Bớt Nghe, Bớt Nói, Bớt Nhìn, để Tâm Thanh Tịnh Cho đời Bình An

Mục lục bài viết ẩn Nội tâm an tĩnh, cầu không được, chỉ có thể tự mình lĩnh ngộ Đời người càng đơn giản thì càng bình an Nhân sinh vô thường, tâm an là phúc

Trong cuộc sống thường ngày, có một số người rất nóng vội, chỉ vì một chút việc nhỏ mà nổi trận lôi đình, hoặc bởi một câu nói không hợp ý mà buông lời nhục mạ.

Nhưng có một số người, mỗi ngày đều dùng tâm thái bình tĩnh để xử lý vấn đề, không sợ hãi trước khó khăn, tâm bình khí hòa, ổn định về tâm tính, họ không coi trọng danh lợi và những chuyện được mất nơi thế gian.

Trong cuộc sống, người có thể làm được “tâm thản nhiên bất động”, họ ắt phải là người có tấm lòng quảng đại, cao thượng, không đặt nặng chuyện hơn thua. “Tâm tĩnh như nước” là một loại trí huệ, cũng là cảnh giới cao làm người. Nội tâm càng an tĩnh, trí huệ càng sáng tỏ và thông suốt.

Trần thế như mộng, con người có vui buồn ly hợp, mặt trăng có sáng tối khuyết tròn, cho dù thời gian có biến đổi như thế nào, thế sự có biến hóa ra sao, chỉ cần có được một tâm thái lạc quan vui vẻ, một nội tâm an bình tĩnh tại thì đã là người giàu có rồi. Chỉ khi có nội tâm an bình tĩnh tại, con người mới có thể lĩnh ngộ được một cách sáng tỏ về nhân gian, hiểu thấu đạo lý nhân sinh và ý nghĩa của sinh mệnh đời người.

Người xưa dạy: Đối diện với mỗi việc lớn cần phải tĩnh khí, cần phải dùng phong thái cao để đối mặt với khó khăn. Từ xưa đến nay, các bậc thánh nhân, hiền nhân, càng là gặp phải những việc lớn kinh thiên động địa, hiểm nguy cận kề, thì càng có thể tĩnh tâm như nước, thấy biến mà không hề sợ hãi. Do đó phàm là người làm được việc lớn thì nhất định phải là người có “tĩnh khí”, tâm bình, khí hòa.

Binh gia có câu: “Đạo làm tướng, trước hết phải giữ được tâm, núi Thái Sơn sụp đổ ngay trước mắt mà sắc mặt không thay đổi, con nai có nhảy múa bên cạnh thì mắt vẫn không liếc”. Nói đơn giản hơn, “tĩnh khí” chính là có thể bảo trì tâm thái bình thản để đưa ra những quyết định mang tính trọng yếu. Tâm tĩnh thì huệ mới sinh, tâm an định thì mới có thể đưa ra những quyết định quan trọng.

Nội tâm an tĩnh, cầu không được, chỉ có thể tự mình lĩnh ngộ

Một người nếu suốt đời chỉ lo được mất thì sẽ không thể có được một chút an tĩnh nào. Một người nếu cả ngày chỉ tính toán thiệt hơn, nghĩ cách để được hơn cho nhiều thì sẽ không thể có được sự an lạc trong cuộc sống. Một người mà trong tâm không an tĩnh thì vĩnh viễn không thể tìm được chỗ bình yên.

Đời người, ngoài những chuyện vui vẻ, như ý, may mắn gặp được thì thông thường rất hay gặp những sự tình không vừa ý. Muốn tán thưởng người khác, thiện đãi chính mình thì cần phải có được một nội tâm an tĩnh. Có được nội tâm an tĩnh mới có thể dùng mỉm cười để hóa giải sự lạnh lẽo của cuộc sống, không màng danh lợi để hóa giải phiền não của cuộc đời.

