[Bookademy] Review Sách "Tottochan – Cô Bé Bên Cửa Sổ" - YBOX
Có thể bạn quan tâm
Kim Quỳnh@Viện Sách - Bookademy
7 năm trước
1[Bookademy] Review Sách "Tottochan – Cô Bé Bên Cửa Sổ" : Không Ai Là Trẻ Hư
Bạn đã từng thử gõ cụm từ “Tottochan – Cô bé bên cửa sổ” trên Google chưa? Tôi đã thử và kết quả tìm kiếm là khoảng 16.900 kết quả trong 0,48 giây, 92% người dùng Google đã thích cuốn sách này, cũng như những bản thảo được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau như tiếng Anh, tiếng Trung, các tiếng của Châu Âu và Ấn Độ,….và kể cả tiếng Việt. Đây thực sự là cụm từ được rất nhiều bạn đọc tìm kiếm và dành tình cảm ưu ái cho cuốn sách “Tottochan – Cô bé bên cửa sổ” của tác giả Tetsuko Kuroyanagi - cuốn sách bán chạy nhất ở Nhật sau Thế chiến thứ hai.
“Tottochan – Cô bé bên cửa sổ” – Hồi ký của chính tác giả Tetsuko Kuroyanagi, người được trải qua trong ngôi trường đặc biệt nhất, cũng như phương pháp giáo dục tuyệt vời nhất.
Tetsuko Kuroyanagi sinh ngày 9/8/1933 ở Tokyo. Bà là tác giả sách, diễn viên, ngôi sao truyền hình kiêm vận động viên Nhật Bản nổi tiếng; thậm chí còn là cố vấn của WWF và Đại sứ thiện chí cho UNICEF. Cuốn sách này chứa đựng tất cả hồi ức về một tuổi thơ của bà về người mẹ với cách giáo dục đầy yêu thương, và một ngôi trường đặc biệt với cách giáo dục mà bất kì ai cũng muốn vào học.
Cô bé Totto-chan trong cuốn sách chính là "bé Totto", tên thân mật hồi nhỏ của tác giả Kuroyanagi Tetsuko. Cô bé ấy sinnh trưởng trong một gia đình rất tài năng và hạnh phúc có: cha là nghệ sỉ đàng dương cầm, mẹ là vận động viên bóng rổ và tất nhiên không thể thiếu em chó Rocky.
Cô bé Totto-chan đó đã bị đuổi học ngay từ những ngày đầu tiên ở lớp 1 chỉ vì tính cách lạ lùng và năng động của mình. Trong giờ học, cô bé đã gọi cả gánh hàng rong vào lớp biểu diễn, thậm chí còn đứng ở cửa sổ gọi và nói chuyện với mấy chú chim… khiến các bạn xung quanh không học được. Giáo viên của cô bé đã kết luận là Totto-chan là một đứa bé hư hỏng, mơ mộng hão huyền, đầu óc trên mây, khả năng tập trung kém. Và thế là Totto-chan đã bị nghỉ học. Tuy nhiên, cô bé có một người mẹ rất hiểu tâm lý của mình, nên không nói gì đến chuyện đó và chuyển cho con gái đến ngôi trường với phong cách lạ lùng - Tomoe Gakuen (Trường Tomoe) của thầy hiệu trưởng Kobayashi Sosaku – ngôi trường có những lớp học là những toa tàu cũ và 50 học sinh có tính cách đặc biệt giống Totto-chan.
- Sự tôn trọng sở thích trẻ em:
Ở trường Tomoe – ngôi trường đặt biệt với cách giáo dục không ai có thể tưởng tượng được lúc bấy giờ, chính là sự tôn trọng - mọi người (ngay cả hiệu trưởng Kobayashi) đều tôn trọng sở thích và tính cách của các học sinh. Ở nơi đó không bao giờ có cách giáo dục giống những trường khác, cũng không có thời khoá biểu nhất định cho mỗi môn, mà học sinh thích học môn gì nhất thì cứ tự học môn đó trước và những môn không thích thì học sau cùng. Các thầy cô chỉ đóng vai trò hướng dẫn cho các em khi cần mà thôi. Giá như, nếu ngôi trường Tomoe ấy còn, thì chắc chắn nó sẽ là nơi bất cứ đứa trẻ nào (hay thậm chí bản thân tôi) cũng “tranh dành” để được học. Bởi, tôi biết, những giáo viên hay bất cứ người nào trong ngôi trường ấy đều sẽ tôn trọng sở thích của chúng tôi.
