Bớt Ota - Thaythuocvietnam
Có thể bạn quan tâm
Những Nội Dung Cần Lưu Ý
1. Đại cương
Bớt Ota là một bớt sắc tố bẩm sinh, được tác giả người Nhật Ota và Tamino mô tả năm 1939. Biểu hiện lâm sàng của bệnh là những dát màu nâu, nâu tím, tím xanh hoặc xanh đen vùng mặt, vị trí chủ yếu tập trung ở vùng chi phối của nhánh mắt và nhánh hàm trên dây thần kinh sọ số V. Về dịch tễ, trên thế giới bớt Ota không thường gặp, tỷ lệ mắc bệnh với người Canada 0,014%, người châu Á 0,2-0,6%, bệnh hay gặp nhất tại Nhật với tỷ lệ 1,1% dân số [4], [6].
Bớt Ota nếu không được điều trị người bệnh sẽ phải mang một mảng tăng sắc tố suốt đời, ngày càng đậm lên và lan rộng trên mặt, bớt Ota không chỉ ảnh hưởng sức khỏe mà đặc biệt ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ, tâm lý của người bệnh, làm họ tự ti, hạn chế khả năng hòa nhập cộng đồng, với trẻ nhỏ bệnh có thể ảnh hưởng tới phát triển nhân cách.
Trên thế giới, nghiên cứu về bớt Ota đã được chú trọng thực hiện từ lâu, nhất là các nghiên cứu về lâm sàng và điều trị bớt. Từ đó mở ra những cơ hội về chẩn đoán cũng như điều trị cho bệnh nhân bớt Ota. Các biện pháp điều trị bao gồm: lột da vùng bệnh lý bằng hóa chất, bào mòn bề mặt da, phẫu thuật cắt bỏ, điều trị bằng laser. Tuy nhiên, hiện nay công nghệ laser được sử dụng nhiều nhất trong điều trị bớt Ota do hiệu quả điều trị cao và ít biến chứng. Một số loại Laser thường đượ sử dụng như: Laser Q-switched Alexaderite (bước sóng 755 nm), Laser Q-switched Ruby (bước sóng 694 nm) và Laser Q-switched Nd:YAG (bước sóng 1064 nm) đã mang lại kết quả rất cao[8].
Tại Việt Nam, tuy chưa có nhiều nghiên cứu về bớt Ota trên người Việt Nam, nhưng việc khám và điều trị bớt Ota cũng đã được tiến hành tại các chuyên khoa da liễu, phẫu thuật tạo hình và thẩm mỹ. Điều trị bớt Ota tại Việt Nam hiện nay chủ yếu sử dụng công nghệ laser với các loại laser như: Laser Q-switched Alexaderite, Laser Q-switched Ruby, Laser Q-switched Nd:YAG.
2. Nguyên nhân, cơ chế bệnh sinh bớt OTA
2.1. Nguyên nhân bớt Ota
Chưa rõ nguyên nhân của bớt Ota. Theo một số tác giả, bệnh được cho là biến đổi bẩm sinh của tế bào sắc tố ở trung bì nông gây nên. Tuy nhiên, có một số khía cạnh liên quan đến bớt Ota:
– Chủng tộc: bớt Ota thường gặp ở người châu Á với tỷ lệ 0,3-0,6%, Nhật Bản gặp với tỷ lệ cao hơn (khoảng 1,1% dân số), những chủng tộc khác có tỷ lệ mắc bệnh cao là người Phi và Anh-Điêng. Bớt Ota ít gặp ở người da trắng (Canada 0,014%).
– Giới: Bệnh thường gặp ở nữ nhiều hơn nam với tỷ lệ nam/nữ là 1:4,8. Mặc dù các trường hợp bớt Ota có tính chất gia đình đã được báo cáo, nhưng bớt Ota không được coi là bệnh có tính chất di truyền [4],[6].
