầu tiên, trường được ẳm một cái cúp lưu niệm danh giá. Chứng nhận cho những nỗ lực và tài năng không đợi tuổi của thằng Mahar.
Cho tôi xin một vé về tuổi thơ
Càng đọc tôi càng thích cách hành văn của tác giả Andrea Hirata. Tôi nhớ cái tuổi thơ quậy ơi là quậy của mình. Giá như một lần được chơi trò trượt nước như những đứa trẻ trong chuyện.
Mùa mưa tới là mùa cả đám lại bày ra trò chơi không tên với lá cây pinang hantu. Một đứa sẽ lãnh nhiệm vụ kéo cái lá, còn hai đứa ngồi sau chỉ việc lách mình để cơ thể quật bên này quật bên kia theo những cú ngoắt bất ngờ. Điểm thú vị là sau những cú lượn ngoạn mục đứa nào cũng bị hất văng ra khỏi tàu lá. Tạo nên những cú trượt bén ngọt và rất đã. Có một lần, thằng Syahdan bị hất ra khỏi lá và nằm ngây đơ cán cuốc. Cả đám xanh mặt. Con nhỏ Sahara bắt đầu khóc thút thít. “Syahdan…Syahdan tỉnh dậy đi mà…”. Đúng lúc ấy thì thấy hàm răng nham nhở của thằng Syandan nhe ra. Nó khoái trá cười khành khạch. Vậy là sau đó nó bị cả đám ném lại vào con rãnh.
Tuổi học trò hồn nhiên đầy mơ mộng, là lần đầu tác giả biết yêu thương và nhớ nhung một ai đó. Cô gái nhỏ với bộ móng tay tuyệt đẹp ở tiệm tạp hóa Sinar Harapan. Từ cuộc chạm mặt định mệnh lần đầu tiên, tác giả Ilkal đã nhận luôn nhiệm vụ mua phấn cho cô Mus. Con đường dài ngoằng, đèo thêm sau lưng thằng Syahdan nặng chịch vậy mà giờ đây lại ngắn và thơ mộng hơn bao giờ hết.
Thằng A Kiong lãnh nhiệm vụ làm chim xanh đưa thư qua lại cho hai bên. Nó làm cái phi vụ này gọn ơ. Ngày lễ giật đồ, hai bạn trẻ hẹn gặp nhau. Tình cảm của họ đong đầy hơn bao giờ hết. Thế rồi, một ngày cô gái nhỏ đột ngột chuyển đi. Để lại món quà và trái tim tan nát của Ilkal. Cậu nhóc rất buồn và thất tình ra trò. Tình đầu dang dở lúc nào cũng để lại rất nhiều ấn tượng đẹp.
Đừng bỏ học
Căn bệnh hen suyễn của thầy Harfan từ lâu đã trở nặng. Nhưng thầy vẫn hết lòng vì sự nghiệp giáo dục. Có những ngày thầy đạp xe hơn 100 cây số để đem bán những hoa màu, trái cây tự trồng lấy tiền mua sách cho tụi nhỏ đọc. Trên đường về, thầy còn ghé thư viện thành phố mượn tài liệu thi tốt nghiệp mấy năm trước về tham khảo. Một tối, cả lớp lên trường để gặp thầy Harfan. Nhưng chờ mãi vẫn không thấy thầy đâu. Cửa phòng Hiệu trưởng không khóa. Thầy Harfan ngồi đó đầu gục xuống mặt bàn. Lay mãi mà vẫn không có động tĩnh. Thầy không còn thở nữa. Thầy chết rồi.
Chúng tôi khóc tiễn biệt thầy trong lớp học. Người khóc khiến ai nghe cũng thắt ruột là Harun. Thầy Harfan như cha của cậu ấy. Cậu khóc quá chừng, không ai dỗ cho nín được. Nước mắt tuôn chảy ướt cả áo sơ mi.
Những ngày sau đó, xe múc của tập đoàn thiếc PN liên tục lăm le đến số phận của ngôi trường nhỏ bé này. Thầy Harfan mất, cô Mus không còn nhiều năng lượng như trước kia nữa. Những suy nghĩ tiêu cực luôn hiện lởn vởn trong đầu cô. Cho đến một ngày, thằng Kucai nghỉ học đi theo người ta hái hồ tiêu. Sau đó đến lượt Samson. Rồi đến Mahar và thằng A Kiong. Tuần sau nữa là chính tác giả.