Môi trường giáo dục đó có lẽ chính là ngôi trường cấp 1 đầu tiên cho các học sinh ở đó được đi cắm trại, du lịch để gần gũi và hoà thuận với thiên nhiên – học những nội dung học khiến Totto Chan, hay bất kỳ bạn nhỏ nào cũng tò mò và học vô cùng say sưa như học làm nông với thầy giáo là một bác nông dân thực thụ canh tác gần trường, những buổi cắm trại trong trường hay những buổi tối đi tìm “con ma”…, thậm chí còn được biết thêm rất nhiều điều thú vị qua bữa ăn trưa nên không bao giờ xảy ra việc các học sinh không ăn món này nọ, đã vậy còn rất hăng say học tập rất nghiêm túc ở ngôi trường mới.
Khi đọc tác phẩm này, tôi đã nghĩ ngay đến tuổi thơ của tôi và của những đứa trẻ bây giờ. Chúng tôi chỉ luôn dành thời gian cho học, học và học; chỉ có một số ít trong chúng tôi được trải qua tuổi thơ đầy vui vẻ nơi những bãi cỏ rộng lớn, những chuyến du lịch với gia đình hay trường học mà không có mặt những chiếc smart phone.
Và các bạn biết không? Thời điểm Totto-chan học trường Tome, cũng chính là đang trong thời kỳ thế chiến II – thời kỳ mà nước Nhật trải qua đầy nguy cơ. Thế nhưng, dù thế nào thì những học sinh được học ở ngôi trường đó đều được trải qua những ngày tháng tuổi thơ đầy hạnh phúc, không có khuôn khổ hay bắt buộc, mà chỉ có sự vui vẻ và tôn trọng từ thầy cô, thậm chí là bạn học. Chính vì thế, từ khi bước vào ngôi trường mới, với thầy hiệu trưởng và bạn mới, Totto-chan vẫn có thể giữ những nét tính cách của mình nhưng những nhìn nhận, đánh giá về Totto-chan đã hoàn toàn thay đổi theo chiều hướng tốt hơn.
“ Giờ ăn trưa đã tới – giờ phút mà Totto-chan hằng mong đợi. Đây là lúc để các bạn giới thiệu “những thức ăn của biển và của đất”. Thầy hiệu trưởng nói câu đó để diễn tả một bữa ăn đủ thành phần dinh dưỡng. Thay cho cách nói “Phải luyện cho con em chúng ta ăn được mọi thức ăn” hoặc “Yêu cầu các bậc phụ huynh cho con em mình ăn trưa đủ chất dinh dưỡng”, thầy hiệu trưởng trường này kêu gọi các bậc cha mẹ hãy cho thêm vào khẩu phần ăn trưa của học sinh “những thức ăn của biển và của đất”.
[“Những thức ăn của biển” là hải sản như cá, cua, tôm, tép, hàu, sò, v.v… Còn “những thức ăn của đất” là nông sản – ví dụ như cơm, rau, quả, thịt lợn, thịt bò, thịt gà…]
[…] Chắc chắn có em đã biết denbu là gì rồi, nhưng vẫn cứ thích xem và cũng có bạn muốn xem món denbu của Totto-chan có khác gì món đó của nhà em không. Quá nhiều bạn nhìn em, tới mức, Totto-chan ngại rằng những sợi ruốc có thể bay mất.
Totto-chan hơi hoảng sợ trong bữa ăn trưa đầu tiên đó, nhưng nhộn thật. Thú vị biết bao nhiêu khi hiểu được “hải sản” và “nông sản” là gì. Em cũng đã hiểu thêm được rằng denbu làm từ cá. Và mẹ em đã nhớ bỏ vào hộp cơm trưa của em những thức ăn của biển và những thức ăn của đất. Cuối cùng mọi chuyện đều tốt đẹp, em hài lòng nghĩ như vậy. Totto-chan đặc biệt phấn khởi khi bắt đầu ăn những món ngon miệng do mẹ em làm.”
- Người thầy tài ba, yêu thương trẻ em và luôn mang trong mình ước mơ cải cách giáo dục – thầy hiệu trưởng Kobayashi Sosaku
Đối với bất kỳ đứa bé nào, ăn chậm rãi và ăn hết rồi mới đi chơi là chuyện vô cùng khó khăn. Thế nhưng, nếu bạn đã từng đọc cuốn sách này thì sẻ thấy: việc ăn của các cô bé, cậu bé trường Tomoe lại dễ vô cùng bởi thầy hiệu trưởng đã biến nó thành một việc rất tuyệt. Tất nhiên, với Totto và những bạn nhỏ lúc ấy thầy hiệu trưởng ngoài là người hiểu các em nhất, mà còn là một nhạc sĩ tài ba, với những bài hát tuyệt vời, tuy đôi lúc chỉ là chế lại - dựa vào 1 bài hát nào đó.
