Bowers & Wilkins

Bowers & Wilkins sống cùng với thời gian B&W là một trong những thương hiệu loa thuộc nhóm “Big Three” trong ngành sản xuất loa tại nước Anh thập kỷ 70 – 80. Khởi đầu như bao hãng loa khác trong nước Anh sau thế chiến thứ hai, hai nhà đồng sáng lập John Bowers và Roy Wilkins có chung niềm đam mê trong lĩnh vực điện tử âm thanh và họ mở một cửa hàng nhỏ lắp ráp loa và cung cấp linh kiện điện tử. Cửa hàng mang tên Bowers & Wilkins là nền móng cho hãng loa danh tiếng sau này. Vào năm 1966, cặp loa đầu tiên có tên P1 sử dụng củ loa của EMI và Celestion ra đời, lợi nhuận từ sản phẩm này cho phép B&W mở rộng lĩnh vực kinh doanh và sản xuất cho các model loa tiếp theo DM1 và DM3. Tuy nhiên, B&W chỉ được giới kỹ sư âm thanh thực sự chú ý đến họ khi sản phẩm DM70 vào đầu thập niên 70 ra mắt. Điểm gây ấn tượng chính của bộ loa này là màng loa mid/treble dạng loa mành tĩnh điện và thiết kế theo dạng module đặt phía trên khối bass loa điện động bên dưới.

DM70 sử dụng loa mành tĩnh điện thiết kế module. Loa mành tĩnh điện có cấu trúc và nguyên lý khác hoàn toàn so với loa điện động. Theo đó, một màng vật liệu dẫn điện graphite đặt giữa lưới sắt có hiệu điện thế hàng kV, sự thay đổi hiệu điện thế sẽ làm màng graphite chuyển động và phát ra âm thanh. Điểm mạnh của công nghệ loa mành tĩnh điện là khối lượng màng loa rất nhỏ, chuyển động rất tuyến tính nên độ méo ở mức tối thiểu, có độ động tốt hơn so với loa điện động truyền thống. Chính vì vậy, DM70 đã đoạt giải thiết kế công nghiệp của vương quốc Anh. Thập kỷ 70 còn ghi nhận sự sáng tạo độc nhất của B&W khi hãng nghiên cứu và áp dụng vật liệu Kevlar cho màng loa mid/bass. Hình ảnh màng loa vàng Kevlar là nét đăc trưng luôn có mặt trong các dòng sản phẩm của B&W cho đến ngày hôm nay. Kevlar vốn là vật liệu thường thấy ở các áo vest chống đạn, B&W đã nhìn nhận ngay ưu điểm về độ cứng cáp và khả năng đáp ứng tần số tái tạo âm thanh của vật liệu Kevlar và áp dụng trong các sản phẩm màng loa mid/bass. Với phương pháp giao thoa tia laser, giáo sư Peter Fryer là người tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu khả năng tái tạo âm thanh từ những vật liệu khác nhau, ông đã xem xét hình ảnh màng loa khi hoạt động và phát hiện ra rằng màng Kevlar hội đủ các yếu tố để cho ra thứ âm thanh dải trung chi tiết và sắc nét. Những dòng sản phẩm giai đoạn này phải kể đến DM6 và DM7.

Màng loa mid/bass vật liệu Kevlar. Vào thập niên 80, B&W lại giới thiệu dòng loa Matrix 801, 802, 803… sản phẩm được tín nhiệm sử dụng trong các phòng thu Deutsche Grammophon, EMI, Philips hay Decca. Một trở ngại cho các nhà sản xuất loa đó là hạn chế sự rung động của thùng loa, với rung động thừa âm thanh sẽ mất đi sự trung thực vốn có. Để hạn chế sự rung động, các kỹ sư luôn tìm cách triệt tiêu dao động hoặc gia cường độ chắc chắn vỏ thùng loa. Công nghệ Matrix của B&W đi theo hướng gia cường độ cứng vỏ thùng loa bằng cách đan xen nhiều lớp vật liệu và đồng thời chèn các vật liệu triệt tiêu giao động, khi đó sự cộng hưởng sẽ đạt kết quả khả quan. Cụm từ Matrix từ đó luôn gắn liền với các mẫu loa series 800. Năm 1987, John Bowers từ trần, thọ 64 tuổi.

Loa ốc Nautilus. Thập kỷ 90 phải nhắc tới tuyệt tác loa ốc Nautilus, với thiết kế loa có hình ốc duyên dáng kiêu kỳ. Đây có thể nói là tác phẩm đỉnh cao của B&W. Khác với loa thông thường thùng cộng hưởng có dạng khối, củ loa Nautilus đặt trong dạng ống, khi đó sóng âm thanh bị triệt tiêu khi chúng chuyển động về phía đuôi loa và không gây sóng phản xạ trong thùng loa. Đây là một cách tối ưu nhằm triệt sóng phản xạ, âm thanh truyền tới tai người thưởng thức sẽ rât trung thực. Phải mất 5 năm nghiên cứu B&W mới cho ra mắt được sản phẩm để đời này.

Dòng loa 800 Diamond. Đầu những năm 2000, dòng sản phẩm series 800 (từ 800 tới 805) với màng loa tweeter kim cương là sản phẩm nổi bật của hãng. Cấu tạo dòng loa vẫn với củ loa truyền thống mid/bass Kevlar, thùng loa Matrix kèm theo loa tweeter kim cương. Các kỹ sư chế tạo loa luôn tìm vật liệu thật cứng và tái tạo âm thanh dải cao chuẩn xác, như đã biết nếu sử dụng loa tweeter màng plastic hoặc màng dệt tần số đạt 10kHz, màng kim loại như nhôm, đồng hay titanium, tần số đạt 20kHz và nếu sử dụng vật liệu kim cương tần số có thể đạt ngưỡng 70kHz. Do đó, xu hướng chế tạo loa treble điện động hiện nay là vật liệu kim cương.

Từ khóa » Hãng B&w Loa