[Bookademy] Review Sách "Tịch Mịch": Có Bức Họa Xuân ... - YBOX
Có thể bạn quan tâm
Minh Nguyệt
~100.000 followers
Theo dõi Nhắn tinThông tin
- Đang cập nhật...
- Đang cập nhật...
- Đang cập nhật... ~ 100.000 người
Sở thích
Chưa có thông tin
Cần tim bạn
Chưa có thông tin
- Đang cập nhật...
Minh Nguyệt@Viện Sách - Bookademy
6 năm trước
3[Bookademy] Review Sách "Tịch Mịch": Có Bức Họa Xuân "Tịch Mịch"
Khang Hy được mệnh danh là một trong những vị hoàng đế vĩ đại nhất lịch sử Trung Quốc, nhưng cuộc sống chốn thâm cung lại hoàn toàn trái ngược. Là một người ham mê tửu sắc, ông có hàng nghìn cung tần mĩ nữ, và có đến hơn ba mươi bảy người con. Còn Khang Hy dưới ngòi bút sắc sảo, giọng văn chất chứa đầy tâm sự của nhà văn Phỉ Ngã Tư Tồn không những đa tình mà còn rất chung tình...
Tịch mịch gần như là một trong những tác phẩm đời đầu của Phỉ Ngã Tư Tồn, và cũng là tác phẩm được ra đời trong hoàn cảnh gần như không được thuận lợi. Bởi lẽ trong suốt quá trình nhào nặn nên tác phẩm, tác giả có chia sẻ gần như không lên kế hoạch trước mà cứ viết để mặc cho cảm xúc tuôn trào. Nhưng không vì thế mà Tịch mịch mất đi độ liền mạch và chất văn của Phỉ Ngã Tư Tổn. Câu chuyện trong “Tịch mịch” được vẽ nên cứ như một bức tranh xuân đầy ai oán, cô đơn và buồn khổ mà chẳng thể nói thành lời.
Có một bức tranh xuân mang tên “Tịch mịch”
“Con đường của đế vương là con đường tịch mịch nhất thế gian. Và tình yêu của bậc đế vương cũng vô cùng tịch mịch...”
Tiểu thuyết Tịch mịch lấy bối cảnh Triều đại Mãn Thanh, kể về cuộc tình đầy ngang trái giữa vua Khang Hy và cung nữ Vệ thị Lâm Lang (về sau được sắc phong Lương phi). Nàng là Lâm Lang, vốn xuất thân trong gia tộc họ Vệ, nhưng lại là một tội thần của triều đình bấy giờ. Lâm Lang được đưa về nhà ngoại, phủ đệ Nạp Lan Minh Châu, về sau nàng được đưa vào cung và làm việc ở Tứ Chấp Khố. Cuộc đời của nàng vẫn sẽ chỉ trôi qua đầy bình lặng nếu như hôm đó nàng không được đi Tây Uyển, cũng sẽ không gặp Khang Hy ở bên bờ suối và có thể mãi sẽ chẳng lọt vào mắt xanh của Khang Hy. Về sau nàng được chuyển đến cung Càn Thanh làm việc để hầu hạ Khang Hy và một cuộc tình về vị hoàng đế và một nàng Lâm Lam đã được vẽ nên đầy nhẹ nhàng và tinh tế, hệt như bức tranh xuân sơn mài. Nàng thân làm nô tì, nhưng những kiến thức và cách ứng xử của nàng lại hoàn toàn hút hồn Khang Hy. Nàng biết viết chữ, biết rất nhiều, nàng còn biết làm thơ, biết thêu thùa, may vá, và chỉ một cái nhìn thoáng qua là nàng có thể dễ dàng nhận ra người đối diện là ai và cần phải cung kính với họ ra sao. Chính những điều này đã khiến cho Khang Hy si mê nàng vô cùng. Nhưng rồi mối tình của họ chẳng kéo dài bao lâu, vì cái lẽ y là Hoàng đế còn nàng chỉ là một cung nữ thấp hèn. Y chẳng thể vứt bỏ giang sơn Đại Thanh để dành chọn một tình yêu cho nàng, y đang dần gạt nàng ra khỏi tâm trí, và để nàng một mình ở Trữ Tú Cung. Trầm mặc và lặng lẽ, biết bao mùa tuyết đã qua đi, nàng vẫn một mình cô quạnh nơi vườn vắng. Trong tiểu thuyết, vì lấy bối cảnh trong cung nên cũng có xây dựng thêm khá nhiều tình tiết tranh đấu các phi tần như Đoan Tần, Vinh Tần, Đông Quý phi, Nghi Tần,... Còn về kết thúc của truyện thì cũng không thể nói rõ là kết vui hay buồn, vì kết thúc truyện nó vẫn cứ lửng lơ, để lại trong lòng người đọc nỗi buồn da diết khó tả.