“Nhưng ở trường Tô-mô-e Ga-ku-en thì khác, bắt đầu bữa ăn lại là một bài hát. Thầy là một nhạc sĩ và thầy sáng tác một “bài hát đặc biệt để hát trước lúc ăn trưa”. Thực ra thầy chỉ viết lời và dựa vào nhạc điệu của một bài dân ca nổi tiếng “khoan, khoan, dô khoan” mà thôi. Lời của bài hát do thầy hiệu trưởng sáng tác và như thế này:
“Nhai, nhai, nhai cho kỹ
Những gì bạn ăn.
Nhớ nhai cho kỹ, nhai cho kỹ
Cơm, rau, cá, thịt chúng ta ăn.
Chỉ sau khi hát xong, các em mới nói “I-ta-da-ki-ma-su”.
[…]Nhưng thực ra ông luôn luôn nhắc các em phải ăn chậm, nhai kỹ, vừa ăn vừa nói chuyện vui vẻ. Và như vậy có thể ông sáng tác bài này là cốt để nhắc nhở các em.”
Chính trong cuốn hồi ký này, tôi nhìn thấy hình ảnh của một người thầy hiệu trưởng với tính cách “đặc biệt”, với ước mơ xây dựng được một ngôi trường có phong cách giáo dục hoàn toàn mới cho trẻ em. Tôi cũng nhìn thấy một người thầy hiền hoà, sẵn sàng không quan tâm đến chức danh hiệu trưởng mà trở thành người bạn tri kỷ của học sinh, như khi thầy đã sẵn sàng ngồi cả mấy tiếng đồng hồ để nghe Totto-chan kể đủ chuyện trên trời dưới đất rời rạc bất kỳ lúc nào cô bé muốn mà không thấy chán nản, động viên các em trong mọi lúc, luôn khuyến khích các em tự tin hơn qua việc tự sáng tác rồi kể câu chuyện trước lớp. Thầy còn tôn trọng quyết định và ý kiến của từng em một và dạy các em cách giữ lời hứa của mình.
“ Hôm ấy, Tôt-tô-chan đi ra nhà vệ sinh trước giờ vào lớp. Em quên mất lời mẹ dặn, và lại nhìn xuống hố sau khi đi xong. Em tuột tay để chiếc ví rơi xuống đó. Tôt-tô-chan kêu lên khi cái ví biến mất trong hầm tối phía dưới. Tôt-tô-chan không khóc và cũng không chịu để mất cái ví. Em chạy đến lều của người coi trường vớ chiếc gáo cán gỗ to và dài mà người ta thường dùng để múc nước tưới vườn. [...]Sau đó em bắt tay vào công việc. Em múc phân ra khỏi hầm chứa. [....]Một đống phân lớn nằm lù lù khi thầy hiệu trưởng đi qua. - Cháu đang làm gì đó? – Ông hỏi Tôt-tô-chan. - Cháu đánh rơi cái ví, - Tôt-tô-chan vừa trả lời vừa tiếp tục múc, không để phí thời gian. - Hiểu rồi, - thầy hiệu trưởng nói và bước đi, hai tay đan chéo sau lưng theo thói quen mỗi lần ông đi dạo.
[....] - Cháu sẽ hót trả vào bể sau khi tìm được ví chứ?
- Vâng ạ, - Tôt-tô-chan phấn khởi trả lời và tiếp tục công việc.
[....] Lúc này đống phân đã cao như núi, cái bể chứa gần như đã cạn hết mà vẫn chẳng thấy cái ví đâu cả. Có thể nó đã dạt vào thành bể hoặc nằm chìm ở tận đáy rồi. Nhưng Tôt-tô-chan không để ý đến nó nữa. Em thấy vui vì đã làm hết sức mình để tìm nó. Rõ ràng niềm vui mà Tôt-tô-chan có được một phần là do thầy hiệu trưởng đã tôn trọng em, thầy không mắng mà ngược lại còn tin vào em nữa. Nhưng điều này quá tinh tế và em chưa thể hiểu được ngay.