2.2. Sinh bệnh học bớt Ota
Tăng sắc tố trong bớt Ota là do tế bào sắc tố sản xuất melanin ở trung bì mà không tới được thượng bì trong quá trình phát triển bào thai. Mật độ lớn các tế bào sắc tố của bớt Ota chỉ ra rằng loại bớt này là dạng Hamartoma. Ở một số bệnh nhân, bớt có thể xuất hiện sau sang chấn, đụng giập hoặc bỏng nắng. Một số bệnh nhân nữ, bớt được ghi nhận xuất hiện sau khi bắt đầu có kinh nguyệt, sau khi dậy thì, hoặc sau khi mãn kinh, hoặc sau khi sử dụng hormon [4],[6].
3. Lâm sàng, chẩn đoán bớt OTA
3.1. Biểu hiện lâm sàng của bớt Ota
Khởi phát: Các đỉnh cao đầu tiên của sự khởi đầu của bớt Ota xảy ra trong các giai đoạn phôi thai, khoảng 50%-60% trường hợp bớt Ota xuất hiện lúc mới sinh. Đỉnh cao thứ hai của sự khởi đầu bớt Ota trong thời niên thiếu hoặc dậy thì. Một số ít trường hợp khởi phát ở người cao tuổi. Sau khi khởi phát, bớt Ota có thể từ từ lan rộng và sậm màu hơn, đến tuổi trưởng thành bớt thường ổn định. Màu sắc của bớt Ota có thể thay đổi theo điều kiện cá nhân và môi trường, chẳng hạn như mệt mỏi, kinh nguyệt, mất ngủ, điều kiện thời tiết nóng hoặc lạnh và nhiều mây.
Tổn thương cơ bản của bớt Ota là những dát phẳng màu sắc có thể là nâu, nâu tím, tím xanh hoặc xanh xám, đen, kích thước khác nhau từ đầu đinh gim đến vài milimet, các dát này có thể liên kết với nhau thành mảng dát lớn. Mỗi dát này có hình dạng tròn, oval hoặc răng cưa, trong khi nhìn tổng thể tổn thương là dát màu sắc lốm đốm, bờ không đều, đôi khi hơi trộn lẫn với da xung quanh. Kích thước toàn bộ thương tổn từ vài centimet tớ rộng hơn, có trường hợp chiếm gần toàn bộ nửa mặt hoặc cá biệt có trường hợp thương tổn của bớt cả hai bên vùng mặt. Vị trí thương tổn vùng quanh mắt, gò má, thái dương, dái tai, trước và sau tai, hoặc trán, chủ yếu tập trung ở vùng chi phối của nhánh mắt và nhánh hàm trên dây thần kinh số V. Dát sắc tố thường ở một bên cơ thể (90%), một số trường hợp biểu hiện đối xứng 2 bên má, 2 bên thái dương hoặc vùng trán. Ngoài tổn thương trên da bệnh còn biểu hiện vùng niêm mạc như niêm mạc miệng, hầu họng, mũi hoặc kết mạc mắt. Biểu hiện đặc trưng có thể gặp trong 2/3 các trường hợp bệnh là xuất hiện ở vùng kết mạc của mắt cùng bên; hiếm khi bớt Ota xuất hiện ở giác mạc, mống mắt, đáy mắt, mỡ sau hốc mắt, xương hốc mắt, võng mạc, dây thần kinh thị giác. Nhiễm sắc tố mống mắt và tăng nhãn áp đã được báo cáo, nhưng thị lực thường không ảnh hưởng. Triệu chứng cơ năng tại chỗ hoặc toàn thân không có biểu hiện gì đặc biệt [4],[5],[6],[7].
