BS Chính Chưa Tới Kịp, điều Dưỡng Viên được Chỉ định Mổ Phẫu Thuật ...

  • Chưa được cấp phép nhưng vẫn phẫu thuật thẩm mỹ cho khách
  • Hỏng mí mắt vì quá tin thẩm mỹ viện mang danh Quốc tế
  • Tử vong sau khi thẩm mỹ căng da mặt
  • Đề xuất xử phạt thẩm mỹ viện hút mỡ, nâng ngực trái phép
  • Nữ khách hàng tử vong sau khi thẩm mỹ căng da mặt
Cần “dẹp loạn” quảng cáo trong hoạt động dịch vụ thẩm mỹ

Mới đây nhất, vào ngày 8-11, ngay khi ngành Y tế TP còn đang lo xử lý những ca tử vong sau làm đẹp căng da mặt, làm đẹp nâng ngực, rồi xăm chân mày tử vong,... thì theo xác nhận của bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, Phòng Y tế quận 2, Công an quận 2 và Thanh tra Sở Y tế Thành phố cũng đang tiến hành điều tra làm rõ vụ 01 nữ bệnh nhân tên N.T.D. (28 tuổi) nguy kịch, đang nằm tại một viện thẩm mỹ ở phường Thảo Điền, quận 2.

Bệnh nhân trên bị ngưng tim, ngưng thở nghi do làm đẹp tại phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ có địa chỉ: 189B/A7 đường Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền, Quận 2. Qua hồ sơ cho biết, đây là Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ thuộc Công ty TNHH VIVIAN - viện thẩm mỹ, mới được cấp phép vào tháng 3-2019.

Tại đây, đội Cấp cứu của Bệnh viện Quận 2 tiếp nhận, cấp cứu cho nữ Bệnh trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở, sau 20 phút hồi sức tích cực, bệnh nhân có lại dấu hiệu sinh tồn, được đặt nội khí quản, duy trì đường thở và ngay sau đó được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy. Tuy nhiên, tình trạng vẫn nguy kịch nên hiện bệnh nhân đang được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện Chợ Rẫy. Chẩn đoán hiện tại của Bệnh viện Chợ Rẫy: Hôn mê sau ngưng hô hấp tuần hoàn – Theo dõi sốc phản vệ nghi do kháng sinh (chưa rõ loại) – Hội chứng nguy ngập hô hấp cấp (ARDS) - Suy đa cơ quan/Lupus.

Ngành Y tế TP HCM quyết tâm sẽ dẹp tình trạng quảng cáo vô tội vạ trên mạng trong hoạt động dịch vụ làm đẹp, thẩm mỹ (Hình minh hoạ).
Phòng Y tế Quận 2 đã phối hợp Công an Quận 2, chính quyền phường Thảo Điền tiến hành niêm phong tất cả tài liệu liên quan, lấy lời khai của các cá nhân liên quan tại phòng khám trên để phục vụ cho công tác điều tra. Đồng thời, Phòng Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng đã yêu cầu phòng khám này tạm ngưng hoạt động. Tin báo về tình trạng bệnh nhân N.T.D được nhận vào khoảng 11 giờ 55 phút ngày 7-11, Trạm Cấp cứu vệ tinh 115 tại Bệnh viện Quận 2 nhờ hỗ trợ. Khi nhân viên của trạm cấp cứu đến nơi thì nạn nhân đã ngưng tim ngưng thở, suy hô hấp, phổi tổn thương nặng, nghi ngờ do sốc phản vệ. Bệnh nhân được đưa về Bệnh viện Quận 2 với chẩn đoán ngừng tim, ngừng thở do sốc phản vệ kháng sinh.

Tuân thủ đúng qui trình của Y khoa thì hiếm khi xảy ra tai biến trong phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ. PGS.TS Đỗ Quang Hùng nhận xét( Hình minh hoạ).

Đến 13 giờ 45 phút cùng ngày dù đã được cấp cứu có mạch và tim đập trở lại, tuy nhiên các bác sĩ thấy tình trạng chị D. bứt rứt, diễn tiến khó lường nên đã đặt nội khí quản và chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị.

Được biết, Phòng khám trên được cấp giấy phép với hình thức hoạt động: phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ. Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật là Bác sĩ Trần Viết Thịnh, chứng chỉ hành nghề do Bộ Y tế cấp ngày 08/6/2017.

Ngày 10-11, sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho hay, Sở Y tế sẽ phối hợp chặt với cơ quan điều tra Quận 2, theo dõi tình hình sức khỏe bệnh nhân tại Bệnh viện Chợ Rẫy và tiếp tục thông tin vụ việc sau khi có kết quả điều tra từ cơ quan chức năng.

Như vậy, chỉ trong vòng thời gian ngắn, trên địa bàn thành phố liên tục xảy ra 3-4 vụ việc tai biến nghiêm trọng gây thương vong cho bệnh nhân liên quan tới lĩnh vực phẫu thuật làm đẹp.

Cũng tại buổi Hội nghị nhằm chấn chỉnh lại hoạt động của các cơ sở hoạt động Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ (PT THTM) trên địa bàn vào ngày 7-11 của Sở Y tế thành phố, ông Tăng Chí Thượng, Phó GĐ sở Y tế thừa nhận về tình trạng đang rất khó kiểm soát của các cơ sở làm đẹp, nhất là tình trạng loạn quảng cáo trên mạng xã hội của các cơ sở làm đẹp. Theo đó, ngành Y tế sẽ chuẩn bị riêng một bộ phận chuyên trách giám sát các quảng cáo trên lĩnh vực này. Trước mắt, Sở Y tế sẽ tiến hành kiểm tra, rà soát lại tất cả cơ sở có thực hiện dịch vụ thẩm mỹ trên địa bàn để ngăn chặn các sai phạm, tránh nguy cơ có thêm nạn nhân bị tai biến, tử vong khi đi làm đẹp.