Nỗi khổ hạnh của nàng Vệ Lâm Lang
Nàng là Lâm Lang, là con của tội thần, từ nhỏ nàng đã phải sống bên nhà ngoại Nạp Lan Minh Châu, nhưng số phận trớ trêu, nàng buộc phải nhập cung. Trong tiểu thuyết, Phỉ Ngã Tư Tồn không quá đi sâu vào việc tại sao nàng phải nhập cung và gia tộc của nàng mắc phải tội gì, những hình ảnh một nàng Lâm Lang làm việc ở Tứ Chấp Khố hiện lên thật đáng thương. Lẽ ra, với tài sắc của nàng, nàng xứng đáng được hưởng hạnh phúc chứ không phải quanh năm vùi mình vào những công việc khổ cực nơi đây. Hình ảnh ba người tỉ muội Lâm Lang, Vân Sơ, và Họa Châu cùng nhau cười đùa vui vẻ trong gian phòng nhỏ ở Tứ Chấp Khố hiện lên thật giản dị và gần gũi ở ngay mở đầu cuốn sách. Vô ưu – đó là điều mà ắt hẳn ai trong mỗi người đọc đều có thể cảm nhận được ở họ. Mặc dù phải làm việc rất vất vả, phải sống trong cung cấm cho đến tận năm hai mươi lăm tuổi, nhưng họ vẫn luôn gắng vui vẻ, và chưa một lần oán thán. Ở Tứ Chấp Khố, sự thông minh, nét tinh tế vốn có của nàng Lâm Lang chẳng thể che giấu được. Nàng càng cố che giấu thì vẻ đẹp của nàng càng thể hiện rõ hơn. Từ ngoại hình cho đến nét tài hoa ẩn sâu bên trong dáng vẻ nhẹ nhàng của Lâm Lang. Với chủ nhân, nàng quan sát mọi thứ từ trang phục cho đến cách nói chuyện của mọi người, từ đó có thể đưa ra cách ứng xử sao cho hợp lễ nghi, trước giờ điều này, nàng luôn làm tốt. Với những tỉ muội đồng cảnh ngộ hay với sư phụ Ngọc Trợ, trước giờ nàng luôn tốt bụng giúp đỡ, trong công việc giặt là, nàng luôn thể hiện là người khéo léo, gắng sức hoàn thành thật tốt công việc mà bề trên giao phó. Nàng chưa một lần có ý muốn tiếp cận Hoàng đế, nhằm được sắc phong làm phi tần, có lẽ cũng vì nàng là con người trước giờ không màng hư danh, chỉ vì số phận mà buộc phải nhập cung.
Và rồi cuộc đời của Lâm Lang đã bước sang một trang mới, khi nàng được ghi tên vào đoàn hộ tống Khang Hy đi săn ở Tây Uyển. Tại đó, nàng đã nên duyên với Khang Hy. Nàng nhanh chóng được chuyển tới Càn Thanh cung để hầu hạ Khang Hy. Khó giấu nổi sự thông minh và nét lanh lợi vốn có, vị Hoàng đế chẳng bao lâu đã bị nàng hớp hồn. Có lẽ phần nhiều là do nàng hoàn toàn khác với những nữ tử mà Khang Hy đã từng gặp trước đây. Nàng mang cái dáng vẻ yêu kiều, sự tài hoa của những tú nữ con nhà quyền quý, đáng lí ra nàng chẳng nên đứng trước mặt Khang Hy với thân phận là một nô tỳ hèn kém. Cũng chính nàng đã khiến Khang Hy dần trở nên đa sầu đa cảm tự bao giờ. Nhưng trước giờ, với Lâm Lang, nàng luôn nói với y rằng: “Thân phận nô tỳ thấp kém, không xứng Hoàng thượng quan tâm.” Rõ ràng, như rất nhiều người khác, khi được Hoàng đế để mắt đến, dường như là cơ hội ngàn vàng, và ai cũng đều mong muốn có được cơ hội này, với nàng thì khác, nàng không hề mong muốn có một tình yêu như vậy! Phải nhập cung với một thân phận hèn kém, với nàng, cung cấm như một chiếc lồng giam khổng lồ, nàng chỉ có một mong ước, đó là mau chóng được xuất cung, trở về với cuộc sống yên bình trước kia, không xô bồ, không phải để ý sắc mặt của từng người mà sống. Nàng biết rằng, tình yêu của vị Hoàng đế ấy dành cho nàng là quá xa xỉ, nàng chẳng hề muốn có một tình yêu mà tình yêu ấy còn phải san sẻ với hàng nghìn cung tần mĩ nữ khác. Chẳng bao lâu sau, trên dưới trong cung, ai ai cũng nhìn ra nàng được Huyền Diệp hết mực sủng ái và quan tâm, mọi ánh mắt đều dồn vào nàng. Nàng nhanh chóng được phong làm đáp ứng (một