3.2. Sự biến đổi ác tính và kết hợp các bệnh lý khác của bớt Ota
Bớt Ota có thể được kết hợp với các chứng rối loạn da và các bệnh khác ở mắt. Một số bệnh thường gặp phối hợp với bớt Ota [2]. – Nevus of Ito. – Phakomatosis pigmentovascularis. – Nevus flammeus. – Hội chứng Sturge – Weber. – Neurofibromatosis và melanosis leptomeningeal. – U hắc tố ác tính: hơn 60 trường hợp khối u ác tính (56 ở người da trắng, 4 ở Nhật Bản), gắn với bớt Ota đã được mô tả trong y văn như sau: Da 10 trường hợp, màng não 12 trường hợp, mắt mô 40 trường hợp. – Tổn thương ở mắt: Sắc tố của màng cứng võng mạc, giác mạc, và đĩa quang; áp lực nội nhãn cao; bệnh tăng nhãn áp; u ác tính ở mắt.
Biến thể cụ thể của bớt Ota đã được mô tả trong các tài liệu theo tên của Zygomaticus nevus fuscoceruleus, chuyển thành bớt xanh, hoặc Hori nevus.
3.3. Chẩn đoán bớt Ota
Chẩn đoán xác định
Chủ yếu dựa vào lâm sàng: – Dát màu nâu, nâu tím, tím xanh, xanh xám hoặc đen vị trí vùng quanh mắt, gò má, thái dương, trán hoặc trước và sau tai. Thương tổn có xu hướng lan rộng và đậm lên. – Có hoặc không tổn thương niêm mạc kèm theo: kết mạc mắt, niêm mạc mũi, miệng. – Bệnh khởi phát sớm (<10 tuổi). – Triệu chứng cơ năng bình thường. Hình ảnh giải phẫu bệnh của bớt Ota: Vùng không thâm nhiễm của bớt Ota có biểu hiện là các tế bào sắc tố dạng tua, kéo dài và nhiễm sắc rải rác trong các bó collagen. Các tế bào này nằm ở vị trí 1/3 trên của trung bì lưới. Đôi khi, các tế bào cũng được phát hiện ở nhú trung bì hoặc tổ chức mỡ bên dưới. Tăng sắc tố ở phần dưới của lớp thượng bì và tăng số lượng các tế bào sắc tố ở lớp đáy. Phản ứng Dopa trong tế bào sắc tố của bớt Ota khác nhau: các tế bào nhiễm sắc ít có hoạt động Dopa cao trong khi đó các tế bào nhiễm sắc nhiều thì hoạt động Dopa lại không có. Phản ứng Dopa âm tính ở các tế bào nhiễm sắc chỉ ra rằng tất cả các men sử dụng trong tổng hợp melanin đã bị sử dụng hết. Các tế bào sắc tố có thể tìm thấy dưới dạng bó xung quanh thành mạch máu, tuyến mồi hôi, tuyến bã. Vùng nổi cao và thâm nhiễm có thấy số lượng lớn các tế bào sắc tố có tua tạo nên bó hoặc cụm tế bào tương tự như bớt xanh lam. Bớt Ota đã được phân loại mô học thành 5 loại dựa trên vị trí của các tế bào sắc tố da, đó là (1) bề ngoài, (2) bề ngoài chi phối, (3) khuếch tán, (4) chi phối sâu sắc, và (5) sâu [3],[4],[6].
Chẩn đoán phân biệt bớt Ota
Chẩn đoán phân biệt bớt Ota được đặt ra với bớt người Mông Cổ, bớt xanh lam, rám má, bớt Hori, dát cà phê sữa, bớt spilus, ung thư hắc tố khu trú, bầm tím, hồng ban cố định nhiễm sắc, viêm da tăng nhạy cảm ánh sáng.