Phải có tâm, có “tầm”, đừng lấy bệnh nhân làm thành vật thí nghiệm

Tuy nhiên, từ nhiều thông tin phản ánh của báo chí, người dân, lâu nay, việc mất kiểm soát trong hoạt động của các dịch vụ làm đẹp là điều có thật và vì nhiều lý do cho tới nay tình trạng này ngày càng dường như khó kiểm soát. Theo thống kê của Sở Y tế, hiện trên địa bàn chỉ có 15 bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ; 10 bệnh viện đa khoa có đơn vị hoặc khoa thẩm mỹ; 186 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ; 8 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ (loại hình chỉ có văn bản thông báo đủ điều kiện hoạt động không cần cấp phép). Nhưng, bên cạnh đó, còn rất nhiều phòng khám chuyên khoa da liễu có thực hiện kỹ thuật thẩm mỹ nội khoa.

Ngoài ra, có tới gần 1.400 cơ sở chăm sóc da, cơ sở thẩm mỹ, Spa đang hoạt động với đủ kiểu chào mời khách hàng, tham gia vào lĩnh vực bắt buộc phải có chuyên môn của ngành Y, sử dụng tới cả các phương pháp kỹ thuật vô cảm, gây tê, gây mê mà ngành gần như buông lỏng, không thể rà soát và kiểm tra nổi. Các cơ sở này thông qua hệ thống mạng, thực hiện đủ các chiêu trò quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội và nhiều phương tiện truyền thông khiến người dân hiểu lầm và tìm đến thực hiện dịch vụ thẩm mỹ. Số lượng các cơ sở dù chỉ là dịch vụ chăm sóc da, Spa, nhưng hoạt động tham gia vào lĩnh vực tiểu phẫu, thực hiện các kỹ thuật xâm lấn, có gây tê như làm mắt, làm môi, chẻ cằm, tiêm chất làm đầy…mà không cần xin phép theo quy định, đã bị thanh tra Sở Y tế thành phố phát hiện, xử lý, xử phạt nhiều lần. Tuy nhiên, do mục đích lợi nhuận, các cơ sở vẫn liều mạng vi phạm.

Đại diện Thanh tra Sở Y tế cũng thừa nhận, qua công tác thanh kiểm tra tại một số cơ sở đã phát hiện nhiều sai phạm rất nghiêm trọng, những người thực hiện các kỹ thuật làm đẹp có xâm lấn trên bệnh nhân đều không có chuyên môn về y khoa. Hai ca bệnh tiêu biểu nhất cho tình trạng trên là trường hợp tử vong sau đặt túi ngực tại Bệnh viện Thẩm mỹ EMCAS và trường hợp phẫu thuật hút mỡ bụng trên bệnh nhân đang mang thai 8 tuần tuổi do Thẩm mỹ viện Sophie International gần đây rồi chuyển đến Bệnh viện EMCAS phẫu thuật.

Trước tình trạng loạn của hoạt động dịch vụ thẩm mỹ, đại diện cho lãnh đạo ngành Sở Y tế, ông Tăng Chí Thượng cho biết sẽ hạ quyết tâm triển khai thêm nhiều phương án để kịp thời xử lý đối với các cơ sở sai phạm. Thậm chí, có tính tới phương án phản ứng nhanh trên cơ sở toàn dân cùng giám sát các sai phạm trong hoạt động thẩm mỹ. Tuy nhiên, theo PGS .TS Đỗ Quang Hùng : “Với người bác sĩ, khi hành nghề, dù ở vị trí nào, phẫu thuật hay không, thì cứ phải có tâm, có “tầm”, chứ đừng lấy bệnh nhân làm thành vật thí nghiệm”. Ông chia sẻ, là một bác sĩ đã có trên 35 năm trong nghề, trải qua hàng ngàn ca phẫu thuật tạo hình nâng ngực nhưng tại Khoa PT THTM của BV Chợ Rẫy chưa khi nào xảy ra trường hợp tử vong vì thực hiện kỹ thuật này cả. “Hiếm lắm! Nâng ngực thẩm mỹ rất hiếm khi xảy ra tai biến khi làm đúng qui trình”.

Ông Hùng nói. Với cách làm việc, điều hành một ca ngoại khoa trong bệnh viện hoàn toàn khác. Người BS làm việc độc lập và làm theo cái tâm của một người thầy thuốc. Trước hết là phải để bệnh nhân được an toàn trong cuộc mổ. Chúng tôi đã từng biết chuyện không thể tin nổi là có một cơ sở làm phẫu thuật thẩm mỹ tư nhân, họ liều mạng tới mức, BS đứng tên chính trong ca mổ do chưa tới kịp, chủ cơ sở chỉ định ngay cậu điều dưỡng thường xuyên phụ mổ cho vị bác sĩ này làm cho bệnh nhân vì đã “quen tay”, nhìn bác sĩ làm riết thành ra “thợ mổ”. Chuyện điều dưỡng đứng mổ này thì chỉ có ở Việt Nam”. BS Hùng trầm giọng kể.

Theo PGS TS Quang Hùng, “cái tầm” của người bác sĩ ở đây chính là chuyên môn tốt vì khách hàng có thể bị lừa 1 lần chứ không thể bị lừa lần 2. Mà đã sai sót trong làm đẹp, làm thẩm mỹ thì điều đau lòng nhất cho bệnh nhân đó còn là sự tổn thương tinh thần. Do ảnh hưởng tới ngoại hình của con người đó đi theo trong suốt cuộc đời…

Từ khóa » Bs đỗ Quang Hùng