Chủ nghĩa thực dụng lúc này được đưa đến đỉnh cao. Bao nhiêu năm mài ống quần trên trường vẫn không thấy được nhiều lợi ích bằng mấy ngày ra đường bươn chải với túi quần căng phồng tiền.
Cô Mus không còn đến lớp thường xuyên như trước đây nữa. Cô ở nhà tập trung may vá và đan lát. Vài ngày sau, cô nghe nói trường vẫn có học sinh và người đứng lớp. Điều này khiến cô Mus rất bất ngờ. Chiều hôm ấy, cô đạp xe đến trường. Thấp thoáng là tấm lưng của Lingtang. Nó nhận nhiệm vụ giảng dạy thay cho cô Mus. Tụi học trò chỉ còn vài đứa nhưng vẫn chăm chú nghe “thầy giáo” giảng bài.
Người cô run lên khi thấy Lingtang đang kể cho Sahara, Flo, Trapani và Harun nghe câu chuyện tổng thống đầu tiên của Indonesia –Soekarno – cố gắng tiếp tục học tập vì nền độc lập của Indonesia ngay cả khi quân Hà Lan bỏ tù ở Bandung.
Nước mắt tuôn trào trên mặt cô Mus. Cô đã kể cho chúng tôi nghe câu chuyện ấy để thắp lên ngọn lửa quyết tâm trong lòng chúng tôi, để nhắc nhở chúng tôi rằng dù thế nào đi nữa cũng phải cố gắng bám trường bám lớp.
Những ngày sau đó, cô Mus đạp xe đi tìm từng đứa, thuyết phục tụi nó quay lại trường học. Cô đạp xe hàng chục cây số vào các đồn điền tiêu để kiếm thằng Kucai. Sau đó cô lại lên thuyền cùng với những người Sarong để tìm Samson. Nó đang làm culi cùi dừa khô ở đấy. Cô không muốn bỏ rơi ai cả. Ngày đoàn tụ, mọi người cùng hẹn gặp nhau dưới tán cây filicium, từng đứa học trò quay trở lại, làm trái tim cô Mus vui như vỡ òa.
Phần tiếp theo của câu chuyện phi thường này là chuỗi ngày cô Mus đấu tranh giành lại quyền tự do giáo dục với vua thiếc PN không mệt mỏi. Những cán bộ cấp cao của tập đoàn liên tục đến gặp cô để thuyết phục từ bỏ ngôi trường này. Họ hứa hẹn với những tương lai đầy hấp dẫn. Nhưng điều này vẫn không lay chuyển được ý định của cô Mus. Báo chí và truyền thông bắt đầu kéo đến trường tiểu học Muhammadiyah. Mọi người đứng về phía cô Mus. Bảo vệ quyền lợi cho những đứa trẻ được đến tiếp tục đến trường.
Cuối cùng, những nỗ lực của cô Mus đã được công nhận. Cô và học trò của mình được mời đến trò chuyện cùng lãnh đạo cấp cao PN. Tụi nhỏ soạn cho cô bài phát biểu dài 5 trang A4, cùng những luận cứ và lập luận sắc bén. Mọi thứ đã chuẩn bị sẵn sàng. Ngày diễn ra sự kiện trọng đại. Cô Mus cùng học trò của mình mặc những bộ đồ lịch sự nhất để diện kiến. Đám con nít cứ liên tục mồm chữ O mắt chữ A ngắm nhìn Điền Trang lộng lẫy.
Giờ G đã điểm. Cô Mus cầm bản thảo đã được chuẩn bị sẵn lên. Người cô run cầm cập. Cô không nói được lời nào trong suốt buổi gặp gỡ ấy. Điều duy nhất cô Mus có thể làm lúc này là gửi tặng người đứng đầu PN một mẩu phấn đã được gói ghém cẩn thận trong một chiếc khăn tay.
Sau đó, cả đoàn tiu nghỉu đi về. Bao nhiêu hy vọng bị dập tắt.
Ngày kế tiếp, mọi người cùng hẹn nhau lên trường để thu gom lại những kỷ niệm. Tuy nhiên, phép màu đã xảy ra. Những chiếc xe múc đã được dời đi. Trả lại sự yên bình vốn có của trường.
Cô Mus nâng bảng tên trường đã bị rơi xuống nằm thải hại dưới đất. Cô chùi chùi tấm bảng bằng đầu chiếc khăn jilbab cho đến khi nhìn rõ chữ trên đó.