– Bớt người Mông Cổ: thường xuất hiện sớm, biểu hiện lâm sàng là dát màu xanh giới hạn không rõ, vị trí gặp ở vùng thắt lưng cùng, vùng mông. Mô bệnh học điển hình với xâm nhập thưa thớt các tế bào tại vùng nông của trung bì lưới. Thương tổn xuất hiện bẩm sinh và tự thoái lui sau 3 – 6 tuổi. – Bớt xanh lam: bớt có thể bẩm sinh hoặc mắc phải, tổn thương cơ bản là sẩn hơi nổi cao đường kính thường nhỏ hơn 1cm, hoặc những mảng giới hạn rõ, màu xanh lam. Vị trí thương tổn có thể bất kỳ vùng da nào trên cơ thể. – Rám má: là một thương tổn da mắc phải, có liên quan đến nội tiết tố estrogen hoặc liên quan thai kỳ. Tổn thương cơ bản là dát tăng sắc tố màu nâu nhạt hoặc nâu sậm, vị trí ở hai bên mặt, hoặc vùng trán, cằm, không có tổn thương ở niêm mạc, thường xuất hiện ở phụ nữ sau sinh và tăng dần theo thời gian. – Bớt Hori: tổn thương là những dát màu nâu hoặc đen, vị trí thường đối xứng hai bên gò má, tăng lên theo tuổi, không có tổn thương niêm mạc. – Dát cà phê sữa: Dát màu nâu hoặc nâu sáng, ranh giới rõ với vùng da lành, phân bố màu trên dát là đồng nhất, không có màu xanh lam.
– Bớt spilus: dát hoặc sẩn màu sẫm trên nền tổn thương dát giống dát cà phê sữa.
4. Các phương pháp điều trị bớt OTA
4.1. Phẫu thuật
Phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ hay từng phần của bớt, sau đó áp dụng các phương pháp tạo hình như: vá da rời, vạt da tại chỗ (vạt xoay, vạt Imre, vạt V-Y v.v) hoặc đóng da trực tiếp. – Ưu điểm: Nhanh, thực hiện một lần (nếu thương tổn nhỏ). – Nhược điểm: có vết sẹo, hoặc màu sắc da sau ghép da khác biệt so với vùng da bên cạnh, cũng phải làm nhiều lần nếu thương tổn bớt quá rộng.
4.2. Áp lạnh nitơ
Dùng nitơ lỏng âm 195,60 độ C để áp hay xịt lên vị trí của bớt sắc tố, tại vùng tổn thương sẽ gây tổn thương cơ học tới những tế bào bởi sự đóng băng bên trong và ngoài tế bào. Sự thay đổi về thẩm thấu liên quan đến sự mất nước của tế bào trong quá trình hình thành những tinh thể đá lạnh, sốc về nhiệt độ, sự biến chất của protein, sự ứ trệ những mao mạch. Từ đó gây bỏng lạnh dẫn đến hoại tử tổ chức. – Ưu điểm: nhanh, đơn giản, rẻ tiền, có thể lấy bỏ tổn thương của bớt Ota. – Nhược điểm: khi điều trị gây tổn thương cả những tế bào lành và không lấy được hết các sắc tố melanin của bớt sắc tố, tỷ lệ tái phát cao, tạo sẹo xấu sau điều trị.
4.3. Đốt điện, đốt máy plasma
Đốt điện hay đốt máy plasma: dòng điện năng sẽ chuyển thành nhiệt năng, với nhiệt độ cao gây phá hủy tổ chức (protein, collagen, tế bào,..) bởi nhiệt. – Ưu điểm: nhanh, đơn giản, rẻ tiền. – Nhược điểm: không kiểm soát được độ nông sâu của tia, gây tổn thương nhiệt trên diện lớn của da lành và da bệnh nên để lại sẹo xấu (tăng hay giảm sắc tố) sau điều trị.
4.4. Laser CO2
Laser CO2 , bước sóng 10600nm, là laser công suất cao. Có đầy đủ tính chất của một laser, laser CO2 có 2 đặc tính quan trọng khi chiếu lên mô là quang đông, đông khô (than hóa) và bốc bay tổ chức. Khi chiếu laser lên mô thì từ quang năng có năng lượng cao để chuyển thành nhiệt năng gây phá hủy tổ chức (protein, collagen, tế bào v.v). – Ưu điểm: nhanh, đơn giản. – Nhược điểm: không có tính chọn lọc trên mô bệnh nên khi điều trị gây tổn thương cả những tế bào lành. Không chọn lọc lấy bỏ sạch được các tế bào sắc tố của bớt, để lại sẹo không thẩm mỹ sau điều trị.