Thông thường khi thấy Tôt-tô-chan trong hoàn cảnh như vậy, người lớn sẽ kêu lên: “Trời ơi, cháu đang làm gì đấy?” hay “Chấm dứt đi, nguy hiểm lắm”, hay tốt hơn nữa là họ sẽ giúp em một tay.
Chúng ta hãy nhớ lại câu hỏi “Cháu sẽ hót trả vào bể sau khi tìm được ví chứ?” Thật là một thầy hiệu trưởng tuyệt vời, mẹ em nghĩ như vậy sau khi biết chuyện về Tôt-tô-chan. "
Và khi tôi đọc đến gần cuối đã nhận ra, thầy hiệu trưởng Kobayashi Sosaku càng không giống một người bạn lớn, một người anh lớn luôn quan tâm đến các học sinh trong những việc dù là nhỏ nhất. Nếu bạn là một người khó hoà nhập với môi trường mới, thì bạn chắc chắn sẽ ước gì mình có thể học trong ngôi trường toa tàu Tomoe ấy. Bởi ở đấy không có sự phân biệt nào dành cho trẻ em, cho dù bạn là khác quốc tịch, tính cách hướng nội hay ngoại, thậm chí là có khuyết điểm trên cơ thể. Nguyên nhân chính là do thầy hiệu trưởng sẽ giúp các trẻ em hòa nhập, cũng như tôn trọng nhau, như khi một cậu bé lớn lên tại Mỹ nhập học, em không thể nói được một câu tiếng Nhật nào, và nước Mỹ nơi em vừa từ đó trở về lại là quốc gia bên kia chiến tuyến, tất cả khiến em tưởng chừng như không thể hòa nhập với những đứa trẻ khác. Hay một cậu bé luôn bị miệt thị và trêu trọc khi chỉ bởi là người Triều Tiên . Hay thậm chí là với những người bạn có tật trong lớp,…. Thầy sẽ cho các em biết tất cả mọi người đều giống nhau, và điều quan trọng là phải yêu thương.
Hai từ “tương lai” có lẽ không phải xa lạ với bất kỳ ai trong chúng ta; thế nhưng, mấy ai nhận ra để hình thành một tương lai phải có một nền móng vững chắc khi còn ấu thơ. Tôi nhận ra Totto – chan và các học sinh từng học ở Tomoe đều là những đứa trẻ may mắn khi được học ở Tomoe, bởi chính ngôi trường đó, những người thầy cô đó đã đặt những viên gạch đầu tiên vững chắc cho tương lai của họ.
Tôi chắc chắn, bất kỳ ai đọc hết cuốn sách này đều sẽ nghĩ đến việc nếu ngày ấy không có ngôi trường Tomoe với phong cách giáo dục đặc biệt, thì cô bé Totto-chan và những người bạn sẽ như thế nào sau này. Chính bản thân tác giả vẫn luôn nhớ lời khen của thầy hiệu trưởng luôn lập đi lập lạ trong khoảng thời gian đó : “Em biết không, em thật là một cô bé ngoan” – lời khen mà nếu như học ở trường khác với tính cách kì lạ của cô bé Totto ấy sẽ không được nghe, thậm chí sẽ bị đuổi học – như cô bé đã trải qua, và sau này mới biết. Ngay chính tác giả cũng đã viết trong cuốn sách:
“Nếu không học ở Tomoe…” – “nếu không được gặp thầy Kobayashi, có lẽ tôi đã là một người mang đầy mặc cảm tự ti với cái mác ‘đứa bé hư’ mà mọi người gán cho”.
Nhưng chữ “nếu” đó sẽ không xảy ra, bởi những cô bé - cậu bé học sinh ấy đã trải qua thời gian vui vẻ nhất của tuổi thơ trong ngôi trường Tomoe và đã trưởng thành. Nếu ai đã đọc đến những trang cuối của tác phẩm sẽ thấy được những dòng chữ nhà văn Tetsuko viết các bạn bè cùng lớp của mình và cả cuộc sống sau này của họ. Có người đã trở thành nhà khoa học, người chuyên trồng hoa lan, người trở thành nhà giáo dục và nghệ sĩ nhưng cũng có người đã qua đời vì bệnh tật. Tất cả những thành công ấy đều nhờ nền móng ước mơ vững chắc mà thầy hiệu trưởng đã truyền cho các em.