Trong cõi hồng trần cuồn cuộn, trần thế mênh mang, chúng ta đều là khách qua đường, tài vật đều là khi sinh không mang theo đến, khi chết không mang theo đi. Khi đối mặt với thế sự vô thường, sự ấm áp hay lạnh nhạt của nhân tình, cần phải tháo gỡ gánh nặng cho mình, giải thoát áp lực tâm linh, khiến cho tâm tự tại, để cho mọi việc thuận theo duyên thì tâm mới có thể tĩnh hạ xuống được. Khi một người có thể làm được như vậy thì người ấy sẽ cảm nhận được trước mắt mình là một cảnh giới nhân sinh hoàn toàn khác.

Đời người càng đơn giản thì càng bình an

Chúng ta sống nơi thế gian giống như người lữ khách trên đường. Khi theo đuổi thứ gì đó càng nhiều, chiếm hữu càng nhiều, thì hành lý mà chúng ta mang trên lưng sẽ càng nặng, càng đi sẽ càng cảm thấy mịt mù, mất phương hướng. Với hành lý đè nặng trên lưng, khi đi qua một hành trình gian nan, lặn lội thì cuối cùng cũng không thể nào tìm được chốn thanh tĩnh cho tâm linh, tìm không thấy con đường trở về, khiến ta rơi vào thống khổ, mệt mỏi, oán thán.

Cổ nhân sống đơn giản, đạm bạc, họ hiểu rằng đơn giản chính là phúc, càng đơn giản thì càng bình an. Vì thế, họ làm việc và nghỉ ngơi thuận theo quy luật tự nhiên: Ngày nắng thì đi cày, ngày mưa thì đọc sách. Với họ, “bớt nghe, bớt nói, bớt nhìn, giữ tâm an tĩnh đời mới có thể bình an”.

Con người một khi rơi vào vòng xoáy “dục vọng vật chất”, có được rồi lại muốn hơn nữa, sẽ dần quên mất đi ý nghĩa thực sự của sinh mệnh, không có cách nào để tự kiềm chế, ước thúc bản thân, cuối cùng, người đó trở thành nô lệ của dục vọng, ham muốn, không còn trân quý sinh mệnh của chính mình.

Trên thế giới này, những điều say mê, hấp dẫn con người là rất nhiều, đừng vì ham muốn nhất thời, đừng vì những tính toán tranh danh đoạt lợi để rồi phải trả một cái giá thê thảm. Nếu như đã phát hiện mình sai rồi, nhất định phải kịp thời dừng lại, trở về với sự đơn giản thuần phác vốn có của sinh mệnh, trở về với sự bình an.

Nhân sinh vô thường, tâm an là phúc 

Phúc khí lớn nhất đời người, không phải là có được bao nhiêu vinh hoa phú quý, không phải có được bao nhiêu danh vọng, tiền tài mà là có được một nội tâm an tĩnh, tường hòa, biết đủ thường vui.

Mỗi người đều hy vọng có được một cuộc sống luôn thoải mái hạnh phúc, vui vẻ tự tại. Nhưng điều đó là không thể. Bởi vì trong cuộc sống luôn có những sự tình phiền nhiễu và ưu sầu không hẹn mà tới, phá vỡ sự an tĩnh trong nội tâm của chúng ta, khiến cho chúng ta phải chịu rất nhiều lo âu và phiền não, buông không được, bỏ không xong. Điều đó khiến chúng ta trở nên nôn nóng bất an, lo được lo mất, buồn lo vô cớ. Chúng có thể là những bi thương trong quá khứ, những vướng mắc của hiện tại hay những lo lắng của tương lai.

Khi không bị thế sự nhiễu loạn, không bị lo lắng làm cho ưu tư thì tâm sẽ an định xuống. Bởi vậy, cần phải buông bỏ so đo, buông bỏ oán hận, buông bỏ dục vọng, xem nhẹ hết thảy, phàm là khi làm mọi việc phải nghĩ thông thoáng hơn một chút, khi ấy chúng ta sẽ tự nhiên thoải mái và an lạc hơn rất nhiều. Đó cũng chính là cái phúc của đời người.

Lan Hòa biên tập

Từ khóa » Thơ Bớt Nghe Bớt Nói Bớt Nhìn