4.5. Các loại Laser Q-switched: Nd:YAG, Ruby, Alexanderite
Là biện pháp được ưa chuộng nhất hiện nay trong điều trị bớt Ota, do hiệu quả điều trị cao và rất ít biến chứng, đặc biệt các loại Laser có hệ thống Q-switched như Nd:YAG (1064nm), Ruby (695nm), Alexanderite (755nm). Các laser này có bước sóng hấp thu chọn lọc tế bào sắc tố. Kèm theo hệ thống Q-switched, có dải xung cực ngắn cỡ khoảng 5-7 phần tỉ giây (ns), làm cho nhiệt độ tập trung tại vùng chiếu cao mà thời gian chiếu ngắn, do vậy làm giảm phá hủy nhiệt tới các mô lành xung quanh[1],[8]. Giả thuyết về cơ chế tác động của tia laser đối với bớt Ota: Sau khi được chiếu laser, hình dạng của tế bào sắc tố trung bì và melanosomes thay đổi. Melanosomes được phân tán thành nhiều phần nhỏ hơn và màng tế bào sắc tố bị gián đoạn; nhân bị phân mảnh hoặc bị phá hủy. Tiêu hủy tế bào sắc tố trung bì có thể đạt được mà không gây chấn thương đến các mô xung quanh. Melanosomes trong tế bào sắc tố thượng bì khác nhau so với tế bào sắc tố trung bì, chúng nhỏ hơn và nhiều hơn. Sau khi điều trị laser, tế bào sắc tố thượng bì được thay đổi thuận nghịch, ánh sáng kính hiển vi cho thấy sự mở rộng của không gian ngoại bào, ti thể sưng lên, sự giãn nở của mạng lưới nội chất. Tuy nhiên, sau điều trị cấu trúc thượng bì bình phục hoàn toàn và không để lại di chứng. Phác đồ điều trị bớt Ota bằng Laser Yag, Ruby, Alexandrite có hệ thống Q-switched: – Bước sóng điều trị: 1064nm, 755nm, 694nm. – Liệu trình điều trị 6- 10 lần chiếu laser, khoảng cách giữa hai lần chiếu 4-8 tuần. – Hoặc liệu trình điều trị 3-5 đợt. Mỗi đợt chiếu 2 lần cách nhau 1 tháng, khoảng cách giữa 2 đợt điều trị 3-6 tháng. – Mức năng lượng điều trị: 5-10j/cm2 . Tác dụng phụ và biến chứng sau điều trị: ban đỏ nhẹ, ban xuất huyết và phù nề có thể xuất hiện trong quá trình điều trị và biến mất sau một vài ngày. Các biến chứng có thể gặp là tăng sắc tố hoặc giảm sắc tố, các biến chứng trên tạm thờ hoặc vĩnh viễn.
Trị liệu laser rất hiệu quả trong điều trị bớt Ota (tất cả các trường hợp đều đáp ứng điều trị, trong đó > 50% khỏi hoàn toàn) và rất hiếm tái phát (tỷ lệ tái phát <5%)[1],[5].
Một số yếu tố ảnh hưởng kết quả điều trị bớt Ota bằng laser [7],[9],[10]: – Tuổi bắt đầu điều trị của bệnh nhân: bệnh nhân càng trẻ kết quả điều trị càng cao và số lần điều trị ít, lứa tuổi tốt nhất để điều trị 10-16 tuổi. – Màu sắc thương tổn: bớt Ota thường biểu hiện lâm sàng là các dát màu nâu, nâu tím, tím xanh, xanh xám và đen. Màu nâu và nâu tím đáp ứng với điều trị tốt hơn màu xanh xám và màu đen. – Vị trí thương tổn: bớt vị trí má, thái dương đáp ứng điều trị tốt hơn vùng mi mắt. – Màu sắc da bệnh nhân: bệnh nhân nhóm da I, II, III (theo phân loại Fitzpatrick) đáp ứng điều trị laser tốt hơn nhóm da IV, V, VI.