phi tần của vua). Nhưng những hiểu lầm và oan trái chốn thâm cung hiểm độc cứ kéo đến với nàng, khiến cho niềm hạnh phúc nhỏ nhoi của nàng chẳng mấy chốc đã bị dập tắt. Khang Hy hiểu lầm nàng vẫn tình chàng ý thiếp với Nạp Lan Dung Nhược, anh họ bên nhà ngoại nàng và cũng là thanh mai trúc mã của nàng. Y cực chẳng đã, vô cùng tức giận, nhưng trong đấy, y cũng vẫn yêu và thương Lâm Lang, trong một khoảnh khắc nào đấy, y vẫn luôn dành cho Lâm Lang một thứ tình cảm khó nói vô cùng. Và rồi những rối ren chốn cung cấm buộc y phải lựa chọn, giang sơn hoặc nàng, và y buộc phải chọn giang sơn.
“Lòng đã quyết, không thay đổi.”
Nàng mất đi đứa con đầu tiên nhưng nàng không có ai ở bên, mà ngược lại, trên dưới chẳng có ai quan tâm nàng. Nàng kiệt sức đến chết đi sống lại, và từ đó nàng mãi cô quạnh ở Trữ Tú cung. Nơi đó cũng chẳng khác lãnh cung là mấy, nàng và y thực sự đã mãi bị một bức tường cao chắn lại rồi. Ngay từ đầu, nàng đã sớm biết, rồi sẽ có một ngày nàng sẽ mãi chẳng còn nhìn thấy ánh mặt trời, sẽ mãi chẳng còn được nằm trong vòng tay ấm áp của y nữa, nhưng thánh chỉ có cưỡng cầu, số phận đã sớm chẳng còn nằm trong tay nàng nữa rồi. Biết bao mùa tuyết cứ dần qua đi, cuộc đời nàng cứ lặng lẽ như tờ mà trôi qua. Cho đến lễ mừng thọ của Khang Hy, nàng chỉ dâng lên y vài dòng tranh chữ, cũng hệt như nỗi lòng mà nàng muốn gửi gắm đến y. Lòng nàng đã đau đến nhường nào khi cứ từng chút, từng chút một bị những toan tính chốn thâm cung kia cướp đi người đàn ông của nàng?
“Ta muốn có một đứa con.”
Nhiều ý kiến cho rằng nàng đối với Khang Hy chỉ là lợi dụng, nàng trước giờ với Khang Hy chưa hề vượt quá ranh giới chủ tớ, chỉ nhất mực chung tình với thanh mai trúc mã của nàng khi xưa là Nạp Lan Dung Nhược. Nhưng với tôi Lâm Lang yêu Khang Hy sâu đậm lắm chứ. Nếu không yêu, sao nàng luôn đỏ mặt mỗi lần Huyền Diệp bày tỏ tình cảm với nàng. Nếu không yêu, sao nàng lại đau khổ đến cùng cực khi không có Khang Hy ở bên vào cái khoảnh khắc mất đi đứa con đầu tiên. Nếu không yêu, sao nàng lại gửi hết tấm chân tình vào trong tranh chữ: “...Phu quân nếu nhận thiếp, thiếp cam chịu trăm roi. Nếu không xin nguyện chết, để chôn trên đất quân. Hóa thành đoạn trường hoa, cũng sẽ mọc đất này.” Từng câu từng chữ như thể muốn giãi bày lòng mình với Khang Hy, rằng với nàng, trước giờ nàng luôn dành cho y một tình cảm đặc biệt, mong y hiểu thấu. Và nếu không yêu, sao nàng lại chợt hạnh phúc khi được y đưa đi cùng trong chuyến vi hành? Rõ ràng trong tim của nàng, hình bóng của Huyền Diệp đã sớm chiếm lấy một vị trí không thể thay thế được, dù cho đó có là Nạp Lan Dung Nhược hay bất kì một ai khác. Nhưng lòng người hiểm ác, y lại là một vị Hoàng đế, rõ ràng, tình cảm ấy càng lớn dần lên, lại càng trở nên cay đắng. Đã từng được sủng hạnh đến như vậy nhưng đến cuối cùng, tình yêu của Lâm Lang dành cho Khang Hy, cũng như Khang Hy dành cho nàng chẳng còn vẹn nguyên. Nếu được sinh ra trong một hoàn cảnh khác, nếu nàng chẳng phải sinh ra trong gia đình A Bối Nãi Vệ thị, y không phải là Ái La Giác Tân Huyền Diệp, Hoàng đế Khang Hy, thì có lẽ tình yêu của họ sẽ chẳng gặp nhiều sóng gió và trắc trở đến như vậy. Mãi cho đến về sau, nàng hạ sinh được cho y Ái La Giác Tân Dận Tự, được mọi người gọi là Bát A Ca, nhưng cuộc đời nàng, tuổi xuân và tình yêu của nàng đã mãi bị chôn vùi ở Trữ Tú cung từ sau cái đêm cuối cùng Khang Hy ở bên nàng.