Sau khi được cô Mus lau lui lau tới, tấm bảng lại bừng sáng trở lại phản chiếu lấp lánh ánh mặt trời. Ngôi trường cũ của chúng tôi vùng dậy từ cõi chết, nó đã hồi sinh.
Sau bao nhiêu nỗ lực không ngừng nghỉ, tấm lòng của cô trò trường Mummadiyah đã được đền đáp. Trò chơi của số phận có phải chăng là do bản thân mình tự nắm lấy?
Cất cánh
Ba tháng trước khi tốt nghiệp, Lingtang đột ngột nghỉ học. Mọi người cảm thấy rất bất ngờ vì trước giờ dù có nhiều khó khăn, trắc trở đến đâu Lingtang cũng đến trường. Vậy mà hôm nay lại không thấy bóng dáng của nó. Đến ngày thứ 4, cô Mus nhận được một lá thư tay. Đây là lần đầu tiên cô không cầm được những giọt nước mắt lăn dài trên gò má.
Thưa cô,
Cha em mất rồi. Ngày mai em đến trường để chào cô và các bạn.
Học trò của cô,
Lingtang.
Cái chết của người cha cũng chôn vùi luôn giấc mơ của con trai. Trụ cột gia đình từ nay không còn nữa. Nhà vẫn còn mười mấy miệng ăn. Lingtang hầu như không còn sự lựa chọn nào khác. Ngày chia tay, đứa trẻ nào cũng khóc. Lingtang muốn ôm mọi người thật lâu thật lâu thêm chút nữa. Cậu bé với đôi mắt rực sáng, thần đồng toán học và là ngọn hải đăng thắp sáng lên hy vọng và hoài bão của mọi người. Vậy mà giờ đây, phải tận mắt chứng kiến cái cảnh con người ấy tự tay từ bỏ những hoài bão của mình. Không ai không cảm thấy đau lòng.
Sau này lớn lên, hình ảnh ngày hôm ấy cứ day dứt và ám ảnh tác giả mãi. Anh tiếc vì không thể giúp gì được cho người bạn chí thân của mình. Vậy là mười hai năm sau khi tốt nghiệp, cái giấc mơ tiếp tục đi học lại bùng cháy. Anh đi làm và bắt đầu kế hoạch xin học bổng sang châu Âu. Ban ngày kiếm tiền tối về nhà miệt mài trong những trang vở. Vài năm sau, anh chính thức trở thành du học sinh của một trường đại học ở châu Âu. Lời hứa với trường Muhammadiyah, với cô Mus, thầy Harfan và cả với đội chiến binh cầu vồng nay đã được thực hiện.
Kết
Trưởng thành đôi khi phải trả những cái giá rất đắt. Đó là khi bạn nhận ra đời không như là mơ. Bao nhiêu năm vẽ ra nhiều hoài bão dự định nhưng cuối cùng vẫn xoay vòng trong gánh nặng cơm áo gạo tiền. Những lúc như vậy chỉ mong tâm vẫn đủ trong, trí vẫn đủ sáng để tiếp tục kiên trì theo đuổi những mục tiêu. Chỉ có thực học mới giúp bạn tiến bộ và phát triển hơn nữa.
Tác giả: Ngọc Ấn - Bookademy
-----
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn
Trở thành CTV viết reviews sách để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị cùng Bookademy, gửi CV (tiếng Anh hoặc Việt) về: [email protected]
Từ khóa » Cầu Vồng Không Cần Mưa
-
Cầu Vồng Không Cần Mưa | Nhà Sách Hoàng Gia | Tiki
-
Cầu Vồng Không Cần Mưa
-
Cầu Vồng Không Cần Mưa - Mỗi Ngày 1 Cuốn Sách
-
Bí Quyết Vượt Lên Chính Mình Trong 'Cầu Vồng Không Cần Mưa' - Zing
-
Cầu Vồng Không Cần Mưa | Facebook
-
More Content - Facebook
-
Cầu Vồng Không Cần Mưa, Một Quyển Sách đáng để đọc
-
Cầu Vồng Không Cần Mưa - YouTube
-
Cầu Vồng Không Cần Mưa - Sách Tư Duy - Kỹ Năng Sống
-
Những điều Thú Vị Về Cầu Vồng - Phương Nam 24h
-
Làm Thế Nào để Tạo Ra Cầu Vồng Tại Nhà? - Banhoituidap
-
Giải Thích: Vì Sao Cầu Vồng Thường Xuất Hiện Sau Cơn Mưa Mùa Hè?
-
7 TẠI SAO CÓ CẦU VỒNG Mới Nhất