Tài liệu tham khảo
1. Cheng-Jen Chang, Ching-Song Kou (2011), “Comparing the effectiveness of Q-switched Ruby laser treatment with that of Q-switched Nd:YAG laser for oculodermal melanosis (Nevus of Ota)”. Journal of Plastic, Reconstructive & Aesthetic Surgery 64, 339-345. 2. Fahad Alsaif, Hissah Alshahwan (2011). Bilateral nevus of Ota associated with Turner syndrome. Journal of the Saudi Society of Dermatology & Dermatologic Surgery 15, 33–36. 3. Henry H, Chan, Lai-kun Lam (2001). Nevus of Ota: A New Classification Based on the Response to Laser Treatment. Lasers in Surgery and Medicine 28:267–272. 4. Hidano, A., Kajima, H., Ikeda, S., Mizutani, H., Niimura, M.,(1967). Natural history of nevus of Ota. Arch. Dermatol. 95, 187 195. 5. Hong-Weiwang, Yue-Hualiu, GangKuizhang (2007), “Analysis of 602 Chinese Cases of Nevus of Ota and the Treatment Results Treated by Q-Switched Alexandrite Laser”. Dermatol Surg ;33:455–460. 6. Kopf, A.W., Weidman, Al., (1962). Nevus of Ota. Arch. Dermatol. 85, 195–208. 7. Lu Z, Fang L, Jiao S, et al (2003), “Treatment of 522 patients with nevus of Ota with Q-switched alexandrite laser”. Chin Med J (Engl);116:226–30. 8. Murad Alam, Kenneth A Arndt and Jeffrey S Dover (2004), “Laser treatment of nevus of Ota”. Dermatologic Therapy. 204-210. 9. N-K.Rho, W-S.Kim, D-Y.Lee (2004), “Histopathological parameters determining lesion colours in the naevus of Ota: a morphometric study using computer-assisted image analysis”. British Journal of Dermatology; 150: 1148–1153. 10. Taro Kono, Henry H.L. Chan, Susumu Iwasaka (2003), “Use of Q-Switched Ruby Laser in the Treatment of Nevus of Ota in Different Age Groups”.Lasers in Surgery and Medicine, 32:391–395.
Tác giả: Nguyễn Thế Vỹ, Nguyễn Hữu Sáu
Xuất bản: Tạp chí Da liễu, số 21 (Tháng 1 /2016)
Lượt xem: 5.413Từ khóa » Hình ảnh Bớt Ota
-
Bớt Ota Là Gì? Có Nguy Hiểm Không? - GSV Việt Nam
-
Các Loại Bớt Sắc Tố Thường Gặp | Cách điều Trị - Dr Hoàng Tuấn
-
BỚT OTA VÀ PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ
-
Bớt Ota Và Tình Trạng Liên Quan
-
Các Loại Bớt Thường Gặp | Hình ảnh Chi Tiết | Cách điều Trị
-
BỚT OTA VÀ NHỮNG ĐIỀU BẠN NÊN BIẾT - Venus Medi
-
Nguyên Nhân Và Phương Pháp Xóa Bớt Ota An Toàn
-
Bớt Ota Là Gì? - Da Liễu Thiên Trường
-
Xoá Bớt Ota An Toàn Không để Lại Sẹo
-
Bớt OTA Và Những ảnh Hưởng Của Bớt OTA
-
BỚT OTA XANH ĐEN MỜ 90% SAU 10 BUỔI, BẠN CÒN CHỜ GÌ ...
-
Những điều Cần Biết Về Bớt Sắc Tố Ota Nevus - Pensilia
-
Bớt Ota Có Thể Nhầm Với Những Bệnh Gì?