“Tịch mịch không đình xuân dục vãn”
Năm ấy có một Khang Hy đa tình mà cũng hết mực chung tình...
Y là một trong những vị Hoàng đế vĩ đại nhất lịch sử Trung Quốc, nhưng vào mùa xuân năm ấy, vào cái độ mà tuyết vẫn còn đương rơi phủ kín bốn bề Đại Thanh. Y có trong tay tất cả, giang sơn này là của y, những tú nữ, giai nhân đẹp nhất cũng là của y, chỉ riêng có mình nàng, y cũng không rõ, liệu nàng có phải là của y hay chăng? Khang Hy không dám khẳng định tình cảm của Lâm Lang dành cho mình liệu có như mình không. Y dùng cái uy của một vị Hoàng đế để đưa nàng đến bên mình, nhưng tận sâu trong tim y, y vẫn khao khát có một tình yêu chân thật, giản dị từ phía nàng. Lâm Lang, nàng ấy khác với những nữ tử khác! Nàng cái gì cũng tường, nàng biết chữ, còn biết làm thơ là đằng khác, ấy mà thuở mới ban đầu, y còn cầm tay nàng, toan dạy nàng viết lên hai chữ: “Huyền Diệp”! Y sẵn sàng vì nàng mà chống đối tất cả mọi người. Những chuyện chốn lục cung, cũng là y ra tay giúp đỡ nàng. Y sủng ái Vinh Tần, Nghi phi, giao ấn hoàng hậu cho Đông Quý phi hay về sau là vượt cấp phong cho Họa Châu, tỉ muội thân thiết nhất của nàng làm Ninh Quý phi. Nhưng nàng đâu biết rằng, tất cả những điều y làm đều là vì trong mắt y chỉ có nàng. Y không muốn Thái hoàng Thái hậu làm khó nàng, y lại càng không muốn những thủ đoạn tàn độc của chốn hậu cung nhắm đến nàng, y chỉ có thể làm những điều đó cho nàng, vì y chẳng thể trút bỏ trách nhiệm của một vị Hoàng đế, còn phải gánh vác trên vai cả một giang sơn to lớn. Trước sau như một, tình cảm của y vẫn vẹn nguyên như ngày mà y chót rơi vào lưới tình của nàng. Y nguyện đánh đổi tất cả để giành lấy những tháng ngày bình yên cho nàng và con. Thực ra ở phần ngoại truyện, Phỉ Ngã Tư Tồn có viết thêm những đoạn Khang Hy và Lâm Lang gặp lại nhau sau một khoảng thời gian xa cách, nhưng bằng một cách nào đấy, phần ngoại truyện càng khiến cho độc giả thấy luyến tiếc hơn cho mối tình đầy ngang trái của hai người.
Về sau, Phỉ Ngã Tư Tồn có xuất bản một cuốn sách, là tái bản của Tịch mịch, với tưa “Tịch mịch không đình xuân dục vãn”, có thêm khá nhiều chi tiết, nhưng về căn bản thì nội dung vẫn không hề thay đổi quá nhiều so với bản ban đầu của cuốn tiểu thuyết. Duy chỉ có chi tiết, được thêm vào, và để lại cảm xúc khá mạnh với tôi, đó hình ảnh Hòa phi, một phi tần được Khang Hy hết mực sủng ái, nhưng chung quy cũng là vì nàng ta quá giống Lâm Lang khi xưa, và mãi về sau, nàng ta mới nhận ra điều này. Chi tiết này được Phỉ Ngã Tư Tồn thêm vào như thể càng khẳng định được rõ nét hơn tấm chân tình mà Khang Hy dành cho Lâm Lang vẫn vẹn nguyên như năm nào.