Cuốn sách này viết về một ngôi trường tuy chỉ tồn tại trong 1 thời gian rất ngắn, nhưng bài học lớn nhất có lẽ lại dành cho người lớn, như lúc cô giáo đã không chấp nhận những lời giải thích rất hợp lí của một đứa trẻ khi Totto-chan làm náo loạn lớp học mà chỉ lạnh lùng gắn mác “đứa trẻ hư” và đuổi học em. Trên thế giới này, còn rất nhiều đứa trẻ như Totto-chan nhưng không phải ai cũng may mắn như cô bé, và hầu hết nếu đặt vào trường hợp đó, cha mẹ sẽ cho rằng con mình hư hỏng và tìm cách trách phạt. Nhưng mẹ Totto-chan có niềm tin rằng cô giáo không hiểu con mình và tìm kiếm một ngôi trường có thể hiểu cô bé hơn. Mẹ Totto đã lặng lẽ chuyển trường mà không nói cho Totto-chan biết rằng con bị đuổi học vì sợ cô bé tự ti. Mỗi khi cô bé phạm sai, mẹ hỏi lý do tại sao làm thế trước hết, hay không bao giờ trách mắng cô bé chơi cái trò chơi “ngớ ngẩn” cứ chui qua chui lại hàng rào thép gai. Cũng như khi biết chắc mấy con gà con sẽ chết nhưng vì cô bé nhất quyết đòi mua, mẹ cô bé vẫn mua và Totto-chan trải qua cảm giác đau khổ khi đi chôn những chú gà con – chính là đang dùng hiện thực để cho cô bé biết phải tự chịu hậu quả cho việc làm của mình.
Trải qua rất nhiều năm, ngôi trường Tomoe ngày ấy cũng không còn dấu tích, cũng như thầy hiệu trưởng Kobayashi Sosaku đã mất khi vẫn chưa hoàn thiện lại ngôi trường trong ước mơ ông; thế nhưng cuốn sách “Totto-chan bên cửa sổ” đã trở thành chính là chứng cứ về ngôi trường Tomoe đặc biệt – nơi đã nuôi dưỡng ước mơ và phát triển tài năng riêng của những đứa trẻ, dạy cho Totto-chan và các học sinh ở đó tự nhận ra những qua điểm sống, và là một nơi cho những học sinh ở đó sự tự tin, dũng cảm, cho dù bản thân mình có khuyết điểm gì.
Cuốn sách Tottochan – Cô bé bên cửa sổ được bán ra hàng triệu bản trên khắp thế giới và vẫn luôn được đón nhận, yêu mến vì những quan điểm về giáo dục trẻ em của người mẹ của Totto và thầy hiệu trưởng Kobayashi Sosaku trong cuốn sách vẫn còn nguyên giá trị đến ngày hôm nay.
Tác giả: Quỳnh Đỗ - Bookademy
------
Trở thành CTV viết reviews sách để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị cùng Bookademy, gửi CV (tiếng Anh hoặc Việt) về: [email protected]
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
6,324 lượt xem
Thích 1Không thích 0Chia sẻ Lưu bàiTừ khóa » Totto Cô Bé Bên Cửa Sổ Review
-
Review Sách: Totochan Cô Bé Bên Cửa Sổ
-
Totto-chan Bên Cửa Sổ - Câu Chuyện Dễ Thương Nhưng ... - Review Sách
-
Review Tottochan Bên Cửa Sổ: Kí Ức Tươi Đẹp Về Một Ngôi ...
-
Tóm Tắt & Review Truyện Totto-chan Bên Cửa Sổ - Tetsuko Kuroyanagi
-
Review Sách TOTTO-CHAN BÊN CỬA SỔ - TETSUKO KUROYANAGI
-
Review Sách Tottochan Bên Cửa Sổ: Ai Cũng Có Một Tuổi Thơ
-
Review Sách: Totto-chan Bên Cửa Sổ - Trường THPT FPT Quy Nhơn
-
[Review Sách] “Tôt-tô-chan Cô Bé Bên Cửa Sổ" Và ước Mơ Bên Ngoài ...
-
[Review] Totto-chan, Cô Bé Bên Cửa Sổ - Sách Hay Nên đọc
-
Review | Totto-chan Bên Cửa Sổ - Spiderum
-
TOTTO-CHAN BÊN CỬA SỔ – Bức Thông điệp Từ Thế Giới Trẻ Thơ
-
Top 13 Totto Cô Bé Bên Cửa Sổ Review Mới Nhất Năm 2022 - Meopari
-
Totto Chan Bên Cửa Sổ Review Sách
-
Tôt-Tô-Chan Cô Bé Bên Cửa Sổ - Review Sách