“Hóa ra là nàng ta...
Sủng ái hơn hai mươi năm của nàng... hóa ra lại là của nàng ta.”
Trước sau như một, đến sau cùng, hẳn bất kì một phi tần nào của Khang Hy bấy giờ sẽ đều thấy ganh tị với tình cảm mà y dành cho Lâm Lang. Nhất mực chung tình, trước sau như một.
Phỉ Ngã Tư Tồn và những nét chấm phá vào bức tranh xuân quạnh hiu
Rõ ràng, mặc dù, đây gần như chỉ là một trong những tác phẩm đầu tay của Phỉ Ngã Tư Tồn nhưng thành công mà nó mang lại dường như lại vô cùng lớn. Lâm Lang theo lịch sử Trung Quốc chính là Lương phi, nàng đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho rất nhiều tác giả, và đã đi vào khá nhiều những trang tiểu thuyết cũng như những thước phim nói về nàng. Theo lịch sử, đúng là Khang Hy rất coi trọng nàng, nhưng chưa có một tác phẩm nào đào sâu được nhiều khía cạnh về mặt tình cảm của chuyện tình Khang Hy và Vệ Lâm Lang đến như vậy. Tịch mịch, lặng lẽ, u sầu! Lối viết không ào ạt, từng câu từng chữ như khứa vào tâm can người đọc.
Hình ảnh mọi thứ trong Tử Cấm Thành cho đến lục cung đều hiện lên đầy sống động. Nhất là cái cách mà Phỉ Ngã Tư Tồn để các nhân vật khoác lên mình những bộ trang phục đầy trang nhã, chỉ qua vài câu chữ. Chỉ đọc đến đây thôi, đã đủ thấy được nét tinh tế mà Phỉ Ngã Tư Tồn muốn thổi vào tác phẩm. Nữ tác giả hiểu khá rõ về những nhân vật trong lịch sử, từ đó tác giả xây dựng nên những nét tính cách đậm chất văn của mình. Mẹ Phỉ biết cách nắm bắt những tình tiết trong lịch sử để rồi khi những tình tiết đó được đưa vào trong một cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh triều đại nhà Thanh trở nên hấp dẫn vô cùng. Một điều mà tôi tin rằng ắt hẳn ai cũng đều có thể dễ dàng nhận ra khi đọc Tịch mịch đó chính là, cách hành văn chưa bao giờ dễ hiểu và mượt mà đến thế. Nó nhẹ nhàng và thanh thoát hệt như một bài thơ, nhưng lại để lại dấu ấn khó quên trong lòng mỗi chúng ta. Hy vọng rằng, trong tương lai gần, lịch sử sẽ bước vào trang văn học đầy tinh tế như cách mà Phỉ Ngã Tư Tồn và Tịch mịch đã làm được.
Tác già: Nguyễn Minh Nguyệt - Bookademy
-----
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật những thông tin thú vị về sách tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn
Tham gia cộng đồng Bookademy để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị, đăng ký CTV tại link: https://goo.gl/forms/7pGl3eYeudJ3jXIE3
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
6,899 lượt xem
Thích 3Không thích 0Chia sẻ Lưu bài 1 Có thể bạn thíchTừ khóa » Tịch Mịch
-
Tịch Mịch - Truyện FULL
-
Tịch Mịch - Wiktionary Tiếng Việt
-
[Review] Tịch Mịch – Phỉ Ngã Tư Tồn - Người Ham đọc
-
Tịch Mịch | Tiki
-
Từ điển Tiếng Việt "tịch Mịch" - Là Gì?
-
Tịch Mịch - Phỉ Ngã Tư Tồn ~ Đọc Truyện Xuất Bản Hoàn: Tich Mich
-
Nghĩa Của Từ Tịch Mịch - Từ điển Việt
-
Vô Địch Thật Tịch Mịch Convert - Mê Truyện Chữ
-
Tịch Mịch - Phỉ Ngã Tư Tồn | Shopee Việt Nam
-
Sách - Ngôn Tình - Tịch Mịch - Phỉ Ngã Tư Tồn | Shopee Việt Nam
-
Tịch Mịch
-
Tịch Mịch Full | Tác Giả: Phỉ Ngã Tư Tồn - Truyện Plus
-
Tịch Mịch - Review Sách